Nâng cao nhận thức của chủ phương tiện

19/08/2014 09:17

(Baonghean) - Căn cứ chỉ đạo của Bộ GTVT tại Công văn số 7275/BGTVT-VT, ngày 2/7/2014, Sở GTVT ban hành Quyết định số 411/QĐ-SGTVT.TTr về việc thành lập đoàn kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các phương tiện tự ý thay đổi kích thước thùng xe để chở hàng quá tải trọng cho phép. Đến nay, Đoàn kiểm tra theo Quyết định 411 đã đạt được những kết quả cụ thể, qua đó, góp phần thay đổi nhận thức cho các chủ phương tiện...

Cán bộ Đoàn kiểm tra theo QĐ 411 kiểm tra thiết bị cân xe di động mới được trang bị.
Kiểm tra thiết bị cân xe di động mới được trang bị.

TIN LIÊN QUAN

Đoàn kiểm tra 411 được Sở GTVT thành lập với nòng cốt là cán bộ các phòng thanh tra; quản lý phương tiện và người lái; Quản lý vận tải và Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới. Ngay sau khi được thành lập, Đoàn kiểm tra 411 đã tiến hành tuyên truyền, phổ biến pháp luật để các tổ chức, cá nhân nhận biết được những hành vi vi phạm khi tự ý hoán cải kích thước thùng xe ô tô, từ đó tự giác khắc phục, sửa chữa. Từ ngày 21/7 đến ngày 14/8/2014, Đoàn kiểm tra 411 đã phối hợp các đội thanh tra khu vực, các đoàn kiểm tra đã làm việc với chính quyền Thành phố Vinh, các huyện Hưng Nguyên, Nghi Lộc, TX. Cửa lò, Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, TX. Thái Hòa, TX. Hoàng Mai... và các tổ chức, cá nhân tham gia vận tải hàng hóa bằng xe ô tô trong tỉnh tiến hành thống kê, rà soát số lượng các phương tiện tự ý thay đổi kích thước thùng hàng của xe ô tô.

Qua kiểm tra tại 29 doanh nghiệp kinh doanh vận tải, đoàn đã thống kê được 163 phương tiện tự ý thay đổi kích thước thành thùng xe. Đoàn kiểm tra 411 đã yêu cầu các doanh nghiệp, cá nhân ký cam kết tự giác cắt bỏ phần tự ý thay đổi kích thước thùng xe và cam kết không tái phạm gửi đoàn kiểm tra. Đã có 64 phương tiện được các doanh nghiệp tự giác cắt bỏ phần cơi nới; 99 phương tiện còn lại các doanh nghiệp cam kết sẽ cắt bỏ phần cơi nới.

Đối với các tổ chức là các ban quản lý dự án, các công trình thi công, đoàn đã làm việc với Công ty CP đầu tư 468, là đơn vị thi công cầu vượt nút giao Quốc lộ 1A với đường Đặng Thai Mai - QL 46A; Ban Quản lý Dự án cầu vượt đường sắt tại km 456+429 QL1A. Qua đó, lập bản cam kết đề nghị 2 đơn vị này không thuê xe vận chuyển vật liệu tự ý thay đổi kích thước thành, thùng xe để chở hàng quá tải trọng cho phép, yêu cầu trong quá trình thi công phải đảm bảo ATGT trên đường bộ đang khai thác. Công ty CP đầu tư 468 và Ban Quản lý Dự án cầu vượt đường sắt tại km 456+429 QL1A đã gửi công văn yêu cầu đến các tổ chức vận tải mà đơn vị thuê không tự ý thay đổi kích thước thùng xe để chở hàng quá tải trọng.

Đoàn kiểm tra 411 và Đội Thanh tra khu vực II đã làm việc với 9 cơ sở gồm: HTX Khánh Hậu; DNTN Nguyễn Văn Vinh; Mỏ đá xã Nghi Vạn; Công ty cổ phần Hùng Hưng; Mỏ đá Hoàng Mai; bãi cát Thu Minh (Khối Lam Sơn, Thị trấn Nam Đàn); bãi cát Hà Thơ (Khối Lam Sơn, Thị trấn Nam Đàn); Công ty TNHH cát sạch Hồng Long (xóm 3, xã Hồng Long, Nam Đàn); Bãi cát Thủy Lan (Khối Lam Sơn, Thị trấn Nam Đàn); Bãi cát Bến Phà (Khối Lam Sơn, Thị trấn Nam Đàn). Tại buổi làm việc, cùng với việc tuyên truyền phổ biến pháp luật, đã yêu cầu 9 đơn vị này cam kết không bán hàng cho các phương tiện tư ý thay đổi kích thước thùng xe, không bán hàng vượt quá tải trọng cho phép.

Xử lý cắt bỏ phần chủ phương tiện tự ý hoán cải trái phép.
Xử lý cắt bỏ phần chủ phương tiện tự ý hoán cải trái phép.

Bên cạnh đó, Đoàn kiểm tra 411 tăng cường kiểm tra, xử lý xe vi phạm trên QL1A, QL 46, đường Đặng Thai Mai, đường 534, đường ven sông Lam, đường tránh Vinh... Qua đó, đã lập biên bản vi phạm hành chính 21 trường hợp, trong đó có 15 xe HOWO và 6 phương tiện khác tự ý thay đổi kích thước thùng xe, buộc lái xe làm bản cam kết, yêu cầu chủ xe phải tự giác cắt bỏ phần cơi nới trước ngày 31/7/2014; Tạm giữ 7 tem kiểm định (vi phạm sau 1/8/2014), yêu cầu cắt bỏ phần cơi nới trước khi đến xử lý lỗi vi phạm, yêu cầu chủ xe không tái phạm.

Theo ông Phan Huy Chương, Phó Chánh Thanh tra, Sở GTVT - Trưởng đoàn kiểm tra 411: Qua kiểm tra, làm việc tại các ban quản lý dự án, các công trình thi công, các bến bãi vật liệu... các đơn vị này đều hiểu và nhận thức đúng về tác hại của việc thay đổi kích thước thành, thùng xe để vận chuyển hàng hóa quá tải trọng cho phép. Sau khi được tuyên truyền, thực hiện ký cam kết, các đơn vị này đã phổ biến, tuyên truyền và yêu cầu đến các tổ chức và cá nhân tham gia vận chuyển vật liệu không tự ý thay đổi kích thước thành, thùng xe khi vận chuyển hàng cho các đơn vị nói trên. Với các doanh nghiệp vận tải, cũng đã có những bước chuyển đổi về nhận thức, đã cam kết cắt bỏ phần cơi nới. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng đề xuất đã thực hiện phải triệt để, công bằng, tránh tình trạng doanh nghiệp tự giác lại bị thiệt thòi, nhất là đối với các xe hiệu HOWO, kích thước thành, thùng xe cần phải giống nhau.

Dù đã đạt được những kết quả đáng kể, tuy nhiên, ông Phan Huy Chương khẳng định qua quan sát bằng mắt thường tại các mỏ đá, các bãi cát thì vẫn có các xe tải nhỏ hiệu Trường Hải, Thaco tự ý lắp thêm ván khoảng 30cm phía trên thành, thùng xe để chở cát, đá 3x4; Với các xe Howo có kích thước chiều cao thùng hàng 600mm,1.400mm nhưng vẫn có xe vẫn cơi nới lên đến 1.800mm, thậm chí các xe có kích thước thùng hàng từ 1.800mm trở lên đã cắt bỏ phần cơi nới, nhưng sau đó vẫn tái phạm; các xe Hyundai cơi nới khoảng 300mm chiều cao, hiện vẫn chưa có chuyển biến trong việc chấp hành việc tự giác cắt bỏ, tháo dỡ phần cơi nới. Sau thời gian thực hiện nhiệm vụ (30 ngày), đoàn kiểm tra đã đề xuất lãnh đạo sở tiếp tục thực hiện Quyết định 411, qua đó, tiếp tục tăng cường kiểm tra, xử lý các phương tiện tự ý thay đổi kích thước thành, thùng xe. Ông Phan Huy Chương cho biết: "Việc xử lý xe tự hoán cải trái quy định chở quá tải trọng rất phức tạp. Với các loại xe đang lưu hành trên các tuyến đường, khi phát hiện đoàn kiểm tra, lái xe thường bỏ xe không hợp tác, trong khi đó, khi kiểm tra tại trụ sở các doanh nghiệp thì xe ô tô lại không có ở đó. Hiện nay, chúng tôi đã xác định có những doanh nghiệp kinh doanh vận tải dù đã cam kết nhưng chỉ thực hiện theo kiểu đối phó, thậm chí, một số doanh nghiệp chưa tự giác cắt bỏ phần hoán cải trái quy định. Họ có ý chờ xem cơ quan chức năng thực hiện có nghiêm hay không...".

Theo Kế hoạch hành động số 3346 về kiểm tra xử lý hành vi thay đổi kích thước thùng chở hàng đối với xe ô tô tự đổi, hoán cải giường nằm đối với xe giường nằm của Tổng cục Đường bộ, đối với vi phạm lần đầu, yêu cầu chủ xe, chủ doanh nghiệp phải tự khắc phục, cắt giảm kích thước phù hợp quy định; đề nghị đơn vị đăng kiểm thu hồi tem và Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật. Với những vi phạm lần thứ hai, ngoài thu hồi tem và Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật, sẽ buộc đối tượng vi phạm phải khôi phục hình dáng, kích thước và tình trạng an toàn kỹ thuật ban đầu của xe; bên cạnh đó, xử phạt theo Điểm a, Khoản 7, Điều 30, Nghị định số 171/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ về việc Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Vì vậy, để các tổ chức, cá nhân sử dụng phương tiện vận tải thực hiện nghiêm các quy định của Nhà nước, ông Phan Huy Chương nói rằng: "Tới đây, Đoàn kiểm tra 411 sẽ phối hợp cùng các lực lượng chức năng tập trung kiểm tra tại các bến bãi, khu mỏ, các tuyến đường trọng yếu... Nếu phát hiện phương tiện vi phạm sẽ trực tiếp thực hiện xử lý cắt bỏ phần hoán cải trái quy định...".

Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với cá nhân là chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự xe ô tô, từ 12.000.000 đồng đến 16.000.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự xe ô tô thực hiện một trong các hành vi vi phạm: Tự ý thay đổi tổng thành khung; tổng thành máy; hệ thống phanh; hệ thống truyền động; hệ thống chuyển động hoặc tự ý cải tạo kết cấu, hình dáng, kích thước của xe không đúng thiết kế của nhà chế tạo hoặc thiết kế cải tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; tự ý thay đổi tính năng sử dụng của xe.

(Điểm a, Khoản 7, Điều 30, Nghị định số 171/2013/NĐ-CP)

Hà Giang

Mới nhất
x
Nâng cao nhận thức của chủ phương tiện
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO