Mỹ và 2 năm cuối nhiệm kỳ tổng thống: Đường dài mới biết ngựa hay?

24/01/2015 08:57

(Baonghean.vn) - Thất bại của phe Dân chủ ở cuộc bầu cử bán nhiệm kỳ hồi tháng 11 năm 2014 đã được dự đoán là sẽ mở ra một thời kỳ khó khăn đối với chính phủ của Tổng thống Barack Obama. Với áp lực từ Thượng viện và Hạ viện trong tay phe Cộng hoà, liệu Obama sẽ phải từ bỏ những chính sách cải cách của mình? Diễn văn mới nhất của ông vào thứ 3 ngày 20/01 dường như cho thấy điều ngược lại.

Xuyên suốt bài diễn văn tổng thống về tình hình của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ là những nhìn nhận hết sức tích cực về một chu kỳ mới đang mở ra với nền kinh tế Mỹ. Chính thức thoát khỏi khủng hoảng, nền kinh tế Mỹ được cho là “đang trên đà tăng trưởng, thâm hụt ngân sách giảm, một nền công nghiệp năng động và hoạt động sản xuất năng lượng tiếp tục được đẩy mạnh”. Có lẽ đó là lý do khiến cho mức độ tín nhiệm của vị Tổng thống Dân chủ đang tăng lên đáng kể, khiến phe Cộng hoà phải dè chừng về một cú lội ngược dòng có thể bất lợi cho họ vào chiến dịch bầu cử Tổng thống năm 2016.

Trong bối cảnh kinh tế - xã hội thuận lợi này, Tổng thống Obama khẳng định “Tối nay, chúng ta mở sang một trang mới” - như một lời tuyên ngôn rằng đã đến lúc nước Mỹ phải thay đổi, chấn chỉnh lại thực trạng chênh lệch, bất bình đẳng trong xã hội. Cụ thể, các chính sách cải cách mà ông đề cập đến trong bài diễn văn này bao gồm: đơn giản hoá các thủ tục sở hữu tài sản; tăng mức lương tối thiểu; điều chỉnh lại cơ chế nghỉ phép cho phụ nữ sinh con và người mắc bệnh; miễn phí hóa có điều kiện các trường cao đẳng, đại học cộng đồng (community college); điều chỉnh lại mức thuế, tăng thuế đối với nhóm nắm giữ phần lớn của cải, tiền bạc của nền kinh tế Mỹ trong tay và chỉ chiếm chưa đến 1% dân số.

Tổng thống Obama phát biểu trước Nghị viện ngày 20/1.
Tổng thống Obama phát biểu trước Nghị viện ngày 20/1.

Đặc biệt, “nền kinh tế của tầng lớp trung lưu” được xem là luận điểm trọng tâm của bài diễn thuyết. Tổng thống Obama khẳng định - cũng như ông đã từng tuyên bố trước đó trong chuyến thăm 12 tiểu bang kéo dài 2 tuần - rằng tầng lớp trung lưu là đối tượng bị tác động nặng nề nhất bởi suy thoái kinh tế, đồng thời cũng là mấu chốt để làm mới nước Mỹ sau 13 năm chiến tranh và bất ổn. “Đất nước này sẽ tốt hơn nếu tất cả mọi người được nhận những gì tương xứng với mình và cùng tuân thủ một luật chơi duy nhất”, như vậy, bình đẳng xã hội đã và vẫn đang là một trong những mối quan tâm, lý tưởng hàng đầu mà Tổng thống Obama theo đuổi kể từ đầu nhiệm kỳ của mình.

Không chỉ chênh lệch giữa các thành phần xã hội, bất bình đẳng giới cũng là một thực trạng mà ông lên án mạnh mẽ, đồng thời ông cũng cho rằng đã đến lúc phải hướng đến một nước Mỹ nhân văn hơn bằng cách cải thiện các cơ chế an sinh xã hội, bảo đảm quyền lợi người lao động. Hiện, có đến 43 triệu người lao động Mỹ không có quyền được nghỉ phép vì bệnh và nước Mỹ cũng là “đất nước phát triển duy nhất trên thế giới mà tình trạng này còn tiếp diễn”. Không phải là một chủ trương mới nhưng có lẽ chưa bao giờ quyết tâm của Tổng thống Mỹ lại cao đến thế, ông tuyên bố với giọng điệu ít nhiều có phần đe dọa: “Chúng ta không thể chấp nhận rủi ro với sự an toàn của các gia đình thông qua việc cắt bỏ chế độ bảo hiểm sức khoẻ của họ. Tuơng tự với các vấn đề liên quan đến luật định mới về Wall Street hay vấn đề nhập cư. Nếu một điều luật nào được gửi đến văn phòng của tôi mà có liên quan đến các chủ đề này, tôi sẽ dùng đến quyền phủ quyết tối cao”.

Có vẻ như Tổng thống Obama đã tìm ra giải pháp để theo đuổi các chính sách của mình và khiến cho hai năm cuối cùng của nhiệm kỳ Tổng thống không trở thành “cơn ác mộng” của một quyền lực bị đóng băng. Đổi lại, có lẽ chính Thượng viện và Hạ viện, hay nói đúng hơn là phe Cộng hòa mới đang phải nao núng trước sự quyết đoán của Tổng thống trong các vấn đề như vũ khí hạt nhân Iran hay ứng biến với thay đổi khí hậu toàn cầu. Thẳng thừng phản bác dự định tăng cường cấm vận với Iran của Thượng viện, ông nói: “Chẳng có gì bảo đảm là các vòng đàm phán sẽ đi đến kết quả khả quan, nhưng tăng cường cấm vận vào lúc này chính là sự bảo đảm chắc chắn nhất cho thất bại của tiến trình đàm phán”. Còn đối với ý kiến cho rằng khí hậu trái đất nóng lên là vấn đề khoa học chứ không thuộc lĩnh vực của các chính trị gia, Tổng thống Obama đáp lại: “Tôi cũng chẳng phải là nhà khoa học. Nhưng những nhà khoa học giỏi nhất thế giới nói rằng chính hành động của chúng ta là tác nhân ảnh hưởng lớn nhất đến sự thay đổi khí hậu”.

Đây không phải là lần đầu tiên Tổng thống Mỹ “hăm dọa” phe Cộng hoà bằng vũ khí tối cao - quyền phủ quyết. Ông đã từng viện đến giải pháp này để theo đuổi chủ trương của mình trong các vấn đề như hạt nhân Iran hay dự án xây dựng đường ống dẫn dầu Keystone XL. Lời cảnh cáo của Tổng thống Dân chủ đã được lặp đi lặp lại trong nhiều tuần qua và tối thứ 3 vừa rồi, lại được nhấn mạnh thêm một lần nữa.

Điều này không phải là vô nghĩa khi mà Mỹ đang phải đối mặt với nhiều vấn đề mang phạm vi toàn cầu và cần một sự biến chuyển mạnh mẽ trong chính sách để giải quyết một cách triệt để và sớm nhất có thể. Đó là một khu vực Trung Đông - tâm bão đang ngày càng lan rộng của cuộc thánh chiến cực đoan do các nhóm vũ trang khủng bố dẫn dắt. Đó là cuộc chiến tranh lạnh mới với “con gấu” Nga, trực tiếp ảnh hưởng đến khối liên minh Bắc Đại Tây Dương mà Mỹ là thủ lĩnh. Đó là mối quan hệ chớm “tan băng giá” với Cuba, hay những bước tiến tiếp cận các điểm nóng kinh tế - an ninh chính trị của thế giới thứ ba như Trung Quốc, Triều Tiên, Đông Nam Á,… “Người ngã ngựa” của cuộc bầu cử bán nhiệm kỳ đang chứng tỏ cho các đối thủ và cả thế giới thấy “đường dài mới biết ngựa hay”. Nhưng còn phải xem, Nghị viện Mỹ sẽ phản ứng như thế nào, bởi không phải vô cớ mà cuộc bầu cử bán nhiệm kỳ được xem là một mốc quan trọng đối với chính trị Mỹ. Cán cân quyền lực bao giờ cũng có đối trọng để đạt đến trạng thái ổn định - dù là một sự bình ổn trong hòa bình hay một sự bế tắc do cuộc tranh cãi “bất phân thắng bại”.

Thục Anh (Theo Le monde)

Mới nhất

x
Mỹ và 2 năm cuối nhiệm kỳ tổng thống: Đường dài mới biết ngựa hay?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO