Mượn danh lòng nhân nghĩa

20/02/2014 11:10

(Baonghean) - Người Việt vốn có tinh thần tương thân, tương ái, “lá lành đùm lá rách”, nên mỗi khi có mảnh đời bất hạnh nào đó được đăng tải trên báo chí, các phương tiện truyền thông đã nhận được sự giúp đỡ của các Mạnh Thường Quân, tổ chức xã hội, từ thiện. Thế nhưng thời gian gần đây, ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước, trong đó có Nghệ An, một số đối tượng xấu mượn danh lòng nhân nghĩa, mạo xưng là nhân viên nọ, nhà báo kia để lừa đảo, trục lợi bất chính, thậm chí có kẻ còn… gạ tình cả mảnh đời bất hạnh.

Gương mặt vẫn chưa hết hoàn hồn, anh Nguyễn Văn Tình (SN 1986, ngụ xã Quỳnh Trang, Thị xã Hoàng Mai) kể với chúng tôi. Gia đình anh có hai đứa con là Nguyễn Văn Vinh (3 tuổi) và Nguyễn Văn Cường (1 tuổi) bị bệnh rối loạn đông máu đã chữa trị nhiều nơi nhưng bệnh tình vẫn không thuyên giảm. Thuộc diện hộ nghèo, phải chạy ăn từng bữa, nay hai con ốm đau nên gia cảnh càng thêm túng quẫn. May mắn thay, anh được một nhà báo biết đến và viết bài đăng nên được nhiều người tìm đến quan tâm, giúp đỡ. “Khi có người gọi điện về hỏi thăm, sẻ chia, vợ chồng tui mừng như chết sống lại. Hai đứa con có thêm ít kinh phí để uống thuốc, chữa bệnh. Thế nhưng, tui có ngờ ngoài những người tốt ra, lại còn có kẻ nhẫn tâm lợi dụng hoàn cảnh bi thương để lừa đảo”.

Để có tiền mua thuốc cho con, anh Nguyễn Văn Tình phải đi bắt lươn, ếch.
Để có tiền mua thuốc cho con, anh Nguyễn Văn Tình phải đi bắt lươn, ếch.

Sau khi biết số điện thoại của anh Tình đăng lên báo, có một số điện thoại lạ gọi đến tự xưng là “nhân viên của Hội Chữ thập đỏ Nghệ An”, muốn được giúp đỡ gia đình. “Nhân viên” này giới thiệu tên Hoàng, hướng dẫn anh Tình làm một bộ hồ sơ gồm: Sổ hộ khẩu, chứng minh thư, đơn xác nhận hoàn cảnh khó khăn. Hoàng còn cho anh Tình biết cụ thể: “Hiện tại thì cơ quan tôi có 150 triệu đồng, chuẩn bị hỗ trợ cho một gia đình bất hạnh ở Yên Thành, tuy nhiên chưa kịp trao tiền thì người này đã chết. Sau khi xét thấy hoàn cảnh bất hạnh của gia đình anh, chúng tôi quyết định nhường lại cho anh chị, tuy nhiên gia đình phải đóng “lệ phí” 10%, tức là 15 triệu đồng, đây là quy định chung. Gia đình cần làm gấp hồ sơ để được nhận, nếu không Hội Chữ thập đỏ sẽ chuyển cho hoàn cảnh khó khăn khác”.

“Cả đời quanh quẩn trong làng, việc xã hội chẳng biết gì nhiều, nay trong cơn cùng cực, bệnh tật lại có người muốn giúp đỡ với số tiền lớn như thế, vợ chồng tui mừng như bắt được vàng, không chút nghi ngờ. Ngày hôm sau, tui bàn với vợ bán bầy gà và mấy con lợn, vay mượn anh em bạn bè để có số tiền lệ phí trên”. Vào một ngày cuối tuần, nhân viên này điện thoại bảo anh Tình mang tiền đến cổng cơ quan Hội Chữ thập đỏ Nghệ An (số 11 đường Dương Vân Nga, P.Hưng Phúc, TP. Vinh) để nộp “lệ phí”. Tuy nhiên, khi anh Tình bắt xe ôm đến đây thì đối tượng này gọi bảo: “Anh bận việc nên ra ngoài một chút, em cứ để tiền gần chỗ gốc cây rồi chèn đá lên, rồi đi qua bên cổng bảo vệ tòa soạn Báo Nghệ An nộp hồ sơ cho anh. Xong việc anh quay về chở em qua ngân hàng làm thủ tục và trao tiền luôn”.

Anh Tình thấy ngờ ngợ, sao làm việc không gặp mặt trực tiếp mà lại bỏ tiền ngoài đường nên gọi điện lại. “Nhân viên” này tiếp tục khẳng định: “Em cứ bỏ đó đi, sẽ có người ra lấy liền, không mất đâu mà sợ. Bỏ tiền đó rồi qua bên này đưa hồ sơ cho anh để đi nhận tiền, nhanh lên còn kịp”. Anh Tình định làm như hướng dẫn nhưng trong lòng vẫn thấy có cái gì đó là lạ, nghi ngại nên chạy vào hỏi bảo vệ cơ quan. Thật bất ngờ, anh được nhân viên bảo vệ ở đây cho hay: “Anh bị lừa rồi, ở đây không có làm chuyện ấy đâu. Trước đây cũng có mấy người bị lừa vào đây khóc lóc tội nghiệp lắm!”. Anh Tình được cán bộ Hội Chữ thập đỏ Nghệ An giải thích tận tình, không có chuyện làm từ thiện mà phải đóng “lệ phí”, đó là chiêu thức lừa đảo của các đối tượng xấu mà thôi. Thấy hoàn cảnh tội nghiệp của anh Tình, anh em cán bộ, nhân viên trong Hội Chữ thập đỏ Nghệ An đã góp ít tiền rồi nhờ người đưa anh về nhà an toàn.

Vợ chồng anh Nguyễn Hoàng H. và chị Mai Thị Đ. (huyện Đô Lương) là hai nhân vật được một tờ báo có tòa soạn ở phía Nam phản ánh trong mục “Mảnh đời bất hạnh”. Anh H. bị tai nạn hơn 10 năm nay, phải nằm một chỗ. Chị Đ. bị hư một mắt nên gia cảnh túng quẫn. Sau khi báo đăng, nhiều bạn đọc gửi tiền về giúp đỡ vợ chồng anh H. Tuy nhiên, vào khoảng cuối tháng 12/2013, anh H. liên tục nhận được điện thoại của một người tự xưng là “nhân viên ngân hàng NN&PTNT đại diện ở Nghệ An”. Anh này nói rằng cơ quan có kế hoạch hỗ trợ cho gia đình 65 triệu đồng và yêu cầu anh xuống để nhận. Tuy nhiên, khi chị Đ. khăn gói nhờ hàng xóm chở xuống Vinh nhận tiền thì đối tượng này hỏi “Có mang tiền đóng “lệ phí” đi không, nếu chưa có thì về chuẩn bị”. Chị Đ thật thà: “Gia đình túng quẫn lắm, sáng chỉ mang theo 5 trăm ngàn gọi là tiền uống nước, xăng xe để cảm ơn anh đã quan tâm, giúp đỡ”. Đối tượng này gắt gỏng, buông những câu mất lịch sự: “Nhận 65 triệu đồng mà chỉ mang theo 5 trăm ngàn. Trên tôi còn các sếp lớn nữa, phải quà cáp, “lệ phí” này nọ mới nhận được tiền chứ có dễ gì. Nếu chị không muốn nhận thì chúng tôi sẽ nhường lại cho người khác”. Chưa nói dứt câu “nhân viên ngân hàng” tắt điện thoại cái rụp. Chị Đ.vẫn ngây thơ tin tưởng đến độ có gọi điện thêm mấy lần nữa nhưng đối tượng này không bắt máy.

Chị Đậu Thị N. (ngụ phường Quỳnh Phương, Thị xã Hoàng Mai) là một mảnh đời bất hạnh được đăng trên một tờ báo gần đây. Trưa ngày 30/12/2013, chị N. nhận được cuộc gọi từ số 01687151492 tự xưng tên Nam, “nhân viên của Viettel”. Nam cho biết công ty vừa đọc báo và biết hoàn cảnh khó khăn của chị nên quyết định trao 150 triệu đồng và 1 xe máy trị giá 50 triệu đồng, yêu cầu chị N. làm các thủ tục để nhận. Khi chị N. chạy xe máy gần cả 100 cây số vào Thành phố Vinh để nhận giải thì Nam nói đã hết giờ giao dịch, bảo chị N. “nộp lệ phí” bằng cách mua card điện thoại hết 4 triệu đồng rồi đọc số cho Nam. Đợi đến tối vẫn chưa có người đến trao giải, chị N. liên lạc với Nam thì điện thoại không liên lạc mới biết mình bị lừa. “Thấy họ ăn nói chân thành, lại biết tường tận hoàn cảnh khốn khó của mình nên tôi có dám nghi ngại gì. Với lại số giải thưởng mình nhận lớn như thế, chia lại cho người ta chút ít cũng không vấn đề gì. Ai ngờ lại có kẻ nhẫn tâm đến thế, lừa đảo cả mảnh đời bất hạnh”- Chị N. ngậm ngùi tâm sự.

Không chỉ dừng lại ở việc lừa tiền, những kẻ bệnh hoạn này còn gọi điện trêu chọc, tâm sự, gạ tình những mảnh đời bất hạnh. Em Hà Thị M. là sinh viên một trường đại học trên địa bàn Thành phố Vinh. Không may trong một lần đi học, M. bị tai nạn giao thông. Sau khi biết hoàn cảnh khó khăn của em, một vài tổ chức từ thiện và báo chí tìm đến giúp đỡ. Sau đó, có một vài số điện thoại gọi cho M. hỏi han, tâm sự. Người này nói là trưởng phòng một công ty xuất nhập khẩu, đang vận động các tổ chức từ thiện trong và ngoài nước để góp tiền giúp M. chữa trị và đi học hết thời đại học. “Người này ăn nói hay lắm, rất thuyết phục người nghe. Nhưng được vài hôm thấy là lạ, nói nhớ thương em rồi đề nghị đi nhà nghỉ “tâm sự”. Nghe đến đó em đã lịch sự từ chối nhưng ngày nào cũng bị “tra tấn” bằng điện thoại”- em M. cho hay.

Đã mấy tháng nay, chị Lê Thị L. ở huyện Anh Sơn ăn ngủ không yên. Số là trước đó, có một tờ báo cho đăng tải hoàn cảnh côi cút, khó khăn của mẹ con chị. Sau khi báo lên, đã có những tấm lòng hảo tâm từ khắp mọi miền đất nước gọi về chia sẻ, động viên, có người còn gửi tiền, quà. Trong cơn bĩ cực, nhận được sự quan tâm của nhiều người, chị mừng rơi nước mắt. Thế nhưng, ngoài những người tốt ấy, còn có những kẻ bệnh hoạn, suốt ngày gọi điện tán tỉnh, gạ tình chị L. Chị L bức xúc: “Họ nói thấy mẹ con em vất vả, côi cút, em lại còn trẻ thiếu vắng bàn tay đàn ông đã lâu nên muốn “giúp đỡ” lâu dài. Nhưng khi nhận được lời từ chối thì anh này chửi bới em thậm tệ, buông những lời xúc phạm, mạt sát. Ông bà ta có câu “giấy rách phải giữ lấy lề” nên dù nghèo đói, đau yếu như thế nào, em cũng phải giữ lấy phẩm giá của mình…”.

Trao đổi với chúng tôi, một số cơ quan trên địa bàn tỉnh hết sức bất ngờ và bức xúc trước việc bị các đối tượng mạo danh, lợi dụng danh nghĩa để lừa đảo, trục lợi bất chính từ các mảnh đời bất hạnh. Hành vi này là vô đạo đức, trái với thuần phong tốt đẹp lâu đời của nhân dân ta, vi phạm pháp luật cần sớm được cộng đồng lên án, ngăn chặn, xử lý. Bà Bùi Thị Mai - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh cho biết: “Người ta có khó khăn, hoàn cảnh bất hạnh, éo le, bệnh tật mới tìm đến các cơ quan báo đài, tổ chức từ thiện để mong được giúp đỡ. Tuy nhiên, thời gian gần đây có nhiều kẻ tán tận lương tâm đã lợi dụng sự thiếu thông tin, hiểu biết của các mảnh đời khốn khó mà lừa đảo, trục lợi bất chính. Đã làm từ thiện thì tuyệt đối không có chuyện đóng tiền “lệ phí” hay “bôi trơn”, quà cáp này nọ. Người hoạt động thiện nguyện là bằng cái tâm trong sáng của mình, không bao giờ đòi hỏi bất cứ một điều gì từ người được giúp đỡ”.

Bà Mai cho biết thêm, thời gian qua, có 3 - 4 hoàn cảnh mất tiền rồi mới vào báo cho cơ quan Hội Chữ thập đỏ tỉnh. Sau khi tiếp nhận sự việc, cơ quan đã giải thích tường tận, hỗ trợ ban đầu cho các hoàn cảnh bị lừa tiền tàu xe về nhà và thông báo với cơ quan chức năng, công an phường, thành phố cũng như trên trang web của hội để người dân biết. Qua bài viết này, rất mong các cơ quan, ban, ngành sớm vào cuộc xử lý những hành động vi phạm pháp luật, mất nhân tính của các đối tượng trục lợi từ các “mảnh đời bất hạnh”, qua đó mong người dân nâng cao cảnh giác, không nghe lời kẻ gian dụ dỗ, lừa đảo, tránh tiền mất, tật mang.

Bài, ảnh: Triều Dương

Mới nhất
x
Mượn danh lòng nhân nghĩa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO