Mùa sen về...

05/06/2014 18:04

(Baonghean) - Chiều nay qua hồ sen thơm ngát ở quê Bác, thấp thoáng dáng bà lưng còng lom khom đang hái gương sen. Ngừng tay, bà bước lên bờ bóc hạt sen tươi nhai bỏm bẻm gợi tôi chợt nhớ ngoại đến nao lòng, nhớ cái hồ sen quê, nhớ vị thơm ngào ngạt của hoa sen, nhị sen mùa sen nở, nhớ bàn tay gầy nhăn nheo của ngoại nấu chè sen thơm phức...

Bà Biện Thị Em hái sen về nhà.
Bà Biện Thị Em hái sen về nhà.

Quê tôi, có những ao sen trước vườn nhà. Mùa sen về, bà con trong xóm xắn quần ra hồ hái sen, hái được bó sen thì đôi chân ai nấy đỏ rựng. Tôi vẫn nhớ rõ những vết xước đỏ dài trên bắp chân của ngoại mỗi lần từ ao sen lên. Ngoại trao sen cho tôi, nở nụ cười tươi, nói: “Ngoại già rồi, gai sen nỏ làm chân ngoại đau được mô, con ạ". Vậy mà bị gai sen xước cả chân, dì cứ trách ngoại mãi... Ngoại mắng yêu: "Chỉ được nghề gõ đầu trẻ là giỏi, còn làm việc chi cũng dở cả". Nói rồi, ngoại tôi ôm bó hoa sen vào nhà, những bông sen tươi thơm phức ngoại cắm vào lọ đặt lên bàn thờ cho ông ngoại. Tôi nghe ngoại thì thầm: "Mùa sen về, tui lại hái hoa sen cho ông đây, lát nữa tui sẽ nấu chè sen mà hồi còn sống ông thường thích ăn ông nhé".

Những hạt sen trắng muốt được bọc trong một lớp vỏ màu xanh, xanh như màu lá sen, cái thứ lá mà mỗi mùa sen về ngoại thường hái cắt đem phơi để sắc nước uống dần. Cái lá sen mà những trưa hè, lũ trẻ chúng tôi thường dùng đội đầu nên cứ nằng nặc bắt ngoại lội xuống hồ hái lá sen cho bằng được, dẫu nắng trưa như thiêu như đốt, ngoại vẫn chiều chúng tôi, lội ra hồ hái một nắm lá sen thỏa lòng vui con trẻ. Chúng tôi nào biết, mỗi lần đặt chân xuống hồ là một lần chân ngoại bị gai sen cào xước, thế mà ngoại vẫn cười vui với chúng tôi. Từ khi biết đến hoa sen, tôi đã thấy ngoại suốt ngày lúi húi ở ao sen, khi thì ngoại bắt sâu, lúc thì bắt những bọc trứng sâu to bằng ngón tay của tôi bám vào thân sen, lá sen. Vậy đó, từ sáng sớm cho đến tận trưa mới chịu vào nhà.

Thi thoảng, ngoại lại lấy chiếc khăn thường vắt trên vai để lau mồ hôi, lấy chiếc nón phe phẩy quạt. Có lần tôi hỏi: “Mùa này, sen chưa nở sao ngoại cứ lội xuống ao sen hoài vậy?". Ngoại lại nở nụ cười hiền hậu, nhẹ nhàng nói: "Bây giờ không phải chính mùa sen, nhưng sen vẫn cần được chăm sóc chứ con, mình có chăm sóc tốt thì đến mùa sen mới cho nhiều hoa, nhiều hạt con ạ ". Mỗi mùa sen về, ngoại không bao giờ hái sen đem đến chợ bán, nhiều người đi qua ao sen nhà tôi (nhà tôi sát bên đường liên xã) quen có, lạ quá, cứ thiết tha hỏi mua hoa sen, ngoại không bán nhưng ngoại vẫn lội xuống hồ hái tặng mấy bông hoặc một chiếc gương sen già đem biếu. Ngoại bảo để sen nở cho đẹp, hoa sen có mùi hương thanh khiết, dễ chịu, lúc còn nhỏ ngoại thường hái những bông sen hít hà mãi, đi ngủ cũng để sen trên đầu giường. Khi hoa sen tàn thì gương sen bắt đầu làm hạt, khoảng độ vài tuần, gương sen cho hạt sen già dùng, có thể ăn tươi, nấu chè, nấu cháo hoặc phơi khô dùng dần.

Một gương sen có trên 20 hạt sen, lúc bóc sen từ gương ra (gương sen to như miệng chiếc bát ăn cơm), ngoại cẩn thận lấy hạt sen để làm sao hạt sen không bị vỡ, ở giữa hạt sen có một cái nhị nhỏ, ngoại dùng chiếc dao nhỏ cắt hai đầu hạt sen rút nhị ra, trông ngoại làm rất cẩn thận, cầu kỳ. Nhiều lần, tôi hỏi: "Ngoại ơi, sao ngoại không tách đôi hạt sen ra làm cho nhanh hả ngoại?". "Để cả hạt thì đến khi nấu món chi cũng đẹp, con ạ . Còn nhị ở trong hạt sen phải ra để lúc ăn mới không bị đắng". Mỗi mùa sen về, ngoại vẫn giữ thói quen ra hồ chọn những gương sen to nhất, già nhất đem biếu hàng xóm. Những gia đình nào có con trẻ, người già yếu, ngoại biếu nhiều gương sen hơn, bởi ngoại bảo hạt sen ăn vào dễ ngủ, những người già, trẻ nhỏ ăn hạt sen vào vừa mát gan, vừa có giấc ngủ ngon. Ngày ngoại sinh mẹ tôi, mẹ hay khóc, lười ăn, vậy mà ông tôi ra hồ hái mấy gương sen đem vào gỡ lấy hạt nấu cháo, mẹ tôi ăn vào ngủ ngon, chơi ngoan.

Quê tôi thường biếu gương sen cho nhau như vậy đấy, hôm nay nhà này đem sang cái gương sen, ngày mai nhà khác đem biếu bát chè sen, bát cháo sen, cứ đến mùa sen về làng lại rộn ràng. Vui nhất vẫn là những đêm trăng mùa hạ, nhà nhà quây quần bên ao sen thưởng thức hương thơm ngào ngạt thưởng thức gió trời. Mỗi lần cả nhà ngồi ngắm ao sen về đêm, ngoại thường nói: "Sen thơm là nhờ cái nhụy của sen đó, vì vậy quê mình dẫu đói dẫu no chẳng ai muốn bán hoa sen cả, để sen tỏa ngát hương, vừa đẹp, vừa thơm”.

Ao sen của ngoại năm nào hạt cũng to, chắc, ngoại trẩy được một rá hạt sen đem phơi khô, chưa kể ngoại đã đem biếu, rồi nấu chè, nấu cháo và dùng hạt sen tươi ăn cả tháng trời. Khi hết mùa sen, người dân quê tôi hái lá đem phơi khô dùng nấu nước uống, lá sen cũng thế, nên nhà tôi, quê tôi có nước sen uống quanh năm. Món nước hoa sen, lá sen của ngoại sao mà ngon đến lạ, chẳng ai nấu được cái vị như thế, thơm, ngọt đậm đà. Hỏi, ngoại chỉ cười: "Bỏ nhiều nhị sen, hoa sen thì ngon, thơm thôi chứ có tài giỏi, bí quyết chi mô". Rồi cả bát chè sen trắng ngần ngoại nấu lẫn với đường đỏ, gạo nếp dẻo, thơm không thể tả hết nổi, chị em tôi ăn mãi không biết chán. Cứ mỗi buổi trưa hè ngủ dậy, ngoại đã nấu sẵn một nồi chè sen, múc ra từng bát nhỏ cả nhà cùng ăn.

Chiều nay, tôi đi qua hồ sen thơm ngát, nơi Kim Liên quê Bác... Sen theo tay bà, tay mẹ về bên ngôi nhà ngói đỏ. Bà cụ Biện Thị Em (90 tuổi) ở Hoàng Trù, Kim Liên (Nam Đàn) lom khom hái sen, dáng lưng còng giống ngoại năm xưa, tôi chợt trào dâng thêm nỗi nhớ ngoại đến nao lòng. Bà cụ Em bước lên bờ, bà bóc những hạt sen già trắng nõn đưa lên miệng ăn, vừa ăn bà vừa tấm tắc khen: "Sen chính vụ chắc hạt thật con ạ, con ăn đi ngon lắm". Đỡ gương sen từ tay bà Em, một cảm giác quen thân dâng trào. Đã hơn 30 năm kể từ ngày tôi được ngoại tôi bóc hạt sen trong ao nhà cho tôi ăn, cái vị ngọt, bùi, thơm ấy vẫn còn đọng mãi. Bà cụ Em nói: "Quê bà trồng sen là để cho đẹp, phục vụ du khách mỗi lần về với quê Bác, ít người hái hoa sen đem bán lắm, khi hoa sen tàn, gương sen thành hạt mới dùng hạt nấu chè, nấu cháo, phơi khô hoặc ăn sống như ri con nầy. Một số ít đem hạt sen phơi khô bán cho các cửa hàng thuốc Bắc".

Theo bà Em về nhà, chồng bà Em là ông Trần Văn Tý (92 tuổi) vừa nấu xong một nồi nước hoa sen, ông đưa chiếc quạt điện thổi cho nồi nước chóng nguội, rồi trao cốc nước sen về phía khách vui chuyện: "Bây giờ, ông yếu rồi không nấu nước hoa sen nhiều như trước được, một ngày chỉ nấu độ 2 nồi thôi, chủ yếu mời khách qua lại Làng Sen chứ không bán". Ông Tý từng là cán bộ xã Kim Liên rồi làm Bí thư, Chủ tịch xã Kim Liên nhiều năm. Từ ngày nghỉ hưu ông cụ ngày ngày cùng bà chăm bẵm ao sen, vui vầy với con cháu. Mùa sen về ông đón đợi những bông sen bắt đầu làm búp, rồi khi sen hé nở... hay những gương sen già.

Tất cả mỗi chuyển biến từ sen ông thành thục, chăm bẵm, biết được bông sen nào nở vào giờ nào, hạt chắc vào ngày nào... Vì thế, hồ sen của ông gương sen nào cũng nhiều hạt, chắc hạt. Qua mùa sen, ông lại hái lá sen cắt sắc nước uống, quanh năm nấu nước sen mời khách du lịch gần xa, khách quen có, lạ cũng nhiều. Ông Tý bảo ngày xưa Hoàng Trù có một ao sen lớn, gọi là ao sen làng Chùa. Ao chủ yếu trồng sen, mỗi mùa sen về, bà con tụ họp xung quanh ao sen nghe hát ví, hát phường vải rất vui. Khi sen chắc hạt, một nhà cử một người xuống hồ hái gương sen rồi tập trung lại bóc hạt sen ngay tại ao chùa, chia đều mỗi nhà mỗi ít, ấm áp lắm.

Bây giờ, Hoàng Trù trồng sen nhiều nhưng ao sen Chùa ngày xưa ấy bà con trong làng vẫn quây quần mỗi mùa sen đến, người dân vẫn tụ họp vào những đêm trăng để cùng nhau nghe hát ví, hát phường vải, thưởng thức hương sen thơm. Ông Tý bảo: " Quê ông từ xưa hay đến bây giờ, sen trồng là để cho đẹp, khách qua lại ai đó thích có hái cũng không ai trách cả, mà cũng nỏ có ai tự ý xuống hồ hái sen cả, chỉ dừng chân chụp hình hồ sen thôi. Bà con Hoàng Trù quanh năm nấu nước lá sen, hoa sen uống. Một số nấu nước sen bán cho khách du lịch, gọi là bán nhưng vừa bán vừa cho, một cốc nước sen chỉ 500 đến 1.000 đồng, vừa đủ công nấu, tiền củi, chủ yếu cho vui. Nước lá sen, hoa sen hay gương sen uống vào đều mát gan, ngủ ngon nên ai cũng thích".

Thông dụng nhất vẫn là bát chè sen, mỗi khi mùa sen về. Nhà nhà nấu chè sen mời nhau. Dẫu hạt sen bán được giá đến mấy bà con cũng tự thưởng mình trước tiên. Vài ba hôm, nhà nhà lại nấu một nồi chè hạt sen lẫn với đậu đen xanh lòng, nếp quê. Không còn nghèo như xưa nồi chè sen nhạt ngọt, chủ yếu nấu bằng đường đỏ. Giờ cuộc sống khá hơn, người dân nấu chè sen nấu với bột dẻo, đường trắng, đậu xanh, bát chè sen thật hấp dẫn, đẹp mắt. Cách nấu cũng đơn giản.

Đối với hạt sen tươi, chỉ cần luộc trong khoảng 10 phút. Khi sen nhừ, đổ đường vào nồi nước, tiếp tục đun nhỏ lửa khoảng 5 phút để hạt sen ngấm đường cho đậu xanh đã nấu chín, bột dẻo, múc chè sen ra bát điểm chút hoa bưởi có một bát chè sen hấp dẫn, ngon mát. Vợ chồng ông Tý dẫu tuổi đã cao, mỗi mùa sen về ông bà vẫn thường nấu chè sen mỗi ngày, còn mời nhà bên cùng ăn. Ông Tý bảo: "Quê mình đẹp hơn, ấp áp, gần gũi hơn một phần nhờ bát chè sen, bông sen thơm trong hồ và cả cốc nước lá sen, hoa sen giản dị này...".

Chắc hẳn không ít người tuổi thơ gắn bó với sen hay ít nhiều kỷ niệm gắn với tên gọi này thì mời về Hoàng Trù thưởng thức bát nước lá sen, hoa sen thơm ngát chính tay ông bà Tý nấu, sẽ cảm nhận được hương vị thơm ngọt thân thương một thuở. Còn tôi, cứ mỗi độ mùa sen về, tôi lại về quê Bác, miền quê chung. Thể nào, tôi cũng sẽ được gặp lại dáng gầy của ngoại!

Thu Hương

Mới nhất
x
Mùa sen về...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO