Nâng cao chất lượng dân số vùng biển

18/06/2014 14:54

(Baonghean) - Năm 2010, Nghệ An được triển khai Đề án 52 về "Kiểm soát dân số vùng biển và ven biển". Sau gần 5 năm triển khai, Đề án đã góp phần nâng cao nhận thức, hành vi về chăm sóc SKSS/KHHGĐ, bước đầu ổn định quy mô, nâng cao chất lượng dân số vùng biển, ven biển, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Cán bộ dân số xã ven biển Quỳnh Thọ - Quỳnh Lưu tuyên truyền cho bà con về các biện pháp tránh thai. Ảnh: Thành Hưng
Cán bộ dân số xã ven biển Quỳnh Thọ - Quỳnh Lưu tuyên truyền cho bà con về các biện pháp tránh thai. Ảnh: Thành Hưng

Nghi Quang trước đây là một trong những xã khó khăn của huyện Nghi Lộc, người dân vừa làm nghề chài lưới, vừa là giáo dân nên tỷ lệ sinh con thứ ba trong toàn xã thường ở mức cao, trên 30%. Điều đó, khiến công tác dân số gặp nhiều trở ngại, trong đó khó nhất là thay đổi tư duy nhận thức của người dân. Hầu hết bà con nơi đây đều có quan niệm rằng: Biển rộng mênh mông, thiếu là thiếu con người, thiếu lao động để đánh bắt cá chứ không lo lắng về miếng cơm manh áo. Thế nên, chẳng phải một gia đình chỉ sinh 3 con mà họ còn sinh 4, sinh 5 thậm chí nhiều hơn nữa để tiếp tục nghề đi biển “cha truyền con nối” và để dự phòng bởi họ biết, nghề đánh bắt cá trên biển sẽ có nhiều hiểm nguy, trắc trở…

Nhận thức của người dân Nghi Quang chỉ thực sự có chuyển biến kể từ khi Đề án 52 về “Kiểm soát dân số vùng biển và ven biển” được triển khai năm 2010. Với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền và đa dạng các hình thức vận động, truyền thông như tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề, thành lập các câu lạc bộ gia đình không sinh con thứ 3, câu lạc bộ gia đình trẻ, nhờ vậy người dân được tiếp cận các kiến thức về sức khỏe sinh sản, về kế hoạch hóa gia đình. Ngoài tuyên truyền dưới hình thức tập trung, các cộng tác viên dân số còn chia nhau đến từng hộ để vận động người dân ký cam kết thực hiện kế hoạch hóa gia đình; thành lập câu lạc bộ gia đình trẻ với thành phần chủ yếu là vợ chồng mới cưới, hoặc những vợ chồng chỉ mới có từ 1 đến 2 con. Chị Hoàng Thị Nhung, Chủ nhiệm Câu lạc bộ xóm Thành Vinh 1 chia sẻ: Hơn 90% bà con trong xóm làm nghề đi biển. Nắm bắt được tâm lý sinh đông con, qua các buổi sinh hoạt chúng tôi đều cố gắng lồng ghép những kiến thức về kế hoạch hóa gia đình để tạo sự chuyển biến trong suy nghĩ của bà con. Hiện tại, ở câu lạc bộ có nhiều gia đình sinh con một bề nhưng họ đã quyết tâm không sinh thêm con để có điều kiện nuôi dạy con tốt. Tỷ lệ sinh con thứ ba giảm từ 15,5% (năm 2013) xuống còn 0,5%.

Nói về việc triển khai Đề án 52, chị Nguyễn Thị Hằng, chuyên trách dân số xã Nghi Quang cho biết: Thuận lợi của Nghi Quang là được cả chính quyền và các ban, ngành cùng đồng lòng thực hiện. Đặc biệt, dù còn là một xã nghèo, nhưng nhiều năm nay xã vẫn luôn duy trì chính sách khen thưởng với những xóm, những gia đình không sinh con thứ 3. Trích kinh phí của xã để hỗ trợ thêm 1 cộng tác viên dân số 105.000 đồng/tháng, ngoài mức hỗ trợ của tỉnh và của chương trình mục tiêu quốc gia…

Đề án 52 về “Kiểm soát dân số vùng biển và ven biển” được triển khai tại tỉnh ra từ đầu năm 2010, thời điểm dân số vùng biển tăng đột biến. Nhờ sự hỗ trợ của dự án, các huyện đã thành lập được 5 đội lưu động y tế - dân số tuyến huyện, định kỳ 3 tháng/lần tổ chức truyền thông tư vấn và cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em/ kế hoạch hóa gia đình cho các nhóm đối tượng. Nhờ đó, sau 5 năm thực hiện đã có 243 lượt cung cấp dịch vụ tại 39 xã; 143.215 lượt đối tượng được tiếp cận truyền thông, tư vấn về các dịch vụ CSSKSS/KHHGĐ; 129.342 lượt người được khám và 63.234 người được điều trị các bệnh về phụ khoa. Ngoài ra, các mô hình nâng cao chất lượng khi sinh từng bước triển khai hiệu quả với trên 4.000 thanh niên chuẩn bị kết hôn được khám sức khỏe, hơn 15.000 lượt bà mẹ mang thai được theo dõi và thăm khám thai kịp thời.

Bên cạnh đó, hoạt động hỗ trợ phòng, chống bệnh nhiễm khuẩn đường sinh sản, lây truyền qua đường tình dục, được triển khai tại 5 xã của huyện Quỳnh Lưu; hoạt động hỗ trợ phòng ngừa mang thai ngoài ý muốn cũng đã được triển khai tại 5 xã ven biển của Thị xã Cửa Lò, xây dựng được nhiều Câu lạc bộ Dân ca Nghệ Tĩnh tuyên truyền công tác dân số với nhiều tác phẩm tự biên có giá trị tuyên truyền cao. Qua 5 năm, tỷ lệ người làm việc và người dân sinh sống vùng biển và ven biển được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ tăng từ 67% lên 76%; Tỷ lệ trẻ em bị dị dạng, dị tật và thiểu năng trí tuệ do rối loạn chuyển hóa và do di truyền giảm bình quân hàng năm từ 1,02% năm 2009 xuống còn 0,52% năm 2013, tỷ lệ suy dinh dưỡng giảm từ 17% xuống dưới 13%. Ông Nguyễn Trung Thành, Phó Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ khẳng định: Các mô hình hoạt động của đề án đã phát huy nhiều mặt tích cực, từng bước cải thiện, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của nhân dân vùng biển. Đồng thời, góp phần thay đổi nhận thức của người dân vùng biển và ven biển về công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em, sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình, tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản của người dân và góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của ngành Dân số địa phương.

Thời gian tới, kinh phí của đề án theo chương trình mục tiêu quốc gia đang ngày một thu hẹp, do đó, muốn duy trì đề án, rất cần sự vào cuộc của các cấp, các ngành. Ông Phan Văn Huê, Trưởng phòng Dân số, Chi cục DS/KHHGĐ cho biết: Để chương trình được triển khai lâu dài, rất cần sự tiếp sức từ chính quyền và các tổ chức đoàn thể, cần thiết lồng ghép đề án với các hoạt động kinh tế - xã hội của địa phương; hỗ trợ kinh phí hàng năm cho các hoạt động của đề án. Ngoài ra, cần tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, vận động, thường xuyên đổi mới về nội dung và hình thức tuyên truyền từ huyện đến cơ sở với nhiều hình thức: vận động tại gia đình, tuyên truyền qua các đợt chiến dịch CSSKSS, qua hệ thống truyền thanh; Tiếp tục tổ chức các đội dịch vụ lưu động đến tận các xã vùng biển để thực hiện các hoạt động truyền thông, cung cấp các dịch vụ như siêu âm, khám phụ khoa, tư vấn SKSS; phối hợp với trạm y tế xã tiến hành khám và điều trị các bệnh phụ khoa thông thường, khám thai, cung cấp dịch vụ đảm bảo an toàn, kịp thời cho người dân... Tham mưu cho cấp ủy, chính quyền trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo công tác dân số và đầu tư nguồn lực đảm bảo tổ chức các hoạt động có hiệu quả. Nâng cao kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ dân số cơ sở nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao.

Mỹ Hà

Mới nhất

x
Nâng cao chất lượng dân số vùng biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO