"Mùa xuân Crimea": Phá âm mưu của Cụm TSB Mỹ

05/03/2015 18:22

Sự bí mật và thần tốc của Nga trong chiến dịch “Mùa xuân Crimea” đã làm thất bại âm mưu phong tỏa Hạm đội Biển Đen của Cụm tàu sân bay Mỹ.

Cụm tàu sân bay Mỹ vượt Địa Trung Hải, âm mưu khống chế Hạm đội biển Đen

Trong bối cảnh Moscow ráo riết chuẩn bị cho chiến dịch “Mùa xuân Crimea”, một thông tin tình báo đặc biệt quan trọng làm người Nga lo lắng là việc cụm tàu sân bay Mỹ vượt Đại Tây Dương tiến vào Địa Trung Hải, nhăm nhe vượt eo biển Bosphorus vào khống chế và hất cẳng Hạm đội biển Đen khỏi Crimea.

Ngày 13/2, biên đội tàu đặc nhiệm Mỹ do hàng không mẫu hạm USS George Bush (CVN-77) dẫn đầu đã rời căn cứ hải quân ở Norfolk - Hoa Kỳ, lên đường đến Biển Đen với sự hộ tống của 16 tàu chiến, trong đó có tuần dương hạm USS Philippines Sea, các tàu khu trục USS Truxtun và USS Roosevelt cùng 3 tàu ngầm hạt nhân.

Nhiệm vụ chính của biên đội tàu sân bay này là chờ đợi sự thành công của cuộc đảo chính do các phần tử thân Mỹ tiến hành ở Kiev trong tháng 2, sau đó ngay lập tức tiến vào Biển Đen, vô hiệu hóa và hất cẳng Hạm đội hải quân của Nga đóng ở Sevastopol.

Ngoài ra, Hạm đội này còn có nhiệm vụ khác rất quan trọng là chiếm lấy Trung tâm chỉ huy các chuyến bay vũ trụ Crimea, được xây dựng từ thời Liên Xô. Trong lịch sử, trung tâm này đã ghi nhận các lần phóng tàu vũ trụ Salyut, Soyuz, Soyuz-Apollo và xe tự hành mặt trăng, sau này là các vụ phóng tên lửa chiến lược.

Trung tâm vũ trụ Crimea có thể nhận dữ liệu từ các radar cảnh báo tên lửa Voronezh-М (trong bán kính 6.000 km), lắp đặt ở làng Lekhtusy - tỉnh Leningrad, thành phố Pionersk - tỉnh Kaliningrad và thành phố Armavir, có khả năng phát hiện vụ phóng bất cứ loại tên lửa nào, cả tên lửa hành trình lẫn tên lửa đạn đạo.

Việc phá vỡ hoạt động của Trung tâm này, loại hẳn nó khỏi vòng chiến là một trong các mục tiêu chủ yếu của Lầu Năm góc, bởi nó là vị trí tiền tiêu trong lá chắn tên lửa của Nga, được xây dựng nhằm đối phó với là chắn tên lửa và vũ khí hạt nhân của của NATO triển khai ở châu Âu.

Ngày 22/2, Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych bị quốc hội nước này bãi miễn sau khi ông bỏ chạy khỏi Kiev vào ngày hôm trước. Cùng ngày đó, cụm tàu sân bay Mỹ cũng đã vượt qua Địa Trung Hải, nhăm nhe tiến vào Biển Đen qua eo biển Bosphorus, với sự ngấm ngầm cho phép của Thổ Nhĩ Kỳ.

Hộ chiếu Mỹ của ông Valentin Nalivaichenko - tân Giám đốc cơ quan tình báo Ukraine (SBU)- được tờ Effedieffe đăng tải
Hộ chiếu Mỹ của ông Valentin Nalivaichenko - tân Giám đốc cơ quan tình báo Ukraine (SBU)- được tờ Effedieffe đăng tải

Cũng trong ngày 22/2, ông Valentin Nalivaichenko được bổ nhiệm làm người đứng đầu các cơ quan tình báo Ukraine (SBU). Theo thông tin từ chính truyền thông phương Tây, ông Valentin Nalivaichenko là 1 người Ukraine nhưng có quốc tịch Hoa Kỳ và có quan hệ rất mật thiết với cơ quan tình báo Trung ương Mỹ CIA.

Ngoài ra, ngay sau khi chính phủ tạm quyền sau đảo chính ra mắt ngày 26-2 ở Kiev, Thủ tướng Cộng hòa tự trị Crimea (còn gọi là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Crimea) khi đó là Anatoly Mogilyov cũng lên tiếng tuyên bố trung thành với chính phủ do nhóm chính biến lập ra ở Kiev.

Đồng thời, người Mỹ cũng triển khai ở Dnepropetrovsk cả một trung tâm chỉ huy máy bay không người lái để thực hiện các chuyến bay do thám trên lãnh thổ Crimea. Điều này đã gây ra nghi ngờ lớn cho Nga, bởi khi đó, Ukraine hầu như không có nên không sử dụng máy bay trinh sát không người lái.

Nga cân nhắc và đánh giá tình hình

Cái bẫy để Hạm đội Mỹ chiếm chỗ của Hạm đội biển Đen Nga đã giăng ra, nếu Nga không hành động ngay để chính quyền Kiev ra lệnh thiết quân luật, phong tỏa binh lính của Hạm đội biển Đen trong khu doanh trại thì chắc chắn Crimea sẽ thuộc về Ukraine và căn cứ Sevastopol sẽ trở thành căn cứ tàu sân bay Mỹ.

Tuy nhiên, một khó khăn rất lớn đối với Nga là khi đó trên bán đảo Nga chỉ có khoảng 3000 quân, trong khi quân số thường trực chiến đấu của Ukraine là khoảng 22.000, cộng với các nhân viên quân sự khác là vào khoảng gần 30.000 quân, tương quan lực lượng khá chênh lệch.

Một khó khăn nữa là khi đó Mỹ đã triển khai 2 tàu chiến ở biển Đen, bao gồm tàu chỉ huy hạm đội 6 USS Mount Whitney (LCC-20) và tàu hộ vệ USS Taylor (FFG-50) với lí do “hỗ trợ an ninh cho thế vận hội Sochi và di chuyển người Mỹ trong tình huống khẩn cấp”.

Kỳ hạm của Hạm đội 6 USS Mount Whitney là tàu chỉ huy lớp Blue Ridge, được trang bị hệ thống Chỉ huy, kiểm soát, thông tin, máy tính và tình báo (viết tắt là C4I) để chỉ huy mọi hoạt động về tác chiến, cơ động và điều động các tàu của Hạm đội 6.

Tàu USS Taylor đang di chuyển trên biển Đen ngày 5-2-2014
Tàu USS Taylor đang di chuyển trên biển Đen ngày 5-2-2014

Cụ thể, nó được trang bị Hệ thống thông tin chỉ huy liên hợp trên biển (JMCIS2.2); hệ thống kiểm soát trên không phản ứnh nhanh thời chiến; hệ thống thông tin số liệu Link 4A, Link 11, Link 14; hệ thống thông tin sóng cực ngắn WSC-3 (UHF), hệ thống thông tin vệ tinh WSC-6 (SHF), USC-38 (EHF).

Tàu có thể truyền và nhận một lượng lớn dữ liệu an ninh trên khắp thế giới thông qua các kênh liên lạc đa dạng. Tính năng ưu việt này giúp USS Mount Whitney trở thành một trung tâm đầu não xử lý các thông tin tình báo và hỗ trợ cho việc ra quyết định một cách chính xác.

2 tàu này tuần tiễu khu vực giữa biển Đen (sau đó được bổ sung thêm khu trục hạm DDG-61USS Ramage), cách Crimea và eo biển Kerch vẻn vẹn chưa đầy 200km nên bất cứ động thái di chuyển quân lớn nào của Nga ở Crimea và từ Nga vượt qua eo biển Kerch đều có thể bị theo dõi.

Trước tình hình đó, Nga đánh giá, quân số Ukraine tuy nhiều nhưng lục quân ít, hải quân Ukraine và bộ đội biên phòng nước này không có khả năng chiến đấu cao, đa số các tàu chiến của Ukraine hoặc đang chờ ngừng hoạt động hoặc đã quá cũ.

Bởi vậy, người Nga nhận định rằng với lực lượng hải quân đánh bộ hiện diện sẵn ở Crimea, Nga có thể khống chế được vài mục tiêu trọng yếu như tòa nhà chính quyền, quốc hội và 2 sân bay chiến lược Simferopol và Belbek nên quyết định không điều động quân ở trong nước sang để tránh bị lộ.

Đồng thời, Nga vẫn duy trì trạng thái thông tin liên lạc bình thường nhưng ngừng việc ra các chỉ thị mệnh lệnh trên sóng vô tuyến và các loại điện thoại, chỉ trao đổi thông tin với nhau bằng liên lạc viên hoặc đường hữu tuyến, để tránh bị chặn thu trộm.

Các chuyên gia Mỹ và châu Âu nhận thấy trước khi “những người lịch sự” xuất hiện ở các tòa nhà hành chính Simferopol, không hề có tình trạng hoạt động nhộn nhịp trên sóng điện thoại hay sóng vô tuyến điện. Vì vậy chiến dịch bắt đầu từ ngày 27-2 hoàn toàn bất ngờ với tình báo phương Tây.

Vị trí triển khai 2 tàu USS Mount Whitney (LCC-20) và USS Taylor (FFG-50) ở khu vực giữa biển Đen, ngang Sochi, cách Crimea chưa đầy 200km
Vị trí triển khai 2 tàu USS Mount Whitney (LCC-20) và USS Taylor (FFG-50) ở khu vực giữa biển Đen, ngang Sochi, cách Crimea chưa đầy 200km

Nga ra tay hành động, biên đội tàu sân bay Mỹ lặng lẽ quay đầu

4g20 rạng sáng ngày 27-2, quân Nga đã bao vây tòa nhà nghị viện và chính phủ Crimea, hạ cờ Ukraine, giương cờ Nga. Cũng trong đêm 27-2, những người “lính lạ” cũng bao vây và giành quyền kiểm soát hai sân bay Belbek và Simferopol.

Ngay lập tức, tiến trình thay thế chính quyền thân Kiev được tiến hành. Hội đồng tối cao khu tự trị Crimea của Ukraine sáng ngày 27/2 đã giải tán chính quyền địa phương, bãi nhiễm Thủ tướng thân Kiev Anatoly Mogilyov và bầu ông Sergei Aksyonov, thủ lĩnh các lực lượng thân Nga làm chủ tịch mới.

Tiến trình trưng cầu dân ý cũng đồng thời được quyết định ngay trong ngày 27-2. “Dưới sức ép” của một cuộc biểu tình nhân dân bên ngoài tòa nhà quốc hội, phản đối chính phủ đảo chính ở Kiev, các nghị sĩ cũng bỏ phiếu ủng hộ tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý để quyết định tương lai của bán đảo này vào ngày 25/5.

Cục diện chính trị đã định, nắm được chính quyền trong tay, Nga tiếp tục phần việc thứ 2 là chiếm giữ các vị trí chiến lược khác và các vị trí đồn trú của quân đội Ukraine nhằm giải giáp lực lượng này. Trong khi đó, chính quyền Kiev mất kiểm soát hoàn toàn cơ quan hành chính và lực lượng quân đội - an ninh ở Crimea.

Vào ngày 28/2, 8 trực thăng quân sự Nga, 4 máy bay Ilyushin Il-76 với số lượng lớn lính dù và tàu đổ bộ Zubr đã được vận chuyển từ Nga tới Ukraine.

Ngày 2-3, 10 máy bay trực thăng vận tải và chiến đấu Mi-8, Mi-24 vượt không phận Nga - Ukraine.

Chiều cùng ngày, thêm năm máy bay vận tải IL-76 đáp xuống sân bay Gvadeiskoye (cách Simferopol 13km về phía bắc), chở biệt kích dù từ Pskov, Tula và Uliyanovsk (Nga) đến tham gia chiến dịch.

Chỉ vài vài ngày sau, số binh sĩ được Nga triển khai đã tăng từ 3.000 đến 16.000 người nhưng vẫn trong vòng quy định 25.000 người. Lúc này, Kiev và Mỹ có phát hiện ra những động thái chuyển quân rầm rộ từ Nga sang nhưng bất lực không thể làm gì để ngăn chặn.

Quân Nga canh gác bên ngoài doanh trại quân đội Ukraine
Quân Nga canh gác bên ngoài doanh trại quân đội Ukraine

Lần lượt, “những người lịch sự” cùng các đội tự vệ phong tỏa các tòa nhà chính quyền, các trọng điểm hạ tầng rồi cơ sở quân sự Crimea. Đến thời điểm này, 11 đồn biên phòng ở Crimea cũng đã bị vô hiệu hóa.

Ngày 19-3, Sở chỉ huy hải quân Sevastopol của Ukraine bị đột kích, tư lệnh hải quân Sergei Gaiduk bị bắt. Tuy nhiên, sau khi Bộ trưởng quốc phòng Nga Sergei Shoigu can thiệp, ông Gaiduk đã được thả.

Cùng ngày, Bộ Quốc phòng Ukraine đã cho phép binh sĩ Ukraine ở Crimea được phép sử dụng vũ lực. Nhưng đã quá muộn. Trong vòng kiểm soát của Kiev chỉ còn vài điểm hậu cần không liên lạc được với nhau. Chiến dịch đã chấm dứt với việc quân Nga và lực lượng tự vệ Crimea hoàn toàn chiếm đóng bán đảo.

Ngày 5/3, mệnh lệnh ban đầu mà biên đội tàu sân bay Mỹ nhận được đã bị hủy bỏ. Biên đội lặng lẽ quay đầu khỏi thành phố Piraeus của Hy Lạp sang Antalya, đến đợi lệnh mới ở một căn cứ Thổ Nhĩ Kỳ. Âm mưu hất cẳng Hạm đội biển Đen của Mỹ đã hoàn toàn bị phá sản.

Chỉ có các tàu khu trục USS Truxtun, USS Donald Cook và tàu hộ vệ USS Taylor đã được phái đến bờ biển bắc Crimea với lí do tập trận chung với Bulgaria và Romania để do thám, phá hoại các hệ thống anten của trung tâm vũ trụ và thả biệt kích vào phá hoại cuộc trưng cầu dân ý từ ngày 7-22/3.

Tuy nhiên, trong thời gian đầu quá trình chiếm đóng bán đảo, Moscow cũng phải giải quyết khá nhiều sự vụ phức tạp như việc có đơn vị Ukraine cương quyết không đầu hàng mà lực lượng đặc nhiệm Nga không được phép nổ súng hay vụ Nga thu phục lực lượng đặc nhiệm Berkut của Ukraine để giải giáp chính quân đội nước này.

Ngoài ra, Nga còn phải phá âm mưu dùng biệt kích gây rối, bảo vệ an toàn cuộc trưng cầu dân ý trên bán đảo, âm mưu phá hoại trung tâm vũ trụ của tàu khu trục USS Donald Cook, dẫn đến nguồn cơn nó bị Su-24 của Nga “dằn mặt” hay việc Nga hóa giải các mâu thuẫn giữa các dân tộc thiểu số trên bán đảo…

Điều này chúng ta sẽ tiếp tục tìm hiểu trong các kỳ sau.

Theo Baodatviet.vn

Mới nhất
x
"Mùa xuân Crimea": Phá âm mưu của Cụm TSB Mỹ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO