Muối vẫn mặn, gừng cay hơn

24/03/2014 10:42

(Baonghean) - Với những thầy cô, học trò đã từng dạy và học dưới mái Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, buổi lễ kỷ niệm 50 năm hệ chuyên, 40 năm thành lập trường và đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động là một ngày hội lớn. Ai cũng lấy làm tự hào, xúc động khi được về dưới “mái nhà xưa”, sống lại tình cảm một gia đình lớn. Về với ngày lễ, để được cảm nhận “muối vẫn mặn, gừng vẫn cay” và cả nghĩa tình hôm qua, niềm tin hôm nay…

… Ngày hội Trường Phan lắc rắc mưa của tiết tháng Ba. Nhưng đến đây, không ai cảm thấy lạnh, chỉ thấy ấm nồng tình cảm của một gia đình: Đám học trò năm xưa tìm đến, ríu rít bên thầy giáo, cô giáo cũ của mình; mừng vì thầy còn khỏe mạnh, xót xa vì mái tóc cô bụi phấn và bụi thời gian đã bạc trắng đi nhiều. Nơi góc sân trường này có nhóm “ông, bà” rộn rã, cười vang, trêu chọc nhau như thuở 16 - 17 tuổi, tíu tít kể chuyện ngày đi học “đằng ấy thích tớ”; nơi kia, những người bạn cũ lâu ngày gặp rõ ôm chầm lấy nhau mà giàn giụa nước mắt. Giữa sân trường náo nhiệt đông vui ấy, vẫn có những khoảng lặng: có ai đó đang nhặt chiếc lá rơi như tìm dấu tích xưa, buồn tủi vì thầy chủ nhiệm của mình đi xa rồi, bạn bè xưa không kịp về hội trường,…

Học sinh Trường THPT chuyên Phan Bội Châu vui mừng chào đón   Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng các đại biểu về dự lễ kỷ niệm.Ảnh: s.m
Học sinh Trường THPT chuyên Phan Bội Châu vui mừng chào đón Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng các đại biểu về dự lễ kỷ niệm. Ảnh: s.m

“Ngày hội Trường Phan” trong tâm thức nhiều thế hệ học trò rất đỗi thiêng liêng. Trước ngày hội, những học sinh của khóa 20, 21, 22 nay sinh sống, làm việc tại Hà Nội đã tập trung nhau lại “lên tàu, về với trường yêu”. Trên trang “Ký ức Trường Phan xứ Nghệ” của mạng xã hội facebook mấy ngày qua đã có hàng ngàn bức ảnh, lời suy nghĩ được viết, đăng tải lên. Những người may mắn được về tựu trường chia sẻ hạnh phúc đó như một lời thông báo với người ở xa không có điều kiện; người thốt lên nghẹn ngào “Thầy ơi! Bọn em đã về. Thầy khỏe bọn em vui lắm. K18”; người không về được dịp lễ trọng này, viết lên những lời như khóc: “Nhìn bạn bè nô nức kéo nhau về tựu trường bỗng nhiên có nhiều cảm xúc quá. Nhớ trường, nhớ thầy cô, nhớ bạn bè. Bao nhiêu kỷ niệm ùa về, cái cảm xúc này từ lâu đã bị lãng quên vì cơm áo gạo tiền. Muốn bỏ tất cả công việc chạy về trường quá”. Một xúc cảm của anh Trần Vĩnh Tú (cựu học sinh trường) chia sẻ vẫn ấn tượng hơn cả “50 năm, nửa thế kỷ/ Bao biến động của lịch sử/ Bao rực rỡ rồi tàn phai/ Bao công ty vĩ đại rồi rạn vỡ/ Bao mảnh đời đến rồi đi/ 50 năm nữa, bản đồ thế giới, khoa học công nghệ chắc chắn sẽ khác lắm/ Nhưng ngôi trường này sẽ vẫn đi thêm những chặng đường/ Cảm ơn cuộc đời”.

Thầy trò ngày gặp mặt. Ảnh: Đào Tuấn
Thầy trò ngày gặp mặt. Ảnh: Đào Tuấn

“Muối mặn gừng cay”, nghĩa thầy trò không ai quên được, chị Hoàng Thị Thanh Huyền, cựu học sinh khóa 1984 - 1987, chuyên Văn và các bạn tíu tít bên thầy chủ nhiệm NGƯT Lê Thái Phong của mình. Bên thầy, ai cũng như cảm thấy mình trở về với tuổi thơ, cô học trò nhỏ năm nào. Quấn quýt bên thầy thật lâu, ai cũng mong muốn được ngồi gần hỏi han, chụp ảnh với người thầy thân thương của mình… Trong hàng nghìn cựu học sinh, học sinh về dự lễ, đã thấy ai nấy đều trang trọng trong lễ phục, nhiều người cầm theo những bó hoa tươi thắm trên mặt, ve áo của mỗi người gắn những miếng đề - can tròn nhỏ xinh: Người lớn tuổi thì nghiêm túc với đề - can có dòng chữ 50 năm hệ chuyên, 40 năm Trường chuyên Phan Bội Châu; lớp học sinh sau thì nhí nhảnh dễ thương với miếng đề - can trẻ trung “I love PBC” (Tôi yêu Trường Phan). Chúng tôi hiểu: Họ yêu, tự hào về trường mình lắm….

8 giờ sáng, buổi lễ kỷ niệm 50 năm hệ chuyên, 40 năm thành lập trường và đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động bắt đầu với chương trình văn nghệ mang tính sử thi “Vinh quang một mái trường” do tập thể giáo viên, học sinh Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu trình diễn. Chứng kiến chương trình đậm đà bản sắc xứ Nghệ, với những nét riêng này, ai cũng như ai đều xúc động. “Học sinh trường THPT chuyên Phan Bội Châu” – 40 năm qua, cụm từ đó là niềm tự hào của bao nhiêu thế hệ học sinh của Trường, niềm ước ao của hàng triệu học sinh xứ Nghệ. “Trường Phan” với những cựu học sinh không chỉ là nghĩa là tình, mà còn đó là khát vọng, động lực vươn lên. Gặp gỡ trong ngày hội trường, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương – cựu học sinh lớp chuyên Văn (tiền thân của Trường THPT chuyên Phan Bộ Châu) kể: “Thuộc thế hệ những học sinh lớp đầu tiên chuyên Văn chuyên Toán, chúng tôi đã trải qua những ngày tháng sơ tán, bom đạn chiến tranh, nhưng với truyền thống hiếu học vượt khó của con em xứ Nghệ, cả thầy và trò đã động viên nhau vượt qua các gian khổ bất chấp khó khăn để làm sao thầy dạy hay hơn, trò học giỏi hơn, làm sao học sinh vừa hồng vừa chuyên, có tài có đức. Không có sự dạy bảo của các thầy, cô giáo, chúng tôi không có ngày hôm nay. Các thầy, cô giáo dạy chúng ta biết làm người, biết sống trung thực, ngay thẳng, nhân ái và bao dung, học để cống hiến. Đó là những gì sâu sắc nhất mà chúng tôi đã lĩnh hội được và tôi tin không chỉ thế hệ chúng tôi mà tất cả thế hệ học sinh đều lĩnh hội được từ ngôi trường sâu sắc và nhân văn này”.

Nhân tố làm nên truyền thống vẻ vang của Trường Phan, đó là: Truyền thống hiếu học, niềm tự hào quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, niềm tin xứ Nghệ, chí tiến thủ, khát vọng cống hiến của các thế hệ học sinh và tinh thần tất cả vì học sinh thân yêu của tập thể các thế hệ giáo viên. – Tán đồng với điều này, cựu học sinh của trường, Tiến sỹ khoa học Phan Xuân Dũng - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XI, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội khóa XIII, cho biết thêm: “Học sinh ở Trường Phan đều là những người rất tài năng; họ sống gắn bó, đoàn kết, thương yêu nhau như anh em ruột thịt. Các thế hệ thầy cô thì tận tình dạy bảo, thương học trò như con em của mình. Giữa môi trường đó, học sinh chúng tôi đều phải cố gắng. Lớp chúng tôi 23 người thì có 21 người đậu điểm cao, sau này nhiều người trở thành nhà khoa học lớn”…

