Việc kết nối chặt chẽ giữa cấp ủy, ban quản lý khối, thôn, xóm, bản và các đoàn thể ở khu dân cư quyết định đến hiệu quả thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước tại cơ sở. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy: “Đảng mạnh là do chi bộ tốt. Chi bộ tốt là do các đảng viên đều tốt”. Điều đó luôn mang tính thời sự, khi các thôn, xóm cần sự dẫn dắt của chi bộ đảng và sự vào cuộc tích cực của các đảng viên.
Ở xóm Phú Lập, xã Thanh Xuân (Thanh Chương) có tổng 197 hộ dân, sản xuất nông nghiệp chỉ làm 1 vụ xuân trong năm nên kinh tế của người dân khó khăn. Trong khi đó, mật độ dân cư thưa, đồng nghĩa nguồn huy động kinh phí xây dựng đường giao thông lớn, đây cũng là tiêu chí luôn khó nhất trong xây dựng nông thôn mới ở các địa phương.
Trên cơ sở nghị quyết của chi bộ, gắn trách nhiệm cụ thể của Ban Công tác Mặt trận, các đoàn thể xóm Phú Lập đến từng tổ tự quản, cùng trách nhiệm gương mẫu đóng góp và vận động nhân dân từ các đảng viên, tranh thủ sự đóng góp của con em xa quê, xóm Phú Lập trở thành xóm đầu tiên về đích nông thôn mới ở xã Thanh Xuân. Cũng từ nghị quyết của chi bộ và bắt đầu từ sự nêu gương làm trước của các đồng chí trong chi ủy, xóm Phú Lập đã tổ chức sản xuất thêm vụ hè thu năm 2022 với hơn 32 ha lúa. Phong trào xây dựng vườn mẫu nông dân, tổ chức cho con em xuất khẩu lao động cũng được chi ủy, chi bộ thông qua nghị quyết và tích cực vận động người dân tham gia, bước đầu đem về hiệu quả tích cực, nâng cao thu nhập cho nhiều hộ dân.
Tại huyện Nghĩa Đàn, Huyện ủy hướng dẫn các cấp ủy cơ sở thực hiện thống nhất quy trình bầu cử xóm trưởng trước, tổ chức đại hội chi bộ sau. Quá trình đó, chi ủy, chi bộ thực hiện quy trình lựa chọn, giới thiệu đảng viên đủ phẩm chất, năng lực, uy tín để giới thiệu Ban Công tác Mặt trận thôn, xóm hiệp thương để Nhân dân bầu thôn, xóm trưởng. Đối với một số vùng đặc thù, xét thấy, một số quần chúng đủ tiêu chuẩn, cấp ủy đã giới thiệu để người dân bầu thôn, xóm trưởng. Cùng đó, chi ủy, chi bộ bồi dưỡng người vừa trúng cử thôn, xóm trưởng trở thành cảm tình Đảng, tiến tới giới thiệu để tổ chức Đảng kết nạp. Đến đầu tháng 7/2022, 100% (189/189) thôn, xóm ở huyện Nghĩa Đàn đã hoàn thành bầu trưởng thôn, xóm; trong đó, có 8 trưởng thôn, xóm chưa là đảng viên. Trên cơ sở đó, chi bộ bồi dưỡng và đã đề xuất cấp ủy sắp tới cho 7 trưởng thôn, xóm tham gia lớp bồi dưỡng đối tượng kết nạp vào Đảng.
Tại TP. Vinh, có một số vùng đặc thù, thực hiện theo Đề án số 01 của Tỉnh ủy (về xây dựng chi bộ, phát triển đảng viên ở các khối, xóm, bản chưa có chi bộ, chưa có đảng viên và khối, xóm, bản có nguy cơ không còn chi bộ giai đoạn 2016 – 2020), Đảng ủy các phường, xã vẫn phải tăng cường đảng viên là cán bộ xã về các khối, xóm làm bí thư hoặc phó bí thư chi bộ. Từ thực tế đó, việc chọn nhân tố để người dân bầu làm trưởng khối, xóm phải ưu tiên quần chúng đủ điều kiện ở vùng đặc thù.
Như ở xã Nghi Phú (TP. Vinh), hiện còn 8/23 xóm vùng đặc thù vẫn phải tăng cường đảng viên từ nơi khác đến để duy trì hoạt động của chi bộ xóm, thế nên, việc kiện toàn xóm trưởng vẫn ưu tiên cho những quần chúng đủ điều kiện ở cơ sở để đảm bảo hài hòa trong điều hành, thực hiện tốt các nhiệm vụ đặt ra. Quá trình đó, đòi hỏi các đảng viên chi bộ ở vùng đặc thù phải tăng cường công tác dân vận, phối hợp chặt chẽ với ban quản lý xóm và các đoàn thể để thực hiện một cách hài hòa giữa “ý Đảng và lòng Dân”, góp phần thúc đẩy các phong trào phát triển kinh tế – xã hội, ổn định đời sống ở khu dân cư.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường nhắc nhở các cấp ủy Đảng phải xây dựng chi bộ tốt, bởi “Chi bộ là gốc rễ của Đảng ở trong quần chúng. Chi bộ tốt thì mọi chính sách của Đảng đều được thi hành tốt, mọi công việc đều tiến bộ không ngừng. Trái lại, nếu chi bộ kém thì công việc không trôi chảy”. Thực tiễn, việc nâng cao năng lực lãnh đạo của chi bộ ở cơ sở luôn được các cấp ủy Đảng ở Nghệ An quan tâm. Cùng với các giải pháp nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, các cấp ủy thực hiện tốt công tác phối hợp với Mặt trận, các tổ chức, đoàn thể cơ sở, thực hiện tốt công tác dân vận, tăng cường xây dựng khối đoàn kết toàn dân để thực hiện thành công các mục tiêu đặt ra.
Tuy nhiên, hiện đang đặt ra nhiều yếu tố chi phối đến hoạt động của chi bộ cần nghiên cứu để tháo gỡ. Đó là tình trạng “già hóa” đảng viên, kéo theo “già hóa” người hoạt động ở thôn, xóm; một số nơi, việc sáp nhập thôn, xóm làm tăng quy mô dân số, địa bàn hoạt động rộng, cộng với yêu cầu công việc ngày càng cao, làm cho tâm lý của đảng viên nhiều tuổi không muốn gánh vác việc xóm, việc dân; cùng đó, một số đảng viên khó đáp ứng công việc của thôn, xóm. Nhiều đảng viên trẻ chưa tích cực tham gia các công việc ở thôn, xóm; như ở Chi bộ xóm Thủy Chung, xã Thanh Thủy (Thanh Chương), mặc dù chi bộ có tổng đảng viên khá đông, gồm 31 đồng chí, nhưng có 5 đảng viên miễn sinh hoạt; 9 đảng viên hưu trí, sức khỏe không ổn định; 2 đảng viên vi phạm chính sách dân số; 6 đảng viên lao động trong các công ty, xí nghiệp và tự do; 5 người đang là cán bộ, công chức cấp xã và xóm; 4 đảng viên còn lại chưa thực sự tích cực ở khu dân cư nên chưa được người dân tín nhiệm…
Bên cạnh khó khăn trong việc tìm nhân tố thì chế độ phụ cấp cho những người hoạt động ở xóm nói chung, trong đó, có bí thư chi bộ, xóm trưởng chưa thu hút được người trẻ tham gia.
Với những vấn đề đặt ra, càng đòi hỏi các chi ủy, chi bộ cần có những giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo, từ việc nâng cao chất lượng đảng viên đến nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ với những định hướng, nghị quyết sát đúng với yêu cầu nhiệm vụ và thực tế ở cơ sở.
Đồng chí Nguyễn Trọng Anh – Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Thanh Chương cho rằng: “Các cấp ủy cũng cần nghiên cứu các chế độ, chính sách thỏa đáng cho cán bộ, đảng viên cốt cán ở thôn, xóm. Đồng thời, các địa phương cần đẩy mạnh tái cơ cấu sản xuất, thu hút đầu tư để níu giữ được một lực lượng lao động trẻ ở lại quê hương sản xuất, từ đó, khuyến khích họ tham gia công việc ở thôn, xóm”.
Đồng tình với các giải pháp trên, đồng chí Mạc Văn Nguyên – Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Tương Dương cho rằng: “Cấp ủy các cấp cần phải chủ động “quy hoạch”, xây dựng nguồn “cán bộ” cho thôn, xóm, bản dựa vào nguồn bộ đội xuất ngũ, con em học từ các trường đại học, cao đẳng, trung cấp trở về địa phương làm kinh tế tại quê nhà, hoặc bồi dưỡng con em không đi làm ăn xa ở lại địa phương…”.
Trao đổi về công tác chỉ đạo đại hội chi bộ, nhiệm kỳ 2022-2025 và kiện toàn trưởng khối, thôn, xóm, bản kỳ này, đồng chí Lê Đức Cường – Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy khẳng định: “Việc nâng cao tỷ lệ trưởng khối, trưởng thôn, trưởng xóm, trưởng bản là đảng viên là một chủ trương lớn của tỉnh Nghệ An. Rõ nhất là Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đặt mục tiêu đến năm 2025, có 90% trưởng khối, thôn, xóm, bản là đảng viên. Điều đó thể hiện sự quan tâm của Đảng bộ tỉnh trong việc tăng cường vai trò, trách nhiệm của tổ chức Đảng, cụ thể là chi bộ trong đôn đốc và cùng nhân dân phát triển kinh tế – xã hội, ổn định đời sống ở cơ sở. Thông qua đó, từng bước nâng cao chất lượng đảng viên cũng như vai trò lãnh đạo thực hiện các phong trào thi đua ở mỗi khối, thôn, xóm, bản. Cũng chính vì vậy, trong đại hội chi bộ nhiệm kỳ 2022 – 2025 và kiện toàn trưởng khối, trưởng thôn, trưởng xóm, trưởng bản nhiệm kỳ này, Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy tích cực bồi dưỡng các hạt nhân, phối hợp tốt với các tổ chức chính trị, xã hội để giới thiệu được những trưởng khối, trưởng thôn, trưởng xóm, trưởng bản là đảng viên, xứng đáng với trách nhiệm của đảng viên và với yêu cầu của tổ chức Đảng”.
Cũng theo đồng chí Lê Đức Cường, thực hiện chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Tổ chức Tỉnh ủy đôn đốc các cấp ủy thường xuyên bổ sung các giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo của chi bộ, nhất là ở thôn, xóm; đồng thời nâng cao chất lượng đảng viên thông qua bồi dưỡng kết nạp Đảng và rà soát sàng lọc, đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng theo Chỉ thị số 28-CT/TW của Ban Bí thư (ngày 21 tháng 01 năm 2019). Điều đó, góp phần xây dựng chi bộ khối, thôn, xóm, bản và các đảng viên ở đó thực sự là “hạt nhân lãnh đạo”, đủ sức gánh vác những nhiệm vụ đặt ra ở cơ sở./.