Mỹ - Brazil qua cơn sóng gió

02/07/2015 08:27

(Baonghean) - Chuyến công du đến Mỹ sau gần 2 năm trì hoãn của Tổng thống Brazil Dilma Rousseff vừa kết thúc, đây được cho là một bước tiến tích cực cho mối quan hệ song phương bị bóng đen của vụ bê bối nghe lén năm 2013 che phủ. Cái bắt tay lần này có thể nói đã giúp cả Mỹ và Brazil đạt được nhiều mục tiêu chiến lược.

Biến cố ngoại giao năm 2013

Chuyến công du Mỹ của Tổng thống Brazil Dilma Rousseff lần này được phía Washington lên kế hoạch từ vài tháng trước đây. Không phải ngẫu nhiên mà chính quyền Tổng thống Obama lại có các bước đi ngoại giao chủ động với Brazil như vậy. Vốn dĩ được lên kế hoạch từ giữa năm 2013, chuyến thăm đã bị hủy bỏ sau khi cựu nhân viên Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ Edward Snowden tiết lộ thông tin về các hoạt động do thám của Washington nhằm vào Brazil. Theo đó, Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ (NSA) đã bí mật triển khai do thám khắp Mỹ Latinh, theo dõi hàng triệu cuộc gọi điện thoại và thư điện tử của công dân các nước trong khu vực, trong đó có Brazil và cá nhân bà Rousseff.

Tổng thống Brazil Dilma Rousseff và Tổng thống Barack Obama. Nguồn: usnews.com
Tổng thống Brazil Dilma Rousseff và Tổng thống Barack Obama. Nguồn: usnews.com

Quả bom không hẹn trước này đã khiến quan hệ Mỹ - Brazil chao đảo và lâm vào giai đoạn khủng hoảng. Hợp tác kinh tế - thương mại phủ giữa hai nước bị ảnh hưởng tiêu cực, nhiều vấn đề quốc tế chung không đạt được sự thống nhất, như trong quan hệ với Venezuela. Và tất nhiên, nó cũng đã tác động xấu đến chiến lược ngoại giao mà Tổng thống Obama đang xúc tiến thời gian qua tại khu vực Mỹ Latinh. Có thể nói, đây là một bước thụt lùi trong các nỗ lực của Mỹ nhằm cải thiện quan hệ với các quốc gia trong khu vực. Cho đến tháng 4 vừa qua, quan hệ hai nước mới bắt đầu được cải thiện sau cuộc gặp giữa Tổng thống Obama và Tổng thống Rousseff bên lề Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức các nước châu Mỹ (OAS) diễn ra tại Panama.

Mỹ đạt được nhiều lợi ích

Theo giới phân tích, chuyến công du của bà Rousseff đến Mỹ lần này dường như có lợi cho Mỹ nhiều hơn là cho phía Brazil. Trước hết, việc đưa ra lời mời và đón tiếp nồng hậu Tổng thống Rousseff đã xóa tan thế khó xử của Mỹ đối với quốc gia đầu tàu trong khu vực Mỹ Latinh - vốn được coi là sân sau của Mỹ. Thứ hai, bắt tay chặt với Brazil sẽ góp phần cải thiện hình ảnh của Mỹ trong bối cảnh ảnh hưởng của Washington đang bị thu hẹp dần - xuất phát từ những chính sách của Mỹ đối với Cuba và Venezuela trước đây. Dù Brazil ít có khả năng gây ảnh hưởng lớn và trực tiếp tới lợi ích của Mỹ, nhưng nước này lại có khả năng lan tỏa lớn ở khu vực Nam Mỹ. Và thứ ba, quan hệ nồng ấm hơn với Brazil sẽ giúp chính sách đối ngoại cải thiện quan hệ với Mỹ Latinh thời gian gần đây của chính quyền Mỹ trở lại đúng lộ trình. Rõ ràng, Tổng thống Obama sẽ kém vui khi có thể bình thường hóa quan hệ với Cuba sau nửa thập kỷ bao vây cấm vận, giảm bớt căng thẳng với Venezuela, nhưng lại gặp trục trặc với Brazil - nền kinh tế hàng đầu và có tiếng nói trọng lượng tại khu vực. Không chỉ vậy, một động lực nữa khiến phía Mỹ nóng lòng muốn giải quyết các căng thẳng với Brazil là vì không muốn “người anh em cũ” lại rơi vào vòng tay của các nước lớn khác như Nga, Nhật Bản và đặc biệt là đối trọng hàng đầu - Trung Quốc.

Quả thực, chưa bao giờ cuộc đua đến Mỹ Latinh lại diễn ra gay cấn như vậy. Hàng loạt nhà lãnh đạo cấp cao của nhiều nước nườm nượp viếng thăm khu vực này, mang theo những “bọc tài chính khổng lồ” để đầu tư và rót viện trợ. Mạnh nhất phải kể đến Trung Quốc với hàng trăm tỷ USD cam kết đầu tư trực tiếp vào toàn khu vực nói chung cũng như Brazil nói riêng. Ngay trong lúc bà Rousseff đang đến Mỹ thì Phó Thủ tướng Trung Quốc Uông Dương cũng đang có chuyến thăm chính thức Brazil. Và rõ ràng, mối quan hệ xấu đi với Brazil sẽ chỉ là thiệt đơn - thiệt kép đối với Mỹ. Bởi vậy mà trong chuyến thăm vừa qua, phát biểu với báo giới sau cuộc hội đàm với bà Rousseff, Tổng thống Obama đã khẳng định, Brazil là một “cường quốc” và là “đối tác đáng tin cậy và không thể thiếu” trong việc thúc đẩy an ninh và các lợi ích của Mỹ trên toàn cầu cũng như tại khu vực Mỹ Latinh.

Brazil gặt hái các khoản đầu tư

Với Brazil, kinh tế - thương mại lại là cái đích lớn nhất mà nước này hướng đến. Diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế Brazil đang gặp nhiều khó khăn sau 2 năm liên tiếp tăng trưởng thấp, chuyến thăm Mỹ lần này của bà Rousseff được cho là cơ hội rất tốt để củng cố lòng tin của các nhà đầu tư Mỹ, từ đó thu hút vốn để phát triển. Trong lịch trình chuyến thăm 4 ngày, bà Rousseff dành hơn một nửa thời gian để làm việc với các công ty, tập đoàn của Mỹ nhằm tìm kiếm cơ hội làm ăn mới. Còn tại Nhà Trắng, hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về hàng loạt lĩnh vực hợp tác quan trọng, như kinh tế, thương mại - đầu tư, xây dựng các chính phủ điện tử, kinh tế số, an ninh và tội phạm mạng. Đáng chú ý là các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng trị giá 64 tỷ USD mà Mỹ lên kế hoạch đầu tư vào Brazil. Trong lĩnh vực du lịch, hai bên nhất trí từ đầu năm 2016 tới đây sẽ miễn thị thực nhập cảnh cho công dân hai nước. Theo thống kê, hiện trao đổi thương mại giữa Mỹ và Brazil đạt hơn 70 tỷ USD mỗi năm và Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Brazil, chỉ sau Trung Quốc. Với những thỏa thuận mới, con số này được kỳ vọng sẽ còn tăng lên.

Bên cạnh trọng tâm cải thiện hợp tác kinh tế, bà Rousseff cũng muốn nâng cao vị thế và vai trò của Brazil trong mối quan hệ song phương với Mỹ. Trong bối cảnh Brazil đang ngày càng trở thành một thành viên tích cực trong cơ chế đa phương BRICS - Nhóm các nền kinh tế mới nổi, bà Rousseff sẽ khó chấp nhận việc tiếp tục bị lép vế và nằm dưới “cái bóng lớn” của Mỹ như trước đây. Việc hai nhà lãnh đạo Mỹ - Brazil vừa qua cùng thống nhất cam kết thúc đẩy hợp tác, hướng tới ký kết thỏa thuận khí hậu toàn cầu tại hội nghị Liên Hợp quốc tổ chức tại Paris (Pháp) cuối năm nay, phần nào đã thể hiện vai trò của những nước lớn có trách nhiệm trong các vấn đề toàn cầu. Qua những thỏa thuận trong chuyến công du lần này, có thể thấy, ít nhiều các mục tiêu chiến lược của Tổng thống Rousseff và người đồng cấp Obama đều đã đạt được; đồng thời đưa quan hệ Mỹ - Brazil trở lại quỹ đạo phù hợp với bối cảnh mới hiện nay.

Phương Hoa

Mới nhất
x
Mỹ - Brazil qua cơn sóng gió
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO