Mùa gieo trồng rừng non…

18/02/2014 14:01

(Baonghean) - Tết trồng cây thường được xem là việc khởi đầu cho trồng rừng vụ xuân và năm nay, do làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nên tết trồng cây xuân Giáp Ngọ 2014, các cơ quan, các ngành cũng như người dân trong tỉnh thực hiện vượt kế hoạch đề ra. Kết quả này là cơ sở quan trọng để tỉnh ta quyết tâm trồng mới 6.000 ha rừng vụ xuân 2014.

Giúp người dân cải thiện kinh tế

hỉ trong ngày đầu tiên lễ phát động trồng cây, người dân Tương Dương nô nức lên đồi trồng cây gây rừng. Ông Lô Toàn ở bản Thạch Dương, xã Thạch Giám cho hay: Vụ xuân thường tiết trời thuận lợi cho việc trồng rừng nên gia đình tôi đăng ký trồng trên 3.000 cây phân tán gồm xoan và lát ở cánh rừng Pu Lạn (giáp ranh với xã Yên Na). Đến thời điểm này đã trồng được trên 100 gốc, hiện toàn gia đình có 6 người đang phát dọn thực bì và đào hố để kịp trồng rừng vụ xuân. Theo ông Toàn, bà con chúng tôi chủ động bỏ chi phí ra để trồng rừng trước cho kịp tiến độ, chờ Nhà nước đầu tư hỗ trợ kinh phí sau. Gia đình ông đã bỏ ra 3,6 triệu đồng để trồng hết số lượng trên 3.000 cây phân tán.

Được biết bản Thạch Dương có trên 154 hộ dân đăng ký trồng trên 23.000 cây phân tán chủ yếu là xoan và lát, bà con phấn đấu đến hết tháng 3/2014 sẽ kết thúc trồng rừng vụ xuân. Tại bản Khe Chi, bà con đang tổ chức phát dọn thực bì, chuẩn bị cho công tác trồng rừng. Anh La Văn Phúc cho biết: Vụ xuân này gia đình tôi đăng ký trồng 1,2 ha rừng ở Na Phá, điều kiện địa thế núi rừng hiểm trở nhưng nhà đã phát dọn thực bì và đào hố được một nửa diện tích, hiện đang chờ lấy giống xoan lát của Công ty Lâm nghiệp Tương Dương là về trồng. Được biết, bản Khe Chi đăng ký trồng 76 ha rừng tập trung (diện tích nhiều nhất xã). Trước đây người dân chỉ biết đào hố trồng cây, ít chú trọng đến đầu tư chăm sóc, thì nay hầu hết bà con đều làm theo quy trình hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật là tiến hành đào hố bón lót cùng với phân chuồng hoai mục, phân NPK.

Ông Lô Văn Quyết - Chủ tịch UBND xã Thạch Giám nói thêm: Lâu nay, bà con Thạch Giám đã nhận thức rõ lợi ích kinh tế từ rừng và coi đó là một nghề không thể thiếu trong phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn. Vì vậy hầu hết đồi núi trọc đều đã được phủ xanh. Trong năm 2014, Thạch Giám đăng ký trồng gần 100 ha rừng tập trung (chủ yếu diện tích rừng nguyên liệu mới khai thác). Trong đó rừng phân tán huyện không giao nhưng bà con đăng ký trồng trên 70 ha. Ngay sau lễ ra quân tết trồng cây xã đã trồng được trên 600 cây phân tán ở các bản Lau, bản Mác, bản Thạch Dương. Cán bộ xã đang vận động bà con các bản huy động lực lượng ra quân phát dọn thực bì và đào hố. Đến thời điểm này đã phát dọn thực bì được trên 40% diện tích, phát dọn đến đâu tổ chức đào hố đến đó. Tín hiệu đáng mừng là sau khi hoàn chỉnh việc đào hố, huyện lồng ghép các chương trình dự án hỗ trợ kinh phí 5 triệu đồng/ha rừng trồng người dân sẽ có điều kiện để trồng và chăm sóc rừng, không để đất trống đồi núi trọc.

Bên cạnh việc chuẩn bị cho công tác trồng rừng, Tương Dương còn thực hiện tốt công tác chăm sóc và bảo vệ rừng trồng. Đi dọc các xã Tam Quang, Tam Thái, Xá Lượng… chúng tôi được chứng kiến những cánh rừng trồng xanh ngút ngút ngàn thay thế những cánh rừng lau lách trước kia. Anh Lô Thành ở bản Sơn Hà đang chăm sóc rừng xoan phấn khởi: Sau trồng rừng gia đình tôi tiến hành chăm sóc như làm cỏ, xới đất, vun gốc kết hợp bón thúc để xoan sinh trưởng tốt. Cứ đà này khoảng 5 năm nữa 3 ha xoan sẽ cho thu nhập lớn, đạt từ 45-50 m3/ha xoan, bán với giá 2,5-3 triệu đồng/m3, thu được khoảng 450 triệu đồng.

Ông Hồ Viết Sơn - Chủ tịch UBND xã Tam Quang chia sẻ: Đất nông nghiệp ít ỏi, trong khi đó đất rừng nhiều nên xã xác định kinh tế lâm nghiệp là chủ đạo, lấy trồng và phát triển rừng để xóa đói, giảm nghèo, cải thiện thu nhập cho bà con. Xã có Ban phát triển rừng, ban này có nhiệm vụ tham mưu cho UBND xã xây dựng kế hoạch trồng rừng, chăm sóc bảo vệ rừng. Mỗi thôn bản ở Tam Quang đều có tổ bảo vệ rừng, chủ yếu bảo vệ trâu, bò phá hoại rừng và PCCCR. Trong năm 2014, huyện giao xã trồng gần 60 ha rừng, bà con đang tiến hành chuẩn bị đào hố trồng. Do thực hiện tốt công tác trồng rừng nên hiện nay toàn xã đã phủ xanh được trên 1.100 ha rừng trồng. Ngoài việc chuẩn bị trồng rừng, xã chỉ đạo bà con tích cực chăm sóc rừng trồng, diện tích rừng 2-3 tuổi cần chăm sóc gồm xoan 350 ha, mét 250 ha, keo và lát 150 ha. Đối với diện tích mét, bà con vừa chăm sóc làm cỏ vừa chặt tỉa thu hoạch. Xã cũng đã chỉ đạo phát triển kinh tế lâm nghiệp gắn với chăn nuôi gia súc. Trên địa bàn nhiều hộ đã kết hợp làm kinh tế trang trại tổng hợp “trồng rừng - chăn nuôi” xóa được đói, giảm được nghèo từ rừng, thậm chí vươn lên làm giàu.

Ông Lô Khăm Kha - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Tương Dương cho biết thêm: Trong năm 2014 Tương Dương triển khai trồng 1.500 ha rừng và trên 200 ha rừng phân tán. Trong đó có 300 ha phòng hộ, 1.300 ha rừng sản xuất tập trung. Trong ngày đầu ra quân lễ trồng cây, trồng rừng toàn huyện đã trồng được trên 30.000 cây phân tán. Để đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu trồng rừng sản xuất ngay cuối năm 2013 UBND huyện Tương Dương đã chỉ đạo các hộ dân đăng ký diện tích trồng rừng. 80% diện tích sẽ được bà con trồng hỗn giao xoan, lát, mét vì các loại cây này dễ tiêu thụ. Đối với trồng keo thường 1.600 cây/ha, trồng xoan lại dày hơn, mật độ trên 4.000 cây/ha (cây cách cây 1,5m, hàng cách hàng 1,5m).

Tương Dương còn chú trọng đến chất lượng cây giống, đến thời điểm này Công ty TNHH – MTV Lâm nghiệp Tương Dương đã chuẩn bị được trên 2 triệu cây giống bao gồm xoan, lát, mét và keo, đảm bảo chất lượng đủ cung ứng cho diện tích trồng rừng trên địa bàn. Tương Dương phấn đấu đến hết tháng 4/2013 sẽ trồng được trên 60% diện tích, còn lại tập trung cho trồng rừng vụ thu. Về cơ chế, chính sách, vụ trồng rừng huyện sử dụng nguồn vốn 30a, hỗ trợ 8 triệu đồng/ha rừng phòng hộ, 5 triệu đồng/ha cho rừng sản xuất. Tổng nguồn vốn trồng rừng khoảng trên 8 tỷ đồng được chia làm 2 đợt, đợt 1 giải ngân sau khi đã nghiệm thu trồng rừng, đợt 2 phần chăm sóc, công phát dọn thực bì, đào hố. Song song với việc chuẩn bị cho trồng rừng, huyện chỉ đạo bà con chăm sóc rừng trồng xoan, lát, mét để tăng thêm giá trị thu nhập.

Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đô Lương chuẩn bị kịp thời nguồn giống cây phục vụ trồng rừng. Ảnh: H.v
Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đô Lương chuẩn bị kịp thời nguồn giống cây phục vụ trồng rừng. Ảnh: H.V

Con Cuông cũng đang chuẩn bị cho mùa trồng rừng. Ngay sau lễ trồng cây, trồng rừng bà con toàn huyện đã trồng được trên 3.000 cây phân tán, đồng thời người dân tập trung phát dọn lau lách thực bì để chuẩn bị trồng rừng trên toàn huyện. Ông Lang Văn Hai bản Kẻ Sùng - xã Mậu Đức cho biết: Nhờ gỗ nguyên liệu năm 2013 đến nay được giá nên người dân khấm khá hơn, giá bình quân cứ từ 700 ngàn đồng/m3. Năm nay gia đình dự kiến trồng trên 2 ha, chăm sóc tốt khoảng 5 năm sẽ cho thu hoạch từ 80-100 triệu đồng. Được biết bản Kẻ Sùng được giao 15 ha trồng rừng nhưng bà con đã đăng ký trên 25 ha rừng keo và bồ đề. Nhiều người dân chủ động bỏ vốn ra trước để trồng rừng cho kịp thời vụ. Năm nay, xã Mậu Đức được giao trồng trên 200 ha rừng sản xuất, đến nay đã xong thiết kế, bà con đang khẩn trương dọn thực bì, đào hố để kịp trồng rừng vụ xuân. Trên 80% diện tích chủ yếu được trồng keo, còn lại là bồ đề, trong khi nhiều nơi bí đầu ra thì tại Mẫu Đức keo vẫn tiêu thụ tốt nhờ keo đạt chất lượng cao. Xã chỉ đạo bà con tập trung chăm sóc rừng keo lai 2-3 tuổi, chủ yếu phát dọn cỏ, cuốc xới, bót lót. Khó khăn đặt ra hiện nay là giao thông cho vùng nguyên liệu chưa được đầu tư, khi thu hoạch rất vất vả, bà con phải vác keo “tăng bo” ra đường lớn.

Giảm áp lực về nguồn vốn

Từ phong trào Tết trồng cây năm nay, thấy rằng cùng với sự vào cuộc của các cấp, ngành, các tổ chức, đoàn thể, thì các doanh nghiệp, người dân đã thực sự tham gia rất tích cực. Điều này cho thấy sự chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của người dân về vai trò của trồng cây, gây rừng, bảo vệ môi trường. Ông Nguyễn Tiến Lâm – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT cho biết: “Trong những năm gần đây, nguồn vốn đầu tư của Nhà nước đang có xu hướng giảm dần, nhưng diện tích rừng trồng mới ngày càng tăng. Sự chuyển biến đó là do các doanh nghiệp và người dân tự bỏ vốn để trồng rừng”. Chính vì vậy, trong vụ xuân năm nay kế hoạch trồng mới 6.000 ha, thì ngoài việc thông qua các chương trình, dự án đầu tư của Nhà nước, tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp và người dân đăng ký trồng đến 3.500 ha (chủ yếu là rừng sản xuất).

Công ty Thanh Thành Đạt dự kiến trong năm 2014 trồng gần 400 ha rừng, thì vụ Xuân này đăng ký trồng hơn 200 ha rừng sản xuất. Công ty Lâm nghiệp Tháng 5 (Nghĩa Đàn) trong năm nay trồng khoảng 1.000 ha rừng và hiện cũng đang triển khai công tác chuẩn bị trồng rừng. Hay doanh nghiệp Kiều Phương (Tân Kỳ), Lê Duy Nguyên (Hoàng Mai)… cũng đang tích cực chuẩn bị các loại cây giống, phân bón phục vụ trồng rừng. Bởi trồng rừng vụ xuân được các doanh nghiệp và người dân tích cực đầu tư, tham gia, vì ngoài lợi ích phát triển nhanh diện tích phủ đất trống, đồi trọc, còn mang lại hiệu quả kinh tế cao. Vì vậy, các doanh nghiệp, người dân đã thực sự gắn bó, mạnh dạn đầu tư với nghề trồng rừng và đây là một trong những “mảng” quan trọng giúp cho Nghệ An giảm “áp lực” về nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, nhưng lại tạo được hiệu quả cao trong việc phát triển rừng.

Chẳng hạn, năm nay, Con Cuông trồng trên 1.000 ha rừng nguyên liệu, trong đó có 500 ha rừng trồng theo Chương trình 147 được hỗ trợ khoảng 2 triệu đồng/ha, diện tích 500 ha còn lại chủ yếu do người dân và các doanh nghiệp tự bỏ vốn trồng. Ban quản lý dự án 147 huyện, đã phối hợp với các ban phát triển rừng của từng xã, tiến hành kiểm tra đối với từng diện tích của các hộ dân đăng ký tham gia trồng rừng trong vụ này. Cùng với đó, triển khai công tác thiết kế ngoại nghiệp, diện tích thiết kế trồng rừng 2014 của huyện, tính đến thời điểm hiện nay, đơn vị thiết kế đã thực hiện được trên 60% kế hoạch. Công ty TNHH Lâm nghiệp Con Cuông đảm bảo cung ứng nguồn giống cây chất lượng cho toàn huyện.

