Nạn khai thác cát, sạn trái phép bao giờ chấm dứt?

29/10/2013 15:52

(Baonghean) - Dọc theo lưu vực sông Lam (đoạn chảy từ cầu Bến Thủy (TP. Vinh) lên huyện Anh Sơn) mỗi ngày có hàng trăm tàu, thuyền ngang nhiên sục vòi rồng xuống hút cát, sạn. Nạn khai thác cát lậu khiến dòng chảy bị thay đổi, gây nên tình trạng xói mòn, sạt lở nghiêm trọng, đe dọa đến tài sản, tính mạng của người dân ven sông Lam. Đã đến lúc các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cần nhanh chóng vào cuộc xứ lý rốt ráo, dứt điểm vấn nạn này…  

(Baonghean) - Dọc theo lưu vực sông Lam (đoạn chảy từ cầu Bến Thủy (TP. Vinh) lên huyện Anh Sơn) mỗi ngày có hàng trăm tàu, thuyền ngang nhiên sục vòi rồng xuống hút cát, sạn. Nạn khai thác cát lậu khiến dòng chảy bị thay đổi, gây nên tình trạng xói mòn, sạt lở nghiêm trọng, đe dọa đến tài sản, tính mạng của người dân ven sông Lam. Đã đến lúc các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cần nhanh chóng vào cuộc xứ lý rốt ráo, dứt điểm vấn nạn này…

Đã 12 giờ trưa nhưng có gần chục chiếc tàu thuyền vẫn nổ máy ầm ầm, thọc vòi xuống sông Lam (đoạn qua xã Hưng Phú, Hưng Nguyên) hút cát. Mặc dù đê tả Lam được xây lát kiên cố nhưng một số nơi vẫn bị xói mòn, ăn sâu vào trong. Chỉ tay ra phía mấy chiếc thuyền neo đậu, anh Nguyễn Đình Sỹ, một người dân xóm 6, xã Hưng Phúc bức xúc: “Đi hút trộm thì phải lén lút, đường này công khai, ngang nhiên giữa ban ngày như chốn không người. Hút cát làm dòng chảy thay đổi, chân đê bị xói lở nghiêm trọng. Nếu không có biện pháp chấn chỉnh, xử lý kịp thời thì chỉ trong nay mai, con đê tả Lam này sẽ đổ ập xuống sông mất thôi”.

Bãi cát nằm sát chân cầu đường sắt Yên Xuân.
Bãi cát nằm sát chân cầu đường sắt Yên Xuân.

Do nạn hút cát diễn ra hàng ngày nên nước sông Lam luôn đục ngầu, ô nhiễm. Lòng sông bị “rút ruột” khiến dòng chảy thất thường, có nơi tạo thành những vũng xoáy rất nguy hiểm. “Trước kia tàu thuyền thường hút trộm cát phía bên kia sông nhiều hơn (phía Hà Tĩnh). Nhưng từ ngày bị lực lượng chức năng huyện Đức Thọ, cảnh sát đường thủy Hà Tĩnh ra quân truy quét gắt gao nên chuyển địa bàn sang bên này hoạt động”, ông Phạm Văn Thưởng, xóm 4, xã Hưng Phúc cho hay.

Từ 2 - 3 giờ sáng, hàng chục tàu thuyền của đội quân “cát tặc” đã từ khắp nơi kéo về địa phận huyện Hưng Nguyên, Nam Đàn để hút cát trộm. Khúc sông từ địa phận xã Hưng Lĩnh đến Hưng Khánh đêm cũng như ngày ầm ầm tiếng máy nổ hút cát. Mặc dù chưa được các cơ quan chức năng cấp phép nhưng hàng chục bãi tập kết cát to đùng mọc lên dọc bờ sông Lam. Một số bãi ô tô ra vào tấp nập, máy cẩu, máy múc hoạt động suốt ngày đêm. Tại hai bên chân cầu đường sắt Yên Xuân bắc qua sông Lam (phía Bắc thuộc xã Hưng Xuân, Hưng Nguyên) có hai bãi tập kết cát khổng lồ, nhiều tàu thuyền sau khi “ăn” cát dưới sông Lam chạy về đây để máy cẩu múc lên bãi.

Theo quy định thì bãi cát sạn phải cách chân cầu ít nhất 200 mét, tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi, hai bãi này chỉ cách chân cầu vài chục bước chân. Ô tô tải liên tục ra vào chở cát nhưng không được che chắn kỹ càng khiến cát vương vãi khắp Tỉnh lộ 542, gây trơn trượt, nguy hiểm cho người đi đường. Cách chân cầu sắt Yên Xuân (phía Nam, thuộc xã Nam Cường, Nam Đàn) vài trăm mét, nhiều tàu thuyền thả neo, vô tư hút cát, xả nước đục ngầu xuống sông. Việc hút cát sạn xảy ra liên tục, kéo dài trong nhiều năm qua đã làm xói mòn, sạt lở hai bên mố cầu đường sắt, đe dọa an toàn của các chuyến tàu.

Hoạt động khai thác cát trái phép không chỉ diễn ra tại TP.Vinh, các huyện Hưng Nguyên, Nam Đàn mà còn ở các huyện thượng nguồn sông Lam như Đô Lương, Thanh Chương, Anh Sơn. Dọc con sông này, người dân kêu trời vì nạn cát tặc làm nương vườn, nhà cửa của họ bị trôi xuống sông. Sông thay đổi dòng chảy “ăn” mất hàng chục héc ta hoa màu, lúa ngô của người dân. Anh Lê Minh Cường ở xã Ngọc Sơn (huyện Đô Lương) cho hay: “Nạn khai thác cát trái phép đã diễn ra nhiều năm nay nhưng chưa được các cơ quan chức năng xử lý rốt ráo. Cát tặc ngày càng lộng hành, còn người dân sống hai bên bờ sông Lam thì gánh chịu hậu quả”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi thì “cát tặc” một phần là dân vạn đò sống trên sông nước. Do không có việc làm ổn định, cuộc sống khó khăn cũng như chưa nhận thức đầy đủ những hệ lụy tai hại từ việc khai thác cát, sạn trái phép nên hàng ngày vẫn dong tàu thuyền ra sông Lam mưu sinh. Một số bị bắt quả tang, phạt hành chính vài ba lần nhưng sau đó vẫn tiếp tục quay lại nghề cũ. Theo một cán bộ thuộc phòng CSGT đường thủy thì khi phát hiện bắt giữ các đối tượng khai thác cát lậu, chỉ xử phạt hành chính chứ không thể tịch thu phương tiện vì rất phức tạp. Phạt xong lại tha nên khi lực lượng ra về, các tàu thuyền này lại tiếp tục hoạt động.

Ông Trần Văn Toản- Trưởng phòng Tài nguyên Khoáng sản – thuộc Sở TN-MT cho biết hiện tại sở mới cấp phép cho hai đơn vị khai thác cát trên lưu vực sông Lam, đó là Công ty Toàn Cầu, đóng tại xã Hưng Khánh, Hưng Nguyên, thời hạn 30 năm, diện tích 46 héc ta. Đơn vị thứ hai là Công ty Dũng Toàn đóng tại huyện Nam Đàn, thời hạn giấy phép 12 năm, diện tích trên 10 héc ta. Ngoài ra, hiện tại có 6 hồ sơ xin thăm dò khai thác cát, sạn của các công ty trong địa bàn tỉnh trình lên Sở TN-MT nhưng đang trong quá trình thẩm định, đánh giá. “Về vấn đề quản lý khai thác cát, sạn trên lưu vực sông Lam thì tỉnh ta đã có liên ngành bao gồm Sở TN-MT, Sở Xây dựng, lực lượng công an. Lực lượng này liên tục ra quân tuần tra, giám sát, xử lý vấn đề khai thác cát xây dựng. Tuy nhiên nhân lực còn hạn chế, chỉ trên 10 người mà phải quản lý hàng trăm héc ta mặt sông nên cũng gặp nhiều khó khăn” - ông Toản cho biết thêm.

Việc cấp phép, quản lý phương tiện tàu thuyền khai thác cát trên sông Lam thuộc thẩm quyền của lực lượng liên ngành, nhưng các bãi tập kết cát, sạn nằm dọc bờ lại do các xã, huyện quản lý. Một số địa phương còn lỏng lẻo, tùy tiện trong việc “xin - cho”, cấp giấy phép, vô hình trung đã tiếp tay cho “cát tặc”, làm tình hình quản lý, xử phạt “cát tặc” thêm phức tạp.

Theo ông Võ Duy Việt – Giám đốc Sở TN-MT thì việc quản lý, khai thác cát, sạn trái phép trên sông Lam hiện còn nhiều bất cập, khó khăn. Đặc thù của việc khai thác cát lậu là trôi nổi trên sông, thấy “động” là các đối tượng nổ máy bỏ chạy nên việc tiếp cận, xử lý hết sức vất vả. Bên cạnh đó, nhận thức của một số người dân còn hạn chế, họ cho rằng không ảnh hưởng gì tới môi trường, môi sinh, thay đổi dòng chảy làm sạt lở, xói mòn bờ đê nên vô tư khai thác. Mặt khác, do một số cán bộ các cấp chính quyền xã, huyện thiếu quyết liệt, chưa nhận thức đầy đủ trách nhiệm của mình nên buông lỏng quản lý, giám sát, “xin - cho” một cách tùy tiện nên khiến tình hình khai thác cát trái phép trở nên phức tạp.

Nạn cát tặc “móc ruột” sông Lam diễn ra trong thời gian dài, gây bức xúc cho người dân. Việc khai thác cát, sạn trái phép không chỉ làm ô nhiễm nguồn nước, thay đổi dòng chảy, gây nên tình trạng sạt lở, xói mòn đê điều, ruộng đồng mà còn đe dọa đến tài sản, tính mạng của hàng ngàn hộ dân sống dọc sông Lam. Đã đến lúc các cơ quan chức năng trong tỉnh, chính quyền địa phương cần nhanh chóng vào cuộc, quyết liệt xử lý vấn nạn “cát tặc” lộng hành như hiện nay. Bên cạnh đó cũng cần quy hoạch, đánh giá cụ thể tác động môi trường, dòng chảy để cấp phép cho một số đơn vị có thực lực, uy tín nhằm giải quyết vấn đề thiếu vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh ta, tránh tình trạng khai thác lộn xộn, phức tạp kéo dài trong nhiều năm qua.

Triều Dương

Mới nhất
x
Nạn khai thác cát, sạn trái phép bao giờ chấm dứt?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO