Mùa khai trường: Ngược miền gian khó
(Baonghean) Xã Hữu Khuông (Tương Dương) được xem như một "ốc đảo" nằm giữa mênh mông lòng hồ Thủy điện Bản Vẽ. Nơi đây, mới nghe đến tên bản, tên làng đã hình dung được sự xa xôi cách trở và hoang vu: Các bản Xàn, Con Phen, Bủng Bón, Tủng Hốc, Huồi Cọ, Huồi Pủng, Chà Lâng. Và nơi đây, có những con người đang vượt qua gian nan, âm thầm cống hiến tuổi thanh xuân cho sự nghiệp "trồng người"...
Chuyến xe khách từ Vinh lên Thị trấn Hòa Bình (Tương Dương) vừa chạy vừa đón trả khách mất gần trọn 1 ngày. Sáng hôm sau, chúng tôi lại chờ để lên chuyến xe khách chạy tuyến Hòa Bình - Bản Vẽ. Chưa hết còn phải chờ ở bến Thượng Lưu (cạnh đập thủy điện) đợi thuyền máy. Thật tình cờ, đồng hành trên chiếc thuyền máy có thầy Trần Anh Tuấn, giáo viên Mỹ thuật của Trường Tiểu học Hữu Khuông. Tuấn sinh năm 1988, đây là năm thứ hai Tuấn bước vào nghề dạy học và cũng là năm thứ hai gắn bó với mảnh đất này. Biết chúng tôi có ý định lên thăm trường, thầy giáo trẻ vồn vã: "Giá như các anh lên được đúng ngày khai giảng thì vui hơn, vì sẽ gặp được toàn bộ các thầy cô giáo và học sinh. Bây giờ hiệu trưởng và hiệu phó đều ra dự họp ở phòng Giáo dục để tiếp nhận chủ trương và triển khai kế hoạch năm học mới, chỉ còn một số giáo viên bản lẻ đang ở lại hoàn thành công tác phổ cập giáo dục. Còn học sinh thì ít ngày nữa mới bắt đầu đến trường". Thầy Tuấn là tổng phụ trách Đội nên phải tranh thủ lên trước để huy động một số thầy cô giáo và học sinh tiến hành tập một vài tiết mục văn nghệ chào mừng lễ khai giảng...
Đường đến trường lẻ ở xã Hữu Khuông - Tương Dương.
Sau hành trình hơn 2 giờ đồng hồ, chiếc thuyền máy rẽ vào một lạch nước nhỏ, đi vào một mép núi có đường mòn. "Gần đến nơi rồi, bây giờ xuống thuyền, tiếp tục vượt con dốc sang bên kia là đến bản Con Phen, trung tâm xã Hữu Khuông". Leo dốc, trời nắng chang chang, chúng tôi thở cả bằng miệng, cả bằng tai. Điểm cuối để được dừng chân là ký túc xá của giáo viên trường tiểu học, một dãy nhà xây gồm 4 phòng nhỏ, mái hiên và chái bếp được lợp bằng tranh nứa. Đây là nơi tá túc của các thầy cô giáo dạy điểm trường chính, tức là bản Con Phen và cũng là điểm dừng chân của các thầy cô giáo ở các điểm trường lẻ mỗi khi ra họp hành hoặc đi qua về lại. Đón chúng tôi là 3 cô giáo trẻ, vừa ra trường một vài năm lên đây nhận công tác. Chưa đến ngày khai trường, nhưng các cô lên đây sớm hơn để thực hiện công tác điều tra, phổ cập giáo dục. Cô Hiền được phân công nhiệm vụ ở bản Con Phen, cô Thơm ở bản Xàn và cô Thương ở bản Bủng Bón. Cả 3 cô giáo đã hoàn thành nhiệm vụ phổ cập và chờ đến cuối tuần để về nhà ít ngày, sắm sửa thêm những vật dụng cần thiết, rồi lại ngược lòng hồ lên đây.
Trời đang chang nắng bỗng dưng mây đen ùn ùn kéo đến. Mưa xối xả. "Trên này đang là mùa mưa, thời tiết thất thường, chưa quen với kiểu thời tiết này sẽ rất khó chịu"- cô giáo Nguyễn Thị Hiền giải thích. Mưa mỗi lúc một lớn, mái hiên lợp bằng tranh nứa võng xuống vì lượng nước quá lớn. Nhìn vào làn mưa dày đặc, cô Nguyễn Thị Thơm chợt nói: "Mưa thế này, sợ nhất là khi trên đường đi về các điểm trường lẻ, vì đường trơn, các con suối dâng cao và chảy xiết nên có thể bị cuốn trôi bất cứ lúc nào. Có lần, em về điểm trường bản Xàn, bình thường đi thuyền máy hết 20 phút, rồi tiếp tục đi bộ gần 2 tiếng. Nhưng bữa đó gặp mưa giữa đường nên đi từ đầu chiều đến lúc trời tối mới về tới bản. Tay chân tím bầm vì bị ngã, người run lập cập, tủi thân đến phát khóc một mình". Ngồi bên cạnh, cô Nguyễn Thị Thương tiếp tục câu chuyện: "Như thế vẫn chưa đáng sợ bằng lần em có việc gia đình phải ra bến đón thuyền về. Mưa lớn ở đầu nguồn làm con suối đầu bản Con Phen dâng cao và chảy xiết, cuốn phăng cả chiếc cầu tạm dân bản mới làm. Phải quay lại nhờ các thầy đem dây thừng buộc vào gốc cây ở bờ bên kia rồi lần theo sợi dây để dìu qua. Nước dâng cao đến cổ, có lúc tạt thẳng vào mặt, lên bờ một lúc em mới thật sự hoàn hồn". Gần 6h chiều, mưa vẫn xối xả, bóng điện chợt tắt phụt. "Vậy là nước suối đã dâng cao cuốn cát, rác vào làm tua- bin không hoạt động được"- nói xong, thầy Tuấn đội mưa ra suối để sửa lại tua- bin thủy điện mi - ni.
Bữa cơm tối được dọn ra. Thức ăn chính là cá khô và canh măng, những món quen thuộc của giáo viên vùng cao. Chỉ có cá khô là cất giữ được lâu nên mỗi lần về quê hoặc có việc ra thị trấn, ngoài việc mua gạo và một vài nhu yếu phẩm khác, hành lý ngược sông của các giáo viên vùng lòng hồ không thể thiếu bịch cá khô. Thời điểm bây giờ đang là mùa măng, ở đây bốn bề rừng núi nên măng không thiếu. Với điều kiện địa hình dốc, thời tiết lại khắc nghiệt nên các loại cây rau rất khó "bén duyên" với vùng đất này, vì chỉ cần một trận mưa sẽ cuốn hết bao công sức vun xới, chăm tưới hàng ngày. Người dân Hữu Khuông vẫn còn giữ nếp sinh hoạt tự cung, tự cấp, nuôi con lợn, con gà chỉ để đáp ứng nhu cầu của gia đình mỗi khi có việc quan trọng như cưới hỏi, ma chay, mừng nhà mới, làm vía.
Ngoài trời vẫn mưa nặng hạt, gió giật mạnh khiến chái bếp, mái hiên xiêu vẹo và phát ra tiếng kêu "răng rắc". Cô Hiền chợt nói: "Có lần, em đang ngồi nấu ăn dưới bếp, bỗng nghe tiếng răng rắc như vừa rồi, ngửng lên nhìn thì thấy nhà bếp đang nghiêng dần và sắp đổ sập. Vứt hết mọi thứ, em lao ra khỏi cửa, ngoảnh lại thì đúng lúc nhà bếp sập hoàn toàn". Cô Hiền là giáo viên Mỹ thuật nên không dạy cố định tại điểm trường nào. Theo sự chỉ đạo của Ban giám hiệu, mỗi tháng cô đến một điểm trường để làm nhiệm vụ. Cứ thế, trong một năm học cô có mặt ở cả 7 điểm trường, tháng này ở Con Phen, tháng sau có thể men theo lòng hồ ra Bủng Bón, rồi tiếp tục lên lưng chừng núi để đến Tủng Hốc, xong nhiệm vụ lại ngược núi lên tận Chà Lâng, nơi mùa Đông rét như cắt da cắt thịt và sương mù dày đặc lùa vào kín cả phòng học bằng tre nứa. Cô Hiền, cô Thơm và cô Thương đều quê ở xã Tam Quang (Tương Dương), cách Hữu Khuông chừng 100 km. Quãng đường đó vừa phải đi bộ, vừa đi thuyền và qua hai chặng xe khách. Mỗi lần về thăm nhà, khoản tiền lộ phí ngót hơn 500 nghìn đồng, trong khi lương các thầy cô mới ra trường nhận công tác đang còn ở mức thấp. Cô Thơm chia sẻ: "Không về thì nhớ nhà, vì ở đây không có sóng điện thoại nên không có cách nào liên lạc được. Nhưng về lại vừa mệt, vừa tốn kém".
Hai hôm sau, thầy Hiệu trưởng Nguyễn Thế Quảng lên đến nơi, đúng lúc cơn mưa chiều bắt đầu trút xuống. Thầy Quảng cho biết, bố vợ đang ốm nặng, khả năng khó qua khỏi nhưng vì công việc chuẩn bị khai giảng quá cấp bách, phải tranh thủ lên trường kiểm tra và chủ động phối hợp với chính quyền địa phương để buổi lễ được diễn ra tốt đẹp. Qua thầy, chúng tôi được biết năm học mới Trường Tiểu học Hữu Khuông có 26 lớp (trong đó có 8 lớp ghép) với tổng số 210 học sinh được phân theo 7 điểm trường ở 7 bản của xã.
Trong 7 điểm trường ấy thì điểm trường ở Con Phen được dựng bằng gỗ và lợp tôn theo chương trình 135, hiện đang bị xuống cấp. Các điểm còn lại hầu hết đều tạm bợ, lợp bằng tấm pờ- rô xi măng, thưng phên nứa, riêng điểm ở Chà Lâng hoàn toàn được làm bằng tranh tre, nứa lá. Trừ điểm trường chính ở Con Phen, còn lại ký túc xá của giáo viên ở 6 điểm lẻ đều hết sức tạm bợ, được dựng bằng tre nứa. Hầu hết học sinh ở Hữu Khuông đều thuộc diện con nhà nghèo, điều kiện kinh tế khó khăn và suy nghĩ còn hạn chế, nên các bậc phụ huynh ở đây chưa thực sự chăm lo đến việc học hành của con trẻ. Do đó, công tác phổ cập và vận động học sinh đến trường gặp nhiều khó khăn.
Điều này một lần nữa được ông Lô Văn Chuyến - Bí thư Đảng ủy xã xác nhận: "Sự nghiệp giáo dục ở Hữu Khuông còn khó khăn lắm, hầu hết đang là trường tạm, thiếu bàn ghế và bảng cho học sinh. Đời sống còn nghèo nên công tác xã hội hóa giáo dục cũng hạn chế lắm. Mỗi khi năm học mới đến, chúng tôi cũng chỉ có cách huy động nhân dân các bản góp tre nứa và ngày công để dựng trường, dựng lớp, làm ký túc xá cho các thầy cô giáo thôi. Còn cấp THCS, học sinh các bản tập trung về học tại trường ở trung tâm xã. Các cháu vừa đi thuyền, vừa đi bộ băng qua các đèo dốc cheo leo để đến trường. Đầu năm, bố mẹ các cháu phải đến dựng lều cho con em ở lại học". Đi qua dãy lều xiêu vẹo nằm dọc con suối, chúng tôi thấy một số phụ huynh đang dỡ bỏ để dựng lều mới. Hỏi huyện, anh Vi Văn Tiến ở bản Bủng Bón nói với chúng tôi: "Mình có đứa nhỏ năm nay lớp 7, đường xa và nguy hiểm, không đi về được nên phải đến làm lại cái lều này để nó cùng mấy đứa bạn ở học. Cuối tuần mẹ nó hoặc thằng anh lại đưa gạo. Còn thức ăn thì tự nó tìm lấy, cây măng trên rừng, con cá dưới suối, tìm được thì ăn".
Mùa mưa ở Hữu Khuông thật đáng ngại, lúc triền miên như không muốn dứt, lúc bất chợt đổ xuống như trút nên dự định đến một vài bản lẻ không thể thực hiện. "Bắt" được có tin ảnh hưởng con bão số 5, lượng mưa sẽ lớn và kéo dài hơn nên hôm sau chúng tôi buộc phải theo chân thầy Quảng ra bến để rời vùng "ốc đảo". Trên chiếc thuyền xuôi lòng hồ, thầy Quảng kể chuyện 16 năm trước, khi thầy lần đầu tiên vượt hàng trăm con thác lên vùng dọc sông Nậm Nơn "gieo chữ". So với thời điểm ấy, các thầy cô giáo vùng cao giờ đây đã đỡ vất vả hơn nhiều. Trên thuyền, còn có cô giáo Lữ Thị Thanh, người đã gắn bó với Hữu Khuông gần 10 năm. Lần này cô lên trường bàn giao công việc và sổ sách, vì cô vừa nhận quyết định về công tác ở quê chồng, xã Quang Phong (Quế Phong). Chồng cô Thanh vẫn tiếp tục ở lại Hữu Khuông dạy học. Tính khoảng cách đường chim bay từ Hữu Khuông đến Quang Phong không xa lắm, nhưng đi theo tuyến xe khách thì khoảng cách này xấp xỉ 400 km, qua 3 chặng xe khách, một chặng đi thuyền và một chặng xe lai...
Khi ngồi ở phố Vinh viết những dòng này, chúng tôi vẫn chưa hết nỗi ám ảnh về những cơn mưa rừng dai dẳng, những dòng suối chảy xiết, những mái trường và ký túc xá của thầy cô giáo nằm chênh vênh bên sườn núi ở "ốc đảo" Hữu Khuông. Ở miền gian khó ấy, việc "gieo chữ" và hành trình đi tìm cái chữ vẫn còn rất đỗi gian nan!
Công Kiên