Mua nhà ở xã hội bằng hợp đồng ủy quyền có thể mất trắng

Hoài Lam 08/01/2018 15:56

Mặc dù được công chứng dấu đỏ nhưng những giao dịch mua bán nhà ở xã hội bằng hợp đồng ủy quyền có thể khiến người mua nhà mất trắng.

Rao bán nhà ở xã hội công khai

Hiện nay, không khó để tìm thấy quảng cáo mua bán nhà ở xã hội (cả những dự án người dân đã về ở và dự án đang xây dựng) trên các trang web giao dịch bất động sản.

Việc mua bán nhà ở xã hội đang diễn ra công khai. Như tại web batdongsan.com.vn trong vòng hơn 1 tháng trở lại đây, đã có 8 người rao bán căn hộ chung cư SDU 143 Trần Phú-Hà Đông (Hà Nội). Đây là một dự án nhà ở thương mại được chủ đầu tư chuyển đổi sang thành dự án nhà ở xã hội và hoàn thành vào quý IV năm 2015.

Người mua nhà ở xã hội thông qua bản hợp đồng ủy quyền có thể chịu nhiều rủi ro thậm chí mất trắng.
Người mua nhà ở xã hội thông qua bản hợp đồng ủy quyền có thể chịu nhiều rủi ro thậm chí mất trắng.

Chúng tôi đã liên lạc với những người bán các căn hộ nhà ở xã hội tại chung cư 143 Trần Phú - Hà Đông (Hà Nội). Dù chưa được phép giao dịch mua bán, cho thuê theo quy định nhưng có chủ nhà vẫn khẳng định: “có thể sang tên ngay, cũng có thể để hết 5 năm mới sang tên, tùy nhu cầu người mua”.

Bản tin của batdongsan.com.vn đăng ngày 03/01/2018 nêu rõ: “Tôi có được 1 suất mua căn hộ ngoại giao căn hộ thuộc dự án nhà ở xã hội Bright City - Hoài Đức, Anh/chị có nhu cầu và thực sự muốn mua thì liên hệ chính chủ: 09014…” Nhiều dự án nhà ở xã hội khác dù chưa hoàn thành cũng được rao bán như dự án nhà ở cán bộ chiến sỹ Bộ Công an (tại 43 Phạm Văn Đồng), dự án Lucky House (Kiến Hưng, Hà Đông)… Hầu hết các căn hộ nhà ở xã hội được rao bán với chênh với giá gốc từ 100 – 400 triệu đồng.

Dùng hợp đồng ủy quyền để lách luật

Không chỉ rao bán công khai, hiện nay có tình trạng mua bán nhà ở xã hội bằng hình thức “Hợp đồng ủy quyền” được công chứng.

Theo một bản hợp đồng mà phóng viên có được, các điều khoản của hợp đồng ủy quyền căn nhà ở xã hội này nêu rõ, bên được ủy quyền (người mua – pv) thay mặt bên ủy quyền nộp tiền mua nhà cho chủ đầu tư theo tiến độ, ký biên bản bàn giao căn hộ khi chủ đầu tư bàn giao, lập và ký các hợp đồng sinh hoạt như điện, nước với các cơ quan chức năng và thực hiện việc thanh toán tiền sử dụng các dịch vụ trên…

Bản hợp đồng ủy quyền dùng để giao dịch nhà ở xã hội.
Bản hợp đồng ủy quyền dùng để giao dịch nhà ở xã hội.

Theo luật sư Trần Văn Tư - Đoàn luật sư thành phố Hà Nội, việc dùng hợp đồng ủy quyền để thay thế hợp đồng mua bán nhà ở xã hội là một kiểu lách luật đem lại rủi ro rất lớn cho người mua nhà, bởi: Theo quy định tại Điều 562 Bộ luật Dân sự 2015 thì hợp đồng ủy quyền là sự thỏa thuận của các bên, theo đó bên được ủy quyền thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền.

Còn theo quy định tại Điều 430 Bộ luật Dân sự 2015 thì hợp đồng mua bán tài sản (nhà ở xã hội là tài sản) là sự thỏa thuận của các bên, theo đó bên bán chuyển quyền sở hữu tài sản cho bên mua và bên mua trả tiền cho bên bán. Như vậy, về mặt pháp luật, hai hợp đồng có bản chất hoàn toàn khác nhau, hợp đồng ủy quyền chỉ là nhân danh bên có nhà ở thực hiện việc quản lý, sử dụng nhà... mà không thực hiện việc quan trọng nhất là chuyển quyền sở hữu nhà ở cho bên mua. Do vậy, việc mua bán nhà bằng hợp đồng ủy quyền là không đủ cơ sở pháp lý.

Khi xảy ra tranh chấp hoặc thu hồi thì quyền lợi của người mua khó được đảm bảo bởi: Nếu có tranh chấp phải giải quyết tại Tòa án, khả năng rất cao Tòa án sẽ tuyên bố hợp đồng ủy quyền nêu trên vô hiệu do giả tạo quy định tại Điều 124 Bộ luật Dân sự 2015.

Điều 124 quy định: “Khi các bên xác lập giao dịch dân sự một cách giả tạo nhằm che giấu một giao dịch dân sự khác thì giao dịch dân sự giả tạo vô hiệu, còn giao dịch dân sự bị che giấu vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp giao dịch đó cũng vô hiệu theo quy định của Bộ luật này hoặc luật khác có liên quan”. Ở đây, hợp đồng ủy quyền nhằm che giấu giao dịch dân sự mua bán nhà sẽ bị vô hiệu theo quy định nêu trên.

Nếu bị cơ quan nhà nước thu hồi do vi phạm quy định về việc mua bán nhà ở xã hội thì việc đòi hỏi quyền lợi ở đây là rất khó khăn bởi bên mua không phải là chủ sở hữu, đặc biệt là trường hợp người bán không hợp tác -Luật sư Trần Văn Tư phân tích.

Một vấn đề pháp lý nữa đặt ra đối với hợp đồng ủy quyền là người ủy quyền chết. Theo quy định tại Điều 140 Bộ luật Dân sự 2015 thì khi người ủy quyền chết thì hợp đồng ủy quyền chấm dứt, và khi chấm dứt đương nhiên người mua thực tế sẽ không được thực hiện các quyền trong hợp đồng ủy quyền nữa, điều này rất dễ tranh chấp với đồng thừa kế của người bán thực tế. Như vậy, người mua nhà ở xã hội thông qua bản hợp đồng ủy quyền có thể chịu nhiều rủi ro thậm chí mất trắng./.

Theo VOV
Copy Link

Mới nhất

x
Mua nhà ở xã hội bằng hợp đồng ủy quyền có thể mất trắng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO