Mùa báo hiếu

09/08/2014 11:14

(Baonghean) - Tôi lớn khôn, phong tục Á Đông mình cũng biết thêm nhiều lẽ. Suy xét việc làm của bản thân thấy mình vẫn chưa ngày nào báo hiếu trọn vẹn được công ơn cha mẹ, tổ tiên...

Lễ Vu Lan tại chùa Phúc Thành xã Hưng Châu (Hưng Nguyên).
Lễ Vu Lan tại chùa Phúc Thành xã Hưng Châu (Hưng Nguyên).

Chùa Phúc Thành, xã Hưng Châu, huyện Hưng Nguyên, đêm tổ chức Đại lễ Vu Lan báo hiếu nườm nượp người về đây, lặng lẽ thành kính. Trong dòng người hiếu đạo đến với ngôi chùa bên dòng Lam này, tôi đặc biệt chú ý đến Tâm. Tâm hôm nay ăn mặc tinh tươm, như khác hẳn cái thằng nhóc ôm chiếc hộp gỗ cáu bẩn, đựng vài chiếc bàn chải, vài hộp xi, một chiếc túi ni lông cũ và vài đôi dép lê vẫn thường đánh giày ở quán cà phê trước ngõ. Tôi nhận ra Tâm bởi đã quá quen khuôn mặt đen đúa, già trước tuổi, mái tóc cháy khét và đôi mắt sáng lạ lùng luôn nhìn xuống tìm kiếm…Tâm cũng như mọi người nơi đạo tràng này chắp tay thành kính lắng nghe những lời kể chuyện, huấn thị của Đại đức Thích Định Tuệ, không hiểu đôi mắt trầm buồn lặng lẽ như hồ thu của thằng bé suốt ngày lang thang đang nhìn về Đức Phật hay cõi hư vô? Lễ Vu Lan này tại chùa Phúc Thành có lễ “Bông hồng cài áo” - Ai còn cha còn mẹ thì cài lên ngực áo mình đóa hoa hồng màu đỏ thắm màu của sự thương yêu, màu của bao vất vả, gian lao mà hai đấng sinh thành đã chắt chiu cho ta trưởng thành qua bao năm tháng; Ai bất hạnh vì đã mất mẹ, mất cha thì cài lên ngực áo của mình đóa hoa buồn trinh trắng. Tâm lưỡng lự, xin cho mình một bông hồng trắng, rồi lại xin thêm một bông hồng đỏ. Nghe lời Pháp thoại “Thật là sung sướng thay cho những ai còn cha còn mẹ trên đời. Vì khi ấy, ta còn cả một vùng trời bình yên. Xin hãy trân trọng điều ấy và giờ khắc này”, Tâm lặng lẽ khóc, nước mắt lăn dài trên khuôn mặt dường như đã đanh lại bởi hàng ngày phải đối diện với quy luật của sự sinh tồn.

Ngồi bên bờ đê, gió sông lùa lên lành lạnh. Thằng bé 14 tuổi kể tôi nghe về chuyện đời của nó ngày chưa xa: Quê Tâm là vùng đất chè nằm bên dòng Lam. Ngày trước, nó vẫn thường được mẹ dắt đi lễ chùa vào dịp Lễ Vu Lan. Mẹ Tâm kể cho nghe về chuyện Bồ tát Mục Kiều Liên đại hiếu đã cứu mẹ của mình ra khỏi kiếp ngã quỷ. Và không biết từ lúc nào, trong ý thức thơ dại của nó đã định hình nên Vu Lan là ngày lễ hàng năm nhằm tưởng nhớ công ơn cha mẹ, tổ tiên nói chung. Dẫu mẹ đã cấm ra khỏi nhà vào lúc trời tối, nhưng thằng bé hiếu động vẫn xí xớn mặc bộ quần áo mới trốn đi chơi xem hàng xóm, thiên hạ cúng những bỏng, oản xanh, đỏ, tím, vàng ngoài đường. Bộ quần áo mới năm đó đã bị bẩn bởi người ta vô tình hất cháo lá đa vào người. Mẹ Tâm không hề đánh hay la mắng, chỉ giảng giải thêm về Lễ Vu Lan cũng trùng với ngày xá tội vong nhân… Ngày bình yên dần xa, mẹ nó mắc bạo bệnh qua đời, bố nó đi bước nữa. Hai năm trước, nó dạt về thành phố kết bạn cùng mấy đứa có chung hoàn cảnh. Đi đánh giày, đứa khéo miệng thì mời khách, đứa còn lại thì đánh bóng và thu tiền. “Trời nắng thì bọn em còn kiếm đủ tiền nhà trọ tiền cơm trong ngày, trời mưa thì bị đói chắc”.

