Một vùng "non xanh, nước biếc"

03/03/2015 08:32

(Baonghean) - Không tráng lệ sầm uất như những trung tâm đô thị lớn trong nước và thế giới, cũng chưa nổi bật với những khu vui chơi cao cấp, nhưng với khách du lịch, mảnh đất Nghệ An vẫn tự hào bởi sức hút đặc biệt của riêng mình. Thế sông, dáng núi hữu tình; linh thiêng những đình, chùa, miếu, mạo; vọng vang hào khí cách mạng sục sôi và đằm địa bao giá trị văn hóa phi vật thể, được bồi đắp từ trầm tích và hồn cốt của đất và người tự ngàn năm… Bình dị và mộc mạc thế thôi, nhưng ẩn chứa nội lực mạnh mẽ của miền quê hướng tâm và bao khát khao lan tỏa, hội nhập…

Phong phú tiềm năng

Cái khát khao lan tỏa, hội nhập ấy đã hiển hiện trong từng khởi sắc diện mạo tỉnh nhà, với bao nỗ lực kết nối tour, tuyến du lịch, để nhiều người biết đến mảnh đất xứ Nghệ này không còn với định danh “gió Lào, cát trắng” nữa, mà trở thành một điểm đến du lịch đầy hấp dẫn. Là tỉnh có trên 1.000 di tích lịch sử, văn hóa, trong đó có 131 di tích đã được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử quốc gia, Nghệ An đã trở thành một trong những điểm nhấn trong dặm dài hành trình di sản miền Trung. Chẳng còn xa ngái những Cửa Lò, Thành Vinh, Nam Đàn, Vườn Quốc gia Pù Mát; hay đến tận cùng miền Tây xứ Nghệ, với bát ngát sinh thái vùng Quỳ Châu - Quế Phong, bởi giờ đây những cửa ngõ vào xứ Nghệ đều đã thông trên mọi tuyến đường không, đường bộ, đường thủy…

Quang cảnh Lễ hội Đền Chín Gian.  Ảnh: Trần Cảnh Yên
Quang cảnh Lễ hội Đền Chín Gian. Ảnh: Trần Cảnh Yên

Với những người yêu xứ Nghệ, hẳn quan tâm đến các bước chuyển biến tích cực trong lĩnh vực du lịch của tỉnh trong những năm qua, mà trọng điểm là tập trung đầu tư, khai thác trung tâm du lịch biển Cửa Lò. Nhớ lại những năm đầu thập niên 1990, làng chài bé nhỏ và heo hút ấy còn đậm vẻ hoang sơ. Nguồn sống của cư dân biển chủ yếu dựa vào đánh bắt hải sản ven bờ, phương tiện, kỹ thuật đánh bắt hạn chế, chưa hề có khái niệm phát triển du lịch. Trong khi đó, tiềm năng sẵn có trước mắt, thì nhìn đâu xa, bãi bờ thoai thoải, cát trắng phau mịn màng, sừng sững uy nghi những Hòn Ngư, Hòn Mắt làm tiền đồn phía biển. Mấy mươi năm miệt mài bồi đắp, dựng xây, từ tiềm năng đã biến thành nguồn nội năng mạnh mẽ, Cửa Lò hoang sơ đã khoác lên mình diện mạo hợp thời, năng động. Về miệt biển hôm nay, khang trang đường ngang, lối dọc rộng mở đón chào du khách muôn phương. Hàng năm, riêng đầu tư cho các công trình du lịch đã lên tới hàng tỷ đồng, trong đó nhiều công trình đã trở thành điểm nhấn cho du lịch Cửa Lò như Quảng trường Bình Minh, Nhà thi đấu thị xã, đảo Song Ngư, dự án sân Golf 18 lỗ gắn với khách sạn nhà nghỉ cao cấp của Công ty CP Golf biển, Trường ĐH tư thục CN Vạn Xuân, Nhà máy bánh kẹo Tràng An… Từ Cửa Lò, nhiều tour du lịch đã hình thành những tuyến nối các điểm di tích lịch sử - văn hóa hấp dẫn khác như Cửa Lò - quê Bác; Cửa Lò - sông Lam - đền Củi; Cửa Lò - Vinh - Khu di tích Kim Liên - rừng nguyên sinh Pù Mát; du thuyền vãn cảnh đảo Lan Châu - động Rùa - đảo Tiên… hay Cửa Lò - Cửa khẩu Cầu Treo - Lạc Xao; Cửa Lò - Bãi Lữ…

Nếu bãi bờ ngút ngát Cửa Lò vẫn chưa đủ thỏa thú vẫy vùng riêng tư, thì mời bạn hãy mạnh dạn thử tour này: xuôi đường du lịch ven sông Lam, hít căng lồng ngực thị thành ồn ã bầu trong lành mát rượi của đất trời xứ Nghệ, để rồi vỡ òa những xúc cảm thao thiết, bình yên trước biển xanh Cửa Hội. Nơi đây đã thành lập Khu du lịch sinh thái vào năm 2000 với tổng diện tích trên 5 ha, nằm ẩn mình dưới bát ngát rặng phi lao, đa dạng các dịch vụ ăn uống hải sản, nghỉ nhà sàn, câu cá hồ nước ngọt, tắm biển… Không xa đây là khu rừng ngập mặn mà người dân địa phương vẫn thường gọi là rừng bần (thuộc địa phận Hưng Hoà, Thành phố Vinh). Rừng bần, hay còn được biết đến với cái tên Tràm Chim xứ Nghệ, bởi vào mùa lá rụng, du khách có thể nhìn thấy cả khoảng rừng bao la với hàng vạn con chim, cò đậu trên những cây bần…

Chắc hẳn, đã từng có một thời, ngay cả chính những cư dân Nghệ An cũng không thể ngờ đến cái ngày, những núi, những sông, những đền, chùa, miếu, mạo… gắn bó thiết thân với đời sống thường nhật mỗi ngày lại có thể trở thành điểm đến du lịch đầy hấp dẫn. Điều không ngờ ấy, cũng tựa như ai đó đã từng nghi ngại, rằng mảnh đất nắng hạn chang chang, gió Lào bạc trắng, là điểm đòn gánh nhọc nhằn cõng hai đầu đất nước lại có thể trở thành địa chỉ đỏ trong các dư địa chí về du lịch trong nước và quốc tế. Vượt qua tất thảy những ngờ vực ấy, người Nghệ An đã dõng dạc mà tỏ bày cho du khách gần xa bằng chính vẻ đẹp đầy sức sống của mình. Vẻ đẹp ấy dày lên trong tầm vóc lịch sử - văn hóa, với hàng loạt di tích trên con đường lịch sử 12/9, với quê hương cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong, và “trái tim” của xứ Nghệ - Nam Đàn, quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ai đã mệnh danh cho xứ Kỳ Nam này là “Nam Đàn xưng thánh”, để rồi hiện hữu trong dư địa chí cổ kim những nhân vật hiển hách trong lịch sử dân tộc: quê hương của Vua Mai, quê hương của La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp, quê hương của Phan Bội Châu… Mỗi nhân vật gắn với bao huyền tích về sự nghiệp giữ nước vẻ vang, lặn vào hồn đất, hồn người mênh mang.

Hội nhập và phát triển, du lịch xứ Nghệ đã hòa vào xu thế mới với hình thức du lịch cộng đồng, hứa hẹn sẽ là lối mở triển vọng, thu hút đông đảo du khách không chỉ trong nước mà còn vươn tầm quốc tế. Cả một miền trầm tích dày dặn văn hóa và cảnh sắc thiên nhiên trữ tình miền Tây xứ Nghệ đã làm nên “vốn liếng” cho tương lai ấy. Ai đã đến thăm hai trung tâm du lịch cộng đồng ở miền Tây xứ Nghệ, là Trung tâm du lịch Vườn Quốc gia Pù Mát và Trung tâm du lịch văn hoá - sinh thái Quỳ Châu - Quế Phong, hẳn sẽ còn muốn đến thăm nhiều lần thêm nữa. Vẻ hùng vĩ của ngọn thác, sự vĩ đại của mẹ rừng già thiên nhiên và những tiện ích dịch vụ du lịch ngày càng được cải thiện về chất lượng, số lượng… thu hút ngày càng đông du khách.

Xây dựng sản phẩm đặc trưng

Ngoài di sản văn hóa vật thể với hơn 1.000 di tích lịch sử, văn hóa, danh lam, thắng cảnh, tỉnh ta còn có khoảng hơn 20 lễ hội lớn nhỏ khác nhau cùng những di sản văn hóa phi vật thể là các làn điệu dân ca, dân vũ, dân nhạc, trò chơi dân gian đặc sắc và nhiều loại hình khác… được xem là tiếng lòng, là nội tâm của người Nghệ. Nổi bật là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại- Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh. Ví, giặm hay đến thế, chân thành và sâu sắc đến thế, đã ngàn năm bền bỉ và lan tỏa, là sức sống nội sinh của miền quê hướng tâm, những điều ấy không ai có thể phủ nhận. Nhưng làm thế nào để di sản văn hóa của ông cha được nhân rộng, trở thành đặc sản du lịch, là món ăn tinh thần không thể thiếu, không chỉ với người Nghệ, mà còn đối với bạn gần xa? Đã có rất nhiều cuộc hội thảo như Liên kết xây dựng sản phẩm du lịch các tỉnh Bắc miền Trung, Liên kết phát triển du lịch Thanh - Nghệ - Tĩnh, ký kết cùng phát triển giữa Nghệ An - TP. Hồ Chí Minh, Nghệ An - Đà Lạt, Nghệ An - Viêng Chăn - UdonThani… đặt ra vấn đề: làm thế nào để dân ca thành sản phẩm du lịch đặc trưng của xứ Nghệ?

Du khách tham quan đảo Ngư  bằng thuyền cao tốc. Ảnh: Nguyên Sơn
Du khách tham quan đảo Ngư bằng thuyền cao tốc. Ảnh: Nguyên Sơn

Bà Nguyễn Thị Hương, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến du lịch tỉnh cho biết: “Năm 2010, trong Hội nghị xây dựng sản phẩm du lịch đường bộ Lào - Thái - Việt tại Thái Lan, Trung tâm Xúc tiến du lịch đã mời các nghệ sỹ, diễn viên Nhà hát dân ca cùng tham dự để giới thiệu về những điệu hò, câu ví, giặm xứ Nghệ trên đất Thái Lan. Dịp này, đoàn cũng đã biểu diễn phục vụ bà con người Việt đang sinh sống tại Thủ đô Băng Cốc và được đón nhận rất nồng nhiệt. Rất nhiều khách quốc tế tại Thái Lan đã đến xem và rất thích thú, nhiều khách du lịch còn bày tỏ mong muốn sẽ được nghe nhiều làn điệu Dân ca, ví, giặm hơn nữa. Và dịp này, chúng tôi đã bán được rất nhiều đĩa VCD về dân ca. Đây là lần đầu tiên trong hoạt động xúc tiến chúng tôi mời Nhà hát dân ca đi cùng, và tôi thấy hoạt động này rất hiệu quả trong công tác tuyên truyền, quảng bá di sản quý giá này”.

Di sản vật thể và phi vật thể phải quyện hòa vào nhau, có như vậy mới đủ sức nặng làm nên nét riêng đặc trưng trong hành trình du lịch xứ Nghệ. Để dân ca trở thành sản phẩm du lịch rất cần sự phối hợp, quan tâm của các địa phương, nhất là các địa phương có tiềm năng du lịch như Thành phố Vinh, Cửa Lò, Nam Đàn. Bà Lê Thị Hằng, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Đàn cho rằng: Năm 2006, Nam Đàn đã tiến hành xây dựng Đề án Bảo tồn, phát huy hát ví phường vải, xây dựng hát ví phường vải thành sản phẩm du lịch độc đáo của quê Bác. Với ý tưởng sẽ thành lập một đội Dân ca, ví phường vải tại Khu di tích Kim Liên - hiện đang là điểm đến hấp dẫn, điểm du lịch quan trọng nhất của xứ Nghệ, thời gian tới, sau khi các hạng mục cuối cùng của Dự án “Bảo tồn tôn tạo Khu di tích lịch sử, văn hóa Kim Liên gắn với phát triển du lịch” hoàn chỉnh, chúng tôi sẽ thực hiện bằng được ý tưởng này.

Thiết nghĩ, ngành VH-TT&DL Nghệ An, cụ thể là Trung tâm Bảo tồn phát triển Dân ca xứ Nghệ nên tổ chức những chương trình biểu diễn dân ca, bán vé cho du khách vào một số ngày cố định, có thể là thứ Bảy hàng tuần. Hoặc kết hợp với các khách sạn, khu du lịch lớn nào đó, tổ chức đêm tiệc ngoài trời, tiệc cuối tuần vừa bán vé thưởng thức ẩm thực xứ Nghệ vừa khám phá các làn điệu dân ca đằm thắm. Một cách xã hội hóa mà các di sản như đờn ca tài tử, ca Huế... đang làm khá tốt là cơ quan bảo tồn di sản kết hợp cùng doanh nghiệp, tạo ra một mô hình và không gian cụ thể để quảng bá và tạo thành sản phẩm du lịch. Ví dụ, chúng ta có thể gắn kết cùng doanh nghiệp đóng và khai thác du thuyền ẩm thực tại khu du lịch Cửa Lò ngày hè, hay Cung Lễ hội TP. Vinh, hoặc khu vực Cửa Hội, đường ven sông Lam khu gần Cảng Bến Thủy vừa thưởng thức ẩm thực, cafe, kết hợp nghe hát dân ca. Chi phí phục vụ này được chi trả trong giá dịch vụ của từng sản phẩm mà khu du lịch bán cho du khách. Với hình thức này thì khách du lịch, công ty kinh doanh, và cơ quan bảo tồn đều có lợi. Qua đó, dân ca sẽ được nhiều du khách biết đến, yêu thích hơn…

Phương Chi - Thanh Thủy

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
Một vùng "non xanh, nước biếc"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO