Nâng cao nhận thức pháp luật cho đồng bào vùng cao: Mưa dầm thấm lâu

27/08/2014 09:36

(Baonghean) - Thực tế ở một số bản làng vùng sâu, vùng xa, do một bộ phận người dân hiểu biết pháp luật còn hạn chế dẫn tới có một số hành vi, việc làm vi phạm pháp luật. Chính vì vậy, với phương châm “mưa dầm thấm lâu” những năm qua, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số được cấp ủy, chính quyền, ban, ngành các cấp hết sức quan tâm...

Cán bộ tư pháp xã Xiêng My (Tương Dương) hướng dẫn người dân làm giấy tờ liên quan đến tư pháp, hộ tịch.
Cán bộ tư pháp xã Xiêng My (Tương Dương) hướng dẫn người dân làm giấy tờ liên quan đến tư pháp, hộ tịch.

TIN LIÊN QUAN

Trò chuyện với các cán bộ làm công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật ở vùng cao, chúng tôi được nghe không ít câu chuyện “cười ra nước mắt”. Anh Lương Văn Tám - cán bộ Tư pháp xã Xiêng My (Tương Dương) cho hay: Mặc dù hàng năm cán bộ đều về tận các bản làm công tác tuyên truyền, nhưng do không ít bà con trình độ còn hạn chế, nên hầu như các thủ tục khai sinh, khai tử, kết hôn… đều làm chậm, có khi chậm đến cả năm (năm 2013 có đến 80% quá hạn). Như Trường hợp anh Lô Bún Xen, bản Noóng Mồ, con sinh được một năm mới đi làm khai sinh, cán bộ tư pháp hỏi tên vợ còn lắc đầu trả lời “ta không biết”, cán bộ đành phải gọi điện về hỏi trưởng bản. Đối với những trường hợp chậm, quá hạn, khi làm các thủ tục bị cán bộ nhắc nhở chỉ cười trừ, mà thông thường cũng chỉ nhắc nhở chứ không xử phạt vì bà con không có tiền. “Một số trường hợp tảo hôn, dù đã được tuyên truyền, giải thích nhiều lần và không cho làm giấy đăng ký kết hôn, nhưng họ bảo không cho họ vẫn lấy…” - anh Tám chia sẻ. Khi được hỏi những lúc mình tuyên truyền mà bà con không nghe, cán bộ có nản không? Anh Tám khẳng định: Không nản, với bà con phải kiên trì, vì phong tục, tập quán, nếp nghĩ đã ăn sâu, nên phải “mưa dầm thấm lâu” mà. Để đưa được kiến thức pháp luật đến với bà con ở vùng sâu, vùng xa không hề đơn giản, bởi có những bản, làng cách trung tâm xã hàng mấy chục cây số, đường đi vất vả, gian nan, có khi gặp trận mưa to thì ở lại luôn mấy ngày…

Một số đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng cao, nhất là đồng bào Mông còn có tục lệ đổi tên ít nhất 3 lần trong đời (khi mới sinh ra, khi trưởng thành, khi thành chủ hộ, về già…) gây khó khăn cho công tác tư pháp, hộ tịch. Theo chị Lang Phương Thảo - Cán bộ tư pháp huyện Quế Phong thì “Không chỉ đồng bào Mông mới có tục thay đổi tên, mà ngay cả đồng bào Thái ở Quang Phong, Cắm Muộn (Quế Phong), người con gái khi ở với cha mẹ thì mang tên mình, về nhà chồng thì mang luôn tên chồng, nên có trường hợp sinh con đi làm giấy khai sinh, khai tên cha mẹ giống nhau, ví dụ chồng là Lang Văn Thu tên vợ là Lang Thị Thu…, cán bộ tư pháp phải mất công xem xét, tìm hiểu kỹ hồ sơ để cải chính…”.

Những huyện miền núi cao, vùng biên giới thường là nơi xẩy ra trường hợp người dân vi phạm pháp luật như: chậm đăng ký khai sinh cho con, không khai tử cho người chết, hiện tượng tảo hôn, tình trạng di dịch cư trái phép, phá rừng làm nương rẫy, buôn bán, vận chuyện trái phép chất ma túy… Trước tình hình đó, bên cạnh Chỉ thị 13 về “Tăng cường lãnh đạo của cấp ủy Đảng đối với công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong giai đoạn hiện nay” của BTV Tỉnh ủy; UBND tỉnh đã ban hành Đề án “Tăng cường công tác phổ biến giáo dục pháp luật cho cán bộ, đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2005 - 2010”, tiếp đó là giai đoạn 2011 - 2015 với nội dung bổ sung thêm 6 huyện đồng bằng có xã miền núi. Thực hiện đề án này, Hội đồng phối hợp công tác Phổ biến, Giáo dục Pháp luật (PBGDPL) tỉnh đã phân công trách nhiệm cho các ngành liên quan, và hội đồng cấp dưới xây dựng các kế hoạch, cách làm cụ thể. Dựa vào đội ngũ báo cáo viên pháp luật từ tỉnh đến cơ sở, các CLB pháp luật, và mạng lưới tuyên truyền viên, hoà giải viên, hội đồng PBGDPL các cấp đã kịp thời phổ biến mọi vấn đề liên quan đến chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước. Hình thức tuyên truyền khá đa dạng, từ việc mở hội nghị tập huấn, cấp phát tờ rơi, tờ gấp, sổ tay pháp luật đến tận xóm, bản; thi tìm hiểu pháp luật, thi hoà giải viên cơ sở dưới hình thức sân khấu hoá; giới thiệu, cập nhật các văn bản luật qua hệ thống truyền thanh cơ sở, tổ chức các đoàn, tổ công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật tới tận thôn, bản.

Một trong những lực lượng “nòng cốt” trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số là những người lính mang quân hàm xanh. Theo chân các chiến sỹ đồn biên phòng vượt qua chặng đường khúc khuỷa, ghập ghềnh, lên đèo, xuống dốc để đến với đồng bào Mông ở bản Pả Khốm - 1 trong 8 bản mông biên giới ở Tri Lễ (Quế Phong), chúng tôi mới hiểu những gian nan, vất vả của người lính quân hàm xanh trong nỗ lực đưa kiến thức pháp luật đến với bà con. Ngoài việc tuyên tuyền, phổ biến chính sách pháp luật, vận động nhân dân các bản ký cam kết không di dịch cư trái phép, không vi phạm tệ xạn xã hội, khuyến khích người dân mạnh dạn tố giác tội phạm…, Đồn còn chú trọng bồi dưỡng nhân cốt phục vụ cho công tác tuyên truyền. Đến nay, đã bồi dưỡng được 18 nhân cốt là những già làng, người đứng đầu dòng họ, người có uy tín tại các bản. Từ năm 2006 đến nay, Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh đã phối hợp với Sở GD& ĐT ký kết chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật cho các em học sinh lớp 9, trường THCS các xã biên giới, ven biển, mỗi năm có hàng ngàn học sinh trên địa bàn được phổ biến, giáo dục pháp luật. Đồn biên phòng Tri Lễ cũng đã tích cực phối hợp với chính quyền địa phương đưa các đối tượng nghiện ma túy ở các bản Na Lịt, Mường Lống, Huồi Xái I ra kiểm điểm trước dân. Đối tượng Thò Nhia Pó - bản Huồi Xái 1 bày tỏ, “Trước đây tôi chưa nghiện, gia đình tôi cũng khá giả, sức khỏe tốt. Từ lúc nghiện đến giờ, kinh tế kiệt quệ, được đồng nào tôi sử dụng mua ma túy hết, sức khỏe giảm sút và lệ thuộc vào ma túy. Tôi mong bà con hãy tránh xa ma túy, chú trọng làm ăn, sản xuất, không tham gia, tiếp tay cho các hoạt động phạm tội về ma túy. Trước nhân dân tôi xin hứa, từ nay sẽ tránh xa ma túy, mong cấp trên tạo điều kiện giúp đỡ để tôi đi cai nghiện kịp thời…”.

Nhiều ngành, nhiều địa phương cũng đã có những cách làm, phù hợp với tình hình thực tế trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Như ở huyện Tương Dương, hiện có 15/18 xã có đài truyền thanh địa phương. Nhiều xã duy trì phát sóng hai buổi sáng - chiều, xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, chuyên trang về tìm hiểu, giải đáp pháp luật thường kỳ theo tháng, chuyển tải kịp thời các thông tin pháp luật với tiêu chí “ngắn gọn, dễ nghe, dễ nhớ, dễ hiểu” bằng tiếng của đồng bào để giải thích những băn khoăn, vướng mắc liên quan đến Luật Đất đai, Dân sự, Hôn nhân gia đình, chế độ chính sách, công tác hộ tịch… Còn huyện Quế Phong chú trọng việc mở các phiên tòa hình sự sơ thẩm, xét xử lưu động tại cơ sở, góp phần răn đe và giảm thiểu các hành vi vi phạm. Trung bình mỗi năm, ngành Tòa án Quế Phong đã đưa ra xét xử lưu động từ 12 đến 16 vụ án. Mỗi phiên xử lưu động đều được phối hợp với đài truyền thanh, truyền hình huyện tường thuật, đưa tin rộng rãi để mọi người theo dõi. Nhiều tổ chức hội, đoàn thể cũng đã có các hình thức tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng hội viên của mình thông qua các mô hình CLB, đội, nhóm, điển hình như CLB Thanh niên xung kích - giữ yên biên giới ở Na Loi - Kỳ Sơn. Đây là xã có 8 km đường biên giới giáp với nước bạn Lào về phía Tây, nên xảy ra tình trạng buôn bán ma túy, vượt biên trái phép, bà con sống dọc biên giới 2 nước “tự do” qua lại mà không hiểu gì về Luật Biên giới. CLB Thanh niên xung kích - giữ yên biên giới ra đời nhằm tuyên truyền phổ biến pháp luật biên giới cho bà con 2 nước; quần chúng giúp đỡ chính quyền trong việc thông báo về thông tin; hỗ trợ thực hiện việc tuyên truyền, tuần tra nhằm giảm thiểu tình trạng vi phạm pháp luật trên địa bàn”. Đây là một mô hình được địa phương đánh giá là khá hiệu quả, vì có sự tham gia của các lực lượng “nòng cốt” ở địa phương như bí thư đoàn xã, đại diện đồn biên phòng, phó chủ tịch UBND xã, trưởng công an, xã đội trưởng…

Để góp phần ngăn chặn tình trạng mua bán người trong tỉnh ngày càng diễn biến phức tạp, nhất là ở các huyện miền núi cao, Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo xây dựng mô hình “Hỗ trợ cộng đồng phòng, chống mua bán người” tại các điểm nóng như ở xã Đôn Phục huyện Con Cuông, xã Yên Hòa - huyện Tương Dương, xã Hạnh Dịch - huyện Quế Phong và xã Châu Bính - huyện Quỳ Châu. Sau gần 3 năm hoạt động, mô hình “Hỗ trợ cộng đồng phòng chống mua bán người” đã cung cấp nhiều kiến thức, kỹ năng phòng, chống mua bán người cho các tầng lớp phụ nữ và góp phần ngăn chặn, hạn chế tình trạng mua bán người trên địa bàn. Bà Quỳnh Hoa - Phó chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: Chúng tôi xác định công tác tuyên truyền phải kiên trì, bền bỉ. Bên cạnh những hoạt động tuyên truyền, hội phụ nữ vận động người dân hỗ trợ, giúp đỡ, không kỳ thị với những nạn nhân bị mua, bán trở về hòa nhập với cộng đồng; hướng dẫn cho phụ nữ, trẻ em bị mua, bán trở về địa phương làm các thủ tục hưởng chính sách hỗ trợ tư vấn tâm lý, pháp lý, hỗ trợ học văn hóa, học nghề, trợ cấp khó khăn ban đầu và hỗ trợ vay vốn xoá đói, giảm nghèo. Nhiều chị em bước đầu đã có việc làm, thu nhập ổn định. Điển hình như trường hợp em Ng. Th .Ư, xã Đôn Phục, huyện Con Cuông, một nạn nhân bị lừa bán sang Trung Quốc và được giải cứu trở về Việt Nam theo đường Cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn vào ngày 1/5/2012. Ngày mới về, Hội LHPN xã Đôn Phục, huyện Con Cuông kịp thời thăm hỏi, động viên, hỗ trợ. Nay, tinh thần em đã ổn định và quyết tâm học nghề để ổn định cuộc sống... Với cách làm thiết thực, tổ chức hội đã góp phần giúp các nạn nhân bị mua, bán trở về được ổn định, tái hòa nhập với cộng đồng.

Nhìn chung, thực hiện Đề án “Tăng cường công tác phổ biến giáo dục pháp luật cho cán bộ, đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh” đã góp phần làm chuyển biến sâu sắc nhận thức về hiểu biết pháp luật của cán bộ và nhân dân. Các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước được phổ biến kịp thời, làm cho người dân tin tưởng, yên tâm xây dựng cuộc sống. Ở nhiều nơi, bà con đã chủ động đến thắc mắc, cậy nhờ pháp luật để được tư vấn, trợ giúp pháp lý nhằm bảo vệ quyền lợi cho mình, từng bước đẩy lùi nạn di dịch cư tự do, đốt rừng làm nương rẫy, trồng cây thuốc phiện, nhiều tập tục lạc hậu xóa bỏ. Tuy nhiên, con đường đưa kiến thức pháp luật đến gần hơn, thường xuyên hơn với đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa vẫn còn rất nhiều khó khăn…

(Còn nữa)

Bài, ảnh: Khánh Ly - Mỹ Hà

Mới nhất
x
Nâng cao nhận thức pháp luật cho đồng bào vùng cao: Mưa dầm thấm lâu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO