Nâng cao cảnh giác với tội phạm trộm cắp tài sản

Gia Huy 09/04/2023 10:27

(Baonghean.vn) - Thời gian qua, với sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng chức năng, tình hình tội phạm trộm cắp tài sản trên địa bàn tỉnh tuy đã được kìm giữ nhưng vẫn chiếm tỷ lệ cao trên tổng số vụ tội phạm xâm phạm trật tự xã hội.  

Tiềm ẩn nhiều phức tạp

Theo thống kê của ngành chức năng, từ năm 2018-2022, trung bình tội phạm trộm cắp tài sản chiếm 42,2% tổng số vụ phạm pháp hình sự trên địa bàn tỉnh. Riêng trong năm 2022 trên địa bàn tỉnh xảy ra 339 vụ trộm cắp tài sản, chiếm 34%. Điều này cho thấy tình hình trộm cắp tài sản còn tiềm ẩn nhiều phức tạp. Trong đó, nhiều nhất vẫn là trộm cắp tài sản ở nhà dân (chiếm 60%).

Điển hình tháng 9/2022, trên địa bàn khối Yên Toàn, phường Hà Huy Tập, TP.Vinh liên tục xảy ra các vụ mất trộm xe máy, xe đạp điện của người dân để trong khu vực các dãy nhà trọ. Đến ngày 22/9/2022, Công an phường Hà Huy Tập đã bắt đối tượng Vi Văn Mạnh (SN 1997), trú tại huyện Quỳ Hợp (thuê trọ tại khối Yên Toàn) về hành vi "Trộm cắp tài sản", thu giữ 1 chiếc xe máy trị giá khoảng 7 triệu đồng.

Quá trình đấu tranh, Vi Văn Mạnh khai nhận đã thực hiện 3 vụ trộm tài sản khác cũng trên địa bàn khối Yên Toàn. Từ lời khai của đối tượng, Công an thu giữ thêm 2 xe máy, 1 xe máy điện, 1 xe đạp điện.

Vi Văn Mạnh - đối tượng gây ra nhiều vụ trộm cắp tài sản ở khối Yên Toàn, phường Hà Huy Tập, TP. Vinh và tang vật. Ảnh tư liệu Đức Vũ

Tương tự, đầu tháng 1/2023, trên địa bàn xã Kim Liên, huyện Nam Đàn cũng liên tục xảy ra các vụ việc mất trộm tài sản. Đơn cử nhà ông Nguyễn Văn B. bị kẻ gian trộm một cặp bò trị giá gần 30 triệu đồng; nhà bà Lê Thị N. bị kẻ gian đột nhập trộm cắp 1 xe máy điện trị giá khoảng 10 triệu đồng. Sau quá trình điều tra xác minh, đến ngày 11/1, lực lượng chức năng đã bắt giữ đối tượng Trần Đình Dũng (SN 1990), trú tại xóm Liên Hồng, xã Kim Liên về hành vi "Trộm cắp tài sản". Dũng khai: Từ cuối tháng 12/2022 đến đầu tháng 1/2023 đã thực hiện 3 vụ trộm cắp tài sản trên địa bàn huyện Nam Đàn và 2 vụ trộm cắp tài sản khác tại địa bàn huyện Hưng Nguyên, Nghi Lộc với tổng giá trị tài sản khoảng 70 triệu đồng.

Trần Đình Dũng - đối tượng gây ra nhiều vụ trộm cắp tài sản ở các huyện Nam Đàn, Hưng Nguyên, Nghi Lộc. Ảnh tư liệu: Phạm Thủy

Bên cạnh trộm cắp tài sản ở các khu dân cư, còn nổi lên vấn đề trộm cắp tài sản ở các cơ sở thờ tự, khu di tích. Điển hình ngày 14/02/2023, Công an huyện Nghi Lộc đã phá thành công chuyên án, bắt giữ 4 đối tượng, cùng trú tại huyện Nghi Lộc về hành vi "Trộm cắp tài sản".

Tang vật thu giữ gồm hơn 20 triệu đồng tiền mặt, 8 két sắt bị cạy phá, 4 điện thoại di động, 2 xe mô tô, 4 kìm cắt sắt, xà cạy và các vật chứng khác. Qua đấu tranh, các đối tượng khai nhận từ đầu tháng 12/2022 đến trước thời điểm bị bắt, đã đột nhập vào các di tích tâm linh như đền, chùa, nhà thờ trên địa bàn huyện Nghi Lộc và các vùng phụ cận gây ra trên 10 vụ trộm két sắt, tổng thiệt hại trên 200 triệu đồng.

Quá trình phạm tội, các đối tượng che kín mặt, phân công người cảnh giới và người trực tiếp phá két sắt để lấy trộm tiền.

Tang vật một vụ trộm cắp tài sản. Ảnh tư liệu: Phạm Thủy

Theo ngành chức năng, phần lớn những kẻ trộm cắp không có nghề nghiệp ổn định, lười lao động. Một số vướng vào tệ nạn xã hội như lô đề, bài bạc, rượu chè… Một số đối tượng trộm cắp chuyên nghiệp có xu hướng liên kết, móc nối trong và ngoài địa bàn; hoạt động lưu động, liên tuyến, liên tỉnh với phương thức và thủ đoạn ngày càng tinh vi, manh động, gây thiệt hại lớn về tài sản, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống, hoạt động của người dân, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Trong khi đó, việc áp dụng các biện pháp phòng ngừa, nhất là biện pháp khắc phục những sơ hở, thiếu sót là nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm trộm cắp chưa được quan tâm đúng mức.

Các đối tượng gây ra hơn 10 vụ trộm két sắt tại các đền, chùa, nhà thờ trên địa bàn huyện Nghi Lộc. Ảnh tư liệu: Đức Vũ.

Đẩy mạnh phòng ngừa

Để nâng cao hiệu quả phòng ngừa, đấu tranh nhằm kiềm chế và kéo giảm tội phạm nói chung, trộm cắp tài sản nói riêng, nhiều địa phương đã chủ động phối hợp với ngành chức năng tăng cường công tác tuyên truyền phòng, chống tội phạm trộm cắp tài sản với nhiều hình thức, phương pháp đa dạng, phong phú, phù hợp gắn với địa bàn, khu vực, nhóm đối tượng; ưu tiên sử dụng nền tảng internet, ứng dụng mạng xã hội để tuyên truyền và tiếp nhận thông tin phản ánh, tố giác tội phạm.

Xã biển Quỳnh Lập (thị xã Hoàng Mai) ứng dụng mạng xã hội để tuyên truyền pháp luật. Ảnh tư liệu: Gia Huy

Bên cạnh đó, việc tuyên truyền, vận động nguồn xã hội hóa lắp đặt hệ thống camera an ninh tại khu vực công cộng, các tuyến đường và camera tại các hộ gia đình cũng là giải pháp hữu ích trong công tác phòng ngừa, ngăn chặn trộm cắp tài sản hoặc truy tìm kẻ phạm tội.

Ví như tại huyện Thanh Chương mô hình camera an ninh cộng đồng đã trở thành “cánh tay nối dài” của lực lượng Công an trong đảm bảo an ninh, trật tự. Đến nay, đã có 35/38 xã, thị trấn xây dựng, triển khai mô hình “Camera an ninh cộng đồng” với hơn 500 mắt camera. Thông qua hệ thống camera, Công an huyện Thanh Chương đã xác minh, điều tra, làm rõ nhiều vụ việc, trong đó có 25 vụ trộm cắp tài sản.

Công an huyện Quỳ Hợp tặng "Móc khóa bình yên" cho người dân bản Bành, xã Châu Quang. Ảnh tư liệu; Hoài Thu

Tại nhiều địa phương khác, phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc" được đẩy mạnh thông qua việc xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến gắn với các hoạt động “tự phòng, tự quản, tự bảo vệ, tự hòa giải” tại cơ sở. Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng và duy trì hoạt động hiệu quả 460 ban chỉ đạo tự quản, gần 40.000 tổ tự quản về an ninh, trật tự, 346 mô hình, điển hình tiên tiến về quần chúng tham gia bảo vệ an ninh trật tự, trong đó, có 270 mô hình hoạt động hiệu quả tốt, như: Hòm thư tố giác tội phạm, móc khóa an ninh; dòng họ tiêu biểu về an ninh, trật tự...

Trong đó, có nhiều mô hình được Bộ Công an biểu dương, nhân rộng trên toàn quốc. Như ở xã Hưng Tân (Hưng Nguyên) mô hình “Tiếng kẻng bình yên” đã được Cục VO5 Bộ Công an về khảo sát và ban hành thông báo đề nghị công an các địa phương tham khảo, vận dụng. Theo đó, đến bất kỳ xóm nào ở xã này đều sẽ thấy chiếc kẻng treo ở trong sân nhà văn hóa cộng đồng, cứ vào 22h mùa Đông và 22h30 phút mùa Hè, công an viên các thôn, xóm sẽ gõ kẻng để nhắc nhở các gia đình đã đến giờ nghỉ đêm, giữ trật tự chung, không đi chơi khuya. Theo ông Nguyễn Trọng Tâm - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Hưng Tân: Cấp ủy, chính quyền xã Hưng Tân còn xây dựng 41 tổ tự quản về an ninh, trật tự với 933 thành viên, 4 tổ tự quản kiểu mẫu với 100 thành viên ở các làng… Nhờ vậy, ý thức cảnh giác và chấp hành pháp luật của người dân được nâng cao, an ninh, trật tự được đảm bảo.

Tiếng kẻng bình yên ở làng Phan, xã Hưng Tân (Hưng Nguyên). Ảnh: Gia Huy

Về phía ngành chức năng, ngoài việc nắm chắc tình hình, quản lý chặt địa bàn, đối tượng; tổ chức các đợt cao điểm tấn công trấn áp các loại tội phạm nói chung, tội trộm cắp tài sản nói riêng và tăng cường hoạt động phối hợp tuần tra khép kín địa bàn, nhất là các tuyến địa bàn trọng điểm cần nắm chắc di, biến động về nhân khẩu, hộ khẩu, quản lý cư trú, ngành nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự; người chấp hành xong án phạt tù, người nghiện ma tuý ngoài xã hội không để phát sinh điều kiện, khả năng gây án.

Đồng thời, trên cơ sở điều tra các vụ án trộm cắp tài sản, rà soát, tổng hợp các phương thức, thủ đoạn, nguyên nhân điều kiện phát sinh tội phạm, những sơ sở thiếu sót trong quản lý, bảo vệ tài sản, từ đó, tham mưu công tác tuyên truyền, hướng dẫn và trực tiếp áp dụng các biện pháp phòng ngừa đạt hiệu quả cao.

Tuy nhiên, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của ngành chức năng và các địa phương trong đấu tranh, phòng ngừa tội phạm, thì mỗi người dân, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cũng cần nêu cao cảnh giác, chủ động bảo vệ tài sản của mình nhằm hạn chế tối đa nguyên nhân, điều kiện để các đối tượng lợi dụng hoạt động trộm cắp tài sản.

Mới nhất

x
Nâng cao cảnh giác với tội phạm trộm cắp tài sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO