Nam Cường làm giàu từ nuôi bò vỗ béo

(Baonghean) - Phát huy lợi thế đất vùng bãi ven sông Lam, những năm qua, nghề chăn nuôi bò vỗ béo ở xã Nam Cường (huyện Nam Đàn, Nghệ An) ngày càng được mở rộng, phát triển cả về quy mô và tổng đàn, đem lại nguồn lợi kinh tế lớn cho địa phương.
 
Ông Lê Trung Sinh, Phó chủ tịch UBND xã Nam Cường (Nam Đàn) cho biết: Ngay từ đầu những năm 80 của thế kỷ trước, người dân Nam Cường đã biết nuôi bò vỗ béo bằng cách bổ sung thêm khô lạc và muối vào thức ăn để giúp chúng tiêu hoá, tăng trọng nhanh. Hiện xã có 1.235 hộ thì chỉ có khoảng vài chục hộ không nuôi bò, với tổng số 2.200 con. Lúc đầu chỉ có 6 xóm ngoài vùng bãi có điều kiện chăn thả nuôi, khi nhu cầu của thị trường tăng, phong trào đã phát triển nhanh ra 11/11xóm, nhà nào cũng nuôi từ 2 - 4 con, mỗi năm xuất bán 3 - 4 lượt; lượng bò luân chuyển trong xã hàng năm khoảng trên 9.000 con. Để tạo thêm nguồn thức ăn cho chăn nuôi, bà con thường gieo trỉa ngô dày, khi ngô phát triển xanh tốt thì tỉa dần, một số giữ lại làm thức ăn tinh. Và thực tế vỗ béo bò đang là một nghề mang lại thu nhập ổn định cho người dân nơi đây . 

Sau 3 tháng vỗ béo, bò của hộ anh Nguyễn Đức Thắng (xóm 5-Nam Cường)  có giá 24 triệu đồng/con.

Là hộ có thâm niêm trong nghề nuôi bò vỗ béo, ông Trần Hữu Đức ở xóm 5, Nam Cường cho biết: "Chúng tôi bắt đầu nuôi bò vỗ béo từ năm 1995. Lúc đầu vay vốn ngân hàng nuôi một con, nay năng lực của gia đình đã nuôi được 4 con một lượt. Nếu nuôi bò theo cách truyền thống phải mất nhiều thời gian mới có được bò để bán. Một con bò cái sau 9 tháng mới sinh được 1 bê con, nuôi thêm 6 tháng nữa mới có được con me xuất chuồng. Tại thời điểm này, me trên 6 tháng tuổi có giá khoảng 8 -10 triệu đồng/con (tuỳ đực hay cái), trừ chi phí thức ăn, công chăm sóc tính ra thu nhập cũng chẳng được bao. Trong khi nuôi vỗ béo, mỗi tháng bò tăng được khoảng 20kg thịt/con, vào thời điểm sẵn cỏ (từ tháng 7 - 9) có thể tăng được 25 - 30kg/con và chỉ cần nuôi từ 2 - 3 tháng là có bò béo xuất chuồng. Với giá thị trường khoảng 100.000đồng/kg bò đứng như hiện nay, trừ chi phí, công cán chúng tôi cũng có chắc khoản lãi trên 1 triệu đồng/con/tháng. Cá biệt, có hộ anh Nguyễn An Toàn ở cùng trong xóm, vào trung tuần tháng 8 vừa bán 1 con bò đực với giá 27,2 triệu đồng, tính ra sau 3,5 tháng nuôi anh Toàn đã thu lãi 12,2 triệu đồng".
 
Người dân Nam Cường đã tìm được cho mình "bí quyết" riêng trong nuôi vỗ bò nhanh béo. Khi được hỏi làm thế nào để chỉ trong vòng vài tháng một con bò “da bọc xương” biến thành con bò béo tốt, vạm vỡ, anh Nguyễn Đức Thắng, cán bộ xã Nam Cường vui vẻ cho biết: "Thời gian đầu kết quả vỗ béo không được như bây giờ vì chưa có kinh nghiệm trong việc chọn bò cũng như phòng trừ dịch bệnh và chọn chế độ ăn cho chúng. Rồi nghề dạy nghề, lâu dần rồi chúng tôi cũng đúc rút được nhiều kinh nghiệm. Để vỗ béo cho hiệu quả cao, trước tiên phải kể đến việc chọn giống. Bò tăng trọng nhanh hơn cả là giống bò lai, dù nó có "ốm" đến mấy nhưng nếu có bộ dàn khung đẹp (vai rộng, cổ dài, mông và bản lưng lớn) thì nuôi chẳng mấy chốc mà mập ú, nung núc thịt... Đừng sờ vào những con bò "rả" (bộ xương hẹp) mà "đổ sông đổ biển" như chơi. Chọn được con bò như vậy là cơ bản, nhưng nếu chọn phải con bò “khảnh ăn” thì cũng không thành công, vì yếu tố quyết định thành bại trong nghề là phải chọn được con “dày ăn”; nhìn con bò có vành mồm to và rộng thì nên chọn nuôi... Loại bò này thường có nhiều ở vùng miền núi, vì nuôi với số lượng lớn, thiếu thức ăn nên chúng thường rất gầy, bị bán thải, khi về chuồng mình chỉ cần vỗ béo khoảng 2 tuần là lên cân trông thấy. Đồng thời, phải xác định trọng lượng bò trước khi nuôi vỗ để sử dụng số thuốc tẩy ký sinh trùng phù hợp và định lượng thức ăn hợp lý... Thông thường nuôi bò vỗ béo chủ yếu là bò đực, vì chúng nhanh béo hơn bò cái. Nhưng thời gian gần đây bò đực hiếm hơn nên nhiều hộ chọn nuôi bò cái và cả bò già đã giảm khả năng sinh sản ".

Bò gầy được người dân Nam Cường (Nam Đàn)  mua về nuôi vỗ béo.

Việc thay đổi môi trường sống đột ngột sẽ làm ảnh hưởng không ít đến sự phát triển của bò nên người nuôi phải có những bước chuẩn bị chu đáo. Bò mua về trong tuần đầu phải nhốt riêng, mời cán bộ thú y đến tiêm phòng dịch các bệnh về đường máu, tẩy giun sán; tiêm phòng lở mồm long móng và tiêm thuốc bổ để chúng nhanh phục hồi sức khoẻ mà tiếp nhận chế độ vỗ béo của mình. Tuỳ theo điều kiện mà người nuôi cho thức ăn tinh bổ sung vào thành phần thức ăn. Muốn bò nhanh béo, rút ngắn thời gian nuôi vỗ thì cho thức ăn tinh từ 4 - 5 kg/ngày cộng thêm với cỏ, ngô, rơm rạ, cho ăn đều đặn 4 lần/ngày.... và phải siêng tắm cho bò (ngày nắng nóng có thể cho tắm 2 lần).

Một điều kiện khác để bò nhanh béo là phải nuôi nhốt tại chỗ, dứt khoát không được thả rông; chuồng trại phải luôn vệ sinh sạch sẽ. Con bò vỗ béo cũng giống như cái máy biến thức ăn thành thịt, nếu thường xuyên tắm sẽ làm cho chúng nhanh đói và tạo cảm giác thoải mái, chúng càng thoải mái ăn càng nhiều. Ngoài việc thực hiện nghiêm túc quy định của thú y về tiêm phòng dịch, trong mùa dịch người dân đã tự giác không di chuyển bò từ ngoài vào, thậm chí không đi cắt cỏ ở vùng khác cho bò ăn... Với ý thức phòng, chống dịch bệnh nghiêm ngặt và quy trình nuôi vỗ béo như trên, một năm nhiều gia đình trong xã đã có nguồn thu trên 10 triệu đồng từ nghề, giúp cho cuộc sống ngày càng khấm khá.
 
Để tìm hiểu đầu ra của nghề, chúng tôi tìm đến nhà anh Nguyễn Đức Sơn (ở xóm 1, xã Nam Cường), là một trong những người gắn bó với nghề “lái” bò từ những năm 1990 của xã. Được biết mỗi tháng anh thu gom từ 10 - 12 chuyến, mỗi chuyến cũng được từ 25 - 27 con, chủ yếu đổ hàng ở Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, nhiều khi sang cả nước bạn Lào...
 
Theo anh Sơn, việc nuôi vỗ béo bò ở xã nhà vẫn đang có điều kiện phát triển vì hiện nhu cầu thị trường đang rất lớn. Chỉ riêng ở TP Đà Nẵng, nhu cầu cần anh xuất bán cũng phải đến 10 tấn thịt/ngày, tương đương với khoảng 200 con, đó là chưa kể đến các thị trường ở tỉnh khác.
 
Có thể nói, nuôi bò vỗ béo rất phù hợp với điều kiện kinh tế hộ gia đình, và thực tế, trong nhiều năm qua nghề này ở Nam Cường đã trở thành một mũi chủ lực trong vươn lên làm giàu của bà con.

Ngọc Anh

tin mới

Đẩy nhanh giải ngân nguồn đầu tư công ở các địa phương

Đẩy nhanh giải ngân nguồn đầu tư công ở các địa phương

(Baonghean.vn) - Nguồn vốn đầu tư công xây dựng công trình “điện, đường, trường, trạm” đã trở thành động lực quan trọng có tính chất “mở đường” thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Bởi vậy, đẩy nhanh hiệu quả giải ngân đầu tư công luôn được các địa phương, sở, ngành nỗ lực ưu tiên hàng đầu.

Biển chỉ dẫn giao thông từ phía TP Vinh lên cao tốc Bắc Nam tại Quốc lộ 46B thuộc địa phận xã Hưng Tây, Hưng Nguyên. Ảnh Nguyễn Hải

Cao tốc Diễn Châu- Bãi Vọt vận hành thông suốt

(Baonghean.vn) -Theo Thông tin từ Ban quản lý dự án 6 (Bộ Giao thông – Vận tải) và đơn vị thi công, sau 4 ngày cắt băng khánh thành và thông xe kỹ thuật, cao tốc Bắc Nam, đoạn Diễn Châu – Bãi Vọt đã vận hành an toàn và phục vụ nhu cầu đi lại của người dân trong dịp lễ 30/4 và 1/5.

Khám phá khu đô thị sinh thái biển vị nhân sinh đầu tiên tại Hà Tĩnh

Khám phá khu đô thị sinh thái biển vị nhân sinh đầu tiên tại Hà Tĩnh

(Baonghean.vn) - Kế thừa và phát huy những lợi thế của thiên nhiên ban tặng, Hoa Tiên Sea – Golf Villas đã kiến tạo nên một đô thị nghỉ dưỡng sinh thái biển tự nhiên vị nhân sinh đầu tiên tại Hà Tĩnh với tiêu chí lấy cuộc sống con người làm tôn chỉ để tạo nên khu đô thị bền vững vượt thời gian.

Bà con xã Tăng Thành, Yên Thành khẩn trương thu hoạch lúa xuân tránh giông lốc. Ảnh: Văn Trường

Nông dân Yên Thành chạy đua thu hoạch lúa xuân tránh giông lốc

(Baonghean.vn) - Theo tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn, ngày và đêm 1/5, khu vực Nghệ An có khả năng xảy ra giông lốc. Với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”, nông dân huyện Yên Thành đang tích cực chạy đua thu hoạch lúa nhằm tránh giông lốc giảm thiểu thiệt hại.

Cháy rừng ban đêm ở xã Nam Thái, Nam Đàn. Ảnh: PV

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đệ trực tiếp chỉ đạo dập lửa rừng ở Nam Đàn

(Baonghean.vn) - Ngày 30/4, tại 2 huyện Thanh Chương, Nam Đàn đã xảy ra cháy rừng. Nhận được thông tin đồng chí Nguyễn Văn Đệ - Phó chủ tịch UBND tỉnh, đồng chí Phùng Thành Vinh - Giám đốc Sở nông nghiệp và PTNT, lãnh đạo Chi cục kiểm lâm đã trực tiếp đến hiện trường chỉ đạo dập lửa.

Phát triển tài sản trí tuệ: Hiệu quả lâu dài và lan tỏa

Phát triển tài sản trí tuệ: Hiệu quả lâu dài và lan tỏa

(Baonghean.vn) - Tài sản trí tuệ là một loại tài sản được pháp luật bảo hộ thông qua quyền sở hữu trí tuệ. Những năm gần đây, tài sản trí tuệ ngày càng được chú trọng quan tâm, chú trọng, trở thành chìa khóa để các sản phẩm địa phương bay cao, vươn xa và được bảo hộ trên toàn thế giới.