Mùa Xuân nho nhỏ
(Baonghean) - Hồi gia đình mình còn ở cái nhà cấp bốn be bé, Tết đến chưng được cành đào là chật hết cả nhà. Bố, mẹ, con đi ra, đi vào cứ phải nín thở, hóp bụng, rõ khổ! Sau này xây nhà mới rộng rãi, phòng khách vẫn cứ thành chật chội mỗi khi Tết đến. Cũng bởi kích thước cành đào mỗi năm mỗi tịnh tiến dần đều...
Đối với người miền Bắc, cành đào là thứ không thể thiếu mỗi khi Tết đến, Xuân về. Chẳng thế mà trong tiềm thức những người Việt xa xứ bao giờ cũng khắc khoải nhớ nhung một sắc hồng phơn phớt. Mùa Đông ở xứ lạ thoáng thấy bóng má hồng của cô gái da vàng tóc đen nào ngang qua cũng giật mình tưởng thấy lại một sắc đào xưa. Đào thì có đào Nhật Tân - màu hồng phấn đậm, đào ta - màu hồng phớt nhẹ nhàng, còn có cả đào Lào - thân to, vân "mốc" cổ kính, nhìn là biết ngay đến từ miền núi rừng xa thẳm. Mỗi nhà mỗi thú "chơi" đào, nhưng chung quy lại hầu như ai cũng chuộng kích cỡ. Nghĩa là càng to, càng nhiều nhánh, càng... tốn diện tích, càng tốt! Tất nhiên, xét trên một khía cạnh thì những cành đào càng lớn, tán càng mở rộng, phóng khoáng vẫn hơn là một nhành đào bé. Tuy nhiên, không phải cái gì đẹp cũng tốt, nhất là khi cái đẹp ấy không tìm được một vị trí tương xứng với nó.
Năm ngoái mình không về ăn Tết, chỉ có thể gọi điện và chat video với gia đình, bạn bè. Đoạn gọi cho một ông bạn, chẳng hiểu sao thấy mỗi... cái chỏm tóc, còn đâu chỉ thấy tán cành đào. Thắc mắc thì nó bảo: "Cành đào to tướng choán hết cả phòng khách, ngồi thế này hơi mỏi nhưng thôi, hy sinh tí cho cậu được thưởng thức hoa đào Tết, đỡ nhớ nhung!". Hỏi ra mới biết, bố nó đi lùng khắp mới chọn được một cành ưng ý, mà theo ông là "thế đẹp, hợp phong thuỷ", rồi thì "thể hiện được gia thế của nhà mình". Mình chịu chẳng biết năm vừa rồi nhà nó có phất lên được nhờ cành đào "thế" ấy không, chỉ biết năm nay mẹ nó khăng khăng không cho mua đào, chỉ chưng chậu mai bé xinh chứ "nhìn cành đào “khủng long” thế kia, khách nào muốn vào ngồi chơi mà phong với chả thuỷ".
Thực ra, cũng rất thông cảm với tâm lý chung là mỗi năm chỉ có một lần Tết, muốn trưng diện những gì đẹp nhất, sung túc nhất để lấy lộc cho một năm mới vạn sự tốt đẹp. Nhưng cái gì quá cũng không tốt, nhất là khi cái "quá" ấy lại vượt khỏi nhu cầu, điều kiện của mình, thậm chí gây phiền hà, bất tiện. Không riêng gì việc chưng đào Tết, việc ăn uống, vui chơi, sắm sanh lễ Tết cũng không ít lần gây lãng phí. Lãng phí tiền của đã đành, thời gian, sức khoẻ hay đôi khi là quan hệ xã hội, hạnh phúc gia đình cũng theo đó mà đội nón ra đi!
Mình láng máng nhớ có năm ra Hà Nội dịp sát Tết, từ trong nhà cho đến bà hàng nước ngoài ngõ, đâu đâu cũng thấy chưng mấy cành đào "ghép". Sắc hồng lấm tấm đất trời, làm người ta thấy ấm lòng, thoả mãn hít hà cái không khí mùa Xuân nhẹ nhàng, ý nhị len lỏi vào từng ngóc ngách của muôn nẻo phố phường. Để thấy điều làm nên vẻ đẹp của ngày Tết không phải là số lượng, kích thước, mà là cái hồn cốt, là không khí cổ xưa nhưng rất thực, rất gần, rất mộc mạc. Như thể gói cả tinh hoa đất trời và sức sống của tạo hoá vào trong một chiếc lá dong, một hạt nếp, một hạt đỗ. Gói mùa Xuân nho nhỏ vào một cánh đào.
Hải Triều