Ông Lê Đại Thắng – Phó trưởng phòng Kế hoạch – Kỹ thuật Chi cục Lâm Nghiệp cho biết: “Năm 2014, ngân sách Nhà nước sẽ hỗ trợ để trồng 1.460 ha, trong đó thông qua dự án bảo vệ, phát triển rừng giai đoạn 2012 – 2020, có 11đơn vị trồng 380 ha là các Ban Quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng, Khu Bảo tồn, Tổng đội TNXP, Công ty TNHH 1TV và Dự án 147 – Hỗ trợ trồng rừng sản xuất có 10 đơn vị trồng 1.080 ha. Cùng với đó, có nguồn vốn hỗ trợ của ODA để thực hiện dự án phát triển ngành Lâm nghiệp (WB3) và dự án phục hồi, quản lý bền vững rừng phòng hộ (JICA II). Tùy thuộc vào từng dự án, địa bàn thực hiện để triển khai việc hỗ trợ trồng rừng, nhưng phần lớn nguồn vốn là để đầu tư mua giống, phân bón…”.

Để thực hiện tốt công tác trồng rừng vụ xuân 2014, ngay từ cuối năm 2013 và đầu năm 2014, UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp &PTNT và các cấp, ngành liên quan đã ban hành văn bản, quyết định giao chỉ tiêu kế hoạch vốn, diện tích trồng, nên các đơn vị triển khai đúng tiến độ. Ông Phan Hồng Tiến – Giám đốc Công ty TNHH 1TV Lâm nghiệp Đô Lương cho hay: “Từ nguồn vốn hỗ trợ của Dự án Bảo vệ và Phát triển rừng giai đoạn 2012 – 2020, doanh nghiệp được giao chỉ tiêu trồng mới 50 ha rừng, đến nay đã chuẩn bị tốt hiện trường để sẵn sàng cho trồng rừng vụ xuân như: xử lý xong thực bì, đào hố, chuẩn bị đầy đủ giống cây, phân bón”.

Để chủ động được nguồn vốn và nâng cao thu nhập, giải quyết việc làm cho người lao động, Công ty TNHH 1TV Lâm nghiệp Đô Lương mạnh dạn đầu tư làm vườn ươm giống cây keo phục vụ cho công tác trồng rừng nguyên liệu, cung cấp giống cho người dân vùng lân cận. Nhờ có vườn ươm rộng 2,5 ha được đầu tư đồng bộ các trang, thiết bị, máy móc phục vụ sản xuất, cùng với đội ngũ cán bộ kỹ thuật có trình độ, nên đã đáp ứng thỏa mãn nhu cầu giống cây trên địa bàn (mỗi năm sản xuất khoảng 1 triệu giống cây). Đặc biệt, giống keo BV 10 và BV 16 do doanh nghiệp ươm, trong quá trình trồng nếu được đầu tư chăm sóc, khai thác đúng quy trình năng suất sẽ đạt 150 tấn keo/ha và giống keo này đang được nhân rộng diện tích trồng rừng ở Đô Lương, Con Cuông, Yên Thành, Diễn Châu…

Tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Yên Thành, trong vụ xuân này, thông qua nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước cũng trồng mới 100 ha rừng phòng hộ và 100 ha rừng sản xuất từ nguồn vốn phát triển ngành Lâm nghiệp (WB3). Để tăng nguồn thu nhập, giải quyết việc làm cho người lao động, Ban Quản lý rừng phòng hộ Yên Thành đã xây dựng vườn ươm giống cây rộng 1.500 m2, vừa qua đã sản xuất hàng chục nghìn giống cây keo hạt, keo hom, keo Úc phục vụ cho người dân trồng rừng vụ xuân.

Sự phát triển sâu, rộng của phòng trào Tết trồng cây Xuân Giáp Ngọ trong toàn tỉnh, đã đạt được con số ấn tượng là 182. 067 cây (kế hoạch đăng ký trồng chỉ là 23.064 cây). Vụ xuân này, dự kiến trên địa bàn toàn tỉnh sẽ có nhu cầu từ 12 - 13 triệu cây giống và hiện cơ bản được đáp ứng. Cùng với đó, nguồn phân bón cũng chuẩn bị đầy đủ nhờ các đơn vị sản xuất cung ứng số lượng với cơ chế thanh toán phù hợp… Đây là những điều kiện thuận lợi để thực hiện tốt trồng rừng vụ xuân 2014.

Văn Trường - Hoàng Vĩnh

Mới nhất
x
Mùa gieo trồng rừng non…
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO