Những hành động phản đối Trung Quốc liên tiếp gần đây của Mỹ đang thu hút được sự chú ý cũng như làm nảy sinh nhiều thắc mắc của cộng đồng thế giới.
Sau khi Thượng viện Mỹ thông qua một dự thảo luật về biển Đông, trong đó tái khẳng định sự ủng hộ của Mỹ với Quy tắc ửng xử trên biển Đông và Tuyên bố về ứng xử trên biển Đông giữa Trung Quốc và ASEAN, cũng như cam kết giúp đỡ các nước trong khu vực giữ gìn hòa bình và ổn định.
Sau đó, dự thảo luật số H.R.6.313 được thành viên cao cấp của Tiểu ban Hạ viện Mỹ về khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Faleomavaega, trình lên Hạ viện.
Giáo sư Carl Thayer.
Dự thảo Luật này được coi là một trong những động lực để tiến tới một giải pháp hòa bình cho vấn đề tranh chấp lãnh thổ trên biển Đông. Quanh vấn đề này, Đất Việt đã có một bài phỏng vấn với GS Carl Thayer, Học viện Quốc phòng
Dưới đây là nội dung bài phỏng vấn:
- Theo ông, Mỹ có toan tính gì với những hành động gần đây nhất?
-GS Carl Thayer - Trước kia cũng như bây giờ, Mỹ không hề nghiêng hẳn về bên nào trong cuộc tranh chấp lãnh thổ trên biển Đông. Họ phản đối việc sử dụng vũ lực hoặc sự hăm dọa để giải quyết vấn đề.
Hành động mới đây của Thượng viện Mỹ chỉ tái khẳng định chính sách của Mỹ trong vấn đề Biển Đông trước những hành động đe dọa
Mỹ cũng muốn cam kết với những nước cảm thấy lo ngại trước những hành động của Trung Quốc rằng họ vẫn đang theo sát mọi diễn biến tại đây.
Việc các nghị quyết được giới thiệu tại Hạ và Thượng viện của Mỹ có thể phản ánh mối quan ngại của các quan chức có nhiệm vụ hoạch định chính sách cho Chính phủ Mỹ. Những nghị quyết này đã giúp củng cố những thông điệp mà Bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra, đồng thời cảnh báo chính quyền Obama phải “đứng lên chống lại Trung Quốc”.Một vài phản ứng của các nghị sỹ có thể coi là một mánh chính trị, khi kỳ bầu cử tổng thống Mỹ đang đến gần.
- Theo ông, đây có thể là coi là sự khởi đầu cho những động thái mạnh mẽ hơn của Mỹ tại khu vực không?
- Mỹ sẽ không bao giờ vượt quá chính sách điều chỉnh, tái cân bằng lực lượng trong điều kiện ngân sách quốc phòng đang bị cắt giảm.
Phát ngôn của Bộ Ngoại gian Mỹ chỉ là cách mà nước này ngầm cảnh báo Trung Quốc rằng dù có những khó khăn về tài chính, họ vẫn có thể tham gia vào quá trình giữ gìn hòa bình và ổn định trong khu vực. Mỹ đang tìm cách ngăn không cho Trung Quốc hành động một cách bừa bãi.
- Liệu những động thái mới này có thể làm thay đổi tình hình tại khu vực Biển Đông, đặc biệt là có thể giúp thay đổi thái độ hiếu chiến của Trung Quốc không, thưa ông?
- Trung Quốc chắc chắc sẽ phản ứng trên 2 mức. Thứ nhất, như mọi người đã biết, họ dùng các cơ quan truyền thông để mở một cuộc “khẩu chiến” , cảnh báo Mỹ nên “câm miệng” và tập trung vào công việc của nước mình. Việc Trung Quốc “lớn tiếng” như vậy có thể được coi là do bị ảnh hưởng của cuộc chuyển giao quyền lực sắp diễn ra cũng như do chủ nghĩa dân tộc tại nước này. Mục đích của Trung Quốc là chia nhỏ ASEAN bằng cách thuyết phục một số quốc gia rằng Mỹ mới là nước phải chịu trách nhiệm cho tình hình căng thẳng đang ngày càng tăng nhiệt tại Biển Đông. Mức độ thứ hai, các quan chức quân sự Trung Quốc không muốn đụng độ với Mỹ tại thời điểm này.
Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc và nghị quyết của Thượng viện càng khẳng định quan điểm của Trung Quốc rằng Mỹ sẽ sử dụng biển Đông để kiềm chế nước này. Họ sẽ coi những tuyên bố của Mỹ là nhằm cổ vũ các bên còn lại chống lại Trung Quốc. Quân đội Trung Quốc sẽ nằm im chờ thời!