'Mức giảm trừ gia cảnh 11 triệu là lạc hậu'
Người dân và chuyên gia cho rằng mức giảm trừ gia cảnh 11 triệu đồng của Bộ Tài chính quá thấp, thậm chí "vô cảm và lạc hậu" với cuộc sống hiện tại.
Bộ Tài chính vừa đề xuất tăng mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế thu nhập cá nhân từ 9 triệu lên 11 triệu đồng và mức với người phụ thuộc tăng từ 3,6 triệu lên 4,4 triệu đồng. Mức này được Bộ Tài chính tính dựa vào số liệu Tổng cục Thống kê cung cấp, chỉ số CPI tại thời điểm cuối tháng 12/2019 so với thời điểm 1/7/2013 đã tăng 23,2%.
Trước thông tin này, bản thân là người nộp thuế như chị Hoa - nhân viên của một công ty xuất nhập khẩu ở quận 10 (TP. HCM) cũng hết sức ngỡ ngàng. Là người "giữ tay hòm chìa khóa" trong nhà và phụ trách vấn đề chợ búa hàng ngày, chị nắm rõ hơn ai hết sự biến động của giá cả.
Quầy bán hoa quả trên phố. Ảnh: Bloomberg. |
Chị kể, cách đây 2-3 năm, 200.000 đồng là đủ tiền chợ cho cả ngày với 5 người ăn, nhưng nay "tiết kiệm lắm cũng phải lên trên 300.000 đồng". Không chỉ vậy, tiền điện, nước cũng tăng. "Ngay cả tiền đổ rác trước đây tầm 15.000-20.000 đồng 1 tháng nay cũng vọt lên 40.000-50.000 đồng", chị nói.
Tương tự, anh Nam - nhân viên của một ngân hàng cũng tỏ ra ngao ngán khi cho rằng, Bộ Tài chính thống kê chỉ số CPI cuối tháng 12/2019 so với 1/7/2013 tăng 23,2%, nhưng mức tăng thực tế trên thị trường lớn hơn nhiều lần. Anh lấy ví dụ, ổ bánh mì ăn sáng, thời điểm 2013 chỉ có giá 7.000-8.000 đồng nhưng nay đã lên 15.000-20.000 đồng, tức mức tăng hơn 2 lần.
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng mức đề xuất mới này quá thấp và không hợp lý. PGS TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo - Trưởng khoa Tài chính Trường Đại học Kinh tế TP. HCM phân tích, cách Bộ Tài chính làm là lấy 9 triệu đồng nhân cho tốc độ gia tăng CPI của năm 2019 so với 2013 là 23% để ra con số 11 triệu đồng.
"Đây là cách làm đơn giản đến lạnh lùng và vô cảm", ông Bảo nói và cho rằng, một chính sách tác động lên sinh kế của hơn 90 triệu người lại được tính toán và hoạch định giản đơn hơn bài toán thống kê của sinh viên năm nhất. "Thế thì tính trách nhiệm, độ chính xác và vị dân nằm ở đâu", ông Bảo hỏi.
Theo vị này, dưới góc độ chuyên môn, khi lấy giá trị của một hàng hóa điều chỉnh theo CPI là để quy về trạng thái ngang giá của tài sản cơ sở ở quá khứ và hiện tại. Nói đơn giản, giả sử bữa cơm của một gia đình 4 người vào năm 2017 có trị giá 100.000 đồng thì với cách tính trên năm 2019 là 123.000 đồng. Nghĩa là thành phần, số lượng và chất lượng bữa ăn không có gì thay đổi.
Với cách tiếp cận vấn đề của Bộ Tài chính, ông Bảo thắc mắc, lẽ nào sau gần 10 năm, chất lượng cuộc sống của người dân vẫn dẫm chân tại chỗ, không thêm được "tí rau tí thịt".
"Vậy mà Bộ Tài chính muốn mức sống của người dân dậm chân tại chỗ, thậm chí thụt lùi, và sau 10 năm những thành quả tăng trưởng kinh tế đã không đi vào cuộc sống", ông nói và cho rằng cách tính của Bộ Tài chính chỉ nhằm một mục đích duy nhất: tối đa hóa số thuế thu được và vi phạm nguyên tắc bồi dưỡng nguồn thu.
Do đó, theo ông Bảo, nếu muốn tính cho gọn thì phải dùng tốc độ tăng trưởng GDP để đo tốc độ tăng thu nhập bình quân đầu người. Vì đây là "ngưỡng thu nhập chịu thuế" nên phải điều chỉnh bằng tốc độ tăng thu nhập, chứ không được đánh tráo khái niệm bằng "tốc độ tăng CPI".
Nếu tăng trưởng kinh tế hàng năm bình quân là 6,5% trong giai đoạn 2013-2019, để luật thuế có hiệu lực trong năm 2020 thì mức tăng trưởng thu nhập tích lũy là hơn 55%. Vì vậy, ngưỡng thu nhập chịu thuế tối thiểu phải là 14 triệu (9 triệu nhân 155%). Tương tự, mức miễn trừ đối với người phụ thuộc phải được làm tròn là 6 triệu một người (3,6 triệu nhân 155%). Nghĩa là một người có thu nhập bình quân một tháng là 20 triệu đồng, phải nuôi thêm 1 người phụ thuộc thì không phải đóng thuế thu nhập cá nhân.
Nhưng theo ông Bảo, tốt nhất, ngưỡng thu nhập chịu thuế cũng phải được điều chỉnh hàng năm để bám sát thực tiễn cuộc sống.
Một số chuyên gia khác cũng cho rằng mức giảm trừ gia cảnh mà Bộ Tài chính đề xuất là không phù hợp. Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Thương mại Luật gia Việt Nam (VLCAC), quy định CPI tăng vượt mức 20% mới kiến nghị điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh nhưng cách tính mức mới này chưa tiếp cận ở thì tương lai.
Hơn nữa, theo ông, vừa qua cả nền kinh tế từ doanh nghiệp cho tới người dân đang bị ảnh hưởng nặng nề của Covid-19, không thể căn cứ vào mức thu nhập này để tính thuế cho năm nay và những năm tới được. "Đề xuất mức giảm trừ gia cảnh mới này chưa áp dụng đã thấy quá lạc hậu và không phù hợp. Người nộp thuế sẽ phải chịu thiệt. Cần tính toán lại cho phù hợp hơn để tránh việc luật đưa vào sử dụng cứ phải sửa đi sửa lại", ông Hậu đề nghị.