Nâng cao giá trị chè xuất khẩu
(Baonghean) - Đặc trưng của sản phẩm chè xuất khẩu Nghệ An là to cánh, đậm nước, có vị chát lẫn đắng nhẹ và uống lâu có vị ngọt… Sự hội tụ này được tạo nên từ vùng khí hậu nắng, nóng của mùa hè và lạnh buốt của mùa đông. bởi vậy, chè Nghệ An trở thành “gu” của khách hàng nghiền chè tại các nước vùng Nam Á, Trung Đông, Trung Quốc, Anh, Hà Lan, Ba Lan… Chính vì thế, mặc cho thị trường xuất khẩu khó khăn, chè Nghệ An vẫn đứng vững và giá trị ngày càng tăng.
Quan tâm đầu tư vùng nguyên liệu
Được biết, giá chè xuất khẩu của Việt Nam hiện chỉ bằng 60 - 75% giá xuất khẩu bình quân của thế giới nhưng giá chè xuất khẩu Nghệ An đạt cao, đối với chè xanh tính bình quân trong 10 tháng đầu năm 2013 là 1.600 USD/tấn, chè CTC (chè đen) là 1.300 USD/tấn. Có thể thấy rằng, một trong những lợi thế lớn để nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm chè Nghệ An là diện tích trồng chè khá lớn (khoảng 7.000 ha), có thể chủ động ký kết được những hợp đồng xuất khẩu với khối lượng lớn. Tuy nhiên, thời điểm “nước rút” cho một số hợp đồng lớn vẫn xẩy ra tình trạng thiếu nguyên liệu và các doanh nghiệp chế biến đành phải thu mua ở ngoại vùng, hay tại các địa phương khác.
Tìm hiểu được biết, cùng với một số địa phương có vùng chè nguyên liệu tập trung như huyện Thanh Chương, Anh Sơn, Con Cuông… và các huyện miền núi cao Quế Phong, Kỳ Sơn vẫn có thể mở rộng diện tích cây chè, nhưng lại thiếu quy hoạch, đầu tư đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật… Ông Cao Văn Hiệp - Giám đốc Xí nghiệp chế biến chè Anh Sơn cho biết: “Để đáp ứng kịp thời sản phẩm cho các hợp đồng xuất khẩu, ngoài diện tích 120 ha chè nội vùng do xí nghiệp đầu tư theo mô hình thâm canh, còn phải liên kết với các đơn vị, địa phương trên địa bàn huyện mở rộng diện tích chè nguyên liệu. Đó là phối hợp với Tổng đội TNXP – XDKT 1 và các xã Phúc Sơn, Long Sơn, Hội Sơn, Khai Sơn... đầu tư trồng gần 400ha chè.
Cây chè đã đứng chân trên vùng đất Nghệ An khá lâu, tuy trải qua những thăng trầm, biến cố, nhưng vẫn đang là một trong những sản phẩm xuất khẩu chủ lực của tỉnh ta. Góp phần quan trọng trong việc phát triển mạnh mẽ về diện tích cũng như giá trị của sản phẩm chè, là Công ty TNHH MTV ĐT – PT chè Nghệ An. Hiện nay, doanh nghiệp này có vùng nguyên liệu nội vùng đến 2.871 ha (tập trung chủ yếu tại huyện Thanh Chương, Anh Sơn, Con Cuông…) , đồng thời phối hợp với các đơn vị, địa phương phát triển thêm 1.630 ha chè ngoại vùng. Thời gian qua, để tăng nhanh sản lượng chè nguyên liệu, doanh nghiệp đã đầu tư các giống mới vào sản xuất và điển hình là giống LPP.2 rất phù hợp với điều kiện khí hậu khắc nghiệt của Nghệ An, năng suất đạt từ 12- 15 tấn/ha và tại các vùng chè đầu tư thâm canh đúng kỹ thuật, năng suất đạt 20 - 25 tấn/ha.
Từ đầu năm đến nay, Công ty đã hỗ trợ cho người trồng chè vay 20 tỷ đồng đầu tư phân bón, cùng với đó hỗ trợ đầu tư phát triển hệ thống thủy lợi, giao thông vùng nguyên liệu… Với cách đầu tư đó, năng suất bình quân của vùng chè đạt gần 12 tấn/ha (năng suất bình quân chung của cả nước là 10 tấn/ha). Đầu tư phát triển được vùng nguyên liệu vững chắc, là nền tảng quan trọng để các đơn vị xuất khẩu chè mạnh dạn đầu tư công nghệ tiên tiến, sản xuất ra những loại sản phẩm chất lượng cao và nâng cao vị thế của chè Nghệ An trên thị trường xuất khẩu.
Chế biến chè tại Xí nghiệp chè Hùng Sơn (Anh Sơn). |
Nâng cao năng lực chế biến
Theo Hiệp hội Chè Việt Nam, hiện cả nước có tới 455 nhà máy chế biến chè nhưng chỉ có trên 300 cơ sở có công suất khoảng 1 tấn/ngày, còn lại hầu hết là nhà máy nhỏ, công nghệ lạc hậu và do chỉ có 5% số nhà máy có vùng nguyên liệu riêng, nên thường xuyên xảy ra tình trạng “mua tranh” nguyên liệu. Tại Nghệ An cũng xẩy ra tình trạng tương tự, nhưng các cơ quan chức năng chưa thực sự vào cuộc nên vấn đề này vẫn không kiểm soát được. Được biết, tại huyện Thanh Chương, Anh Sơn có rất nhiều lò chế biến chè mini vì thiếu nguyên liệu nên thường dùng nhiều cách để thu mua chè của người dân, như tăng giá thu gom nguyên liệu chè cao hơn giá của doanh nghiệp, hay không yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn của nguyên liệu…
Sự cạnh tranh không lành mạnh này, dẫn đến việc làm giảm phẩm cấp của nguyên liệu và phá vỡ quy trình thu hoạch, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của cây chè (vì theo quy định khi thu hoạch thì phải bảo đảm tiêu chuẩn có 2 - 3 lá non, độ dài từ 5- 7 cm, nhưng người thu hoạch chè cắt máy dài từ 15 – 25 cm và lẫn nhiều tạp chất). Các lò chế biến mini chế biến sản phẩm chất lượng thấp, thường bán trôi nổi trên thị trường cũng đã gây tác hại rất lớn đến việc sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp lớn.
Xác định rất rõ sản phẩm sau khi chế biến chủ yếu phục vụ thị trường xuất khẩu, nên thời gian qua Công ty TNHH MTV ĐT-PT chè Nghệ An đã rất chú trọng đến đầu tư công nghệ sản xuất hiện đại. Hiện nay doanh nghiệp này có đến 8 dây chuyền chế biến chè xanh với công suất 72 tấn chè búp/ngày và 5 dây chuyền chế biến chè CTC (chè đen) công suất 80 tấn chè búp/ngày), tổng công suất chế biến 152 tấn chè búp/ngày và ngày cao điểm có thể chế biến đạt gần 200 tấn. Trong thời gian tới, Công ty đầu tư lắp đặt thêm dây chuyền chế biến chè xanh công nghệ bom lăn.
Ông Hồ Viết An - Tổng giám đốc Công ty TNHH 1TV ĐT - PT chè Nghệ An cho biết: “Tuy thị trường xuất khẩu chè gặp khó khăn, nhưng doanh nghiệp vẫn duy trì được các hợp đồng xuất khẩu sang thị trường truyền thống ở vùng Nam Á, Trung Đông… đồng thời mở rộng sang thị trường mới tại EU, Ai Cập, Nhật Bản, Đài Loan, Trung Quốc… Nhờ vậy, trong 10 tháng đầu năm 2013 đã xuất khẩu 3.240 tấn chè các loại, doanh thu đạt 4,5 triệu USD. Năm 2012- 2013 là 1 trong tốp 10 doanh nghiệp xuất khẩu chè uy tín của cả nước”.
Cùng tham gia vào công tác đầu tư chế biến chè tại Nghệ An, còn có một số đơn vị, như doanh nghiệp Trường Thịnh (Thanh Chương), tuy quy mô không lớn nhưng cũng đã đầu tư phát triển vùng nguyên liệu, lắp đặt thiết bị chế biến chè hiện đại… Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân phát triển vùng chè nguyên liệu và lắp đặt công nghệ chế biến, trong những năm qua, Ngân hàng Vietcombank Vinh đã ưu tiên nguồn vốn vào lĩnh vực này và theo thống kê, doanh số cho vay đạt 222,4 tỷ đồng và dư nợ hiện tại là 22,2 tỷ đồng. Với việc hỗ trợ tích cực đó góp phần tạo nên sự sôi động của lĩnh vực đầu tư phát triển vùng nguyên liệu chè, cũng như trong chế biến mặt hàng xuất khẩu có giá trị này tại Nghệ An.
Chè là một trong những nông sản xuất khẩu chủ lực của Nghệ An và để các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân yên tâm đầu tư, nhất là tạo được sự cạnh tranh phát triển lành mạnh, tỉnh cần tăng cường công tác quản lý, quy hoạch ổn định vùng nguyên liệu và ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích hỗ trợ phát triển cây chè, xúc tiến thương mại, quan tâm đến công tác phát triển thương hiệu chè Nghệ An...
Hoàng Vĩnh