Nhìn những màn trình diễn nghệ thuật, cựu học sinh Hồ Quang Lợi, nguyên là Tổng Biên tập Báo Hà Nội Mới và nay là Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, một trong những học trò đầu tiên thuộc hệ chuyên Văn của trường, bồi hồi xúc động nhớ lại những ngày còn là cậu học sinh lớp 7 lớ ngớ, nhút nhát từ Quỳnh Lưu vào nhập học ở trường. Với ông, ngày hôm nay, niềm vui và hẫng hụt lẫn lộn. Hẫng hụt là không còn cơ hội để gặp lại thầy giáo chủ nhiệm Phan Huy Tý - người thầy mà ông xem như là người cha đã giúp ông rất nhiều trong những ngày chập chững mới vào trường. Thời gian cũng đã khắc dấu trên gương mặt của bạn bè xưa, của các thầy, cô giáo cũ; vui là: Ông như trở lại tuổi mười sáu, mười tám ngày nào, í ới gọi bạn bè là mi tau, bồi hồi nhớ lại giây phút cả trường may mắn thoát được trận bom mà Mỹ ném xuống nhà trường năm 1973. Ông Hồ Quang Lợi tâm sự: “Mình trưởng thành như hôm nay chính là nhờ công giáo dưỡng của nhà trường, của các thầy giáo, cô giáo cũ. Về trường hôm nay, biết những thành công vừa đạt được của trường, nhìn vào các gương mặt của lứa học trò kế cận mà rất vui vì đã thấy được tương lai của trường và của tỉnh, thấy được một thế hệ đầy triển vọng”.

Hồi tưởng về những tháng năm ý nghĩa trong cuộc đời dạy học của mình, mỗi thầy cô giáo nhà trường mắt nhạt nhòa lệ. Với Nhà giáo ưu tú Đinh Văn Thông, nguyên hiệu trưởng nhà trường: “Trở về mái trường xưa, lòng tôi tràn ngập niềm vui và niềm tự hào. Nhìn về lịch sử ngôi trường mới thấy rằng Đảng bộ, chính quyền tỉnh đã có một quyết định sáng suốt với tầm nhìn xa trông rộng. Ngôi trường ra đời là nơi quy tụ, là nơi ươm mầm cho những tài năng trên mảnh đất giàu truyền thống yêu nước, cách mạng, đất học của xứ Nghệ. Hơn nửa cuộc đời đi dạy của mình, tôi rất tự hào vì được làm quản lý, giảng dạy gần 23 năm ở mái trường chuyên “thầy ra thầy” “trò ra trò”. Về dự hội trường là cơ hội sau nhiều năm được gặp lại bạn bè, đồng nghiệp, các lứa học sinh cũ. Nhiều thầy cô đã nghỉ hưu lâu nhưng vẫn mạnh khỏe. Điều tôi mừng nhất là con cái các thầy cô, cán bộ nhân viên trường đều phát triển tốt. Các thế hệ học trò đều đã trưởng thành. Nhiều em đã trưởng thành trên các lĩnh vực, trên khắp mọi miền đất nước và ở nước ngoài. Dù ở đâu, đảm nhận công việc gì, các em cũng đem hết năng lực, trí tuệ, trách nhiệm công dân để phục vụ đất nước. Các em luôn nhớ về mái trường, nhớ về thầy, cô bạn bè. Đấy là món quà lớn nhất mà các em đã dành cho các thầy, các cô; dành cho mái trường”.

Sau chương trình nghệ thuật chào mừng, Nhà giáo ưu tú Đậu Văn Mùi - Hiệu trưởng nhà trường đã trân trọng ôn lại bề dày truyền thống 50 năm hệ chuyên, 40 năm thành lập của ngôi trường bồi dưỡng nhân tài cho đất nước. Niềm vinh dự này càng lớn hơn, khi tại lễ kỷ niệm này, Trường Phan đã được đích thân Chủ tịch nước Trương Tấn Sang về trao danh hiệu cao quý cũng như có lời phát biểu thân tình, chứa đầy niềm mong mỏi: “Tôi mong rằng Trường THPT chuyên Phan Bội Châu phát huy truyền thống của đơn vị anh hùng, những kinh nghiệm và thành tích đã đạt được trong 40 năm qua, sẽ tiếp tục nỗ lực phấn đấu, ra sức thi đua dạy tốt, học tốt, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện đức - trí - thể - mỹ, đi đầu trong thực hiện Nghị quyết của Trung ương về đổi mới giáo dục đào tạo, luôn giữ vững và phát huy vai trò lá cờ đầu trong ngành Giáo dục tỉnh Nghệ An và cả nước…Tôi tin tưởng rằng, trên con đường phát triển mặc dù khó khăn thách thức còn nhiều nhưng nhất định Trường THPT chuyên Phan Bội Châu sẽ mãi xứng đáng là mái trường chuyên trên quê hương Bác Hồ kính yêu, chiếc nôi đào tạo chất lượng cao của ngành Giáo dục Đào tạo tỉnh Nghệ An và cả nước, góp phần thiết thực cho sự phát triển kinh tế, xã hội, giáo dục của tỉnh nhà và đất nước”.

Kết thúc buổi lễ, đã thấy em Lê Thị Khánh Huyền, lớp 10 C6, chuyên Anh hớn hở khoe: Hôm nay được bác Trương Tấn Sang bắt tay, xoa đầu, động viên học giỏi; được gặp các thần tượng là “anh, chị học trước” là chính khách, nhà khoa học hàng đầu của cả nước, những nhà kinh doanh tài ba… Ở buổi lễ, đã thấy có một sự nối tiếp: Các em học sinh không ngại ngùng bắt chuyện, giao lưu với “anh” Nguyễn Xuân Thắng – “anh” Thắng vui vẻ dặn dò: “Tôi chỉ muốn nói thêm với các bạn trẻ rằng, trong điều kiện đất nước đổi mới và hội nhập hôm nay, các bạn thật may mắn được sống và học tập trong môi trường thuận lợi. Xin gửi tới các bạn niềm tin mãnh liệt của thế hệ chúng tôi về tương lai của đất nước. Tương lai ấy thuộc về các bạn và bắt đầu từ chính các bạn, từ ý thức học tập, tài năng cống hiến cho đất nước của các bạn ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường. Chúng ta phải luôn tiếp sức và giữ lửa để Trường Phan Bội Châu phát huy truyền thống dạy tốt, học tốt; để lịch sử vẻ vang của ngôi trường được tiếp nối. Tin tưởng rằng các em thế hệ lớp người đi sau sẽ làm rạng danh thêm mái trường”…

Thay mặt cho hơn 1.000 học sinh nhà trường, em Hoàng Thị Thùy Trang, lớp 12 C3 chuyên Địa đã phát biểu cảm nghĩ của mình và nguyện hứa: “50 năm với bao nhiêu sự đổi thay, nhưng chắc chắn điều bất biến là tinh thần hiếu học và khát vọng vươn lên của học sinh; là tâm huyết của thầy cô; là tình cảm bạn bè… thế hệ bọn em hôm nay, luôn tự hào được sống dưới mái trường thân ái, có thầy cô thương yêu dạy dỗ, có các anh chị đã mang về nhiều thành tích tự hào cho quê hương xứ Nghệ. Chúng em biết: Quê hương đất nước còn nghèo nhưng vẫn dành cho chúng em những điều kiện tốt nhất để chúng em thực hiện hoài bão của mình. Tất cả đó đã tiếp thêm tinh thần sức mạnh cho chúng em. Chúng em xin hứa, nguyện cố gắng không phụ công ơn của các thầy cô, sự kỳ vọng của quê hương đất nước, truyền thống tốt đẹp mà bao thế hệ thầy cô, anh chị đã xây đắp nên, xứng đáng với ngôi trường anh hùng mang tên nhà chí sỹ yêu nước Phan Bội Châu”.

Thành Chung - Mỹ Hà

Mới nhất

x
Muối vẫn mặn, gừng cay hơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO