(Baonghean) Ở khối 5 thị Trấn Anh Sơn tìm gặp một người thương binh mà mỗi lần nhắc đến tên ông, người dân nơi đây đều rất kính trọng bởi lối sống giản dị, mẫu mực và nghị lực vươn lên không cam chịu đói nghèo đó là ông Đặng Bá Long, 63 tuổi, chủ của một trong những doanh nghiệp tư nhân làm ăn ổn định nhất trên địa bàn huyện Anh Sơn trong nhiều năm nay.
Sinh ra trong một gia đình nghèo, năm 1972, chàng trai trẻ Đặng Bá Long tình nguyện tham gia nhập ngũ tại Sư đoàn 324, Đơn vị C5-D8-E66- S304 Quảng Trị. Cùng với các đồng đội, chiến sỹ, ông Long đã có những ngày đêm cầm súng chiến đấu kiên cường chống đế quốc Mỹ xâm lược để bảo vệ Thành cổ Quảng Trị. Trong một trận đánh ác liệt, ông bị thương nặng. Năm 1974, sau nhiều lần điều trị tại các bệnh viện lớn để phục hồi sức khỏe, ông được đơn vị luân chuyển về công tác tại Ban Tác chiến Đoàn An dưỡng 200 – quân khu 4. Tại đây, ông đã đem lòng yêu thương và nên duyên với một người phụ nữ cùng cảnh ngộ là chị Đinh Thị Thắm, thương binh của Sư đoàn thông tin 559. Năm 1993, sau hơn 20 năm chiến đấu và công tác, ông Long và vợ được nghỉ hưu về sinh sống, làm ăn tại quê nhà ở khối 5, Thị trấn Anh Sơn.
Trở về địa phương trong những năm đầu, gia đình ông đối mặt với muôn vàn khó khăn, vất vả. Trong căn nhà nhỏ lụp xụp, 4 thế hệ cùng sinh sống, ông phải gồng mình tìm kế sinh nhai để nuôi mẹ già, em trai, 4 đứa con học hành và đứa cháu nội. Thu nhập chính của gia đình chỉ trông cậy vào đồng lương ít ỏi của hai vợ chồng, ruộng đất không có. Chưa kể những khi trái gió trở trời vết thương cũ tái phát hành hạ, ông và vợ phải nhập viện điều trị nhiều lần, khó khăn càng chồng chất. Không cam chịu đói nghèo, ông cùng vợ làm rất nhiều nghề, đầu tiên là mở ốt sửa chữa xe đạp, bán hàng tạp hóa, sau đó mở cửa hàng ăn uống và rửa xe máy.
![]() |
Nhờ siêng năng làm ăn và biết cách tích cóp, ông đã từng bước đưa gia đình mình thoát khỏi đói nghèo. Năm 2002, khi người con trai đầu của ông hoàn thành nghĩa vụ quân sự, trở về địa phương học nghề cơ khí hàn xì, nhận thấy nhu cầu sử dụng các sản phẩm kim khí ngày càng nhiều, sẵn dành dụm được một ít vốn liếng, ông mạnh dạn bàn với vợ vay thêm tiền từ bạn bè, anh em và tranh thủ nguồn vốn vay từ ngân hàng chính sách để đầu tư mở xưởng cơ khí. Xưởng cơ khí Long Thành Công được mở ra từ ngày đó, chuyên sản xuất các loại sản phẩm cửa sắt, cửa nhôm, kính, hàn xì i nốc, khung cửa, tủ, giường, cầu thang, mái tôn… Sản phẩm của Long Thành Công đã được người tiêu dùng tin tưởng. Mỗi năm xưởng mang lại thu nhập cho gia đình ông từ 200-300 triệu đồng tiền lãi.
Năm 2008, sau 6 năm hoạt động ổn định và phát triển, ông Long quyết định thành lập doanh nghiệp sản xuất do con trai ông là Đặng Bá Thành làm giám đốc. Những năm gần đây, mỗi năm doanh nghiệp thu nhập từ 400-500 triệu đồng, tạo việc làm thường xuyên cho nhiều lao động tại địa phương. Từ một gia đình thương binh nghèo, đến nay, gia đình ông Long đã có một cơ ngơi nhà cửa đàng hoàng, sang trọng với đủ tiện nghi phục vụ cuộc sống, các con ông đều học hành thành đạt.
Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông Long còn tích cực tham gia hoạt động công tác hội tại địa phương. Ông từng là Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh, khối phó phụ trách an ninh xã hội của Thị trấn nhiều năm. Gia đình ông luôn gương mẫu thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và các phong trào thi đua tại khu dân cư. Ông đã được Trung ương Hội, UBND tỉnh Nghệ An tặng bằng khen Hội viên Hội CCB làm kinh tế giỏi trong nhiều năm liền.