Mỹ lập trung tâm hàng hải ở Biển Đông: 'Nên ủng hộ'

12/03/2015 17:16

"Nếu thành lập trung tâm hàng hải quốc tế ở Indonesia-một trong những nước có lợi ích rất lớn ở biển Đông thì rõ ràng không có gì trái với luật lệ".

Liên quan đến đề xuất lập một Trung tâm hàng hải quốc tế ở Indonesia, chiều ngày 11/3, TS Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới quốc gia cho biết: "Mọi quốc gia trong khu vực đều có quyền thành lập bất cứ trung tâm nào miễn là trung tâm đó phục vụ mục đích kinh tế dân sự và nếu không đặt ở nước mình thì phải có sự đồng ý của nước đặt vị trí.

Ví dụ như lập trung tâm hàng hải quốc tế đặt ở Indonesia mà được sự đồng ý của nước đấy sau khi xem xét động cơ hoạt động thì không có gì phải bàn tán nữa cả, cứ thế mà tiến hành thôi. Hơn nữa, Mỹ là nước có trình độ kỹ thuật, an ninh hàng hải, có tiềm năng về mặt vật chất, đầu tư kỹ thuật nên đề xuất này có thể tiến hành bất cứ lúc nào".

Phân tích thêm, nguyên Trưởng ban biên giới quốc gia cho biết: "Nếu thành lập trung tâm hàng hải quốc tế ở Indonesia- một trong những nước có lợi ích rất lớn ở biển Đông thì rõ ràng không có gì trái với luật lệ, miễn là trung tâm này mang tính chất kinh tế dân sự, nhân đạo thì hoan nghênh"

Chính vì vậy, theo ông Trục: "Đề xuất này hợp lý và rất cần thiết. Bởi lẽ, xuất phát từ tình hình thực tế, qua dư luận quốc tế chúng ta thấy Trung Quốc đang có những hành động đe dọa an ninh hàng hải quốc tế và trong khu vực. Cụ thể, thời gian qua Trung Quốc đã biến đảo chìm thành đảo nổi, thành lập các căn cứ quân sự ở Gạc Ma nhằm phục vụ âm mưu độc chiếm biển Đông.

Chính vì thế, chúng ta nên ủng hộ đề xuất thành lập trung tâm hàng hải quốc tế với ý nghĩa ngăn cản sự cản trở, gây khó khăn trên tuyến đường hàng hải về mặt dân sự. Còn nếu nhằm mục đích quân sự nào để gây ra tình hình bất ổn chúng ta phải đặc biệt lưu ý."

Binh sĩ Mỹ trên tàu khu trục Sterett thuộc hạm đội 7 theo dõi hoạt động của tàu hải quân Trung Quốc bằng ống nhòm hiện đại - Ảnh: hải quân Mỹ
Binh sĩ Mỹ trên tàu khu trục Sterett thuộc hạm đội 7 theo dõi hoạt động của tàu hải quân Trung Quốc bằng ống nhòm hiện đại - Ảnh: Hải quân Mỹ

"Tôi nghĩ rằng, đề xuất đó cũng có thể góp một tiếng nói, một lợi ích cho việc ngăn cản, âm mưu độc chiếm biển Đông thông qua hoạt động hàng hải của Trung Quốc ở khu vực này.

Đề xuất này thể hiện một điểm mới, một quyết tâm hiện thực hóa về phản ứng tích cực mới của chính quyền Mỹ. Với đề xuất này có lẽ Mỹ cũng đang từng bước hiện thực hóa quyết tâm vì lợi ích chung của nhân loại, của giao thông thương mại quốc tế", TS Trục nói thêm.

Như thông tin báo Đất Việt đã đưa, trên trang mạng của Học viện Hải quân Mỹ, trung tá Jeff W.Benson vừa có bài viết kêu gọi thành lập trung tâm điều phối hàng hải quốc tế ở Indonesia.

Tác giả Benson, thuộc Trung tâm Tác chiến mặt nước hải quân cho biết, hải quân Mỹ cần nghiên cứu khả năng thành lập trung tâm điều phối hàng hải quốc tế (IMOC) ở Indonesia vừa để thể hiện sự cam kết của hải quân Mỹ tại châu Á - Thái Bình Dương, vừa để điều phối các hoạt động hàng hải ở biển Đông và Ấn Độ Dương và dùng nó như một cơ chế mới để cân bằng với sự trỗi dậy của Trung Quốc.

IMOC sẽ là cầu nối chính để thúc đẩy quan hệ hàng hải của Mỹ với các lực lượng của Ấn Độ, Indonesia và các nước Đông Nam Á khác. Trung tâm cũng có khả năng bảo đảm cho các hoạt động thương mại trên biển.

Theo tác giả Benson, chiến lược tái cân bằng tại châu Á - Thái Bình Dương đã được các nhà hoạch định chiến lược ở Washington chú tâm từ lâu nay và một lần nữa được nhắc lại trong chiến lược an ninh quốc gia 2015 mà Tổng thống Barack Obama vừa trình bày.

Cũng theo ông Benson, dù gặp nhiều khó khăn trong chiến lược tái cân bằng ở châu Á-Thái Bình Dương và giám sát sự trỗi dậy của Trung Quốc trên biển, Mỹ vẫn phải hành động để tránh mất uy tín với các đồng minh.

"Hải quân Mỹ với sự hỗ trợ của quốc hội và chính quyền Obama nên tìm cách để hành động nhiều hơn khi Trung Quốc tăng cường các lợi ích và ảnh hưởng của mình ở Ấn Độ Dương và Biển Đông", ông nói.

Theo Baodatviet.vn

Nổi bật Báo Nghệ An

Mới nhất

x
Mỹ lập trung tâm hàng hải ở Biển Đông: 'Nên ủng hộ'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO