Muối vừng thơm bếp lửa
(Baonghean) - Từ quê ra Hà Nội trọ học, ngoài tiền nong, những thứ mẹ gửi mỗi lần nó về nhà hoặc có người quen về quê vẫn là những thức ăn bình dị. Trong đó, luôn có một bao muối vừng mẹ đã làm sẵn.
Trong những ngày mưa lụt, khi mẹ bận việc gì đó không đi chợ được, thì với gia đình tôi, cối muối vừng vẫn là thức ăn gần gũi, ngon và tiện lợi. Vừng mẹ cất kỹ trong thùng, sau khi đã cắt về phơi khô, đập hạt ra. Qua bao nhiêu năm, cối muối vừng gắn bó với tôi, với những kỷ niệm, những vui buồn,...
Trở về xa hơn một chút theo ký ức thời gian, ấy là lúc tôi còn là thằng bé nhỏ xíu, ốm nhách, lẽo đẽo chạy theo cha ra đồng, chạy theo mẹ xuống bếp. Khi những cơn gió chiều thổi lạc làn khói bếp, cái lạnh cũng bắt đầu len lỏi chui theo vào cái áo mỏng mảnh. Sau trận mưa dài thúi đất, mẹ ở nhà nấu cơm, nấu nước và dọn dẹp, tôi theo cha ra đồng, với một sợi lạt vừa vót sẵn. Nước đã ngập đồng bãi, ngập cả những luống khoai lang. Cha và tôi men theo lối bờ, lối mương tìm những chú dế đồng vừa mất hang chui vào bụi cỏ trốn. Loanh quanh khoảng gần 1 tiếng, hai cha con đã có một xâu dế dài cho bữa tối.
Về đến nhà thì trời cũng vừa chạng vạng. Trời tháng Mười nhanh tối lắm. Vừa vào đến bếp, tôi đã cảm nhận được ngay mùi thơm rất quen thuộc của vừng rang. Mẹ đang rang mẻ vừng trên bếp. Có lẽ cho đến suốt đời tôi cũng không quên được mùi vừng thơm phức, béo ngậy đó. Nó dìu dịu mà thân thương lắm. Để mặc cha với xâu dế và món dế xào, tôi bám lấy mẻ vừng rang của mẹ cho đến tận lúc nó được cho vào cối giã. Tôi thường lăng xăng giành giã muối vừng. Bản thân hạt vừng đã nhỏ và ngon rồi, không cần thiết phải giã. Nhưng giã dập một chút, ruột vừng phả ra mùi thơm phức…
Thêm một ít muối, một ít đường sau khi giã xong, cối muối vừng trở thành món ăn đậm đà. Tôi bốc lấy một nắm muối vừng bỏ vào miệng, nhai từ từ để cảm nhận vị mặn của muối, ngọt của đường, thơm ngầy ngậy của vừng rang hòa vào nhau. Mẹ nhìn tôi, thường chỉ cười thôi, không nói gì. Cái thú ăn trước ấy tuy không tốt nhưng nó theo tôi suốt cả một thời thơ dại. Lửa củi nổ lách tách, khói ngược gió tung vào mắt mẹ, mắt tôi cay xè. Nhưng lòng tôi những ngày ấy dường như không biết buồn lo là chi. Cứ loay hoay với cối muối vừng, với những câu chuyện về ruộng đồng mà mẹ kể bên bếp lửa. Ngoài trời, mưa và gió vẫn thi nhau kéo về...
Chị em chúng tôi lớn lên cùng những khó khăn của gia đình, nhưng có lẽ cái quý nhất mà chưa chắc ai cũng có được là tình thương của cha mẹ, là những niềm vui bên củ khoai, củ sắn, bên những món ăn gần gũi, mặn mòi, thân thương. Với chén muối vừng chiều mưa ngày lạnh, nó như mang cả hồn cốt làng quê nhà nông trong ấy. Để rồi, mùi thơm đặc trưng của nó phả vào hồn tôi những ký ức ngọt ngào... Mùi thơm ấy nhắc nhở tôi về mái nhà ấm áp, về những yêu thương cha mẹ đã dành cho tôi, về sự cố gắng không ngừng vươn lên nhưng đừng mất đi giá trị của mình.
Lại một mùa mưa nữa về, mẹ vẫn làm muối vừng như bao mùa mưa khác. Không còn khó khăn như ngày xưa, nhưng mẹ vẫn kiên quyết nấu bữa cơm chiều bằng bếp lửa củi. Có lẽ đó là may mắn của đời tôi. Khi hầu hết những nhà xung quanh đã chuyển hoàn toàn qua bếp ga, bếp điện. Cuộc sống hiện đại buộc con người ta phải thích nghi với những cái mới thuận lợi hơn, đỡ tốn thời gian hơn. Cối muối vừng với không ít người trong xóm tôi giờ cũng đã là ký ức lùi sâu vào dĩ vãng. Nhưng với riêng gia đình tôi, bếp đỏ lửa chiều tối và cối muối vừng trong bữa ăn ngày lạnh vẫn được lưu giữ…
Nguyễn Thành Giang (CTV)