Năm 2014 - "thảm họa" của các nạn nhân xung đột
(Baonghean) - Trong một báo cáo được đưa ra mới đây tại London (Anh), tổ chức Ân xá Quốc tế (Amensty) cho biết, năm 2014 là một năm “thảm họa” đối với các nạn nhân của những cuộc xung đột trên thế giới.
Theo bản báo cáo của tổ chức phi chính phủ Amensty đánh giá về tình trạng nhân quyền tại 160 quốc gia, có 35 trên tổng số 160 quốc gia xảy ra tình trạng vi phạm nhân quyền nghiêm trọng. Và những vi phạm này thường do các nhóm vũ trang như tổ chức Nhà nước Hồi giáo IS hoặc tổ chức Sahel hay nhóm khủng bố Boko Haram gây ra.
![]() |
Những căn lều của người tị nạn ở Thổ Nhĩ Kỳ hôm 30/1/2015. Ảnh: AFP |
Tại cuộc hợp báo diễn ra ở London, ông Salil Shetty – Tổng Thư ký của Tổ chức Ân xá quốc tế cho biết, năm 2014 được đánh giá là một năm “biến động” với hàng loạt cuộc xung đột như tại Syria, Ukraina, Gaza, Nigeria… khiến cho hàng triệu thường dân thiệt mạng, đồng thời buộc khoảng “15 triệu người” phải rời bỏ nhà cửa của mình. Ông Salil nhấn mạnh rằng, con số người tị nạn nói trên “có lẽ là số lượng người tị nạn nhiều nhất kể từ khi chiến tranh thế giới thứ 2 kết thúc”.
Ông Salil cho biết: “Năm 2014 là năm thảm họa đối với hàng triệu người dân bị ảnh hưởng trực tiếp bởi các cuộc xung đột”. Đồng thời cáo buộc các phản ứng của cộng đồng quốc tế trước các vi phạm về quyền con người “khá chậm và không mấy hiệu quả”. Ngay trong lời nói đầu, Tổng Thư ký lên án việc “các nhà lãnh đạo thế giới đã thất bại thảm hại trong việc bảo vệ người dân”.
Ông Salil cũng chỉ trích việc “Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc – một tổ chức được thành lập để bảo vệ thường dân và đảm bảo hòa bình an ninh đã thất bại thảm hại và không thể hoàn thành được nhiệm vụ được giao”. Không chỉ vậy, ông Salil còn cáo buộc “5 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an bao gồm Anh, Pháp, Mỹ, Nga và Trung Quốc đã liên tục lạm dụng quyền của mình mà đặc biệt là quyền phủ quyết để đổi lấy những lợi ích về chính trị hay về địa chính trị cho nước mình và gây thiệt hại cho việc bảo vệ người dân”.
Vì lý do đó, Tổ chức Ân xá quốc tế muốn thúc đẩy việc thông qua một “Bộ quy tắc ứng xử, trong đó các thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an tự nguyện từ bỏ việc sử dụng quyền phủ quyết của mình trong các trường hợp diệt chủng, tội ác chiến tranh hay tội ác chống lại loài người”. Đề xuất này không phải là mới và nó cũng nhận được sự ủng hộ của 70 quốc gia. Chính vì thế, tổ chức Amensty đang hy vọng sẽ khiến bộ quy tắc trên thành hiện thực, từ đó có thể giúp cải thiện quyền lợi của 7 tỷ con người trên thế giới.
Ông Philip Luther – Giám đốc của Tổ chức Amensty tại Trung Đông và Bắc Phi cũng ủng hộ quan điểm trên. Ông Philip cho rằng, việc từ bỏ quyền phủ quyết sẽ cho phép Tòa án Hình sự quốc tế có thể truy tố những tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người đang diễn ra tại nhiều khu vực như Syria hay Iraq. Ngoài đề xuất trên, Amensty còn thúc giục các quốc gia phê chuẩn Hiệp ước về buôn bán vũ khí được ký kết vào năm 2014.
Trước những câu hỏi về tình trạng nhân quyền thế giới năm 2015, Amensty không mấy lạc quan về việc các quyền lợi của con người được đảm bảo. Nhất là khi ngày càng có nhiều người dân bị buộc phải sống dưới sự kiểm soát của các nhóm vũ trang trong khi những cuộc xung đột vẫn không có dấu hiệu giảm nhiệt.
Chu Thanh
(Theo Liberation 26/2)