Mức hỗ trợ đóng tàu cho ngư dân: Lạc hậu và không kịp thời!

28/02/2014 11:16

(Baonghean) - Thời gian qua, với những cơ chế chính, sách khuyến khích phát triển các phương tiện khai thác thủy sản, số phương tiện công suất lớn tăng nhanh. tuy nhiên Phong trào phát triển đội tàu xa bờ trong những năm qua có thể mạnh hơn nếu như có chính sách phù hợp, kịp thời.

từ năm 2009, tỉnh Nghệ An ban hành nhiều cơ chế chính sách để khuyến khích phát triển nông nghiệp nói chung và ngành thủy sản nói riêng, trong đó có cơ chế hỗ trợ lãi suất đóng mới phương tiện nghề cá. Quyết định 09/2009, QĐ 10/2010 và QĐ 09/2012 của UBND tỉnh, đều có 1 điểm chung là hỗ trợ lãi suất cho các chủ phương tiện khai thác. Mức hỗ trợ tối đa là 54 triệu theo công suất của máy tàu. Theo ông Nguyễn Chí Lương, Chi cục trưởng Chi cục bảo vệ nguồn lợi thủy sản thì trước 2009, để khuyến khích ngư dân phát triển các phương tiện khai thác thủy sản có công suất máy lớn, nhằm vươn khơi với 2 mục đích: giảm tải cho các vùng lộng, ven bờ để bảo vệ nguồn lợi thủy sản đang ngày càng cạn kiệt và bảo vệ lãnh hải của Tổ quốc, ngành thủy sản đã tham mưu cho tỉnh ban hành cơ chế hỗ trợ lãi suất đóng mới tàu cho ngư dân.

Tại thời điểm đó tàu đóng mới công suất trên 200 CV là rất hiếm. Tính toán chi phí đóng tàu mua máy, lãi suất vay, nên ngành đã tham mưu mức hỗ trợ tối đa là 54 triệu đồng. Đến nay sau 5 năm, 3 lần bổ sung cơ chế chính sách, mức hỗ trợ vẫn giữ nguyên. Theo phản ánh, lãi suất vay qua hàng năm thay đổi theo chiều hướng tăng lên nên mức hỗ trợ như thế là chưa phù hợp. Nay việc đóng tàu dưới 300 CV đã trở nên lạc hậu đối với nghề nên bà con ngư dân đều đóng tàu công suất máy phải trên 300 CV. Chi phí cho đóng mới một tàu trên 300 CV hiện nay từ 4 -5 tỷ đồng tùy theo nghề, còn tàu có công suất máy 700 - 800 CV chi phí lên đến hàng chục tỷ đồng. Qua tìm hiểu ở các địa phương đa phần chi phí đóng tàu phải vay từ nhiều nguồn khác nhau. Vốn của ngư dân nhiều nhất chỉ đáp ứng được 1/4 nhu cầu. So với chi phí, lãi suất vay hàng tháng thì con số 54 triệu mức tối đa của cơ chế hỗ trợ đã quá “nhỏ bé” so với thực tế. Vì thế rất nhiều ngư dân mong có sự thay đổi theo chiều hướng tăng lên để bớt một phần gánh nặng lãi suất vay ngân hàng.

Mặt khác, trong những năm qua nguồn hỗ trợ lại không kịp thời. Trong 3 năm 2010, 2011, 2013 số phương tiện đóng mới trên toàn tỉnh là 192 phương tiện. Tổng mức hỗ trợ theo Quyết định 09/2012/QĐ-UBND là hơn 8,3 tỷ đồng. Nhà nước mới chi trả cho bà con ngư dân hơn 3,49 tỷ đồng, bố trí nguồn vốn để chi trả vào năm 2014 là 2,5 tỷ đồng. Số tiền chưa có nguồn để chi trả cho bà con ngư dân (hay nói cách khác là nợ) là 2,46 tỷ đồng. Chỉ có năm 2012 chi trả dứt điểm được số phương tiện đóng mới do năm 2012 số phương tiện đóng mới ít nên số kinh phí bố trí hàng năm đủ chi trả. Với việc chậm hỗ trợ lãi suất khiến ngư dân gặp rất nhiều khó khăn, dẫn đến việc mất lòng tin ở chính sách đã ban hành.

Ông Hồ Chắt ở xóm 3, Quỳnh Nghĩa - Quỳnh Lưu cho biết. Năm 2011 ông cùng 9 bạn nghề hợp sức đóng mới tàu cá công suất 580 CV tổng chi phí hết hơn 4 tỷ đồng. Số tiền vay mượn đóng góp của mọi người chỉ được 1 tỷ, số còn lại phải thế chấp vay ngân hàng 3 tỷ đồng. Biết được có cơ chế hỗ trợ, ông làm thủ tục đã 3 năm qua, nhưng nay vẫn chưa nhận được tiền. Theo ông như thế là quá chậm trễ, ông và mọi người mong nhận được khoản tiền hỗ trợ lãi suất để thanh toán một phần nợ ngân hàng, để giảm bớt áp lực. Mặt khác ông cũng mong muốn mức hổ trợ được tính toán thay đổi theo lãi suất ngân hàng hàng năm. Chẳng hạn năm 2010 lãi suất vay là 1,6% tháng, năm 2011 là 1,9% tháng.

Chung tâm trạng với ông Chất là ông Nguyễn Chiến ở Tiến Thủy - Quỳnh Lưu. Năm 2011, ông cùng anh em bạn bè đóng tàu công suất 480 CV làm nghề chụp 4 sào. Đến nay ông vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ lãi suất. Theo ông như thế là quá chậm, mất hết ý nghĩa của sự hỗ trợ. Ông cũng đang mong sớm nhận được khoản tiền hỗ trợ đó để phần nào giải quyết được khó khăn trong cuộc sống của ông và các bạn nghề.

Đem những vấn đề này trao đổi với ông Trần Hữu Tiến, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông thừa nhận trong việc hỗ trợ ngư dân đóng mới phương tiện đánh bắt thủy hải sản theo Quyết định 09 của UBND tỉnh là “lạc hậu và không kịp thời”. Theo ông vì tính chất quan trọng của chủ trương vươn khơi phải thay hỗ trợ lãi suất bằng hỗ trợ đóng mới và mức hỗ trợ phải tăng lên nhiều lần so với hiện nay. Có như thế mới động viên, khuyến khích ngư dân đầu tư vươn khơi.

Anh Tuấn

Mới nhất
x
Mức hỗ trợ đóng tàu cho ngư dân: Lạc hậu và không kịp thời!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO