Nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp

07/08/2015 15:21

(Baonghean) - Chuyển đổi, nâng cao giá trị cây trồng, phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung, phát huy tiềm năng, lợi thế của từng địa phương là chủ trương lớn của huyện Nam Đàn. Qua đó, nhằm nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp trên địa bàn trong thời gian qua.

Hình thành các vùng chuyên canh

Chúng tôi về xã Nam Tân, huyện Nam Đàn, dọc con đường nhựa phẳng lỳ bên vùng đất bãi ven sông Lam là những bãi dưa xanh mướt. Anh Phan Đình Lượng ở xóm 7, xã Nam Tân phấn khởi cho biết: “Vụ dưa hấu năm nay, gia đình trồng trên 10 sào, tư thương về mua tận ruộng. Sau khi trừ chi phí, lãi gần 5 triệu đồng/sào. Đây là một nguồn thu nhập đáng kể đối với bà con nông dân vùng Nam Tân”. Còn hộ anh Nguyễn Văn Hải, ở xóm 5, một trong những người đầu tiên đưa cây dưa hấu về trồng trên vùng đất này, nhớ rất rõ khi chủ trương chuyển đổi cây trồng được ban hành, vận động mãi chỉ có chừng chục hộ tham gia. Vùng đất bãi ven sông rất thích hợp với cây dưa hấu, chỉ mùa đầu tiên đã đại thắng. Từ đó, chẳng cần phải tuyên truyền, vận động, bà con cứ theo đà mà trồng, nhiều hộ đầu tư khoan giếng, làm đường, kéo điện ra bãi. Diện tích cây dưa hấu ở xã tăng nhanh, nay toàn xã có đến 80 ha, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhờ những giải pháp chủ trương sát đúng của Đảng ủy, chính quyền địa phương, hiện, toàn bộ 362 ha đất màu của xã Nam Tân đều phát huy hiệu quả. Thu nhập của người dân toàn xã tăng nhanh từ 10 triệu đồng (năm 2010) lên gần 17 triệu đồng/năm 2015.

Sử dụng máy gặt đập liên hoàn thu hoạch lúa hè thu tại xã Nam Cát.  Ảnh: Hữu nghĩa
Sử dụng máy gặt đập liên hoàn thu hoạch lúa hè thu tại xã Nam Cát. Ảnh: Hữu nghĩa

Tương tự ở xã bán sơn địa của huyện Nam Đàn, trong những năm qua, Đảng ủy, chính quyền xã Nam Thái triển khai có hiệu quả việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, bước đầu đã hình thành vùng sản xuất rau hàng hóa. Toàn xã hiện có 276 ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó có 143 ha trồng lúa, 133 đất màu... Với địa hình ruộng bậc thang manh mún không thể xây dựng được cánh đồng mẫu như các xã đồng bằng khác, xã đã thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên diện tích đất vườn, đồi vệ, triền núi nhằm nâng cao thu nhập cho người dân, tạo ra vùng sản xuất hàng hóa có thương hiệu riêng của địa phương. Toàn xã có 8/8 xóm trồng gần 20 ha rau ngót, cho thu hoạch nhanh và thường xuyên, đạt khoảng trên 200 triệu đồng/ha/năm; cây hoa lý đạt hơn 10 ha, thu nhập từ 250 - 300 triệu đồng/ha/năm. Nhờ vậy, hiện nay 100% diện tích đất sản xuất Nam Thái có thu nhập 40 triệu đồng/ha/năm trở lên, trong đó có gần 100 ha cho thu nhập hơn 80 triệu đồng/ha/năm.

Toàn huyện Nam Đàn hiện có trên 6.700 ha đất sản xuất nông nghiệp, để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, năm 2011, Huyện ủy Nam Đàn đã ban hành Nghị quyết số 09 về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xây dựng vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa theo hướng tăng năng suất, chất lượng, giá trị cao trên đơn vị diện tích, giai đoạn 2011 – 2015. Sau khi triển khai thực hiện nghị quyết, cơ cấu sản xuất nông nghiệp đã có nhiều chuyển biến theo hướng nâng cao giá trị hàng hóa trên đơn vị diện tích, đưa được nhiều mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào địa bàn có hiệu quả. Tổng diện tích có giá trị thu nhập trên 50 triệu đồng/ha/năm là 9.081 ha (chiếm 63,7% tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp). Bước đầu hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, cánh đồng cho thu nhập cao, cánh đồng mẫu lớn như: mô hình sản xuất rau màu hàng hóa có thu nhập 300 - 400 triệu đồng/ha/năm ở các xã Nam Anh, Nam Xuân và đang dần phát triển ở các địa bàn khó khăn hơn như Vân Diên, Nam Nghĩa, Nam Hưng, Nam Thái... mô hình trồng chanh ở các xã dọc dãy núi Thiên Nhẫn: Nam Lộc, Nam Tân, Khánh Sơn, Nam Kim cũng cho thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng.

Phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại, gia trại

Tốt nghiệp trung cấp ngành chăn nuôi thú y, anh Hồ Viết Bang ở xóm 4, xã Nam Anh đã mạnh dạn vay vốn từ Ngân hàng Nông nghiệp, nhận khoán 5 ha đất sản xuất lúa kém hiệu quả của xã để sản xuất thức ăn chăn nuôi và phát triển trang trạng chăn nuôi tổng hợp theo hướng hàng hóa. Mỗi năm doanh thu của gia đình từ bán thức ăn chăn nuôi và các loại giống ngan, vịt, gà, lợn thịt khoảng 3,9 tỷ đồng, lợi nhuận thu về khoảng trên 1,3 tỷ đồng. Từ đó tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 10 lao động với mức lương từ 5 - 6 triệu đồng/tháng. Hay các trang trại VAC của anh Nguyễn Kim Chiến, xóm 4, anh Nguyễn Hồng Anh, xóm 2, doanh thu mỗi năm từ 600 – 700 triệu đồng, cho lãi ròng từ 300 - 600 triệu đồng/năm. Phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại, gia trại đang là hướng đi trong phát triển chăn nuôi ở Nam Anh. Hiện toàn xã Nam Anh có 104 mô hình trang trại, gia trại.

Không riêng Nam Anh, có thể nói trên cơ sở tiềm năng, lợi thế, từng địa phương ở Nam Đàn đã có hướng phát triển chăn nuôi phù hợp như trang trại tổng hợp nuôi lợn, cá, vịt, bồ câu… góp phần tăng thu nhập cho người dân như ở xã Nam Anh, Nam Xuân, Kim Liên, Nam Lộc, Nam Thanh. Hay phong trào nuôi trâu, bò vỗ béo đã trở thành một nghề có thu nhập cao phát triển ở các xã Nam Cường, Nam Trung, Khánh Sơn, Hồng Long, Hùng Tiến… Ngoài ra, Nam Đàn thu hút dự án đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp như trang trại Đại Thành Lộc tại Nam Hưng, DNTN Hân Hiệu tại Nam Lộc, Công ty TNHH Phương Huy tại Nam Xuân. Hiện, toàn huyện có 685 trang trại, gia trại vừa và nhỏ; trong đó có 40 trang trại điển hình về thu nhập đạt tiêu chí của tỉnh.

Xác định chăn nuôi là một trong những thế mạnh và có điều kiện phát triển của địa phương, Ban Thường vụ Huyện ủy Nam Đàn đã ban hành Nghị quyết số 13-NQ/HU ngày 30/9/2011 về phát triển chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và Nghị quyết số 15-NQ/HU ngày 26/10/2011 về nâng cao chất lượng đầu tư phát triển kinh tế trang trại giai đoạn 2011 – 2015. Huyện đã triển khai kịp thời cơ chế, chính sách hỗ trợ của tỉnh cũng như của địa phương, tạo điều kiện hỗ trợ về đất đai, về nguồn vốn để khuyến khích phát triển nông nghiệp, tập huấn về khoa học kỹ thuật, phòng chống dịch bệnh. Nhờ đó, tỷ trọng chăn nuôi trong nội ngành nông nghiệp của huyện chiếm gần 50%, từng bước giảm mô hình sản xuất nông hộ, nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung hàng hóa có chất lượng, hiệu quả cao.

Đồng chí Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Đàn cho biết: “Thời gian tới, Nam Đàn sẽ tiếp tục kêu gọi, tạo mọi điều kiện để các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh vào đầu tư, xây dựng các mô hình sản xuất có hiệu quả, nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, để đưa ngành nông nghiệp Nam Đàn phát triển vững chắc, từng bước nâng cao thu nhập cho người dân”.

Thanh Lê

Mới nhất
x
Nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO