Nâng cao hiệu quả đầu tư FDI vào Khu kinh tế Đông Nam
(Baonghean)- Lũy kế đến nay, Khu kinh tế Đông Nam và các khu công nghiệp ở Nghệ An thu hút 249 dự án, tổng vốn đăng ký 61.972,5 tỷ đồng. Trong đó, có 48 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 825,28 triệu USD.
Nhiều dự án lớn
Những doanh nghiệp FDI hiện đang sử dụng nhiều lao động trong Khu kinh tế (KKT) Đông Nam có thể kể đến Công ty TNHH điện tử BSE Việt Nam (Hàn Quốc) sản xuất linh kiện điện tử với 3.245 lao động, Công ty TNHH Sangwoo Việt Nam (Hàn Quốc) sản xuất hàng may mặc với 1.457 lao động, Công ty TNHH Matrix Vinh (Trung Quốc) sản xuất đồ chơi với 1.004 lao động. Dự kiến, trong thời gian tới, khi Dự án Luxshare - ICT và Dự án Merry&Luxsharre đi vào hoạt động có thể giải quyết việc làm cho khoảng 20.000 lao động.
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nghe giới thiệu về dây chuyền sản xuất tại nhà máy của Công ty LuxShare ICT đầu tư tại KCN VSIP Nghệ An. Ảnh: Thành Duy |
Hiện nay, Ban Quản lý KKT Đông Nam đang tiếp tục hỗ trợ thủ tục cấp phép đầu tư cho các dự án có quy mô lớn như: Dự án Nhà máy sản xuất và lắp ráp vỏ máy tính của Tập đoàn Juteng (200 triệu USD), Dự án Nhà máy sản xuất thiết bị, linh kiện điện tử của Tập đoàn Everwin USA (200 triệu USD), Dự án Sản xuất cấu kiện điện tử Foxconn (300 triệu USD),…
Đồ họa: Lâm Tùng |
Một số dự án FDI có quy mô lớn đã đăng ký đầu tư vào KKT Đông Nam và các KCN tỉnh Nghệ An trong thời gian qua bao gồm: Dự án Luxshare - ICT do Công ty TNHH Luxshare ICT Nghệ An (Hồng Kông) làm chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư 140 triệu USD; Dự án Khu công nghiệp, đô thị và dịch vụ VSIP Nghệ An (Singapore) do Công ty TNHH VSIP Nghệ An làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư 76,4 triệu USD; Dự án Khu công nghiệp WHA Industrial Zone -1 Nghệ An do Công ty CP WHA Industrial Zone Nghệ An (Thái Lan) làm chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư 92,2 triệu USD.
Các dự án FDI đầu tư vào KKT Đông Nam và các KCN tỉnh Nghệ An trong thời gian qua chủ yếu là những dự án đầu tư vào lĩnh vực may mặc xuất khẩu, sản xuất linh kiện điện tử, chế biến nông, lâm sản và sản xuất hàng tiêu dùng. Đây là những lĩnh vực đầu tư có sử dụng số lượng lớn lao động, giúp tỉnh Nghệ An giải quyết được một lượng lớn lao động phổ thông của địa phương, đồng thời, tạo điều kiện cho nhân dân địa phương có thể hoạt động cung ứng các dịch vụ kèm theo như cho thuê nhà, dịch vụ ăn uống, kinh doanh nhu yếu phẩm...
Đóng hộp tại Nhà máy Royal Foods Khu công nghiệp Nam Cấm (Khu Kinh tế Đông Nam). Ảnh: Lâm Tùng |
Nhìn chung, các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài trên địa bàn KKT Đông Nam và các KCN tỉnh Nghệ An đã góp phần hỗ trợ có hiệu quả môi trường đầu tư, tiên phong trong đào tạo, nâng cao trình độ và tác phong công nghiệp của đội ngũ công nhân, kỹ thuật viên, cán bộ quản lý. Nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã quan tâm thực hiện trách nhiệm xã hội đối với cộng đồng, tham gia hoạt động xóa đói, giảm nghèo và các hoạt động thiện nguyện khác.
Nâng chất lượng hoạt động đầu tư của doanh nghiệp FDI
Để nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư FDI cũng như nâng chất lượng hoạt động của các hoanh nghiệp FDI tại Nghệ An, trong thời gian tới, cần thực hiện các giải pháp đồng bộ như:
Thứ nhất, cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh; Triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 27/4/2020 của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 thành những nhiệm vụ cụ thể, phù hợp với tình hình thực tiễn của KKT Đông Nam Nghệ An.
Thứ hai, rà soát, điều chỉnh quy hoạch tổng thể quy hoạch chung xây dựng KKT Đông Nam, định hình lại các khu chức năng, khu công nghiệp để đáp ứng yêu cầu thu hút đầu tư FDI trong giai đoạn 2020 - 2025 và những năm tiếp theo.
Hệ thống hạ tầng trong Khu công nghiệp WHA Industrial Zone 1 đã sẵn sàng. Ảnh: Trân Châu |
Thứ ba, tập trung và ưu tiên các nguồn lực để đầu tư xây dựng hoàn thiện, đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng, giao thông, cảng biển, đô thị và các dịch vụ khách sạn, nghỉ dưỡng thiết yếu nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư FDI trong quá trình tiến hành các hoạt động đầu tư.
Thứ tư, xây dựng kế hoạch, đào tạo phát triển nguồn nhân lực địa phương đảm bảo trình độ, năng lực làm việc trong khu vực đầu tư nước ngoài.
Thứ năm, nâng cao hiệu quả quản lý, hỗ trợ và giám sát đầu tư của các cơ quan và cán bộ, công chức làm việc trong lĩnh vực đầu tư nước ngoài.Thứ sáu, thu hút FDI đòi hỏi công tác xúc tiến đầu tư phải được đổi mới, nâng cao chất lượng, hình thức hoạt động theo hướng chủ động tìm kiếm, thu hút đầu tư. Về cơ cấu đối tác, cần xác định mục tiêu thu hút là các tập đoàn đa quốc gia, các tập đoàn nắm công nghệ tiên tiến, công nghệ nguồn, trong đó, ưu tiên các dự án gắn với chuyển giao công nghệ, thân thiện môi trường. Về lâu dài, cần nghiên cứu thu hút các dự án đầu tư mang tính động lực phát triển và có chuỗi giá trị gia tăng cao như: sản xuất, lắp ráp ô tô, xe máy; sản xuất, lắp ráp linh kiện điện tử, máy tính; các ngành cơ khí trọng điểm, chế biến, chế tạo công nghệ cao.