Nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành mía đường

13/08/2015 18:03

Niên vụ mía 2014-2015 là vụ thứ 4 liên tiếp giá đường giảm. Ngành mía đường đang gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, sức ép hội nhập ngày càng lớn.

Trước thềm diễn ra Hội nghị tổng kết SX mía đường thường niên, PV đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Trọng Thừa (ảnh) - Cục trưởng Cục Chế biến nông lâm thủy sản và Nghề muối xung quanh vấn đề nâng cao năng lực cạnh tranh...

-Thưa ông, xin ông cho biết tình hình kinh doanh mía đường hiện nay?

Đường là sản phẩm nông sản thiết yếu luôn được Chính phủ, ngành NN-PTNT quan tâm.Những năm qua, các nhà máy đường đã rất cố gắng giữ ổn định SX, giữ giá mua mía cho nông dân tương đối ổn định, không để xảy ra biến động lớn nhằm giữ vững vùng nguyên liệu, đảm bảo SX cho các vụ SX tiếp theo. Ngày càng có sự gắn kết theo chuỗi từ SX nguyên liệu, chế biến đến tiêu thụ đồng bộ. Có thể nói đây là một trong những ngành đi đầu trong việc thực hiện liên kết 4 nhà, tạo đầu ra ổn định cho nông dân, làm nền tảng tạo nên sự phát triển ổn định.

Mỗi năm ngành mía đường nộp ngân sách Nhà nước trên dưới 1.000 tỷ đồng, góp phần ổn định kinh tế của đất nước và đảm bảo đời sống, an sinh xã hội tại các địa phương có nhà máy đường và vùng nguyên liệu mía, góp phần tích cực vào CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn. Tuy nhiên, những năm qua ngành mía đường cả nước gặp rất nhiều khó khăn. 3 năm liên tiếp cung vượt cầu. Áp lực tồn kho lớn. Giá đường liên tục giảm. Niên vụ 2014-2015, sản lượng mía ép và đường đã giảm hơn 10%; giá mía giảm 100-150.000đ/tấn; sản lượng mía nguyên liệu các nhà máy mua giảm 1.644.000 tấn so với vụ trước. Giá đường giảm 5.000-6.000đ/kg (30%) so với vụ 2010-2011. Trong khi đó, hội nhập kinh tế thế giới, với rất nhiều thách thức đã đến ngay sau lưng ngành mía đường Việt Nam.

-Thưa ông, phải chăng khả năng cạnh tranh của hạt đường Việt Nam kém là do giá thành SX nguyên liệu mía quá cao?

Đúng là sức cạnh tranh yếu là do giá mía nguyên liệu cao. Bởi nông nghiệp của ta xuất phát lạc hậu. Ruộng đất manh mún. Hạ tầng cơ sở yếu kém. Không thể áp dụng cơ giới hóa, tưới tự động… trong trồng, chăm sóc, thu hoạch. Việc áp dụng các tiến bộ KHKT về trồng trọt rất hạn chế. Năng suất, chất lượng mía thấp. Chi phí thu hoạch, vận chuyển cao. Hiện nay, chỉ có một số Cty như Cty CP Mía đường Lam Sơn đi đầu trong xây dựng cánh đồng mía lớn để đưa máy móc vào, áp dụng KHKT tiên tiến để giảm giá thành.

Ngoài ra công tác quy hoạch và triển khai thực hiện quy hoạch và công tác nghiên cứu khoa học, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật còn hạn chế; công tác giống chưa được quan tâm đúng mức; thâm canh chưa hợp lý; tổn thất sau thu hoạch còn lớn…, cũng là những nguyên nhân dẫn đến những khó khăn cho ngành mía đường trong cạnh tranh và hội nhập. Tuy thời gian qua, có đến 95% diện tích vùng nguyên liệu tập trung được các nhà máy ký hợp đồng đầu tư - bao tiêu sản phẩm, có hỗ trợ cho nông dân SX mía nguyên liệu như giống, vật tư nông nghiệp (vôi, thuốc xử lý đất, phân bón lá...), hỗ trợ cơ giới hóa, sửa chữa giao thông nội đồng, xây dựng các mô hình thâm canh, CLB năng suất chất lượng cao... Song vẫn chưa tạo ra bước đột phá lớn trong cạnh tranh.

-Vậy các nhà máy phải làm gì để nâng cao khả năng cạnh tranh, thưa ông?

Các nhà máy đã quan tâm đầu tư chiều sâu, nên trình độ công nghệ, thiết bị đang từng bước được nâng cao và hiện đại hóa theo các nước tiến tiến, nâng cao năng lực cạnh tranh trong hội nhập kinh tế thế giới. Việc phát triển SX các sản phẩm phụ sau đường (cồn, điện, phân vi sinh...) đã được nhiều nhà máy quan tâm đầu tư và có kế hoạch đầu tư, làm tăng doanh thu từ cây mía. Bên cạnh đó, việc thực hiện Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 01-98:2012/BNNPTNT về chất lượng mía nguyên liệu đã mang lại những hiệu quả thiết thực, đặc biệt là lượng tạp chất trong mía nguyên liệu giảm rõ rệt, tiết kiệm được công vận chuyển cũng như các hao tổn trong qua trình SX của nhà máy.

Theo số liệu của Bộ NN-PTNT, vụ mía đường 2015-2016, 41 nhà máy đã ký hợp đồng đầu tư và bao tiêu sản phẩm của nông dân tăng so với vụ trước. Kế hoạch đạt 1,56 triệu tấn, trong đó đường luyện là 750.000 tấn. Như vậy, cung sẽ vượt cầu xấp xỉ 300 ngàn tấn. Vì vậy theo tôi, phải thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao năng suất, chất lượng, giảm giá thành SX mía nguyên liệu. Theo đó, vùng nguyên liệu phải đáp ứng đủ công suất nhà máy, đảm bảo yêu cầu áp dụng được các tiến bộ KHKT trong trồng trọt và áp dụng cơ giới hoá nhằm nâng nhanh năng suất, chất lượng mía.

Đi liền đó là chuyển đổi giảm diện tích mía trên đồi cao, tăng diện tích dưới ruộng thấp, chuyển đổi trồng mía trên những ruộng trồng lúa kém hiệu quả để nâng nhanh diện tích mía có tưới; quy hoạch đảm bảo liền vùng, liền khoảnh, thuận lợi cho việc thực hiện dồn điền đổi thửa, tạo nên các cánh đồng mía lớn, áp dụng cơ giới hóa, tưới và thâm canh; tạo đột phá về giống bằng cách các Viện Nghiên cứu chủ động phối hợp với các DN đề xuất việc NK các giống tốt, chất lượng cao, chọn tạo những bộ giống mới, phù hợp đưa vào SX. Cánh đồng mía lớn của Cty CP mía đường Lam Sơn Bên cạnh đó các DN SX đường chủ động việc nhân giống, cung cấp cho trồng mới hàng năm đối vùng nguyên liệu mía đã quy hoạch cho nhà máy; thay đổi phương thức SX mía bằng cách nhanh chóng xây dựng các quy trình kỹ thuật thâm canh cho từng loại giống mía, phù hợp với từng địa bàn. T

riển khai thực hiện tốt Quyết định 68/2013/QĐ-TTg về các chính sách hỗ trợ đầu tư cơ giới hóa, giảm tổn thất sau thu hoạch, tăng cường áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất, thu hoạch mía. Tổ chức xây dựng hệ thống thủy lợi và kỹ thuật tưới nước cho mía ở từng địa bàn khác nhau; tổ chức lại SX, vận động nông dân dồn điền, đổi thửa, khuyến khích cho thuê đất để hình thành những vùng SX mía qui mô lớn, tập trung, tổ chức liên kết SX theo chuỗi giá trị để giảm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh tế. Ngoài việc các nhà máy đường tiếp tục đầu tư chiều sâu, nâng cao tỷ lệ tự động hóa, áp dụng các thiết bị tiên tiến để nâng cao năng suất lao động, hiệu suất thu hồi và chất lượng sản phẩm.

Đồng thời phải lựa chọn bước đi hợp lý, chuyển đổi dần sang SX đường luyện để phù hợp với nhu cầu của thị trường. Cần phải đầu tư đa dạng hóa sản phẩm phù hợp với thị trường; tận dụng các phụ phẩm của SX đường để SX phân vi sinh, cồn nhiên liệu, điện... để nâng cao hiệu quả sản xuất. Muốn làm được như vậy, chúng ta cần rà soát, xây dựng, bổ sung các chính sách của Nhà nước để hỗ trợ các DN trong đầu tư chiều sâu, SX sản phẩm phụ, XTTM. Trong hợp tác quốc tế trước hết phải tham gia và thực hiện đầy đủ các nội dung trong các hiệp định thương mại khu vực và quốc tế.

Tăng cường hợp tác quốc tế, trao đổi học tập kinh nghiệm các nước về các tiến bộ trong quản lý, khoa học công nghệ SX mía, đường. Tham gia các hoạt động hội thảo, hội chợ quốc tế tổ chức ở Việt Nam và quốc tế để XTTM. Bộ NN-PTNT khuyến khích Hiệp hội Mía đường Việt Nam, Tập đoàn Thành Thành Công và các đơn vị liên quan tổ chức các hội nghị quốc tế để tăng cường trao đổi, học tập kinh nghiệm với các nước SX mía đường trên thế giới... Năm 2015, chúng tôi đang tập trung xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định về SX và kinh doanh mía đường, tạo nên hành lang pháp lý điều chỉnh các hoạt động SX và kinh doanh mía đường, giúp ngành đường phát triển ổn định, bền vững

-Xin cám ơn ông!...

Theo NNVN

Mới nhất
x
Nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành mía đường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO