Mùi vị của đồng tiền
Có ai không từng nếm qua mùi vị của đồng tiền?!
(Baonghean) - Có ai không từng nếm qua mùi vị của đồng tiền?! Em bé được bố mẹ cưng chiều sẽ nói rằng đồng tiền có vị ngọt như kẹo và mềm như tấm chăn bông. Bạn trẻ vui đến trường sẽ nói đồng tiền có màu đỏ của hoa phượng vĩ và mùi thơm của những trang giấy trắng. Người có một mái nhà và cuộc sống no đủ ngày ba bữa sẽ nói đồng tiền có mùi khói nóng hổi của thức ăn mới nấu và hơi ấm của lò sưởi những ngày đông. Nhưng ta có biết, thật ra những điều kể trên chẳng là gì so với vô vàn mùi vị khác của đồng tiền...
Những người biết rõ nhất mùi vị của đồng tiền, lạ lùng thay, lại là những người ít khi có cơ hội được sở hữu đồng tiền trong tay. Nhưng những đồng tiền mà họ có chắc chắn là do bàn tay họ làm ra, và vì hiếm hoi, ít ỏi nên họ mới biết yêu, biết qúy lấy chúng. Nói là lạ nhưng thật ra không lạ: có phải vì những đồng tiền ta tiêu dễ thường không phải sức lao động của ta đổi lấy, hay đến với ta quá dễ dàng, thành thử ta tiêu chúng trơn tuột đi trên đầu ngón tay? Đồng tiền có ở lại bên ta đủ lâu để ta kịp nhìn ra không phải bao giờ chúng cũng mới cóng và thơm phức mùi giấy bạc, mực in, mà thực ra màu mực đã phai, nếp nhăn đã nhiều và đồng tiền dường như cũng mỏi mệt vì qua bao bàn tay lao động?
Nếu ta sống chậm lại một chút thôi, mà nhìn, mà ngửi, mà nếm xem đồng tiền của mình có màu gì, mùi gì, vị gì, chắc sẽ nhận ra rằng chúng không chỉ ngọt ngào và thơm tho như ta hằng nghĩ. Vậy nên, khi ta mua một mớ rau của bà lão ăn mặc tuềnh toàng, tay chân cáu cạnh, đừng quăng vội vàng vài tờ tiền lẻ ra một cách miệt thị, vì thứ ta mua về không chỉ là vài cọng rau, mà là buổi sáng sớm tinh sương của một người già cả hơn mẹ ta, bà ta, chân lội ao bùn, bàn tay nhăn nheo ngâm trong nước lạnh, là một đời tảo tần hôm sớm và sợi tóc bạc thêm trên mái đầu quen đội gió đội mưa. Khi ta vẫy một người đồng nát đi qua trước hiên nhà giữa trưa hè oi ả, đừng gắt gỏng, giục giã bàn tay gân guốc, chai sạn kia nhặt nhạnh những thứ đồ mà ta chỉ muốn tống khứ, vì thứ ta đổi không phải là giấy loại, chai lọ rác rến bỏ đi, mà là bữa cơm của một gia đình, là trang sách đến trường của em thơ, là tiếng rao cằn cỗi, nhọc nhằn vang lên u buồn bên những vòng quay cà tàng của chiếc xe đạp mấy mươi năm tuổi về đây từ những miền quê xa lạ.
Đến cả những đồng tiền ta bố thí cho người hành khất, đừng tưởng đấy là những đồng tiền rẻ rúng mua lấy niềm vui ngắn chẳng tày gang, đừng lấy đó mà khinh thường, mỉa mai cho rằng con người nghèo khó trước mặt ta là hèn kém. Khi giọng hát mùi mẫn, chứa chan nước mắt và tình cảm tủi hờn đó cất lên, có phải trái tim ta cũng rung lên hoài cảm về những gì đã qua, một mối tình dở dang, một miền quê xưa cũ, có phải đôi mắt mờ đục và bàn tay tật nguyền của người ca kỹ kia đã nhìn thấu và sưởi ấm trái tim ta, cho ta vơi bớt nỗi nhớ, niềm thương? Những điều đơn sơ này, dẫu có là giáo sư, tiến sĩ giỏi giang nhất chắc gì đã hiểu và truyền thụ cho ta được, dẫu có là người giàu có, sung túc nhất chắc gì đã sở hữu mà trao lại cho ta?
Chắc chắn, có những lúc trong cuộc sống, đồng tiền từ tay ta sẽ qua tay những người trông có vẻ bần hàn, khốn khó, chật vật với cơm, áo, gạo, tiền hơn ta. Nhưng chính những người ấy rồi đây sẽ dạy cho ta biết những mùi vị mới, cũng là những mùi vị vốn có của đồng tiền. Là mùi mồ hôi mặn mòi, chát chúa dưới cái nắng chói chang, mùi khói than đen kịt trong những hầm mỏ tối tăm bức bối, mùi tôm cá tanh nồng trên những con thuyền lênh đênh sóng nước, mùi bùn, mùi rơm rạ, mùi tre nứa, thậm chí là mùi rác rến và nước thải tanh tưởi, để ta biết rằng cuộc sống hiện đại sung túc cũng có những góc khuất, giống như đồng tiền không chỉ thơm mùi giấy mới như lúc vừa từ nhà in ra. Đồng tiền không chỉ biết có ngọt ngào, nó cũng biết đắng lòng nơi người biệt xứ tha hương, mặn nơi đầu môi là giọt nước mắt người mẹ thương con, bà thương cháu, biết chua chát, nghẹn ngào là nỗi tủi hờn của người sống một đời vất vả bán mặt cho đất, bán lưng cho trời.
Đồng tiền ơi, sao lắm mùi, lắm vị đến thế! Có phải vị giác ta tê, khứu giác ta liệt rồi không, mà ta chẳng nếm hết những mùi, những vị này? Hay tại trái tim ta nhỏ, tâm hồn ta lạnh nên chẳng thể nào đến được gần ngươi? Khi ta tiêu một đồng tiền, xin hãy ngừng lại trong chốc lát mà ngẫm nghĩ: đồng tiền trong tay ta đang có mùi vị gì, người ta sắp trao gửi lại nó là ai, và như thế, liệu ta có đem lại cho đồng tiền của mình mùi vị gì mới không? Chính lúc ấy mới là lúc đồng tiền của ta thôi không nhạt nhẽo và vô giá trị, mới là lúc mùi vị của nó được khám phá và lan toả từ người sang ta, rồi lại từ ta sang người khác, và cứ như thế mãi. Xã hội này sẽ vì thế mà giàu mùi nhân văn, giàu vị nhân ái, tim ta sẽ ấm áp và tâm hồn ta sẽ rộng mở hơn với đời, với người. Xin đừng lạm dụng từ "người nghèo", rồi lấy đó mà đánh đồng người nghèo với người không có gì cả, hai bàn tay họ có thể trắng, nhưng bù lấp cái đó không khó. Điều đáng trọng, đáng qúy. nơi họ là trái tim đầy màu sắc và mùi vị. Những điều này chúng ta đang rất thiếu, và cái thiếu đó, chắc gì ta đã nhìn ra để khoả lấp!
Hải Triều (Mail từ Paris)