Giọng Tâm chùng xuống: “Ngày trước khi mẹ còn, em cũng từng được đi học. Từ khi bố lấy vợ khác thì cuộc sống em thay đổi hẳn. Chưa hết buồn vì mất mẹ, em lại càng buồn hơn bởi sự đay nghiến, chí chiết của dì. Trong mắt dì em là cái gai, cái đinh, là đứa ăn hại… Bố đi làm biền biệt mà mỗi lần về hình như ông đã quên sự có mặt của em trên cõi đời này”. Tâm ngồi co ro, rưng rưng khóc thổ lộ tôi nghe điều ao ước thầm kín “Phải chi em còn mẹ, em sẽ được đi học… em thích trở thành luật sư”. Ước mơ ấy bây giờ đã bay xa, xa như vầng trăng, như mẹ Tâm đã rời xa nó. Cuộc sống của nó bây giờ là những ngày lang thang kiếm sống, tối về ghế đá công viên, vỉa hè, lạnh lẽo, sang hơn một chút là phòng trọ tồi tàn, hôi hám, nóng bức; là nỗi lo gặp dân nghiện bị xin tiền, đánh đòn; là những cuộc tranh giành khách, ẩu đả do “xâm phạm lãnh thổ”. Thú vui duy nhất của Tâm và mấy đứa bạn là đánh bài ăn tiền, dẫu mỗi ván chỉ 1 ngàn đồng, có dư chút thì vào quán chơi điện tử. “Ước mơ của em bây giờ là sáng mai đi làm gặp ai mời họ cũng đánh giày và tăng giá thêm 5 nghìn một đôi”… Nhớ mẹ, mỗi tháng vào ngày Rằm, Tâm lại lấy cho mình bộ quần áo lành lặn nhất và lên chùa thắp hương, khóc, cầu khấn mẹ yên lành, phù hộ nó bình an…Tâm xin đi nhờ xe tôi về. Bóng em đổ dài, liêu xiêu, mất hút sau ngách chợ. Tôi không chắc cuộc sống nghiệt ngã có biến Tâm và bạn em thành những con sói con hay không nhưng tôi vẫn tin sự hướng thiện, hạnh hiếu trong em. Như cách em đã chọn bông hồng trắng và thêm một bông hồng đỏ.

Với tôi, một mùa báo hiếu nữa lại về. Tôi lớn khôn, phong tục Á Đông mình cũng biết thêm nhiều lẽ. Suy xét việc làm của bản thân thấy mình vẫn chưa ngày nào báo hiếu trọn vẹn được công ơn cha mẹ, tổ tiên, chưa tích đức hành thiện được nhiều. Lập gia đình, cuộc sống áo cơm bận bịu đã kéo tôi đi, chưa mấy ngày ngoái đầu trở lại. Mẹ, cha không trách bởi thương con “nước mắt chưa bao giờ chảy ngược”. Dù cho đi hết cuộc đời thì lòng cha mẹ vẫn không phút giây nào thôi trông mong, lo lắng cho những đứa con dứt ruột sinh thành. Mùa Vu Lan này, mẹ có tuổi rồi nên ở nhà, tôi một mình đi trong tiết thu của ngày tình thương… Chuyện của Tâm, chuyện của bản thân, những suy nghĩ như đan xiết vào nhau. Lại thêm một đêm mất ngủ. Như một thói quen, ngồi dậy, bật vi tính lên vào facebook. Facebook dày đặc những dòng cảm xúc của bạn bè, của người quen và chưa quen về ngày Vu Lan – “Sống chậm lại, yêu thương nhiều hơn”, “Ai còn cha mẹ… xin đừng thờ ơ”. Một anh bạn xa nhà phiêu dạt trời Âu viết lên những lời như trút từ ruột gan: “Mẹ cha là nơi trút bỏ mọi ưu tư, sầu khổ của kiếp người; là nguồn cội, là cái nôi sinh thành và cho ta được sống để có thể biết khổ đau hay hạnh phúc. Kiếm đâu ra trên thế gian này một điểm tựa vững chắc như cha. Tìm đâu ra giữa biển người bao la một vòng tay ấm áp yêu thương như vòng tay mẹ”. Cộng đồng face nhắc nhở nhau “mọi người hãy quan tâm, chăm lo đến cha mẹ của mình bằng những hành động thiết thực”.

Mùa Vu Lan về, Hạnh – cô bạn blogger nổi tiếng của tôi viết lên trang nhật ký của mình một bức thư dài lắm, như tiếng khóc vỡ òa nức nở: “Tuổi thơ con lại gắn liền với sự chăm bẵm của ba nhiều hơn là của mẹ. Hằng ngày đưa đón con đi nhà trẻ, mẫu giáo là ba. Những tấm hình gia đình thuở ấy, người con đứng bên cạnh là ba. Ngày con vào lớp 1, đưa con đến trường, dẫn con vào lớp trong bẽn lẽn, rụt rè, sợ hãi, lạ lẫm là ba. Khi con ê a, đọc, viết, hướng dẫn con giải bài toán khó là ba… Cuộc sống con vẫn luôn gắn với hình ảnh và sự chăm sóc, dạy dỗ của ba. Đi học, xe hỏng, bạn đánh, đánh bạn: kêu Ba. Suốt 12 năm cắp sách tới trường, mời phụ huynh đi họp, ký sổ liên lạc, ký Bản tự kiểm điểm, đưa đón đợi con đi thi, vui buồn cùng thành tích của con: là ba. Rồi con lấy chồng. Hạnh phúc tưởng như an ổn, an nhiên, an lạc... Ngày con thất bại trong hôn nhân, ba mẹ lại dang rộng vòng tay đón con trở về. Khi đó, con gái con mới 18 tháng tuổi. Con vừa 25 cái xuân thì. Đong đầy nước mắt. Mẹ lúc ấy vẫn còn đi làm, ba thì đã nghỉ hưu, hầu hết thời gian bồng bế, chăm cháu, tã lót... vẫn là ba. Con thì công tác xa nhà, ba thay con làm cha, làm mẹ... cho cháu suốt cả thời ấu thơ. Con gái con lên 3, học mẫu giáo, ba là người đưa đón cháu hàng ngày... Vu Lan buồn, nghĩ về đấng sinh thành, con lại nghĩ về ba…”.

Tâm thư của Hạnh dài. Tôi biết chắc Hạnh đã khóc nhiều khi viết bức thư này để gửi cho mình mà không phải cho ba, hay cho bất cứ ai đọc… Đóng facebook lại, tắt máy tính đi để cố ru mình vào giấc ngủ. Ngày mai, vào dịp Rằm tháng 7 này, các dòng họ ở quê mẹ tôi – xã Hưng Tân, Hưng Nguyên lại tổ chức lễ cúng tổ tiên, đoàn tụ các thành viên họ tộc. Mẹ tôi vốn kỹ tính, dặn đi dặn lại “Ngày mai có đi đâu cũng nhớ buổi chiều chở mẹ về quê cúng tổ tiên. Lễ mẹ sắm đủ rồi, không phải mua nữa”.

Thanh Sơn

Mới nhất
x
Mùa báo hiếu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO