Nâng cao ý thức của ngư dân trong mùa mưa bão
Mùa mưa bão tới gần là thời điểm tai nạn tàu cá gia tăng, trong đó, ngoài nguyên nhân khách quan do thiên tai, thì việc chưa tuân thủ nghiêm ngặt những quy trình bảo đảm an toàn của ngư dân cũng dẫn đến những rủi ro nhất định. Vì thế, nâng cao ý thức phòng chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai, là vấn đề quan trọng hiện nay.
(Baonghean) - Mùa mưa bão tới gần là thời điểm tai nạn tàu cá gia tăng, trong đó, ngoài nguyên nhân khách quan do thiên tai, thì việc chưa tuân thủ nghiêm ngặt những quy trình bảo đảm an toàn của ngư dân cũng dẫn đến những rủi ro nhất định. Vì thế, nâng cao ý thức phòng chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai, là vấn đề quan trọng hiện nay.
Nghệ An có 82km bờ biển, với 4 hụyện, thị nằm ven biển và hàng vạn ngư dân sinh sống bằng nghề đánh bắt hải sản, trong đó số lao động trực tiếp vươn khơi, bám biển dài ngày là trên 13 nghìn người. Phương tiện đánh bắt xa bờ của toàn tỉnh hiện có hơn 4.300 chiếc tàu đánh cá, trong đó, loại từ 20 mã lực trở lên chiếm trên 2.400 chiếc.
Nhận thức được tầm quan trọng của công tác đảm bảo an toàn, nhằm giảm nhẹ thiệt hại về người và phương tiện hoạt động trên biển, ngay từ đầu mùa mưa bão năm nay, các cơ quan chức năng và Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn (PCLB-TKCN) đã tăng cường và quản lý chặt chẽ công tác đăng kiểm tàu thuyền, bảo đảm các phương tiện khai thác hải sản, nhất là các tàu đánh bắt cá xa bờ phải đủ các trang thiết bị an toàn.
Trong cơn bão số 3 vừa qua, nhiều tàu đánh cá của ngư dân Cửa Lò vẫn neo đậu tại cầu cảng, tuy đã được cảnh báo không an toàn, buộc lực lượng chức năng phải cưỡng chế.
Trước mùa mưa bão, ngành thủy sản đã chủ động phối hợp với các địa phương, các đồn biên phòng tuyên truyền cho ngư dân những văn bản quy phạm pháp luật về công tác PCLB-TKCN trên biển. Đồng thời rà soát, thống kê tàu cá của từng tổ khai thác; hướng dẫn chủ phương tiện tàu cá trang bị các thiết bị an toàn hàng hải, các dụng cụ cứu sinh, cứu nạn... Đây là những điều kiện cần thiết cho mỗi chuyến đi biển của ngư dân, bởi nếu được trang bị đầy đủ sẽ giúp ngư dân tiếp nhận kịp thời các thông tin về bão, cũng như thông báo cho các phương tiện khác, hay lực lượng chức năng biết khi cần trợ giúp.
Tuy nhiên trên thực tế phải thấy rằng nhiều ngư dân còn khá chủ quan trong công tác PCLB nhằm giảm nhẹ thiên tai. Bởi hầu như họ vẫn quen với việc dựa vào kinh nghiệm để dự báo bão, vì vậy ít quan tâm đến việc trang bị những thiết bị an toàn cần thiết như: bộ đàm tầm xa, các loại đèn báo hiệu, cờ hiệu, định vị… dẫn đến dự báo thiếu chính xác. Ngoài ra, việc nhiều tàu cá vẫn còn khá thô sơ, khá nhỏ, cũng như sự hạn chế về trình độ sử dụng các trang thiết bị và chủ quan trong nhận thức về PCLB cũng là yếu tố ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng an toàn của tàu cá, nhất là khi gặp sóng to, bão, lốc.
Bên cạnh đó, ý thức của một số ngư dân trong công tác PCLB chưa cao, một số chủ tàu cố tình không chấp hành sự chỉ đạo, vẫn neo đậu tàu cá ở những vị trí đã được cảnh báo mất an toàn… Không những thế, hiện nay còn có những tàu thuyền không đủ công suất nhưng vẫn đánh bắt xa bờ... Vì vậy, một khi có bão xẩy ra sẽ khiến cho ngư dân lẫn các lực lượng cứu hộ, cứu nạn rất khó tiếp cận và ứng cứu kịp thời.
Với vị trí nằm trong trục hoạt động của bão, mỗi năm có trên dưới 10 cơn bão đổ bộ, thì việc các ngư dân phải chịu tác động trực tiếp từ bão là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, không vì thế mà những thiệt hại từ bão không thể làm giảm nhẹ. Các ngành chức năng, các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để ngư dân và các chủ tàu thấy rõ tầm quan trọng đối với việc trang bị đầy đủ các trang thiết bị an toàn cho người và tàu cá. Cùng với đó là tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra và xử lý nghiêm việc chấp hành các quy định về đảm bảo an toàn...
Quảng An