Nâng cao giá trị sản xuất

28/08/2014 18:19

(Baonghean) - Từ năm 2007 đến nay, thực hiện Đề án: “Đẩy mạnh phát triển diện tích, cánh đồng thu nhập cao”, Diễn Châu đã đạt được nhiều kết quả rất khả quan; sản lượng các loại cây trồng tăng, các vùng sản xuất được quy hoạch hợp lý. Nhiều địa phương trong huyện đã có những mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng thành công, tăng thu nhập cho người nông dân ở những vùng không tiện sản xuất…

Xã Diễn Tân (Diễn Châu) có 334 ha đất nông nghiệp, trong đó có gần 250 ha đất lúa. Các năm trước, vụ xuân bà con trồng lúa, lạc, ngô; vụ hè thu trồng lúa, vừng; vụ đông trồng ngô, khoai lang, trong đó ngô là chủ lực với gần 200ha trên đất 2 lúa. Từ năm 2010, bà con nông dân đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng như: vụ xuân sản xuất lúa giống; đưa giống lạc mới L16, L20 vào sản xuất đại trà. Vụ hè thu chuyển 20 ha đất màu thấp trũng, trồng vừng kém hiệu quả sang trồng đậu xanh. Hay những giống ngô trồng vụ đông lâu năm, năng suất kém được thay thế bằng các giống mới như VS36, SP333 và trồng xen ngô nếp MX2, MX4, MX10. Đặc biệt từ vụ đông 2013, bà con xóm 4 đã đưa vào trồng thử nghiệm 5 ha bí đỏ giống Đông Anh, năng suất đạt 2,5 tạ/sào. Theo kế hoạch đề án sản xuất vụ đông 2014, xã tiếp tục mở rộng diện tích cây bí đỏ lên 10ha ở xóm 4 và xóm 5… Ông Nguyễn Đình Dũng - Phó Chủ tịch UBND xã Diễn Tân cho biết: Khi cây lúa đã đạt đến đỉnh điểm về năng suất, người dân đã luân canh từ lúa sang màu, từ cây màu này sang cây màu khác đem lại giá trị thu nhập cao trên đơn vị diện tích...

Nông dân huyện Diễn Châu chăm sóc rau màu.
Nông dân huyện Diễn Châu chăm sóc rau màu.

Vùng đất bãi ngang phía đông Quốc lộ 1A chạy dọc ven biển của huyện Diễn Châu là một vùng đất cát pha, có diện tích khoảng 2.300 ha. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của vùng này là nguồn nước tưới, mùa khô hạn nặng, mùa mưa ngập úng cục bộ. Người nông dân sản xuất theo cơ cấu cây trồng hàng năm là: vụ xuân trồng lạc, sau đó là lúa mùa, ngô, vừng, đậu xanh. Với cơ cấu này bình quân chỉ cho thu nhập từ khoảng 35 triệu đồng/ha/năm. Trước tình hình đó, với phương châm Nhà nước và nhân cùng làm, huyện đã chỉ đạo các xã vùng bãi ngang tập trung cải tạo đồng ruộng, san lấp mặt bằng, xây dựng hoàn chỉnh hệ thống mương máng, kết hợp giao thông nội đồng.

Ngày nay, vùng đất bãi ngang thuộc các xã ven biển huyện Diễn Châu từ nghèo nàn, kém màu mỡ đã phủ một màu xanh quanh năm. Vụ xuân gieo trồng khoảng 1.700 - 1.800 ha lạc bằng các giống L14, L20… chiếm 80% diện tích toàn vùng, năng suất lạc bình quân đạt 35 - 36 tạ/ha. Diện tích còn lại từ 500 - 600 ha gieo trồng các loại rau, đậu, dưa hấu, dưa lê… Vụ hè thu trồng vừng, dưa hấu mới được hình thành trên vùng đất này trên chục năm nay (trước đây sau khi thu hoạch lạc xuân, người dân thường tranh thủ khi đất còn đủ ẩm gieo trỉa lúa mùa ). Theo một số lãnh đạo các xã vùng bãi ngang, vụ hè thu chưa có cây gì thời gian sinh trưởng ngắn, đầu tư ít lại cho thu hoạch cao như dưa hấu, bình quân mỗi ha cho thu nhập từ 200 - 250 triệu đồng.

Diễn Châu có 13 xã vùng màu với diện tích lên đến gần 4.000 ha. Qua thực tế, cây trồng vùng màu cho thu nhập cao gấp nhiều lần trồng lúa, nhưng hiện hệ thống tưới tiêu cho vùng kinh tế nông nghiệp quan trọng này vẫn còn rất nhiều hạn chế. Vào mùa mưa, đồng đất ở đây thường ngập 4 - 5 ngày, cây hoa màu thường xuyên mất trắng. Đến mùa nắng hạn, thời điểm tháng 4, tháng 5, cây thường héo cháy. Để tạo tiền đề trong chuyển đổi sản xuất, huyện đã đầu tư mạnh mẽ cho xây dựng cơ sở hạ tầng trên vùng đất màu. Từ năm 2005 - 2007, huyện hỗ trợ 1 triệu đồng/ha chuyển đổi cho việc kéo đường điện, xây dựng hệ thống giếng khoan nước tại cánh đồng thu nhập cao. Năm 2009 đến nay, huyện cũng hỗ trợ 4 triệu đồng/ha, giúp bà con khai thác và huy động triệt để nguồn nước tưới tại đồng từ các công trình giếng khoan, giếng khơi để đảm bảo nguồn nước tưới cho cây trồng. Với nhiều cơ chế khuyến khích, chỉ trong 5 năm lại đây, ở 13 xã vùng màu đã có 2.300 giếng khoan tại ruộng, làm mới 150 km kênh mương và kéo trên 50 km đường điện ra đồng. Giai đoạn 2011 - 2015, huyện tiếp tục bổ sung cơ chế hỗ trợ 5 triệu đồng/1 ha chuyển đổi để mở rộng cánh đồng thu nhập cao gắn với các công trình giếng khoan và giếng đào phục vụ nước tưới tại đồng cho vùng màu…

Để phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hoá hiệu quả cao, Diễn Châu xác định việc triển khai, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật là khâu đột phá. Vùng trồng rau, vùng chăn nuôi gia súc, gia cầm, thuỷ sản được chuyển giao quy trình quản lý, kỹ thuật sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap. Vùng trồng lúa đi sâu vào tập huấn về các biện pháp thâm canh, phòng trừ sâu bệnh, sản xuất lúa giống, đưa các giống mới có năng suất, chất luợng gạo ngon vào trồng. Nhờ vậy, huyện đã hình thành được 8 mô hình cánh đồng mẫu lớn với quy mô từ 30 - 50 ha trồng lúa, rau màu, lạc.

Ông Hoàng Lân - Phó phòng Nông nghiệp huyện Diễn Châu cho biết: “Hiện nay, huyện đang tập trung áp dụng một cách đồng bộ tiến bộ khoa học kỹ thuật, trong đó chú trọng đưa cơ giới hoá vào sản xuất để hạ giá thành sản phẩm. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp mùa vụ và thị trường hàng hoá. Đặc biệt phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đúng quy trình tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng cao, nâng sức cạnh tranh trên thị trường.” Từ việc ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật đã giúp Diễn Châu nâng cao doanh thu trên đơn vị diện tích. Tính đến nay, gần 13.000 ha đất nông nghiệp của huyện (đất lúa 9.200 ha; đất màu 3500 ha) đã cho doanh thu mỗi năm trên 50 triệu đồng/ ha; trong đó diện tích có doanh thu trên 200 triệu đồng/ha/năm là hơn 900ha, doanh thu trên 100 triệu đồng/ha là 7.020 ha (chiếm 52%), tăng 1.080 ha so với năm 2011.

Mặc dù đạt những kết quả đáng ghi nhận trong sản xuất nông nghiệp, nhưng bà con nông dân Diễn Châu vẫn luôn chủ động nghiên cứu, tìm tòi, sáng tạo để có được những cách làm mới hiệu quả cao. Và cùng với việc thay đổi tư duy canh tác thì sự liên kết giữa nhà nông, nhà khoa học và doanh nghiệp sẽ góp phần đưa nông nghiệp Diễn Châu phát triển bền vững, giúp cho bà con làm giàu từ nghề nông.

Bài, ảnh: Ngọc Anh

Mới nhất
x
Nâng cao giá trị sản xuất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO