Nâng cao vai trò người cao tuổi
(Baonghean) - Để góp phần nâng cao đời sống bà con vùng cao, năm 2012, Hội Phụ nữ hợp tác cùng Tổ chức Help Age International triển khai mô hình Câu lạc bộ (CLB) Liên thế hệ tự giúp nhau tại 2 xã Yên Hòa và Nga My (Tương Dương). Đây là “mái nhà chung” của những phụ nữ tầm tuổi các bà, các mẹ (50 tuổi trở lên). Họ cùng sinh hoạt, giao lưu và tương trợ lẫn nhau trong cuộc sống.
Buổi sinh hoạt CLB bản Cành Khỉn, xã Yên Hòa. |
Vượt qua dốc Vẽ ngoằn ngoèo, chúng tôi đến xã Yên Hòa và đi Nga - cách gọi vui người dân khi đến Nga My - xã cực Bắc xa xôi nhất của huyện rẻo cao Tương Dương để được chứng kiến tận mắt những gì nghe được về các mế (các bà, mẹ) phụ nữ miền núi nơi này khi ở độ tuổi “xưa nay hiếm” không còn cảnh lùi lũi trong bản thưa, rừng vắng.
Thật vậy, khi đến Nhà văn hóa cộng đồng bản Cành Khỉn, xã Yên Hòa rồi bản Pột, xã Nga My, điều chúng tôi cảm nhận được là không khí vui tươi khi chứng kiến các cụ bà, cụ ông nơi miền sơn cước heo hút đang uyển chuyển tập những bài tập dưỡng sinh “Thức vũ kinh” đẹp mắt. Chỉ khoảng 10 phút với những động tác đơn giản nhưng sau buổi thể dục, tinh thần của các cụ phấn khởi hơn hẳn, tiếng cười nói, tiếng vỗ tay càng khiến cho mọi người thêm phần phấn chấn. Sau buổi tập, cụ bà Vi Thị Ôn, 75 tuổi, thành viên CLB bản Pột cho biết: “Trước đây phụ nữ cao tuổi ở miền núi khi chân đã mỏi, gối đã chùn thì chỉ biết lúi húi sau bếp nhà thôi, không biết đến hoạt động, phong trào gì. Từ khi Hội Phụ nữ vận động tham gia CLB, mế được tham gia các phong trào, thấy mình khỏe và sống có ích lắm. Sinh hoạt định kỳ tuần 2 lần, từ đây mế có cơ hội được giao lưu, trao đổi kinh nghiệm nuôi dạy con cháu và chăm sóc sức khỏe tuổi già”.
Không chỉ hoạt động trong khuôn khổ các buổi sinh hoạt văn nghệ, thể dục dưỡng sinh, CLB liên thế hệ còn giúp nhau phát triển kinh tế bằng hình thức cho vay vốn. Nhờ đó, các thành viên trong CLB đã nâng cao đời sống và chứng minh rằng, người phụ nữ cao tuổi có ích cho gia đình và xã hội. Chia sẻ về quá trình vươn lên thoát nghèo, chị Mạc Thị Tuyết, 57 tuổi, thành viên CLB bản Pột, xã Nga My, cho biết: “Gia đình tôi thuộc hộ nghèo của xã. Chỉ biết vào rừng kiếm ăn qua ngày và trồng trọt theo vụ. Từ khi được Hội Liên hiệp Phụ nữ tạo điều kiện cho vay vốn số tiền 4.000.000 đồng, cộng thêm vay mượn của anh em, tôi đã mạnh dạn đầu tư dựng chòi, làm mô hình trang trại nuôi gia súc, gia cầm. Từ quy mô nhỏ lẻ, mô hình nhân rộng lên tới hơn 100 con gà và một đàn lợn hơn 10 con. Nhờ đó gia đình đã cải thiện cuộc sống. Với việc thành công của mô hình này, tôi có kế hoạch sẽ mở rộng mô hình, nhân thêm số lượng vật nuôi trong trang trại, mở rộng thị trường tiêu thụ ra các bản xung quanh trong và ngoài xã”.
Nét nổi bật của CLB Liên thế hệ là việc đề cao vai trò của hoạt động tự giúp nhau, hỗ trợ cộng đồng. Công việc tuy đơn giản như giặt giũ, nấu ăn, đi chợ, giúp tắm giặt nhưng giúp các cụ có thêm niềm tin, động lực để sống lâu, sống khỏe. Bà Vi Thị Tâm, bản Xiềng Líp, xã Yên Hòa năm nay đã ở tuổi thất thập. Chồng bà mất sớm, một mình bà tần tảo nuôi bốn người con. Nay các con bà đều đi làm ăn xa, một mình bà cơm cháo qua ngày. Thế nhưng, khó khăn lại chồng chất khi một người con của bà qua đời vì bệnh xã hội, để lại cho bà hai đứa cháu thơ. Mặc dù tuổi già nhưng bà vẫn phải ngày ngày lên rẫy, gắng sức lo miếng cơm manh áo cho các cháu nhỏ. Chia sẻ với những vất vả của bà Tâm, chị Vi Thị Bình người cùng bản đã ngày ngày qua lại động viên, thăm hỏi. Những lúc rảnh rỗi chị Bình lại sang phụ giúp bà Tâm quét dọn nhà cửa, tắm rửa, vệ sinh cho các cháu. Chị còn chia ngọt, sẻ bùi những mớ rau, con cá với người hàng xóm già. “Sinh hoạt trong CLB Liên thế hệ này những người hàng xóm chúng tôi trở nên thân thiết, gắn bó với nhau hơn. Cũng nhờ có y (cô) Bình đỡ đần và còn là người bạn tâm tình giúp tôi có thêm niềm vui trong cuộc sống” - bà Tâm chia sẻ.
