Nâng chất lượng sản phẩm - giải pháp đầu ra cho cây lạc

17/07/2014 14:39

(Baonghean) - Vụ xuân năm nay, nông dân Nghi Lộc không những có một mùa lạc mất mùa, mà tiêu thụ cũng rất chậm, giá bán khó khăn. Đây cũng không phải lần đầu bà con gặp phải tình cảnh này. Lời giải nào cho bài toán tiêu thụ ở các vùng trồng lạc hiện nay?

Thu hoạch lạc xuân ở Nghi Thạch (Nghi Lộc).
Thu hoạch lạc xuân ở Nghi Thạch (Nghi Lộc).

Gia đình ông Nguyễn Phương Đông (xóm 12, Nghi Long, Nghi Lộc) có 2 sào lạc. Những năm trước đây, lạc thường cho năng suất khá cao, có năm lên tới gần 2 tạ/sào, không những thế, vào vụ thu hoạch, chỉ cần đập ra, sàng lên bán ngay tại ruộng cho tư thương Diễn Châu. Thế nhưng, vụ lạc năm nay, không những năng suất giảm do nắng hạn, mà bà Nhã còn phải nhổ về, phơi khô khén, để cả tháng mới bán được. Nếu năm ngoái, giá lạc tươi bán tận ruộng cũng đã lên tới 18 nghìn đồng/kg, lạc đã phơi khô lên tới 25 nghìn đồng/kg thì năm nay, lựa ra những củ lạc to đẹp nhất, bà cũng chỉ bán được với giá 18 nghìn đồng/kg. “Mọi năm bán tận ruộng, không phải phơi, không phải vận chuyển về nhà, nhổ lạc lên bán lấy tiền tươi luôn, mấy ngày sau đợi lá lạc héo, quay lại làm đất trồng vừng, tận dụng lá lạc làm phân, không vất vả như năm nay”- Ông Đông cho biết.

Nghi Long là một trong những xã có diện tích trồng lạc lớn nhất của huyện Nghi Lộc. Năng suất lạc ở đây luôn ở mức rất cao nhờ chất đất tốt, phù hợp với cây lạc. Ông Lê Văn Nghĩa, Chủ tịch UBND xã cho biết: Toàn xã có 16 xóm thì có 14 xóm trồng lạc, với diện tích lạc vụ xuân 230 ha và 40 ha lạc vụ đông dùng làm giống, chủ yếu dùng giống lạc L14. Năng suất lạc ở đây những năm được mùa luôn ở mức 1,6- 2 tạ/sào. Thế nhưng, vụ xuân năm nay, do nắng hạn gay gắt, đã có 50% diện tích lạc bị giảm khoảng 20% năng suất so với mọi năm, chỉ còn 1 - 1,2 tạ/sào, kéo năng suất bình quân chung toàn xã xuống còn 1,35 tạ/sào. “Tiêu thụ lạc của Nghi Long hiện đang hoàn toàn phụ thuộc vào tư thương từ Diễn Châu.

Những năm trước, thường họ vào mua ngay tận ruộng, lạc nhổ lên sàng đất xong lấy luôn, người dân không phải phơi phóng, bảo quản. Nhưng mùa này, bà con thu hoạch xong về phơi khô, để hàng tuần, hàng tháng mới bán được, thậm chí đến nay trong dân vẫn còn tồn một lượng lạc khá lớn, một phần do tư thương thu mua chậm, phần khác do giá xuống quá thấp nên một số hộ dân chưa muốn bán. Bình thường, tổng sản lượng lạc xuân của Nghi Long khoảng 700 tấn, năm nay do mất mùa, diện tích cũng giảm nên chỉ còn chưa đầy 500 tấn và hiện vẫn còn khoảng 30% chưa tiêu thụ hết”- ông Nghĩa cho biết.

Là một trong hai “vựa lạc” lớn của tỉnh, hàng năm, diện tích trồng lạc của Nghi Lộc lên tới 4.000 ha, trong đó lạc vụ xuân 3.600 ha, năng suất thường dao động bình quân 25 tạ/ha. Thế nhưng, vụ xuân năm nay, năng suất lạc chỉ đạt bình quân trên 20 tạ/ha. Không những thế, việc tiêu thụ gặp nhiều khó khăn, hiện lượng lạc chưa tiêu thụ được trong dân khá lớn. Ông Nguyễn Đức Thọ, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện cho biết: Hiện nay, chưa hề có một doanh nghiệp nào đứng ra ký kết hợp đồng tiêu thụ lạc cho dân. Trên địa bàn huyện có chợ thu mua nông sản nhưng hầu như không tác dụng vì giá mua luôn thấp hơn giá thị trường. Việc tiêu thụ lạc trên địa bàn hầu như phụ thuộc vào mạng lưới tư thương Diễn Châu.

Ở Nghi Lộc cũng có vài doanh nghiệp nhưng không đáng kể, giá cả do tư thương đưa ra, bà con gần như không được mặc cả. Những năm thị trường ổn định, giá cao, tiêu thụ dễ, người dân bán được với mức giá cao hơn, còn như năm nay, giá lạc sụt giảm mạnh, lạc khô đẹp chỉ bán được giá 18 nghìn đồng/kg, lạc xấu hơn tư thương chỉ thu mua với giá 16 nghìn đồng/kg. Thế nhưng, trừ những gia đình chưa cần tiền, không nỡ bán với giá quá thấp còn để lại, còn lại bà con vẫn phải chấp nhận bán với giá rẻ để lấy tiền tái đầu tư sản xuất vụ hè thu. Việc tiêu thụ lạc khó khăn còn dẫn đến một hệ lụy khác là chất lượng lạc dễ bị giảm sút do hiện nay người dân vẫn đang phải tự bảo quản theo phương thức truyền thống, nếu để đến mùa mưa dễ sinh ẩm mốc, giảm mạnh về giá trị sản phẩm, thậm chí sẽ không thể bán được.

Trước tình hình đó, ở các xã của Nghi Lộc, người dân đang dần có xu hướng chuyển dần diện tích lạc sang trồng ngô. Ông Lê Văn Nghĩa - Chủ tịch UBND xã Nghi Long cho biết: So với vụ xuân năm ngoái, năm nay diện tích lạc của Nghi Long đã giảm 30%, bà con chuyển qua trồng các loại cây khác như ngô nếp, dưa hấu, dưa lê. Đặc biệt, hiện nay cây dưa nếu thuận lợi có thể cho thu nhập tới 8 - 10 triệu đồng/sào sau 2 tháng.

Theo ông Nguyễn Đức Thọ thì quan điểm của huyện là tập trung xem xét lại hiệu quả của cây lạc so với một số loại cây trồng khác như ngô, dưa để có phương án chuyển đổi nhằm đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn, nếu thuận lợi, thời gian tới, Nghi Lộc sẽ tập trung chuyển đổi một số diện tích trồng lạc ở đất cao, hay nắng hạn sang trồng ngô, như vậy diện tích lạc của Nghi Lộc dự kiến sẽ giảm 30 - 40% do những năm gần đây ngô là loại cây trồng phù hợp, hiệu quả, tiêu thụ dễ, năng suất thường ở mức cao và ổn định.

Theo ý kiến nhiều chuyên gia, lạc tiêu thụ khó khăn, ngoài nguyên nhân do thị trường tiêu thụ chủ yếu là Trung Quốc không ổn định, thì hiện nay, trong các loại dầu ăn, lạc không được coi là loại dầu có thế mạnh, và xu hướng chung hiện nay là đang chuyển dần sang sử dụng dầu cọ và các loại dầu khác như hướng dương. Những năm gần đây, lạc Nghệ An chủ yếu chỉ xuất được sang thị trường Trung Quốc, các nước đòi hỏi chất lượng cao như Nhật Bản, Philippines… không nhập nữa. Tuy nhiên, hiện nay Trung Quốc cũng giảm tiêu thụ lạc do dầu cọ tràn từ Malaysia, Singapore đang tràn ngập thị trường châu Á và các nước khối Asean với ưu điểm giá rẻ, chất lượng không thua kém gì dầu lạc.

Cùng với chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trước mắt để giải quyết đầu ra cho cây lạc thì việc tạo được một mối liên kết tiêu thụ trực tiếp giữa nông dân với các doanh nghiệp, không qua tư thương là rất quan trọng. Để làm được điều này, Nhà nước cần đẩy mạnh các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp đứng ra bao tiêu sản phẩm nông sản, có chính sách liên kết thông thoáng để kêu gọi doanh nghiệp vào thu mua lạc. Để có một thị trường nông sản nói chung, tiêu thụ lạc nói riêng ổn định hơn, chúng ta phải thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp, trong đó phải xác định chất lượng là vấn đề quan trọng nhất, có như vậy mới có thể thoát ra khỏi thị trường Trung Quốc. Cùng với đó, Nhà nước cần có cơ chế rõ ràng, biện pháp hiệu quả và thể hiện rõ vai trò trong việc giúp nông dân phối hợp cùng doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng, đồng thời phát huy vai trò của doanh nghiệp trong tiêu thụ sản phẩm lạc cho người dân.

Phú Hương

Mới nhất
x
Nâng chất lượng sản phẩm - giải pháp đầu ra cho cây lạc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO