Nâng cao năng lực cán bộ y tế tuyến xã

13/04/2015 10:11

(Baonghean) - Để nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ trạm y tế tuyến xã, ngành y tế Nghệ An đã và đang tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp như: Thực hiện Đề án 1816, tuyển dụng và đào tạo cán bộ tại chỗ, từng bước đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ban đầu của nhân dân,  tuy nhiên vẫn còn những hạn chế nhất định…

(Baonghean) - Để nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ trạm y tế tuyến xã, ngành y tế Nghệ An đã và đang tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp như: Thực hiện Đề án 1816, tuyển dụng và đào tạo cán bộ tại chỗ, từng bước đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ban đầu của nhân dân, tuy nhiên vẫn còn những hạn chế nhất định…

Thời gian qua, ngành Y tế Nghệ An đã triển khai nhiều giải pháp nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn cho cán bộ y tế trạm y tế xã. Thực hiện Đề án 1816 của Bộ Y tế và Quyết định 92 của UBND tỉnh về luân chuyển cán bộ từ tuyến trên xuống hỗ trợ tuyến dưới, 5 năm qua, ngành Y tế đã cử gần 500 lượt bác sỹ về công tác tại 153 trạm y tế. Việc luân chuyển này góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho cán bộ y tế tuyến dưới qua chuyển giao, đào tạo kỹ năng tay nghề, cập nhật kiến thức.

Tư vấn dinh dưỡng cho bà mẹ nuôi con nhỏ tại trạm y tế tuyến xã (Quỳ Châu).
Tư vấn dinh dưỡng cho bà mẹ nuôi con nhỏ tại trạm y tế tuyến xã (Quỳ Châu).

Cùng với việc luân chuyển, Nghệ An đã đưa học sinh cử tuyển đi đào tạo bác sỹ, cử y sỹ đi đào tạo bác sỹ chuyên tu. Hiện toàn tỉnh có 200 bác sỹ của trạm y tế xã đang theo học ở các trường đại học y trong cả nước. Đồng thời với đào tạo cán bộ y tế, 5 năm qua, Nghệ An đã tuyển dụng được trên 400 bác sỹ, dược sỹ đại học và sau đại học, nâng tổng số bác sỹ trong tỉnh lên 1.565 người, dược sỹ 77 người. Bên cạnh đó, ngành Y tế Nghệ An cũng coi trọng việc đào tạo qua các lớp tập huấn. Tại thời điểm này, ngành đang phối hợp với Trường Đại học Y khoa Vinh khai giảng lớp nâng cao năng lực cán bộ trạm y tế xã. 190 học viên của các trạm y tế xã học các lớp chuyên môn dược, sản, y học cổ truyền.

Đến nay, 480/480 trạm y tế tuyến xã đều có cán bộ y tế, 88% xã có bác sỹ công tác, 100% trạm y tế có nữ hộ sinh trung học, y sỹ sản nhi. Năm 2015, với số bác sỹ đang cử đi đào tạo ra trường cộng vào số bác sỹ thực của xã là 287, 100% trạm y tế cấp xã ở đồng bằng và 90% ở miền núi có bác sỹ công tác.

Phát tờ rơi tuyên truyền về lợi ích nuôi con bằng sữa mẹ cho đồng bào
Phát tờ rơi tuyên truyền về lợi ích nuôi con bằng sữa mẹ cho đồng bào

Cùng với giải pháp nguồn nhân lực, giai đoạn 2011-2015, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế đã được tỉnh tập trung đầu tư: Chi ngân sách cho lĩnh vực y tế bình quân hàng năm chiếm khoảng 6,5% tổng chi ngân sách chung. Nghệ An sử dụng các nguồn ngân sách khác nhau như trái phiếu Chính phủ, Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình 30a, ngân sách tỉnh, ODA, xã hội hóa để đầu tư cho y tế. Xây dựng cơ sở hạ tầng y tế năm 2014 đã tăng 8,5 lần so với năm 2005; đã có 198 trạm y tế được xây mới, tổng vốn đầu tư là 338,4 tỷ đồng, đến nay 100% xã có trạm y tế. Về trang thiết bị trạm y tế, mỗi năm, nguồn vốn ngân sách tỉnh và trung ương đầu tư trung bình 50-70 tỷ đồng, vốn tự chủ 40-50 tỷ đồng, các chương trình mục tiêu 15-20 tỷ đồng. Tại thời điểm này, Nghệ An đã có 63,5% số xã, phường, thị trấn đạt chuẩn đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ban đầu của nhân dân.

Trạm Y tế xã Nam Trung, huyện Nam Đàn là địa chỉ khám chữa bệnh tin cậy không chỉ cho người dân xã nhà mà cả cho người dân vùng Năm Nam. Người dân các xã Nam Trung, Nam Cường, Khánh Sơn, Nam Phúc lựa chọn đây là địa chỉ khám chữa bệnh ban đầu bởi Trạm Y tế Nam Trung có máy siêu âm, trang thiết bị đầy đủ, có bác sỹ giỏi chuyên môn, sử dụng máy móc thành thạo, nhiệt tình phục vụ. Riêng năm 2014, tại Trạm Y tế xã Nam Trung đã có gần 300 ca sản “mẹ tròn con vuông”, hơn 10.000 lượt người đến khám và điều trị. Những con số đã nêu đó là một minh chứng về sự tin tưởng năng lực cán bộ trạm y tế xã. Bác sỹ Hồ Xuân Hùng, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Nam Trung chia sẻ: “Cán bộ y tế trạm phải phát huy năng lực chuyên môn, trách nhiệm và tận tụy với bệnh nhân. Để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của bà con, y bác sỹ phải không ngừng học tập nâng cao trình độ để đáp ứng việc chữa trị các mô hình bệnh tật ngày càng phức tạp”.

Xét trên bình diện toàn tỉnh, số trạm y tế xã có đội ngũ cán bộ y tế có năng lực, trình độ khá nhiều. Điển hình như Trạm Y tế xã Khánh Sơn, huyện Nam Đàn, mỗi năm thực hiện khám, điều trị cho khoảng 9.000 lượt người, 73% người dân xã tham gia bảo hiểm y tế. Người dân tin tưởng bởi trạm có đội ngũ cán bộ có năng lực, đầy đủ với 1 bác sỹ, 1 y sỹ Đông y, 1 điều dưỡng, 1 y sỹ sản khoa, 2 y sỹ đa khoa, 1 dược sỹ. Đó là Trạm Y tế xã Ngọc Sơn, huyện Thanh Chương – mỗi năm khám điều trị cho hơn 12.000 lượt người, trong đó khám và điều trị nội trú cho hơn 500 lượt. Thai phụ ở xã được khám theo quy định 3 lần trở lên, 100% bà mẹ sinh con tại cơ sở y tế và không để xảy ra các tai biến về sản khoa; Trạm Y tế xã Nghĩa Tiến, Thị xã Thái Hòa mỗi năm điều trị cho gần 5.000 lượt người…

Tuy nhiên, ở nhiều địa phương vẫn còn tình trạng các trạm y tế thiếu thốn trang thiết bị khám chữa bệnh; năng lực cán bộ trạm còn hạn chế. Ông Lương Văn Bằng, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Thông Thụ, huyện Quế Phong cho biết: Thông Thụ là xã biên giới với 13 thôn bản, đồng bào dân tộc Thái chiếm 99,9%. Dẫu trạm có tới 7 cán bộ và 13 y tá thôn bản nhưng do năng lực tại chỗ còn hạn chế nên trong năm 2013 số bệnh nhân phải chuyển tuyến nhiều”.

Ngay Trạm Y tế xã Diễn Vạn, Diễn Châu – xã đầu tiên đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế, được Nhà nước phong tặng Danh hiệu đơn vị Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới cũng đang phải thuê thêm 4 kỹ thuật viên để vận hành các loại máy. Nâng cao năng lực cho cán bộ trạm y tế tuyến xã đòi hỏi quá trình liên tục. BS Bùi Đình Long, Giám đốc Sở Y tế Nghệ An cho biết: Ngành tiếp tục tăng cường bác sỹ cho những nơi thiếu; chú trọng công tác đào tạo, nhất là cử đi đào tạo bác sỹ hệ liên thông, hệ chuyên tu ở các trường; phấn đấu đến năm 2017 bố trí đủ bác sỹ ở các trạm y tế, đến năm 2020 đảm bảo tỷ lệ 8,5 bác sỹ/vạn dân, bằng trung bình chung cả nước. Ngành Y tế chú trọng việc nâng cao năng lực bằng việc không ngừng luân chuyển, chuyển giao cán bộ và các kỹ thuật khám chữa bệnh chất lượng cao. Một số vùng đặc thù luân phiên bố trí bác sỹ vừa làm ở trạm vừa làm ở bệnh viện để có thể vừa học tập nâng cao trình độ; tập trung cập nhật, nâng cao kiến thức, trình độ nhận thức chính trị và khả năng ngoại ngữ cho hơn 3000 cán bộ y tế tuyến xã.

Nâng cao năng lực cho cán bộ y tế tại trạm y tế không là chuyện riêng của ngành Y tế mà đang phụ thuộc vào việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy chính quyền, sự vào cuộc của các đoàn thể cũng như hoạt động xã hội hóa. Y bác sỹ không thể có trình độ tay nghề cao khi trạm y tế thiếu các trang bị cần thiết; không thể đi học tập, nâng cao nghiệp vụ tốt nếu thiếu các cơ chế khuyến khích, động viên; y bác sỹ không có động lực nâng cao năng lực nếu thiếu môi trường công tác thuận lợi, có cơ hội thăng tiến,…

Thanh Sơn

Nổi bật Báo Nghệ An

Mới nhất

x
Nâng cao năng lực cán bộ y tế tuyến xã
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO