Nâng cao chất lượng xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số
(Baonghean.vn) - Ngày 13/11, tại Nghệ An, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội thảo thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng công tác xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2023-2030 các tỉnh miền Trung.
Tham dự hội thảo có đại diện lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo; Cục Chính trị Bộ đội Biên phòng; Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng thuộc Bộ Công an; Ban Dân tộc – Tôn giáo, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; Ban Nghiên cứu giáo dục thường xuyên, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cùng các ban ngành địa phương.
Về phía các tỉnh/thành phố khu vực miền Trung có đại diện lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo; các Phòng Giáo dục và Đào tạo khu vực miền núi cao, nơi sinh sống của bà con dân tộc thiểu số; đại diện Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên; đại diện lãnh đạo cơ sở giáo dục được giao nhiệm vụ tổ chức dạy xóa mù chữ.
Huy động hàng vạn người học xoá mù chữ
Báo cáo khai mạc và đề dẫn hội thảo, ông Nguyễn Xuân Thủy – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục thường xuyên, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, trong những năm qua, thực hiện công tác xóa mù chữ, các địa phương đã có các giải pháp để nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác xóa mù chữ cho người dân nói chung và người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng.
Trong giai đoạn 2020-2023, cả nước đã huy động được hơn 79.000 người học xóa mù chữ. Riêng, các tỉnh thuộc chương trình mục tiêu quốc gia đã huy động được gần 54.000 người xóa mù chữ. Trong đó có hơn 33.000 người theo học lớp mức độ 1 với 86,2% học viên là người dân tộc thiểu số; hơn 21.600 người theo học lớp mức độ 2 với 74,9% học viên là người dân tộc thiểu số.
Bên cạnh đó, các địa phương cũng huy động, phối hợp nhiều lực lượng xã hội cùng tham gia công tác xóa mù chữ như ký kết chương trình phối hợp với Công an tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và xã hội để tổ chức các lớp xóa mù chữ, phổ cập giáo dục, hướng nghiệp dạy nghề cho phạm nhân tại trại giam. Đồng thời, ký kết chương trình phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng về đẩy mạnh công tác xóa mù chữ, củng cố kết quả phổ cập giáo dục tiểu học. Bên cạnh đó phối hợp với Hội Khuyến học trong công tác khuyến học khuyến tài, xây dựng xã hội học tập...
Tính đến tháng 9/2023, cả nước có 226/10.598 đơn vị cấp xã (tỷ lệ 2,5%) đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1; 10.332/10.598 đơn vị cấp xã đạt tỷ lệ 97,5% đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2.
Có 42/704 đơn vị cấp huyện (6%) đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1; 662/704 đơn vị cấp huyện (tỷ lệ 94%) đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2. Cả nước có 63/63 tỉnh thành đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1 (100%) và hiện có 48/63 tỉnh đủ điều kiện, tiêu chuẩn đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2 (chiếm 76,2%), trong đó có 22 tỉnh đã được Bộ GD&ĐT kiểm tra, công nhận đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2.
Bàn giải pháp khắc phục những tồn tại
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, công tác xóa mù chữ vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như nhận thức của người dân chưa đầy đủ. Hiệu quả công tác xóa mù chữ chưa cao, kết quả không bền vững, hiện tượng tái mù chữ vẫn tiếp diễn, gia tăng. Số lượng người học lớp xóa mù chữ còn rất ít so với người mù chữ. Hệ thống trường lớp, cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy học tập của một số xã miền núi còn khó khăn, thiếu thốn.
Địa bàn các huyện miền núi rộng, giao thông khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số sống phân tán, rải rác dọc biên giới Campuchia, Lào, Trung Quốc, chỗ ở không ổn định nên việc điều tra con số người mù chữ để mở lớp, vận động ra lớp và quản lý lớp học khó khăn. Công tác phối hợp với các cơ quan, tổ chức, đoàn thể trong công tác xóa mù chữ chưa chặt chẽ, thường xuyên...
Tại hội thảo các đại biểu từ các địa phương tập trung nêu ý kiến về những vấn đề tồn tại, thách thức, cản trở việc học chữ của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trên cơ sở đó thảo luận về các giải pháp nâng cao chất lượng công tác xóa mù chữ phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của mỗi tỉnh. Hội thảo cũng tiếp nhận 60 tham luận của các tỉnh khu vực miền Trung – Tây Nguyên về đánh giá thực trạng công tác xóa mù chữ tại các địa phương trong thời gian qua. Đồng thời, đề xuất các giải pháp chính để nâng cao hiệu quả công tác xóa mù chữ giai đoạn 2023-2030.
Chiều cùng ngày, hội thảo tập trung thảo luận nhóm về các giải pháp nâng cao chất lượng xóa mù chữ. Trong đó, các nhóm đã đưa ra nhiều giải pháp như nâng cao trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền trong tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng về công tác xóa mù chữ. Đổi mới công tác quản lý, điều tra, vận động và tổ chức lớp xóa mù chữ. Củng cố kết quả biết chữ, hạn chế tình trạng tái mù chữ. Nâng cao chất lượng dạy học; bổ sung chế độ chính sách đối với người học, người dạy, người tham gia công tác xóa mù chữ. Đẩy mạnh xã hội hóa công tác xóa mù chữ để huy động nhiều lực lượng hơn nữa tham gia như các đoàn thể xã hội, sinh viên tình nguyện... Tận dụng sự hỗ trợ từ các chương trình, dự án trong và ngoài nước.
Tại Nghệ An, trong những năm qua, việc tổ chức và duy trì lớp học xóa mù chữ là nhiệm vụ chính được giao cho các trường tiểu học đóng trên địa bàn, đồng thời có sự phối hợp tham gia của các tổ chức, đoàn thể, các lực lượng xã hội địa phương.
Người tham gia giảng dạy các lớp xóa mù chữ được chọn lựa từ những người tâm huyết, yêu nghề, ưu tiên giáo viên là người địa phương, biết tiếng của đồng bào, hiểu rõ các phong tục, tập quán địa phương.
Năm 2022, Nghệ An được công nhận đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2. Công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non trẻ em 5 tuổi. Công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mức độ 3 và đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 1.