Nam Đàn trên chặng đường mới
(Baonghean) - Để tạo nên diện mạo nông thôn mới khang trang, nâng cao đời sống cho người dân, Đảng bộ huyện Nam Đàn chủ trương phát huy quyền làm chủ để “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân hưởng lợi”. Kiên trì định hướng đó, sau 4 năm chung sức, đồng lòng thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, huyện quê hương Bác Hồ đã có nhiều khởi sắc.
Lễ hội Làng Sen (xã Kim Liên - Nam Đàn). Ảnh: Sỹ Minh |
Diện mạo nông thôn mới
Xác định nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (NTM) sẽ tạo sự phát triển toàn diện ở từng địa phương, góp phần thúc đẩy sự phát triển chung của huyện, Đảng bộ huyện Nam Đàn đã ban hành Nghị quyết số 04 về thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, giai đoạn 2010-2020. Theo đó, cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể từ huyện đến cơ sở vào cuộc, trăn trở tìm các giải pháp thực hiện. Công tác được đặt lên hàng đầu là đẩy mạnh tuyên truyền, phát huy quy chế dân chủ, thực hiện tốt phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân hưởng lợi”. Phó Chủ tịch UBND huyện Lê Thị Hằng chia sẻ: “Khi tư tưởng đã thông, tạo nên sự đồng thuận trong nhân dân, rất nhiều gia đình sẵn sàng hiến đất, tài sản, đóng góp tiền, ngày công, huy động tối đa nguồn ngoại lực từ các doanh nghiệp đến con em xa quê góp sức xây dựng NTM”.
Kết quả, sau 4 năm xây dựng NTM, toàn huyện Nam Đàn đã cứng hoá được gần 340 km đường giao thông nông thôn các loại; kiên cố hoá gần 70 km kênh mương; xây dựng mới 14 trụ sở UBND xã; 6 nhà văn hoá xã và 69 nhà văn hoá xóm. Xây mới và nâng cấp một số phòng học tại 42 trường học các cấp; 15 trạm y tế xã và nâng cấp, xây dựng nhiều công trình khác. Tổng giá trị đầu tư xây dựng hơn 834 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp gần 191,4 tỷ đồng, chiếm 23%. Ngoài ra, nhân dân toàn huyện tự nguyện hiến 121.000m2 đất, đóng góp hơn 20.000 ngày công để mở rộng, nâng cấp cơ sở hạ tầng NTM. Diện mạo thôn, xóm và làng xã theo đó có những đổi mới, tiến bộ.
Thu hoạch lúa vụ xuân ở Nam Giang. Ảnh: Sỹ Minh |
Bên cạnh xây dựng cơ sở hạ tầng khang trang, các địa phương cũng đã quan tâm thu gom, xử lý rác thải, chú trọng trồng cây xanh, tạo cảnh quan môi trường xanh – sạch – đẹp. Nhiều địa phương thực hiện mô hình hố rác, phân loại rác thải tại từng gia đình và xử lý tập trung tại bãi rác xã. Một số xã như Kim Liên, Nam Cát, Nam Giang... phối hợp với Công ty Môi trường đô thị Vinh vận chuyển rác về xử lý tại bãi rác Nghi Yên. Hầu hết các xã gắn thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Có 200/320 xóm đạt tiêu chuẩn làng văn hóa, 82% gia đình đạt danh hiệu Gia đình văn hóa. Nhiều xã quan tâm xây dựng thiết chế văn hóa, làm tốt công tác bảo tồn di tích lịch sử văn hóa. Về chất lượng giáo dục chuyển biến tích cực, trung bình mỗi năm có trên 100 học sinh đạt danh hiệu học sinh giỏi cấp tỉnh; có 10 em đạt học sinh giỏi quốc gia. Hệ thống chính trị được chăm lo với đội ngũ cán bộ xã ngày càng chuẩn hóa, hoạt động của cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể được đổi mới có hiệu quả, số xã hoàn thành tiêu chí hệ thống chính trị lên 13/23 xã, thị trấn. có 23/23 xã đạt tiêu chí về công tác an ninh, trật tự xã hội.
Nâng cao đời sống nhân dân
Đích đến của NTM không chỉ nhằm thay đổi diện mạo nông thôn mà điều lớn hơn, mang tính bền vững hơn, đó là nâng cao đời sống, thu nhập của người dân. Chính vì vậy, quá trình xây dựng NTM ở Nam Đàn, các cấp ủy, chính quyền và hệ thống chính trị ở Nam Đàn tập trung chỉ đạo đẩy mạnh phát triển sản xuất, xây dựng và nhân rộng các mô hình kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân. Ở xã Kim Liên, những năm qua thành công với các mô hình “Xây dựng cánh đồng thu nhập cao”, “Xây dựng cánh đồng mẫu lớn”, kinh tế trang trại gắn với đưa cơ giới vào sản xuất nâng cao thu nhập trên cùng đơn vị diện tích. Cùng với nông nghiệp, Kim Liên đẩy mạnh phát triển ngành nghề, dịch vụ, thương mại với 26 máy xay xát và chế biến thức ăn gia súc, có 275 hộ buôn bán nhỏ lẻ, 6 doanh nghiệp xây dựng, 36 tổ thợ xây, thợ mộc, 25 xe ô tô vận tải, 11 xe ô tô chở khách. Đồng thời xã đẩy mạnh xuất khẩu lao động, với 247 người làm việc ở nước ngoài, hàng năm đem về nguồn ngoại tệ khoảng 30 - 32 tỷ đồng. Nhờ chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng nên thu nhập bình quân đầu người liên tục tăng, đạt 26 triệu đồng/người trong năm 2014; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,9%.
Dây chuyền may hiện đại tại Công ty Haivina Kim Liên - Nam Đàn. Ảnh: M.H |
Còn với xã miền núi Nam Thái, vốn là 1 trong 5 xã khó khăn nhất của huyện. Để nâng cao thu nhập cho người dân, xã đã tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng tần suất sử dụng đất, nâng cao giá trị trên đơn vị diện tích. Theo đó, nhiều diện tích đất vườn, đồi vệ, triền núi ở Nam Thái đã được khai thác, tạo ra vùng sản xuất hàng hóa, như mô hình trồng rau ngót, hoa lý, cam, quýt, hồng, chanh và chè xanh theo hướng hàng hóa. Nhờ đó, hiện tại, Nam Thái có 100% diện tích đất sản xuất đạt thu nhập 50 triệu đồng/ha/năm trở lên, trong đó có gần 100 ha cho thu nhập trên 80 triệu đồng. Điển hình có một số diện tích hoa lý, rau ngót, hành tăm... cho thu nhập từ 150 đến 300 triệu đồng/ha/năm.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện Lê Thị Hằng cho biết thêm: Tất cả các địa phương trên địa bàn huyện đều tập trung vào thế mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa. Thực tế, đến thời điểm này nhìn vào bức tranh kinh tế nông nghiệp Nam Đàn dễ dàng nhận thấy từng “vệt” kinh tế rõ nét, như rau màu của Xuân Hòa, Nam Xuân, Nam Anh, Nam Thanh; bông ngọt Nam Thái, ớt cay xuất khẩu Hùng Tiến, Khánh Sơn...; nhiều mô hình kinh tế trang trại chăn nuôi kết hợp trồng cây ăn quả hay ứng dụng KHKT, đưa cơ giới vào sản xuất, nâng cao thu nhập trên đơn vị diện tích ở Nam Cát, Kim Liên, Nam Giang. Chăn nuôi từ quy mô nhỏ lẻ đã chuyển dần sang tập trung theo hướng hàng hóa. Toàn huyện hiện có 685 trang trại vừa và nhỏ, trong đó có 15 trang trại doanh thu trên 1 tỷ đồng/năm, 19 trang trại doanh thu từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng/năm. Huyện chủ động tăng cường liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp từ việc cung ứng giống, vật tư nông nghiệp, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất đến bao tiêu sản phẩm nông nghiệp cho nông dân. Từ việc đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, góp phần nâng cao thu nhập, xóa đói, giảm nghèo, giúp nhân dân vươn lên làm giàu, đẩy nhanh quá trình xây dựng NTM tại mỗi địa phương. Thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện năm 2014 đạt 24,5 triệu đồng, tăng 1,4 lần so với năm 2010.
Với sự nỗ lực cao của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở và sự vào cuộc tích cực của người dân với vai trò là chủ thể, phong trào xây dựng NTM ở Nam Đàn đạt được nhiều kết quả. Kết thúc năm 2014, huyện Nam Đàn có 4 xã về đích NTM mới, gồm Kim Liên, Nam Giang, Nam Cát, Nam Trung. Từ thành công, kinh nghiệm của những xã đã về đích, huyện tiếp tục chỉ đạo nhân rộng trên khắp 19 xã còn lại, trước mắt phấn đấu trong năm 2015 có thêm 6 xã đạt chuẩn, gồm các xã Vân Diên, Xuân Hòa, Nam Anh, Nam Xuân, Nam Thượng, Nam Nghĩa. Kết quả từ chương trình xây dựng NTM đang tạo tiền đề vững chắc để Nam Đàn phát triển toàn diện, theo hướng giàu đẹp, văn minh, sớm trở thành huyện kiểu mẫu như sinh thời Bác Hồ hằng mong muốn.
Mai Hoa