Với vai trò của Hội Phụ nữ cùng với Tổ chức Help Age International và dự án “Thúc đẩy quyền của NCT thiệt thòi ở Việt Nam”, mô hình CLB Liên thế hệ tự giúp nhau được hoạt động, điều hành một cách bài bản, có nội dung, có chương trình rõ ràng. Hình thức hoạt động, mỗi CLB có một ban chủ nhiệm gồm 5 người, được ban dự án tài trợ 100 triệu đồng để cho các thành viên vay vốn với phương thức lãi hàng tháng, tiền lãi được sử dụng cho quỹ CLB. Hoạt động chăm sóc sức khỏe, tinh thần cho các thành viên bao gồm: hướng dẫn tập thể dục dưỡng sinh, kiểm tra, thăm khám sức khỏe cho hội viên, thành lập được đội văn nghệ thường xuyên biểu diễn trong buổi sinh hoạt và tham gia biểu diễn tại xã. Hàng tháng CLB họp mặt thành viên, thảo luận, xây dựng kế hoạch để giúp đỡ về tiền, ngày công cho người gặp khó khăn. Trong buổi sinh hoạt các CLB tuyên truyền về pháp luật, chính sách liên quan đến phụ nữ, người nghèo, người cao tuổi. Mỗi CLB có một đội tình nguyện viên, chuyên giúp đỡ, chăm sóc những người già neo đơn.
Với ý nghĩa thiết thực đó, CLB Liên thế hệ tự giúp nhau ngày càng thu hút sự tham gia của những NCT (đặc biệt là các bà, các mẹ). 8 CLB Liên thế hệ tại 2 xã thu hút 413 thành viên tham gia, nữ chiếm 75%. Hiện nay đã có 244/413/8 CLB được vay tổng vốn 800 triệu đồng từ nguồn vốn hỗ trợ của dự án cấp. Bản Coọc (xã Yên Hòa, Tương Dương) ban đầu chỉ có 30 thành viên tham gia CLB đến nay đã có 54 (trong đó có 48 nữ). Hoạt động dự án CLB đã tạo sân chơi bổ ích cho NCT, đặc biệt là phụ nữ. Từ khi tham gia CLB, phụ nữ ở miền núi đã mạnh dạn, tự tin hơn trong giao tiếp và đặc biệt đứng lên đảm nhiệm vai trò điều hành trong ban chủ nhiệm. Thực tế trong 8 CLB Liên thế hệ tại 2 xã đã có đến 22 nữ/40 thành viên Ban chủ nhiệm CLB, chiếm tỷ lệ 55%.
Tuy nhiên, để CLB duy trì hoạt động lâu dài còn nhiều khó khăn. Địa hình miền núi ảnh hưởng đến việc đi lại của hội viên là người có tuổi đến sinh hoạt. Quá trình thành lập ban đầu có khó khăn trong lựa chọn thành viên đáp ứng yêu cầu tiêu chí: 70% là nữ, 70% là NCT, tỷ lệ hộ nghèo, khá. Nguồn kinh phí hoạt động cho vay vốn đang còn hạn hẹp. Ban chủ nhiệm tuổi cao mắt kém, hay quên, trong khi quản lý CLB yêu cầu hệ thống sổ sách, chứng từ ghi chép kịp thời, đầy đủ, nên trong hoạt động còn hạn chế. Cán bộ dự án huyện, xã phải thường xuyên hỗ trợ, hướng dẫn trực tiếp cụ thể cầm tay chỉ việc nhiều lần. Ban chủ nhiệm chủ yếu làm nông chưa quen với công tác điều hành quản lý.
Đánh giá về CLB Liên thế hệ tự giúp nhau, bà Lang Thị Hà - Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh khẳng định: Ðây là một mô hình hoạt động có hiệu quả, mô hình đã nâng cao được vai trò của người cao tuổi, đặc biệt là người phụ nữ. Từ 2 xã Yên Hòa và Nga My, mô hình sẽ được Hội LHPN tiếp tục nhân rộng trong toàn tỉnh. Tuy nhiên, để duy trì và nhân rộng mô hình này, cần tăng cường công tác truyền thông, tranh thủ sự ủng hộ của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, huy động nguồn lực xã hội... để CLB mang lại hiệu quả thiết thực trong chăm sóc và phát huy vai trò NCT, đặc biệt là phụ nữ tại cộng đồng.
Phạm Ngân - Đinh Nguyệt