Nâng chất lượng tuyên truyền trên loa phát thanh
(Baonghean) - Báo Nghệ An ra ngày 29/5/2014 đăng bài: “Phát huy hiệu quả hệ thống truyền thanh cơ sở” của tác giả Phan Nguyên Hào đã được đông đảo quần chúng nhân dân đón đọc và nhiều người đã có ý kiến bàn luận xung quanh nội dung bài báo.
Ai cũng ao ước đề án phát triển hệ thống đài truyền thanh cơ sở tỉnh Nghệ An đến năm 2020 sớm được triển khai để cấp xóm và cấp xã có thêm kênh thông tin nhanh và chính xác. Được biết, hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh, hầu như tất cả các xóm, bản đều đã được trang bị hệ thống loa phát thanh (gồm âm ly, loa, micro). Từ đây, các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương đều được thông báo qua loa để tất cả mọi tầng lớp nhân dân hiểu được và thực hiện theo.
Đây là một trong những phương pháp phổ biến, tuyên truyền pháp luật hiệu quả nhất mà các cấp, các ngành, các địa phương lâu nay vẫn sử dụng. Tuy nhiên, qua tìm hiểu thực tế ở một số địa phương, hiệu quả tuyên truyền qua loa phát thanh cấp xóm, bản (gọi chung là cấp xóm) vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập.
Có 2 nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng trên. Thứ nhất, hệ thống loa đài của một số xóm đã qua sử dụng nhiều năm nên đã bị hư hỏng xuống cấp nhưng xóm chưa có phương án huy động kinh phí sửa chữa hoặc mua mới để thay thế dẫn đến gây khó khăn cho cả người nói lẫn người nghe. Nguyên nhân quan trọng hơn vẫn là trình độ năng lực cũng như chất giọng của đội ngũ cán bộ trực tiếp làm nhiệm vụ thông báo qua loa. Ở xóm, “phát thanh viên” thường là đồng chí xóm trưởng hoặc bí thư chi bộ xóm. Là người trực tiếp nhiều lần được nghe thông báo của xóm trên loa, tôi thấy cách thông báo, cách truyền đạt của đội ngũ xóm trưởng, bí thư chi bộ vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế.
Do đặc thù của từng xóm như diện tích, dân số, nghề nghiệp của người dân nên trước khi muốn thông báo, phổ biến một vấn đề nào đó thông qua loa để người dân hiểu, người thông báo phải căn cứ vào những yếu tố trên để chọn thời điểm thông báo sao cho phù hợp và mang lại hiệu quả tuyên truyền cao, tránh trường hợp khi người dân đi làm đồng chưa về hoặc đang giờ ngủ trưa mới thông báo. Bên cạnh đó, trước khi thông báo phải đọc trước nội dung các văn bản mà mình cần thông báo để tránh tình trạng vừa đọc vừa dịch gây tâm lý khó chịu cho người nghe. Chỉ nên thông báo những nội dung quan trọng và liên quan trực tiếp đến quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của nhân dân chứ không nên đọc tràn lan các văn bản. Quá trình thông báo đòi hỏi phải có chất giọng truyền cảm...
Thiết nghĩ, để từng bước nâng cao chất lượng tuyên truyền qua loa ở các xóm, trước hết cấp ủy, chính quyền các xã, phường phải thường xuyên quan tâm đến việc bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ trực tiếp thông báo.
Nguyễn Tâm Quang
(Ban CHQS Thị xã Thái Hòa)