Mỹ phát triển loại tên lửa ‘nguy hiểm hơn’ Tomahawk
Tập đoàn Lockheed Martin của Mỹ - một trong những “gã khổng lồ” an ninh và hàng không vũ trụ, giới thiệu phiên bản tầm xa nhất của tên lửa JASSM, được cho là nguy hiểm hơn tên lửa Tomahawk.
Lockheed Martin vừa giới thiệu tên lửa AGM-158 JASSM XR – phiên bản thế hệ thứ tư của tên lửa tầm xa dòng JASSM.
Tên lửa JASSM đã được đưa vào sử dụng trong Quân đội Mỹ gần hai thập kỷ trước, và đã được phát triển từ năm 1995.
Hiện, gã khổng lồ Lockheed Martin đã cho ra mắt 3 thế hệ, bao gồm: AGM-158A có tầm bắn 370 km, mất nhiều thời gian để hoàn thiện do thử nghiệm không thành công nên quân đội Mỹ chỉ nhận được những mẫu đầu tiên vào năm 2009.
Vào năm 2014, AGM-158A được thay thế bằng phiên bản thứ 2 có tên AGM-158B, còn được gọi là JASSM ER. Phiên bản này đạt tầm bắn tới 1.000 km.
Phiên bản thứ 3 - AGM-158C LRASM, khác với JASSM ER ở hệ thống dẫn đường và ở chỗ mục tiêu của nó.
Tên lửa AGM-158 JASSM XR là phiên bản thế hệ thứ 4. Nó vượt trội đáng kể so với những thế hệ trước, nhất là về phạm vi bay. Tuy nhiên, hiện chưa có dữ liệu chính thức nào. Tạp chí Quốc phòng Vương quốc Anh lưu ý, một số nguồn tin quân sự cho rằng, AGM-158 JASSM XR có sức mạnh không thua kém gì không tên lửa Tomahawk, tức là có tầm bắn tới 1.600 km. Một số phương tiện truyền thông chuyên về quân sự của phương Tây, chẳng hạn tờ American Army Certification đưa ra con số dự đoán tầm bắn lên tới 2.000 km.
Để làm được điều này, giới phân tích cho biết, tên lửa phải được kéo dài gần gấp 1,5 lần - từ 4,3 lên 6,3 mét. Nghĩa là, cần nhiều nhiên liệu hơn. Army Certification cũng chỉ ra rằng, hợp kim nhẹ hơn, tính khí động học được cải thiện, bề mặt đuôi và hệ thống truyền động được cải tiến, nhưng nhà sản xuất vẫn giữ bí mật những chi tiết đó.
Theo Lockheed Martin, một tên lửa có tầm bắn như AGM-158 JASSM XR sẽ mở rộng đáng kể phạm vi lựa chọn có sẵn cho Không quân, khi lập kế hoạch tác chiến. Nó không chỉ làm giảm nguy cơ thiệt hại máy bay trong một cuộc tấn công, mà còn cho phép tiết kiệm nhiên liệu - điều cực kỳ quan trọng nếu trong một cuộc xung đột tiềm tàng với Trung Quốc.
Các đợt phóng thử nghiệm AGM-158 JASSM XR dự kiến diễn ra vào năm 2025-2026. Việc đưa tên lửa này vào sử dụng và thiết lập hoạt động xuất khẩu cũng cần có thời gian.
Hơn nữa, mặc dù tên lửa này tương thích với đại đa số các phương tiện phóng của Mỹ: Từ máy bay chiến đấu F-15, F-18 đến B-1B Lancer và F-35, nhưng nó không thể phóng từ máy bay chiến đấu F-16.
Tuy nhiên, trong mọi trường hợp, Mỹ khó có thể “xé rào” chuyển giao những vũ khí hiện đại như vậy cho Ukraine. Ngay cả khi đã chuyển giao những vũ khí hiện đại như Abrams và F-16, Lầu Năm Góc cũng chỉ hỗ trợ Lực lượng vũ trang Ukraine bằng những thiết bị không phải là phiên bản mới nhất.
Tuy nhiên, tên lửa AGM-158 JASSM XR có khả năng vẫn sẽ đóng một vai trò nào đó trong cuộc xung đột ở Ukraine. Theo The War Zone, lợi thế chính của dòng JASSM đối với Kiev là khả năng phân phối rộng rãi. Mỹ có khoảng 2.000 phiên bản AGM-158 khác nhau. Lockheed Martin có khả năng sản xuất tới 500 loại đạn như vậy mỗi năm và có kế hoạch tăng sản lượng lên 1.100 trong thời gian tới.