Mùa mới, lo cũ!
(Baonghean) Là một trong những địa phương có số lượng hồ đập, hệ thống đầu mối chống lũ và tưới tiêu nhiều so với cả nước, nhưng nhiều năm nay, tỉnh ta cũng đối mặt với không ít thách thức trong việc đảm bảo an toàn cho các công trình thủy lợi trước mùa mưa bão.
Đồng loạt xuống cấp
Xây dựng từ năm 1968, lại chưa được nâng cấp đúng quy mô nên từ lâu, hồ Khe Làng (xã Nghi Kiều, huyện Nghi Lộc) đã trở thành trọng điểm trong phòng chống lụt bão (PCLB) ở nhóm công trình hồ đập có dung tích dưới 5 triệu m3. Kể từ trước mùa mưa lũ năm ngoái, cống lấy nước dưới đập bị vỡ nhiều điểm khiến đất ở đập sụt vào cống, nhưng vì chỉ mới được xử lý tạm thời nên nguy cơ vỡ đập rất cao; ngoài ra, phần đá lát mái thượng lưu bị xô tụt nhiều chỗ, mái hạ lưu xói lở nhiều điểm... Ông Nguyễn Văn Phượng - Giám đốc Xí nghiệp thủy lợi Nghi Lộc cho biết: Với dung tích 3,14 triệu m3 nước nên việc đảm bảo an toàn cho công trình luôn được đơn vị đặt lên hàng đầu. Tỉnh đã kịp thời hỗ trợ 360 triệu đồng cho việc xử lý sự cố thân cống, song hiện nay, khi thi công đào phát hiện không chỉ phần thân mà cả cánh cống cũng phải được làm lại. Ngoài công trình này, Xí nghiệp còn 4 hồ chứa khác (hồ Khe Xiêm, hồ Nghi Công, hồ Khe Thị, hồ Lách Bưởi) đều trong tình trạng rò rỉ nước.
Sự cố vỡ cống hồ Khe Làng (xã Nghi Kiều - Nghi Lộc) phải xử lý xong trước mùa mưa bão
Theo Chi cục Thủy lợi Nghệ An, toàn tỉnh hiện có 625 hồ chứa các loại, trong đó có 5 hồ dung tích từ 10 triệu m3 trở lên, 12 hồ từ 5 - dưới 10 triệu m3, 68 hồ từ 1 - dưới 5 triệu m3, còn lại là các hồ chứa dưới 1 triệu m3. Các công trình này là đều có thời gian sử dụng khá lâu (từ 30 - 40 năm, cá biệt có hồ xây dựng từ thời Pháp thuộc) nên phần lớn bị xuống cấp. Do nguồn kinh phí có hạn nên thời gian qua, tỉnh mới tập trung xử lý các hồ cỡ lớn, cỡ vừa và một số công trình bức bách. Những hư hỏng chủ yếu của các hồ chứa nhỏ do các xã, HTX quản lý là mái thượng lưu không được gia cố hoặc gia cố sơ sài, mặt cắt ngang đập nhỏ, cao trình đập thấp; thiếu hệ thống thoát nước và tầng lọc ngược nên mái hạ lưu bị lầy thụt, sạt lở, rò rỉ nước; bê tông thân cống suy giảm chất lượng, khớp nối bị rò nước, hệ thống đóng mở hay cửa van mất tác dụng; chưa đánh giá hết các sự cố tiềm ẩn trong thân đập .
Hệ thống công trình đầu mối chống lũ, tưới tiêu cũng bộc lộ bất cập. Khảo sát của ngành chức năng vừa qua cho thấy: Đập Đô Lương ở phần hạ lưu, phía bờ hữu bị xói lở trôi đá lát khan; cửa số 4, số 10 bản mặt bị thủng, các thanh giằng bị han rỉ. Cống Nam Đàn ở phần cơ khí bị mòn vẹt nhiều nên vận hành không an toàn; phần thủy công thì bờ tả cống, phía hạ lưu bị rò khi mực nước dâng lên đến cao trình 5,1 - 6,4m, thủy chí theo dõi mực nước thượng, hạ lưu bị bong hỏng. Đối với cống Nghi Quang, hệ thống khung kín nước bị hỏng, các cửa từ số 3 - 9 không đảm bảo vận hành an toàn; một số cửa phai thép xảy ra sự cố khi vận hành; cửa đòn phía hữu bị hỏng phớt và rò rỉ dầu nên không thể vận hành.
Tại cống Bến Thủy, dầm đỉnh cửa cung bị han rỉ rò nước; ray định hướng cánh cửa dưới hạ lưu cửa âu thuyền đã mòn vẹt; mặt cống tại mố phía Nam bị lún rạn đã lâu nhưng chưa được khắc phục. Cống Diễn Thủy có 3 cửa, mỗi cửa rộng 8m, tuy phần cơ và điện máy vận hành đã được thay thế, sửa chữa nhiều chi tiết nhưng cửa van số 1 hiện bị kẹt nặng; bản mặt 3 cửa bằng thép bị thủng nhiều chỗ, roăng cao su làm kín nước hỏng.
Vẫn phải “phòng” là chính
Theo ông Nguyễn Văn Hoa - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Nghệ An, hệ thống hồ đập, cống tiêu phục vụ PCLB ngày một xuống cấp, trong khi nguồn kinh phí phục vụ việc nâng cấp, sửa chữa không đáp ứng yêu cầu. Công tác đảm bảo an toàn cho công trình trước mùa mưa bão mới phòng tránh là chính. Theo đó, BCH PCLB các địa phương, đơn vị cần có phương án bảo vệ công trình trên cơ sở làm tốt "4 tại chỗ"; tăng cường kiểm tra phát hiện các hư hỏng, sự cố dù nhỏ nhất và tập trung xử lý dứt điểm trong năng lực có thể ngay từ giờ đầu, phút đầu.
Đối với các hồ chứa cần kiểm tra kỹ và thực hiện tốt việc duy tu, bảo dưỡng các bộ phận xung yếu như: cửa van, cáp đóng mở tràn xả lũ, cửa van cống lấy nước; phát hiện và xử lý mối trong thân đập; đối với các cống đầu mối chống lũ, phải chấp hành tốt chế độ kiểm tra, quan trắc cống theo quy phạm, chấp hành nghiêm các quy định, quy trình vận hành cống và không mở cống khi vượt quá mức nước cho phép mở; đối với các công trình tiêu úng, cần túc trực để theo dõi sát diễn biến thời tiết, tranh thủ tiêu hết nước đệm khi có dự báo mưa lũ lớn, đồng thời thực hiện phương pháp gạn triều tiêu úng - một phương pháp hiệu quả trong những năm qua.
Xuân Hải