Mưu sinh nơi cửa phật
Rất nhiều nghề tồn tại dựa vào đền, chùa, miếu mạo. Từ nghề thầy cúng, viết sớ, kinh doanh hương nến, vàng mã, đổi tiền, trông giữ xe cho đến nghề … ăn xin. Chẳng mấy ai nhớ nổi những nghề này sinh ra tự bao giờ. Chỉ biết, càng ngày càng lắm người tham gia, và tháng Giêng là tháng làm ăn tốt nhất trong một năm của họ…
(Baonghean) - Rất nhiều nghề tồn tại dựa vào đền, chùa, miếu mạo. Từ nghề thầy cúng, viết sớ, kinh doanh hương nến, vàng mã, đổi tiền, trông giữ xe cho đến nghề … ăn xin. Chẳng mấy ai nhớ nổi những nghề này sinh ra tự bao giờ. Chỉ biết, càng ngày càng lắm người tham gia, và tháng Giêng là tháng làm ăn tốt nhất trong một năm của họ…
Khó có thể thống kê số lượng những người kiếm kế sinh nhai quanh các đền, chùa trong toàn tỉnh. Chỉ riêng tại khu vực đền Hồng Sơn, chùa Cần Linh, đền Vua Quang Trung (Thành phố Vinh) và đền Ông Hoàng Mười (xã Hưng Thịnh, Hưng Nguyên) cũng có rất đông những người sẵn sàng phục vụ mọi nhu cầu khác nhau của khách.
Những năm gần đây, đền Ông Hoàng Mười thu hút rất đông du khách. Chính vì vậy, chỉ trong những ngày thường, quanh đền Ông Hoàng Mười đã có đến trên vài chục ki-ốt thường xuyên kinh doanh các mặt hàng phục vụ du khách. Theo Ban quản lý đền Ông Hoàng Mười, khách đến với đền vì nhiều lý do, vãn cảnh cũng có, mà cầu lộc, cầu tài, cầu yên… lại càng nhiều. Khách vãn cảnh đền, chí ít cũng mua một vài thẻ hương, còn những khách đến để cầu lộc, cầu yên, cầu tài… thì cần được viết sớ, sắm đồ lễ tạ, cần người cúng bái, cần người trông giữ xe… Và vì vậy, phải có lực lượng kinh doanh phục vụ nhu cầu của khách.
Kinh doanh đồ lễ, viết sớ, đổi tiền tại đền Ông Hoàng Mười.
Dạo quanh khu vực kinh doanh quanh đền Ông Hoàng Mười thì thấy, lực lượng phục vụ nhu cầu khách đến đền rất đông và các mặt hàng vô cùng đa dạng. Từ bánh kẹo, hoa quả, hương, vàng, oản, cành vàng lá ngọc, các đồ mã như ô tô, xe máy, quần áo, giày dép, nhà cửa, voi, ngựa cho đến những đồ lưu niệm nhỏ nhắn xinh xắn như mười hai con giáp, tiền giả cổ, vòng ngọc… Đi kèm các hàng quán này có khá nhiều bàn viết sớ, bàn đổi tiền lẻ, thầy cúng, bến bãi trông giữ xe và nhà nghỉ...
Hỏi thăm giá cả của các món đồ lễ, được biết có nhiều cung bậc khác nhau tùy theo nhu cầu của khách. Chị H, một chủ kinh doanh cho biết: Một mâm lễ nhỏ với hương, tiền vàng, oản, bánh trái, hoa quả tối thiểu cũng có giá 50 - 70 nghìn đồng, còn lớn hơn thì có thể lên đến một vài triệu đồng. Theo chị H, khách trong tỉnh thường chỉ làm những mâm lễ nhỏ, đơn giản, còn nếu là khách từ Bắc vào thì khác, họ thường làm những mâm lễ lớn, kèm theo những đồ mã rất công phu lên đến dăm bảy triệu đồng. Dịch vụ viết sớ, cúng bái cũng có đơn giá khác nhau. Tại đền thường trực có 2 thầy cúng kèm viết sớ với đơn giá được quy định cụ thể. Còn những người không thuộc “biên chế” của ban quản lý đền thì khác, từ 30 nghìn đồng đến một vài trăm nghìn đồng/lượt. Dịch vụ đổi tiền lẻ cũng tương tự. Nơi đổi 10 ăn 9, có nơi đổi 10 ăn 8.
Tại chùa Cần Linh, những ngày rằm, mồng một và nhất là những ngày đón năm mới có rất đông lực lượng những người làm dịch vụ. Phần đông những người kinh doanh ở đây đều làm theo kiểu “tranh thủ”, bởi vậy, đơn giá không tuân theo một quy định nào. Bình thường, trông giữ một chiếc xe máy có giá khoảng 3.000 nghìn đồng/lượt. Tại đây là 5.000 đồng, thậm chí trong đêm giao thừa là 10.000 đồng/lượt. Ai thắc mắc sẽ bị “mắng” bởi “đêm sang canh có người trông hộ xe là may còn thắc mắc nỗi gì”. Tương tự như vậy là giá cả của các loại đồ lễ, người bán sẽ “nhận diện” theo cung cách của khách để tùy nghi “chém đẹp”.
Ở đền Hồng Sơn (phường Hồng Sơn, Thành phố Vinh), các loại hình kinh doanh phục vụ du khách do Ban quản lý đền trực tiếp quản lý. Trong khu vực đền có một bãi trông giữ xe, 6 thầy cúng, 3 điểm kinh doanh thường xuyên và 10 điểm kinh doanh trong những ngày rằm, mồng một. Giá cả các dịch vụ như viết sớ, hành lễ, cúng bái, trông giữ xe… đều có đơn giá chung và được niêm yết công khai. Tuy nhiên, trong đêm giao thừa và những ngày đầu năm mới thì khác. Tại sân đền, số lượng làm dịch vụ không tăng lên, nhưng phía ngoài bờ rào có rất nhiều người tham gia “tranh thủ làm ăn dịp Tết”. Và cũng như ở chùa Cần Linh, họ tự định ra giá và tùy thuộc vào khách để điều chỉnh phù hợp… Theo lời bà P, một chủ kinh doanh đã nhiều năm ở đền, đêm giao thừa hoặc những ngày đầu năm mới, tâm lý của khách thường khá thoải mái, nên hiếm người đôi co giá cả với những người buôn bán, làm dịch vụ quanh đền.
Việc phát sinh các dịch vụ phục vụ nhu cầu của khách tại các khu vực đền chùa là điều tất yếu. Tuy nhiên, kèm theo đó là không ít mặt trái. Tại đền Ông Hoàng Mười, việc ô nhiễm môi trường từ các loại hình dịch vụ đang trở thành vấn nạn. Bên cạnh đó là không ít đối tượng đang hành nghề mê tín dị đoan, xin ăn... Theo ông Trương Văn Thái - Trưởng Ban Quản lý đền Ông Hoàng Mười, dù nhà đền thường xuyên nhắc nhở nhưng ý thức giữ gìn vệ sinh của các hộ kinh doanh, của khách đến với đền rất kém. Đối với lực lượng thầy cúng, tại đây có rất nhiều “thầy” chẳng biết gì về “nghề” nhưng vẫn hành nghề khiến khách đến với đền rất bức xúc vì không được đáp ứng đúng với nhu cầu. Nhà đền đã từng đề nghị ngành văn hóa tổ chức tập huấn, ai đủ điều kiện thì cấp chứng chỉ hành nghề nhưng vẫn chưa được giải quyết...
Tại chùa Cần Linh, đền Hồng Sơn… không xuất hiện những đối tượng hành nghề mê tín dị đoan, thế nhưng cũng xẩy ra tình trạng ô nhiễm môi trường và nhiều người xin ăn. Theo ông Hồ Công Tiến - Phó ban Quản lý đền Hồng Sơn, nhà đền chỉ quản lý được trong khu vực đền chứ không thể quản lý được phía bên ngoài. Để làm tốt các công tác này phải phụ thuộc vào chính quyền sở tại và ý thức của những người tham gia kinh doanh cùng du khách…
Khi cuộc sống ngày một đi lên và nhu cầu sinh hoạt tâm linh đang dần trở thành phổ biến, thì đội ngũ hành nghề tại các đền, chùa… càng trở nên đông đảo. Đây là một điều đáng mừng bởi từ đây đã tạo ra việc làm và thu nhập cho một bộ phận người dân. Tuy nhiên, để đền, chùa thực sự là chốn linh thiêng trong con mắt mọi người, chính quyền cơ sở cần phải có sự phối hợp tốt với các ban quản lý đền, chùa… để quản lý chặt chẽ những đối tượng này.
Nhật Lân