Nâng cao chất lượng hoạt động của ban nữ công quần chúng doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước
(Baonghean.vn) - Đó là nội dung hội thảo được Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức sáng 25/10 tại thành phố Vinh. Hội thảo đã ghi nhận nhiều ý kiến góp ý chất lượng nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết số 12b/NQ-BCH ngày 12/7/2017 của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về Ban Nữ công quần chúng doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước.
Tham dự sự kiện có đồng chí Kha Văn Tám - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh, đại diện Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Ban vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh, các Ban Liên đoàn Lao động tỉnh cùng cán bộ nữ công một số huyện, ngành và doanh nghiệp lớn trên địa bàn.
Toàn cảnh sự kiện. Ảnh: Diệp Thanh |
Sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 12b/NQ-BCH ngày 12/7/2017 của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về Ban Nữ công quần chúng doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, Liên đoàn Lao động tỉnh đã tổng hợp báo cáo lên Tổng Liên đoàn từ tháng 4/2022. Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được, có thể thấy chất lượng hoạt động của ban nữ công quần chúng nói chung còn nhiều hạn chế. Vì vậy, Liên đoàn Lao động tỉnh quyết định tổ chức hội thảo với mong muốn các đại biểu sẽ thảo luận, mổ xẻ vấn đề, chỉ rõ vướng mắc, bàn cách tháo gỡ đóng góp ý kiến để nâng cao chất lượng hoạt động của ban nữ công quần chúng các doanh nghiệp ngoài nhà nước.
Bà Nguyễn Thị Thu Nhi - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: Diệp Thanh |
Tính đến ngày 30/6/2022, toàn tỉnh có 2.884 công đoàn cơ sở, 183.971 công nhân viên chức lao động, trong đó 168.622 đoàn viên. Với 110.205 đoàn viên nữ (chiếm 65,3%), tổng số ban nữ công quần chúng đã được thành lập là 2.389 ban, trong đó có 29 ban nữ công quần chúng công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, 2.073 ban nữ công quần chúng công đoàn cơ sở hành chính sự nghiệp và doanh nghiệp nhà nước, 287 ban nữ công quần chúng công đoàn cơ sở doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước.
Hội thảo đã thẳng thắn nhìn nhận những kết quả và hạn chế của hoạt động của Ban nữ công quần chúng trong thời gian qua. Từ đó, các đại biểu tham dự đã đóng góp nhiều ý kiến chất lượng nhằm đề xuất, kiến nghị và đề ra những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm trong công tác triển khai Nghị quyết số 12b/NQ-BCH, thành lập và kiện toàn Ban Nữ công quần chúng ngoài khu vực nhà nước; những thuận lợi, khó khăn trong việc thành lập và nâng cao chất lượng hoạt động của ban nữ công quần chúng đối với công đoàn cơ sở doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước trong bối cảnh mới, đổi mới và nâng cao chất lượng cho trưởng ban nữ công, ủy viên ban nữ công công đoàn doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước…
Các đại biểu tham dự hội thảo đã cùng nhau lắng nghe nhiều kinh nghiệm hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng hoạt động nữ công quần chúng. Ảnh: Diệp Thanh |
Bà Trần Thị Nguyệt - Phó Chủ tịch Công đoàn Khu kinh tế Đông Nam chia sẻ khó khăn, kinh nghiệm trong hoạt động nữ công quần chúng. Ảnh: Diệp Thanh |
Lắng nghe các ý kiến tham luận, đồng chí Kha Văn Tám ghi nhận những đóng góp quan trọng của nữ công trong sự chuyển biến tích cực của hoạt động công đoàn thời gian qua. Tuy nhiên, chất lượng hoạt động nữ công, đặc biệt là nữ công quần chúng doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước chưa tương xứng với quy mô, chưa rõ nét, thiếu tính thường xuyên, thiếu chiều sâu.
Tại cuộc hội thảo, trước tính cần thiết, cấp bách của vấn đề, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh yêu cầu các đại biểu phân tích, làm rõ những nguyên nhân kịp thời giải quyết những hạn chế. Với hơn 65% đoàn viên nữ, hoạt động nữ công có hoàn thành chức năng, nhiệm vụ thì tổ chức công đoàn mới hoàn thành chức năng, nhiệm vụ. Từ nhận thức này, ban nữ công cần phát huy những ưu thế riêng để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.
Ông Kha Văn Tám - Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Diệp Thanh |
Để nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động nữ công quần chúng trên địa bàn tỉnh, đồng chí cho rằng, cần có sự định hướng chỉ đạo thường xuyên từ trên xuống, tập trung nâng cao đội ngũ cán bộ nữ công có trình độ, bản lĩnh, tâm huyết, xây dựng các gương điển hình, lựa chọn các nội dung hoạt động đi vào chiều sâu, chăm lo, bảo vệ người lao động đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền.
Những ý kiến của các đại biểu là cơ sở để Ban Chấp hành Liên đoàn Lao động tỉnh đề ra những giải pháp thúc đẩy việc thành lập cũng như nâng cao chất lượng ban nữ công quần chúng trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, nhằm thực hiện tốt hơn công tác chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của lao động nữ, thực hiện mục tiêu bình đẳng giới, xây dựng gia đình công nhân, viên chức, lao động tiến bộ, hạnh phúc, văn minh.