"Mùa Xuân đầu tiên" - điệu valse da diết ngày đoàn tụ
Một mùa Xuân nữa lại về, mùa Xuân thứ 40 của đất nước Việt Nam thống nhất. Bỗng dưng ngân lên tiếng hát Mùa Xuân đầu tiên của cố nhạc sĩ Văn Cao. Bao giờ cũng thế, điệu valse nhẹ nhàng, da diết này làm lòng ta yên tĩnh, ấm áp lạ thường. Và những kỷ niệm về cố nhạc sĩ Văn Cao trong căn gác ở số 108 Yết Kiêu, Hà Nội lại hiện về trong tôi...
Rồi dặt dìu mùa Xuân theo én về
Mùa bình thường mùa vui nay đã về
Mùa Xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên...
Có những bản hùng ca được viết vào những ngày Đại thắng mùa Xuân 1975. Đó là những bài ca hùng tráng, reo vui. Tâm trạng chung của cả đất nước lúc ấy là hân hoan, là rộn ràng... Nhưng có lẽ Mùa xuân đầu tiên đến với đất nước mình trong niềm vui quá lớn khiến Văn Cao lắng lại, để cất lên nỗi khát vọng, niềm mơ ước cháy lòng sau 21 năm đất nước bị chia cắt... 21 năm ấy, biết bao nhiêu cuộc đời dang dở, bao lứa đôi chịu xa cách chia ly... Hiền Lương - Bến Hải như lưỡi dao chém ngang khúc ruột Tổ quốc.
Để có ngày đoàn tụ, cả dân tộc đã lên đường, bước vào cuộc trường chinh vĩ đại và khoảng thời gian hai thập kỷ ấy có không biết bao nhiêu mất mát hy sinh... Và ngày toàn thắng đã đến. Niềm vui và nỗi đau ùa về, khiến lòng ta bâng khuâng...
Cố nhạc sĩ Văn Cao |
Còn nhớ mùa Đông năm 1992 tôi đến thăm nhạc sĩ Văn Cao tại số nhà 108 phố Yết Kiêu. Cho đến lúc ấy, bài hát Mùa Xuân đầu tiên vẫn chưa được hát rộng rãi. Bên chén rượu trắng, dáng gầy gò nhưng đôi mắt thì rất sáng, Văn Cao kể: Tôi nghe Trịnh Công Sơn kể rằng bên Mỹ người ta đã tấu Thiên thai của tôi trước khi bay vào vũ trụ. Âm nhạc với tôi, tôi coi là lẽ sống, nhưng 20 năm không viết được gì. Có mấy bản thì thấy... bình thường vì vậy tôi chưa muốn công bố. Duy chỉ bài Mùa Xuân đầu tiên tôi viết vào lúc lòng quá xúc động trước một mùa Xuân kỳ diệu nhất đối với dân tộc.
Đó là khúc hoan ca mừng ngày Bắc Nam sum họp. Cho người thân về với người thân... Với tâm trạng đó tôi viết bài hát này bằng một điệu thức âm hưởng valse nhẹ nhàng, thiết tha, tình cảm. Chính vì thế mà bản nhạc chưa được đón nhận vào thời điểm ấy. Mọi người đang reo ca đang tưng bừng chào đón ngày mới về trên Tổ quốc, còn điệu valse xướng lên lúc ấy cỏ vẻ... nhẹ nhàng quá!
Rồi dặt dìu mùa Xuân theo én về
Mùa bình thường mùa vui nay đã về
Mùa Xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên...
Nào ngờ, như ông nói, Mùa Xuân đầu tiên có số phận thật đặc biệt. Nó lưu lạc không biết bằng con đường nào sang tận nước Nga xa xôi, được xuất bản ở đó, trước khi được cất lên, được phổ biến tại Việt Nam rất lâu. Nhà văn Triệu Bôn từng kể người cháu của mình thời làm ăn ở Nga vẫn thường nghe Mùa Xuân đầu tiên. Chàng trai ấy bảo, nghe nhạc Văn Cao bởi: “... thấy lòng mình sạch sẽ trở lại, thấy quê hương đất nước như ở bên mình...”
Gặp Ánh Tuyết trước đêm nhạc Văn Cao tại Hà Nội năm trước, ca sĩ kể: “Từ năm 1983, khi đêm nhạc đầu tiên của Văn Cao được tổ chức tại TP.HCM, bản Mùa Xuân đầu tiên vẫn chưa được hát. Sau đó khoảng năm 1990 gì đó, có ca sĩ Thanh Thúy và vài người hát nhưng chưa được đón nhận rộng rãi... Chỉ sau khi tác giả qua đời, năm 1995, Mùa Xuân đầu tiên mới được cất lên khắp nơi. Phải chăng những tác phẩm nghệ thuật lớn thường có số phận lạ kỳ như vậy?!
Mùa Xuân năm 1995 là mùa xuân cuối cùng của tác giả Mùa Xuân đầu tiên. Lúc tôi lại thăm, thấy ông mệt nhiều và đến tháng Bảy thì ông về Thiên Thai. Ngày ông mất, tôi viếng ông bằng mấy câu thơ nhỏ: Ông ngồi đó như nốt lặng/ Rượu ngày đôi chén đầy vơi/ Nghĩ về sự sống cái chết /Tóc râu ông trắng mây trời. Thi hài ông quàn tại Ngôi nhà Văn nghệ Việt Nam số 51 Trần Hưng Đạo - Hà Nội. Hoa nở trong thành phố dịp đó không đủ để mọi người mang đến viếng người nhạc sĩ tài danh. Vậy mà đã gần 20 năm...
Văn Cao đã đặt giữa cuộc đời một điệu valse nhẹ nhàng, tình cảm... Nhưng thời ấy đất nước bộn bề, đời sống còn bao điều phải lo, phải làm, vì vậy mấy ai bình tâm đón nhận sự lắng sâu thánh thiện của tâm hồn tác giả qua một khúc hát gợi bâng khuâng ngày hòa bình... Ông đã có tâm cảm xa hơn, khi chạm đến những xót xa, thấm thía của một dân tộc bước qua đau thương, mất mát.
Mùa én về báo hiệu một không gian thanh bình, nhưng cái hình ảnh khói bay trên sông, gà gáy trưa bên sông làm mùa Xuân có gì man mác... Và trong giờ phút lịch sử ấy thấy có gì đó bâng khuâng rạo rực trong lòng: “Một trưa nắng thôi hôm nay mênh mông”...
Clip Mùa Xuân Đầu Tiên (Văn Cao) - ca sĩ Thanh Thúy
Về sự ra đời của nhạc phẩm Mùa Xuân đầu tiên, anh Văn Thao - con trai nhạc sĩ - kể: “Lúc tôi trở về nhà, vừa lên mấy bậc thang bỗng sững sờ với tiếng đàn dương cầm vọng ra từ căn gác nhỏ số 108 Yết Kiêu. Đó là một điệu valse mượt mà, dìu dặt. Văn Cao ngồi bên đàn dương cầm. Đôi bàn tay khô gầy của ông đang lướt trên những phím. Tiếng đàn ấm áp, ngọt ngào như không muốn xao động căn phòng.
Sau 20 năm Văn Cao làm “nốt lặng” giữa cuộc đời... “Cha viết bài nầy mừng đất nước thống nhất, nhân dân mình đoàn tụ” - ông nhẹ nhàng cất lời với tôi. Cha tôi viết bản nhạc ấy trong tâm thức an vui sau ngày đất nước thôi chinh chiến 30 năm máu lửa, khi đất nước hòa bình, Tổ quốc sum họp. Trước đó, báo Sài Gòn Giải phóng cho người đến đặt ông bản nhạc mừng hòa bình và cuộc gặp gỡ ấy đã cho ta tuyệt tác Mùa Xuân đầu tiên...”
Nhà thơ Thanh Thảo viết: “Cả một dòng sông vui, nhưng không trào cuộn ào ào, mà như lắng lại, nghe kỹ thấy những lượn sóng đang run run, những lượn sóng như nhắn nhủ cái gì, như báo trước một điều gì”. Thời gian đã trả lại giá trị cho nhiều tác phẩm, trong đó có Mùa xuân đầu tiên của Văn Cao. Và hôm nay giai điệu dìu dặt theo đàn chim én bay trong bài hát vẫn làm ấm lòng người khi Xuân về. Có những giai điệu đẹp đến mơ hồ. Điệu valse sang trọng, nhẹ nhàng như hơi thở mùa Xuân, nhưng ta cảm được bên trong sự tươi vui ấy chứa đầy bâng khuâng, thương nhớ da diết:
Từ đây người biết quê người
Từ đây người biết thương người
Từ đây người biết yêu người
Bâng khuâng và rạo rực lắm, lòng người Việt trước mùa Xuân đầu tiên. Bây giờ thì giai điệu ấy đang làm xao xuyến lòng ta... Ôi khúc ca của hòa bình và đoàn tụ. Văn Cao đã đi xa 20 năm và tôi tin khúc hoan ca ấy, cũng như những tuyệt khúc khác của ông mãi ở lại với người Việt...
Theo TT&VH