Nâng cao đời sống và sức khỏe người dân nông thôn
(Baonghean) - Nguồn vốn hỗ trợ không đáp ứng nhu cầu kế hoạch, trong khi đó, nhiều công trình cấp nước tập trung tiến độ thi công chậm trễ và nguồn vốn đóng góp của người hưởng lợi thấp, không kịp thời... Đó là những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Chương trình nước sinh hoạt – VSMTNT năm 2013. Tuy nhiên, với sự nỗ lực của các cấp, ngành liên quan, của người dân và hỗ trợ của tổ chức quốc tế, lĩnh vực cấp nước sinh hoạt – VSMTNT vẫn đạt được hiệu quả cao, góp phần nâng cao đời sống và sức khỏe người dân vùng nông thôn.
Xác định từ việc thực hiện Chương trình nước sạch – VSMTNT sẽ gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn đầu tư, nhờ các cấp, ngành chức năng có những giải pháp phù hợp, đó là tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia đóng góp tiền, ngày công lao động xây dựng công trình cấp nước, vệ sinh, đồng thời tổ chức lồng ghép các chương trình, dự án và khai thác hiệu quả các nguồn vốn đầu tư trong nước, của các tổ chức quốc tế.
Ông Nguyễn Ích Xuân – Trưởng Phòng Kế hoạch – Trung tâm nước và VSMTNT cho biết: “Thuận lợi trong việc thực hiện Chương trình nước sạch – VSMTNT là quy hoạch cấp nước và vệ sinh nông thôn đã được điều chỉnh, bổ sung cho giai đoạn đến 2015, có tính đến 2020. Từ cơ sở đó, các cấp, ngành liên quan đã phối hợp tổ chức thực hiện chương trình một cách đồng bộ. Hoạt động truyền thông tập trung nhiều vào vận động cộng đồng, giới thiệu công nghệ - kỹ thuật, vật liệu bền vững cũng như đào tạo nâng cao kỹ năng quản lý vận hành, duy tu bảo dưỡng bền vững công trình. Bên cạnh đó, các công trình cấp nước được xây dựng có quy mô lớn, công nghệ xử lý hiện đại, chất lượng nước đảm bảo quy định. Số người được cấp nước sạch tăng thêm nhiều từ các công trình cấp nước tập trung là tín hiệu tốt nhằm phát triển bền vững chương trình…”.
![]() |
Nước sạch về bản Thắm, xã Châu Thuận (Quỳ Châu) Ảnh: Trần Ngọc Lan |
Một thuận lợi trong lĩnh vực đầu tư thực hiện Chương trình quốc gia về nước sạch – VSMTNT ở tỉnh ta trong thời gian qua, là có nhiều “kênh” đầu tư như: Nguồn hỗ trợ của Trung ương (chương trình nước sạch – VSMTNT, chương trình 135/CP, 30a, Nông thôn mới); Ngân sách hỗ trợ của tỉnh; Hỗ trợ quốc tế (Vốn vay Ngân hàng phát triển Châu Á – ADB); Vốn hỗ trợ ưu đãi và Quỹ tín dụng quay vòng của Hội LHPN, đặc biệt là nguồn vốn rất lớn của người dân đóng góp. Với sự đa dạng về nguồn vốn đầu tư, đã tạo điều kiện thuận lợi cho tỉnh ta thực hiện tốt Chương trình quốc gia về nước sạch – VSMTNT. Năm 2013, tổng các nguồn vốn huy động trong lĩnh vực này là 213 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn vay của Ngân hàng ADB hơn 20,6 tỷ đồng, vốn hỗ trợ ưu đãi và Quỹ tín dụng quay vòng của Hội LHPN 10,2 tỷ đồng, đóng góp của người dân là khoảng 80 tỷ đồng… Nhờ đó, trong năm 2013 tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh (theo Quyết định 51/2008/QĐ-BNN) tăng từ 66,5% lên 68,5%. Số hộ gia đình nông thôn có nhà vệ sinh theo TC08/BYT tăng từ 43,5% lên 45,2%. Tỷ lệ trạm y tế có công trình cấp nước và nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn tăng từ 85% lên 87% và tỷ lệ trường học nông thôn có công trình cấp nước, nhà vệ sinh tăng từ 54,75% lên 56,72%...
Mặc dù nguồn vốn đầu tư khá đa dạng và người dân rất tích cực đóng góp thực hiện Chương trình quốc gia về nước sạch – VSMTNT, nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế tại Nghệ An. Vì vậy ,trong quá trình thực hiện, tỉnh đã đề ra giải pháp phù hợp, đó là quan tâm, ưu tiên đầu tư nhiều hơn đến các hoạt động nâng cấp cải tạo công trình, quản lý vận hành, duy tu bảo dưỡng công trình để đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững của chương trình. Thực tế thấy rằng, thời gian qua tại một số công trình cấp nước tập trung bằng công nghệ xử lý nước hiện đại, nước sạch đạt tiêu chuẩn 02 của Bộ Y tế, nhưng sau khi đưa vào sử dụng công trình không phát huy được hiệu quả, do mô hình quản lý chưa phù hợp, hệ thống đường ống cấp nước thiếu đồng bộ…
Chính vì vậy, tỉnh ta mạnh dạn đổi mới cách quản lý, như: Giao việc quản lý, khai thác một số công trình cấp nước tập trung ở thị trấn các huyện Nam Đàn, Tương Dương, Kỳ Sơn… cho doanh nghiệp chuyên ngành (Công ty TNHH 1TV cấp nước Nghệ An), hay Trung tâm nước sinh hoạt – VSMTNT nhận quản lý một số công trình cấp nước ở Hưng Nguyên. Qua đó, các đơn vị chuyên ngành đó tiếp tục đầu tư, nâng cao năng lực sản xuất và phần lớn các công trình đều phát huy được hiệu quả. Song song với đó, tỉnh cũng chú trọng đến việc đầu tư xây dựng các dự án mới về lĩnh vực cấp nước sạch và nhất là các dự án từ nguồn vốn ADB. Thời gian qua, với sự nỗ lực của huyện Diễn Châu và các cấp, ngành liên quan, hiện nay tại địa bàn huyện đang triển khai dự án cấp nước sạch và VSMTNT vùng miền Trung từ nguồn vốn vay ADB – Tiểu dự án cấp nước sạch và VSMTNT Diễn Yên. Tiểu dự án có vốn đầu tư 52,8 tỷ đồng, trong đó gói thầu xây dựng nhà máy nước hơn 37 tỷ đồng. Theo thiết kế, nhà máy nước sạch có công suất 1.700 m3/ngày và công nghệ xử lý nước hiện đại đạt tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Sau khi hoàn thành sẽ cung cấp nước sạch cho hơn 3.700 hộ dân trong xã (gồm 13.179 nhân khẩu) và các điểm công cộng.
Thời gian thực hiện gói thầu xây dựng nhà máy là hơn 15 tháng và đến tháng 12/2013, khối lượng gói thầu thiết kế thi công công trình cấp nước tập trung đạt 61,7%. Gói thầu thiết kế thi công nhà vệ sinh khu công cộng và hộ gia đình đạt 58,48%. Gói thầu giám sát thi công công trình cấp nước và nhà vệ sinh đạt 60% khối lượng. Các hoạt động thông tin - giáo dục - truyền thông và vận động cộng đồng đó thực hiện đúng theo kế hoạch đó được phê duyệt, đến thời điểm hiện tại đó hoàn thành được 30% khối lượng công việc của toàn dự án. Được biết, dự án đợt 2 sẽ thực hiện liên xã Long Thành, Khánh Thành, Vĩnh Thành, Trung Thành, huyện Yên Thành. Với việc đổi mới cách quản lý và tập trung ưu tiên nguồn vốn đầu tư nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới các dự án cấp nước tập trung, năm 2013, ở tỉnh ta tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch theo QCVN 02:2009/BYT tăng từ 27% lên 29,2%.
Ông Phan Bùi Mỹ - Giám đốc Trung tâm nước sinh hoạt – VSMTNT cho biết: “Để thực hiện tốt Chương trình quốc gia nước sạch – VSMTNT, kế hoạch năm 2014 Nghệ An sẽ nâng tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh từ 68,5% lên 73% vào cuối năm 2014, trong đó, sử dụng nước sạch theo QCVN 02:2009/BYT tăng từ 29,2% lên 35,0%. Số gia đình nông thôn có công trình nhà vệ sinh theo tiêu chí 08/BYT từ 45,2% lên 50%, và Trạm Y tế có công trình cấp nước sạch và nhà vệ sinh tăng từ 87% lên 90,4% vào cuối năm 2014. Số trường học có công trình cấp nước sạch và nhà vệ sinh tăng từ 56,72% lên 58,76%...
Để hoàn thành mục tiêu đó, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp về truyền thông, ban hành cơ chế, chính sách phù hợp, thực hiện xã hội hoá cấp nước sinh hoạt nông thôn theo Quyết định 131/2009/QĐ-TTg ngày 02/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư và quản lý khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn. Đồng thời ưu tiên hỗ trợ vốn cho các công trình đấu nối, mở rộng các dự án từ nhà máy nước hiện có để giảm chi phí đầu nguồn, xây dựng nhanh, chất lượng nước đảm bảo và tận dụng tối đa công suất các nhà máy nước đã xây dựng. Chú trọng đầu tư các dự án cấp nước quy mô lớn, liên xã, hạn chế đầu tư manh mún nhằm giảm thiểu diện tích đất xây dựng, dễ kiểm soát chất lượng nước, giảm chi phí quản lý vận hành...” Dự kiến, nhu cầu vốn cần huy động thực hiện Chương trình nước sạch - VSMTNT năm 2014 là khoảng 300,9 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương cần hỗ trợ 50 tỷ đồng, ngân sách tỉnh hỗ trợ 25 tỷ đồng, còn lại là nguồn vốn đầu tư của các chương trình, dự án, các tổ chức quốc tế và đóng góp của người dân.
Hoàng Vĩnh