Năm cách nhận biết thịt sạch
Trong điều kiện thực phẩm độc hại xuất hiện trên thị trường hiện nay, người nội trợ có thể dựa vào những tiêu chí chọn thịt do kỹ sư nông nghiệp Trần Mạnh Chiến, chuyên gia tư vấn Chuỗi Cung ứng Nông sản Bác Tôm cung cấp để đảm bảo an toàn cho sức khỏe gia đình.
Người tiêu dùng nên tự trang bị kiến thức để nhận biết thịt bẩn. Ảnh: Chí Cường |
Thịt đỏ do tẩm hóa chất?
Kỹ sư Trần Mạnh Chiến cho rằng, dạng thịt đỏ xuất hiện ở Hà Tĩnh không phải thịt bị ươn, bởi thịt ươn thì sẽ được phát hiện ngay khi ăn. Kết quả là gì thì phải chờ cơ quan chức năng kiểm nghiệm làm xét nghiệm và công bố. Tuy nhiên nhìn vào quá trình bảo quản thịt và màu đỏ xuất hiện sau đó trên miếng thịt thì có hai khả năng: đó là do vi khuẩn hoặc do tẩm ướp hóa chất.
Khả năng lớn nhất là do thịt được bảo quản bằng hóa chất bởi khi thịt được bảo quản trong môi trường nhiệt độ phù hợp nào đó (cũng là bảo quản bằng tủ lạnh nhưng có gia đình để 5 độ C, có gia đình để 10 độ C), vi khuẩn sinh sôi phát triển vì thế đã sinh ra lượng chất thải nhất định.
Chất thải của vi khuẩn và các chất dinh dưỡng trên thịt làm biến màu thịt, làm xuất hiện màu đỏ như ta đã thấy. Tuy nhiên, trong trường hợp này, lượng màu đỏ trên thịt xuất hiện quá nhiều, quá đậm đặc do phản ứng của hóa chất thường xảy ra mạnh mẽ hơn vi khuẩn.
Trên thị trường người tiêu dùng vẫn được nghe nhiều đến nguồn thịt từ biên giới tràn vào Việt Nam qua đường tiểu ngạch. Nó là nỗi hoang mang của người nội trợ. Hoang mang là có cơ sở, bởi bản chất loại thịt này được vào thị trường Việt Nam là loại thịt công nghiệp bị thải do không đạt chuẩn của nước bạn. Khảo sát của phóng viên cho thấy, loại thịt này rất rẻ, mua ở chợ đầu mối chỉ khoảng 25.000 – 30.000 đồng/kg. Thịt bò chỉ khoảng 50.000 đồng/kg. Trứng vịt chỉ khoảng 50.000 đồng/60 quả, thịt gà khoảng 30.000 đồng/kg…
Theo Kỹ sư Trần Mạnh Chiến, để bảo quản thực phẩm tươi sống, hiện nay trên thế giới vẫn chưa có cách bảo quản nào khác ngoài cách bảo quản thực phẩm bằng đông lạnh. Nếu bảo quản trên hai ngày thì phải chuyển lên ngăn làm đá, nếu dưới hai bảo quản ngăn mát của tủ.
Thịt từ bên kia biên giới chuyển về Việt Nam, nếu theo đúng quy trình là phải được bảo quản trên những chiếc xe công ten nơ đá. Để bảo quản đúng quy trình như vậy thì chi phí sẽ đắt đỏ, trong khi đó loại thịt này lại quá rẻ nên có khả năng họ đã sử dụng hóa chất để bảo quản thực phẩm, tránh ôi thiu và bốc mùi.
Hãy là người nội trợ thông minh
Kỹ sư Trần Mạnh Chiến cho biết, trong điều kiện thực phẩm độc hại trên thị trường hiện nay thì người nội trợ có thể dựa vào những tiêu chí sau đây để có thể lựa chọn được thịt sạch, mang lại sự an toàn cho sức khỏe của cả gia đình:
Dựa vào cảm quan: Đảm bảo thịt tươi, thớ thịt chắc, độ đàn hồi tốt (nếu không để đông lạnh). Nhìn vào phần thịt nạc thì thịt lợn phải có màu hồng tươi. Phần mỡ thì có màu sáng bóng, trắng nhưng không phải trắng bạch, không đục, không vàng…
Độ đàn hồi: Để biết thịt sạch, bạn có thể kiểm tra bằng cách lấy tay ấn vào thịt để kiểm tra độ đàn hồi. Cả phần mỡ và phần nạc đều phải có độ đàn hồi tốt. Trong trường hợp ấn vào thấy thịt nhũn thì đó là thịt cũ hoặc lợn ăn thức ăn công nghiệp.
Ngửi để biết mùi vị:Về mặt mùi vị, thịt tươi chỉ có mùi tanh thông thường của thịt sống... Khi phát hiện mùi vị lạ thì nó là thịt cũ bị nhiễm khuẩn hoặc thịt đã được bảo quản bằng hóa chất.
Nên mua thịt tại các cửa hàng, siêu thị có uy tín để biết nguồn gốc xuất xứ. Khi mua thịt ở các hệ thống này, người tiêu dùng nên xem xuất xứ nguồn lợn nuôi ở đâu, do đơn vị hay cá nhân nào nuôi. Nếu cẩn thận thì nên đến tận nơi chăn nuôi lợn để tìm hiểu quá trình chăn nuôi ở đó.
Thịt lợn nhập lậu: Để nhận biết thịt nhập lậu, người tiêu dùng nên dựa vào các điểm sau: Màu thịt nhạt, khối thịt nhũn, nhấn tay vào không có độ đàn hồi… “Đối với nguồn thực phẩm ở Hà Tĩnh, ngoài việc đưa mẫu thịt đi làm xét nghiệm thì cơ quan chức năng cũng nên điều tra để biết nguồn thịt mà người bán lấy ở đâu, bởi rất có thể là thịt nhập lậu được bán ở các chợ đầu mối hiện nay”, kỹ sư Chiến nói.
Theo GiadinhNet