Mùa vui trên đất vàng
(Baonghean.vn) Khi mùa khô bắt đầu, ruộng vườn đã thu hoạch xong, trên đồi cao đã bát ngát dã quỳ vàng rực, hoa trạng nguyên khoe sắc thắm thì cũng là lúc mùa lễ hội của cao nguyên Xiêng Khoảng bắt đầu.
Lễ hội đầu tiên của Xiêng Khoảng được tổ chức là Bun Thẳm Phiu ở huyện Muang Kham (tiếng Lào có nghĩa là huyện Vàng), diễn ra từ ngày 22 - 26/11 hàng năm, trong đó ngày 24 là lễ chính. Bun Thẳm Phiu được tổ chức nhằm kỷ niệm, tưởng nhớ 374 người dân, bộ đội hai nước Việt - Lào đã hy sinh vào ngày 24/11/1968, thời điểm không quân Mỹ bắn rốc-két vào hang. Để tổ chức tưởng nhớ và tố cáo tội ác chiến tranh, Thẳm Phiu đã được xây dựng thành khu di tích lịch sử và tại đây cứ 5 năm một lần Bun được cấp nhà nước tổ chức và hàng năm là huyện, xã tổ chức.
Trẻ em Lào Xủng đi chơi Tết
Ném Còn không chỉ là trò chơi mà còn để tìm kiếm bạn đời
Như thường lệ, năm nay Bun Thẳm Phiu cũng được tổ chức trọng thể. Từ trước chính lễ một tuần, các công tác chuẩn bị đã hoàn tất. Và trước lễ một ngày, có hàng ngàn hộ kinh doanh từ khắp nơi trong tỉnh Xiêng Khoảng về đây bày hàng quán phục vụ vui chơi, mua bán; trong đó có nhiều gian hàng của người Nghệ An, thậm chí chủ hàng từ trong nước cũng sang. Đúng lễ, hàng vạn người dân nước Lào đã tập trung về đây để tham gia các hoạt động của Bun, có những vị cao tăng về làm lễ cầu siêu. Mọi người cùng thắp hương tưởng nhớ, chơi thể thao, ăn uống, vui chơi nhảy múa, hát ca từ sáng này đến sáng hôm sau, từ ngày này sang ngày khác. Từ nam thanh nữ tú đến các em thiếu niên và cả người già; từ người có nhiều tiền đến người ít tiền đều đắm chìm trong lễ hội.
Thi đấu thể thao giữa các bản của huyện Muang Kham.
Ông Mi Xay, Phó Chủ tịch huyện Muang Kham cho hay: Việc tổ chức phần hội trọng thể trong lễ kỷ niệm này là nhằm truyền đạt, giáo dục thế hệ trẻ không quên truyền thống, sự đau thương mất mát của nhân dân Lào – Việt trong chiến tranh một cách sinh động, cụ thể - qua đó giúp người dân Lào thấm sâu, nhớ mãi không quên. Các hoạt động buôn bán trong khu vực Bun Thẳm Phiu được huyện khuyến khích, qua đó để thúc đẩy hoạt động thương mại, tăng sức mua bán của huyện nhà…
Việc mùa màng đã xong, lúa đã vào trong kho rồi, tùy vào từng địa phương, từng dòng họ trong tỉnh Xiêng Khoảng và nước Lào, từ ngày 26/11 – 26/12, người dân Lào Xủng lại tổ chức ăn Tết của mình. Sau 3 ngày không được đi rừng, không đi đâu, ở nhà làm lễ cúng tổ tiên thì người Lào Xủng có gần 1 tháng để họ hàng đến thăm hỏi lẫn nhau, giao du cũng như tổ chức các hoạt động vui chơi. Trước đây, những ngày này chỉ có người Lào Xủng vui với người Lào Xủng, nhưng giờ đây chính quyền và nhân dân các bộ tộc Lào cũng đã tổ chức vui chung cùng người Lào Xủng. Có nhiều bản đã tổ chức cùng ăn Tết chung với nhau để tăng cường, gắn kết tình cảm giữa các gia đình.
Trong những ngày Tết này, các trò chơi đã được người dân Lào Xủng tổ chức trọng thể. Con trai thì trọi Gụ, con gái thì chơi ném Còn, tổ chức chọi gà và chọi trâu. Tiếng kèn tiếng nhạc rộn rã xen lẫn tiếng pháo nổ. Mùa vui chơi kéo dài, đây cũng là lúc các chàng trai Lào Xủng đi từ bản này sang bản khác để tìm người thương, nên duyên vợ chồng.
Ngoài các Bun thì người dân Xiêng Khoảng còn thường tổ chức làm lễ Khoẳn – như lễ vào mùa, 4, 5 bản đến mừng một bản, tổ chức đánh bóng, tổ chức đốt pháo thăng thiên, xin trời mưa thuận gió hòa, mùa màng bộ thu. Lễ Khoẳn thường được các bản tổ chức luân phiên và có khi chỉ có 2 bản làm lễ Khoẳn riêng với nhau để mong con trai, con gái hai bên đương giao du, đi lại làm thông gia với nhau. Tại mỗi gia đình cũng thường tổ chức Khoẳn như: mừng con cái học giỏi đậu đạt, người khỏi bệnh vừa ở viện về… Trên cao nguyên Xiêng Khoảng năm nay, hội mừng dường như lớn hơn năm trước, bởi mùa vụ vừa rồi phần đa bội thu, có nhà thu hoạch lên đến gần cả trăm tấn ngô và lúa.
Thành Chung