Mức độ chịu đựng tham nhũng của dân VN ngày càng tăng
Đó là kết quả khảo sát của Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) xoay quanh nội dung cải thiện chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (chỉ số PAPI) được công bố ngày 10-8.
Đồ họa: TẤN ĐẠT - Ảnh: CA |
Tại cuộc làm việc do Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến chủ trì, UNDP công bố nhiều số liệu đáng quan tâm từ nghiên cứu “Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam - Đo lường từ kinh nghiệm thực tiễn của người dân”.
Theo đó, từ năm 2009 đến 2015 có gần 75.000 người thuộc 63 tỉnh, thành trên cả nước được khảo sát. Hà Nội và TP.HCM là 2 địa phương có số lượng người tham gia khảo sát đông gấp 3 lần các địa phương khác.
“Lót tay” làm sổ đỏ: TP.HCM cao hơn Hà Nội
Kết quả khảo sát cho thấy đối với chỉ số nội dung kiểm soát tham nhũng trong khu vực công, tại TP.HCM trong năm 2015 có hơn 28% người được hỏi cho biết phải trả chi phí “lót tay” để làm xong thủ tục giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Giá trị tiền “lót tay” trung bình gần 14,5 triệu đồng/lượt. Chi phí này ở Hà Nội thấp hơn, trung bình chỉ gần 1,2 triệu đồng/lượt.
Có hơn 30% người dân ở TP.HCM được khảo sát cho biết họ phải trả chi phí không chính thức cho cán bộ y tế ở bệnh viện tuyến huyện, bệnh viện TP để được chăm sóc tốt hơn. Tỉ lệ này giảm một nửa so với năm 2011 (gần 60%).
Giá trị chi phí không chính thức cho dịch vụ y tế chiếm khoảng 730.000 đồng/lượt. Tại Hà Nội, mức tiền “bồi dưỡng” cho bệnh viện cao hơn gấp 5 lần, lên đến hơn 3,5 triệu đồng/lượt.
Riêng ở cấp tiểu học, giá trị chi phí mà phụ huynh phải bồi dưỡng giáo viên/ban giám hiệu trường công lập (chi phí ngoài quy định) tại TP.HCM năm 2015 là gần 853.000 đồng/học kỳ, tăng so với năm 2011 chỉ ở mức 510.000 đồng/học kỳ.
Mức bồi dưỡng này ở Hà Nội năm 2015 thấp hơn ở TP.HCM: khoảng 630.000 đồng/học kỳ (năm 2011, mức bồi dưỡng này ở Hà Nội đến 824.000 đồng/học kỳ).
Theo đánh giá của người dân, việc tuyển dụng công chức, viên chức phần lớn không dựa trên năng lực thật sự mà dựa trên quan hệ cá nhân.
Có hơn 50% người được khảo sát cho hay có tình trạng phải đưa “lót tay” để xin được việc trong cơ quan nhà nước.
Mức độ “chịu đựng” tham nhũng tăng
Cũng theo kết quả khảo sát, nếu như năm 2011 ở TP.HCM mức tiền hối lộ dẫn tới việc người dân tố cáo hành vi đòi hối lộ trung bình là 5,8 triệu đồng, thì năm 2015 người dân chỉ tố cáo khi mức tiền đòi hối lộ trung bình lên tới 34,8 triệu đồng.
Năm 2015, chỉ có gần 2,3% người bị vòi vĩnh cho biết đã tố giác hành vi đòi hối lộ của cán bộ chính quyền, trong khi năm 2011 tỉ lệ này là 12,5%.
Ở Hà Nội, tỉ lệ người tố cáo tham nhũng hầu như không có: chiếm 0% năm 2015 và 0,2% năm 2011.
Bà Đỗ Thị Thanh Huyền, chuyên gia phân tích chính sách của UNDP, nhận xét: “Con số trên cho thấy mức độ chịu đựng tham nhũng của người dân đang có xu hướng tăng lên, dù tham nhũng vẫn tồn tại dai dẳng và có xu hướng gia tăng ở cấp tỉnh và đã có chỉ đạo quyết liệt từ cấp cao nhất nhằm giảm thiểu tham nhũng”.
Tỉ lệ người dân được khảo sát cho rằng cán bộ dùng tiền công quỹ cho mục đích riêng cũng gia tăng. Nếu như năm 2011 chỉ có hơn 21% đồng ý có chuyện này thì năm 2015 đã tăng lên hơn 25%.
Những vấn đề người dân quan ngại trong năm 2015 Theo kết quả nghiên cứu, ở khía cạnh “Những vấn đề đáng quan ngại nhất năm 2015” đối với phụ nữ là đói nghèo, giáo dục, việc làm, y tế. Nam giới quan tâm nhiều đến tranh chấp Biển Đông, tham nhũng, đường sá giao thông. Người ở nông thôn quan ngại về thu nhập, đói nghèo, hạ tầng. Người đô thị quan ngại về dịch vụ công, tham nhũng, việc làm, tranh chấp Biển Đông, an ninh trật tự. |
Theo TTO
TIN LIÊN QUAN |
---|