Năng động Nghĩa Đàn

02/01/2013 19:13

Mạnh dạn trong chọn mũi đầu tư; linh hoạt, năng động trong phương pháp triển khai thực hiện nên chỉ mới sau 4 năm chia tách huyện để thành lập Thị xã Thái Hoà, huyện Nghĩa Đàn mới đã hiện hữu một tầm vóc mới, đổi khác theo định hướng trở thành Trung tâm phát triển của vùng Tây Bắc.

(Baonghean) Mạnh dạn trong chọn mũi đầu tư; linh hoạt, năng động trong phương pháp triển khai thực hiện nên chỉ mới sau 4 năm chia tách huyện để thành lập Thị xã Thái Hoà, huyện Nghĩa Đàn mới đã hiện hữu một tầm vóc mới, đổi khác theo định hướng trở thành Trung tâm phát triển của vùng Tây Bắc.

Nếu ai đã từng lên Nghĩa Đàn thời điểm mới chia tách thành lập huyện, bây giờ quay trở lại chắc không khỏi ngạc nhiên bởi sự đổi thay nhanh chóng. Từ đường mòn Hồ Chí Minh dẫn vào trung tâm huyện lỵ, trước đây là con đường nhỏ đầy ổ voi, ổ gà được thay bằng một con đường thoáng rộng, thảm nhựa phẳng lỳ, hệ thống cổng chào, điện chiếu sáng hoàn chỉnh. Thị trấn Nghĩa Đàn được thành lập trên cơ sở phần lớn đất đai của xã Nghĩa Bình, Nông trường 1/5 cũ cũng đã đổi thay rất nhiều. Hệ thống dịch vụ ăn uống, nhà hàng, nhà nghỉ, dịch vụ ngân hàng… cũng đã xuất hiện đồng loạt vừa tạo bộ mặt mới, vừa đáp ứng nhu cầu giao dịch, trao đổi ngày càng cao của người dân. Huyện đã có một trung tâm hành chính đồng bộ, khá hoàn chỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, công chức làm việc và người dân giao dịch dễ dàng, góp phần tạo bộ mặt, diện mạo mới, tầm vóc mới của huyện.



Dây chuyền vắt sữa tự động ở Trang trại bò sữa TH.

Trong lĩnh vực thu hút đầu tư, thành tựu lớn nhất của Nghĩa Đàn sau khi chia tách là việc từng bước triển khai có hiệu quả dự án chăn nuôi bò sữa tập trung quy mô công nghiệp của Tập đoàn TH. Sau gần 3 năm triển khai, dự án chăn nuôi bò sữa quy mô công nghiệp tập trung đã tạo ra triển vọng mới không chỉ cho Nghĩa Đàn mà cho cả vùng miền Tây xứ Nghệ, nâng khả năng ứng dụng công nghệ mới để tăng giá trị, hiệu quả sử dụng đất. Hiện tại, Trang trại bò sữa đã có gần 25.000 con, trong có gần 10.000 con cho sữa, tạo ra giá trị sữa thương phẩm, nâng cao năng lực tái đầu tư cho nhà đầu tư. Do xác định tầm quan trọng của dự án trong việc thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao nhận thức cho cán bộ, người dân nên Nghĩa Đàn quyết liệt vào cuộc, hỗ trợ tạo điều kiện trong quá trình đầu tư phát triển của dự án như công tác giải phóng mặt bằng, quy hoạch tái định cư cho người dân. Trên diện tích được huyện, các đơn vị bàn giao cho nhà đầu tư, Công ty CP sữa TH đã từng bước đưa vào sử dụng có hiệu quả, chủ động tạo nguồn thức ăn tại chỗ cho đàn bò sữa. Đầu năm 2013, với việc đưa vào sử dụng Nhà máy chế biến sữa của Công ty CP sữa TH giai đoạn 1 sẽ khép kín quá trình sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần vào tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Ngoài dự án chăn nuôi bò sữa tập trung, trên địa bàn huyện, Tập đoàn TH và Ngân hàng Bắc Á cũng đã và đang đầu tư một số dự án khác như: Dự án trồng rau sạch, Dự án trồng cây dược liệu, Dự án gỗ thanh MDF… Đặc biệt, tại đây, tỉnh và Bộ NN&PTNT đang trình Chính phủ cho quy hoạch “Khu nông nghiệp công nghệ cao Nghĩa Đàn”, đang tạo ra triển vọng mới trong việc đầu tư ứng dụng công nghệ mới, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn đất đồi, đất đỏ bazan vùng miền Tây. Một thành công của Nghĩa Đàn trong công tác thu hút đầu tư nữa là đã hình thành cụm công nghiệp Nghĩa Long diện tích 20 ha, đã thu hút 2 doanh nghiệp vào đầu tư: Công ty Phượng Nguyên sản xuất chế biến gỗ và Công ty Toàn Cầu chế biến bột đá siêu mịn xuất khẩu.

Thời điểm này, lên với Nghĩa Đàn, có thể nhận thấy rõ nơi đây đang được khoác trên mình một chiếc áo mới bởi khí thế bà con các xã, các thôn trong việc xây dựng nông thôn mới, dồn điền đổi thửa. Tại xã Nghĩa Khánh, 1 trong 2 xã Nghĩa Đàn chọn làm xã điểm trong dồn điền đổi thửa thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới đợt này. Nghĩa Khánh trước đây gắn với di tích lịch sử cây đa Làng Trù, tiêu biểu của phong trào cách mạng, nơi chi bộ đảng đầu tiên vùng Tây Bắc được thành lập, thì nay như được tiếp sức khí thế đi đầu làm điểm dồn điền đổi thửa, thực hiện xây dựng nông thôn mới.



Thực hiện dồn điền đổi thửa xây dựng nông thôn mới ở xã Nghĩa Khánh. Ảnh: Sỹ Minh

Để các hộ dân đồng tình ủng hộ đóng góp công sức, tiền của dồn điền đổi thửa xây dựng nông thôn mới, Đảng ủy xã có Nghị quyết chuyên đề về xây dựng nông thôn mới, trong đó nhấn mạnh ý nghĩa của công tác dồn điền đổi thửa, UBND xã đã cụ thể hoá bằng đề án khả thi. Đề án, phương án chuyển đổi ruộng đất được đưa về các xóm để người dân thảo luận dân chủ, chỗ nào nhân dân chưa hiểu, cán bộ trực tiếp giải thích, cán bộ đảng viên gương mẫu tích cực đi đầu. Nhờ có giải pháp đồng bộ nên hầu hết các hộ dân trên địa bàn các xóm đều tích cực đồng tình thực hiện. Từ chỗ một hộ có đến 5 - 6 mảnh ruộng manh mún, thậm chí có 2 mảnh ruộng trên một xứ đồng thì Nghĩa Khánh đã giảm mỗi hộ còn lại 2 mảnh ruộng (1 mảnh ruộng cao và một mảnh ruộng trũng) với diện tích nhỏ nhất 500m2, mảnh to khoảng 2.000m2.

Có thể nói, từ kinh nghiệm thành công bước đầu trong xây dựng nông thôn mới tại Nghĩa Khánh đang tạo khí thế sôi nổi để Ban chỉ đạo huyện Nghĩa Đàn tiếp tục đôn đốc thực hiện trên diện rộng các xã còn lại trên địa bàn huyện. Nghĩa Đàn xác định rõ triển khai xây dựng nông thôn mới theo các tiêu chí là cơ hội để huyện thay đổi bộ mặt nông thôn, nông nghiệp. Tuỳ từng điều kiện của các xã, mà Ban chỉ đạo huyện, xã chọn nội dung triển khai thực hiện trước có hiệu quả. Nếu 2 xã Nghĩa Khánh và Nghĩa Lạc là 2 xã điểm trong chuyển đổi ruộng đất, trong đó xã Nghĩa Khánh đã có hiệu quả tạo bước đột phá rút kinh nghiệm, thì 2 xã Nghĩa Bình và Nghĩa Long chọn điểm làm đường giao thông nông thôn cũng đang khẩn trương hoàn thành theo đúng tiến độ hỗ trợ xi măng của tỉnh. 12 xã triển khai xây dựng các mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất bắt đầu có hiệu quả như: mô hình chăn nuôi gà, lợn tại xã Nghĩa Tân, mô hình nuôi o­ng, lợn tại xã Nghĩa Hiếu, mô hình cơ giới hoá nông nghiệp tại xã Nghĩa Long… Các xã khác căn cứ vào điều kiện thực tế cũng lồng ghép có hiệu quả các hạng mục theo tiêu chí và đã làm mới được 7 nhà văn hoá, huy động hơn 4 tỷ đồng xây bổ sung hạng mục công trình trường học, nâng cấp trạm y tế xã...

Năm 2012, mặc dù trong khó khăn do tình hình kinh tế trong nước và trong tỉnh bị ảnh hưởng suy thoái, thời tiết diễn biến phức tạp, dịch bệnh trên gia súc gia cầm, trên cây trồng vẫn xẩy ra… nhưng vượt qua khó khăn, thách thức, Đảng bộ nhân dân các dân tộc Nghĩa Đàn nỗ lực thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Cơ bản các chỉ tiêu nghị quyết HĐND huyện giao đều đạt và vượt kế hoạch, có những chỉ tiêu tăng khá như: Tổng giá trị sản xuất đạt 1.016.500 triệu đồng, tăng 13,33% so với cùng kỳ; giá trị sản xuất bình quân đầu người/ năm đạt 21,5 triệu đồng, tăng 10,25%; tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt 34.698 triệu đồng bằng 165% nghị quyết HĐND, bằng 200,17% so với kế hoạch tỉnh giao; tỷ lệ hộ đói nghèo giảm 2,45%, xuống còn 20,55%...

Trên lĩnh vực nông nghiệp, nhờ xác định rõ mục tiêu lấy nông nghiệp làm động lực phát triển, tăng trưởng bền vững nên ngoài tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư triển khai, ứng dụng công nghệ mới trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp thì Nghĩa Đàn cũng triển khai nhiều mô hình khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư cho hiệu quả kinh tế vượt trội. Tiêu biểu là mô hình phòng trừ tổng hợp bệnh chồi cỏ hại mía với quy mô 10 ha tại xóm Tráp, 2 ha tại xóm Xuân 2 (xã Nghĩa Liên), mô hình chăn nuôi lợn thịt theo hướng GAP tại xã Nghĩa Hội quy mô 12 hộ với 50 con giống; mô hình chăn nuôi dê ở xã Nghĩa Lạc với 991 con đem lại lợi ích kinh tế cao, thu nhập một năm khoảng 50 - 70 triệu đồng/hộ có tổng đàn trên 50 con/hộ, là điều kiện thuận lợi để giúp thoát nghèo. Dịch vụ - thương mại cũng có bước phát triển mạnh, nhiều loại hình hoạt động với mức tăng trưởng, giá trị sản xuất ước đạt 181.800 triệu đồng, tăng 24,69% so với cùng kỳ, Hiện tại, trên địa bàn có 19 chợ hoạt động, trong đó có 1 chợ cấp 3, đang triển khai nâng cấp 4 chợ tại xã Nghĩa Mai, Nghĩa Thọ, Nghĩa Lộc, Nghĩa Thịnh. Tổng mức luân chuyển hàng hoá bán lẻ ước đạt 183.833 triệu đồng, tăng 25% so cùng kỳ…



Trung tâm hành chính huyện mới đưa vào sử dụng.

Trao đổi về định hướng phát triển kinh tế - xã hội năm 2013, đồng chí Vi Văn Định - Chủ tịch UBND huyện, khẳng định: Nghĩa Đàn sẽ tập trung tranh thủ thời cơ, khắc phục khó khăn, phát huy nội lực để nâng cao chất lượng tăng trưởng bền vững, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực xây dựng nông thôn mới. Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, vận dụng các cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh nỗ lực thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013, tạo đà cho hoàn thành mục tiêu của kế hoạch phát triển KT-XH giai đoạn 2011-2015; bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, cải thiện đời sống nhân dân; giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng - an ninh và trật tự an toàn xã hội.


Hữu Nghĩa

Mới nhất
x
Năng động Nghĩa Đàn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO