Nâng hạng và vấn đề chi phí không chính thức

02/03/2012 14:16

(Baonghean.vn) Trao đổi với PV Báo Nghệ An xung quanh xếp hạng PCI năm 2011, ông Nguyễn Duy Tuấn - Trưởng văn phòng đại diện VCCI tại Nghệ An cho biết: PCI là một kênh thông tin hiệu quả giúp chính quyền các tỉnh, thành phố nắm bắt và hiểu rõ nhu cầu của cộng đồng doanh nghiệp. PCI cũng đem đến cho nhà đầu tư hay doanh nghiệp đang cân nhắc đầu tư hoặc mở rộng quy mô kinh doanh hiện tại ở Việt Nam một bức tranh tương đối đầy đủ về môi trường kinh doanh địa phương từ góc nhìn của chính các doanh nghiệp đang kinh doanh tại đây. Tuy nhiên, là người rất quan tâm tới các hoạt động của doanh nghiệp, ông thực sự không hài lòng về kết quả của Nghệ An mà Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam VCCI và USAID vừa công bố!



Biểu đồ chỉ xếp hạng PCI năm 2011


Báo cáo PCI thường niên lần thứ bảy, được tổng kết từ kết quả khảo sát trực tiếp 6.922 doanh nghiệp trong nước về chất lượng điều hành kinh tế và môi trường kinh doanh tại 63 tỉnh, thành phố tại Việt Nam năm 2011. Trong 6 tỉnh thuộc Bắc Trung bộ có điều kiện tự nhiên tương đồng thì riêng Quảng Bình xếp thứ 37 thuộc tốp khá, còn lại được đánh giá là tốt. Đó là Hà Tĩnh xếp thứ 7 bảng xếp hạng, Quảng Trị thứ 13, Thừa Thiên Huế 22, Thanh Hóa 24. Đáng nói, Hà Tĩnh đã “lội ngược dòng” vươn lên tốp 10 tỉnh dẫn đầu, khi đã cải thiện đáng kể môi trường kinh doanh, thông qua việc ban hành chính sách của tỉnh về cải thiện chỉ số PCI và thành lập các tổ công tác tập trung vào các lĩnh vực làm tăng điểm PCI.

Trong khi đó, tại Nghệ An, trong số 9 chỉ số, ngoài chỉ số tính minh bạch và tiếp cận thông tin cơ bản không có sự thay đổi, thì 8 chỉ số còn lại có 5 chỉ số tăng điểm nhưng cũng có 3 chỉ số giảm điểm khá mạnh so với năm 2010. Trong khi Chỉ số gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai và tính ổn định, tính năng động và tiên phong của lãnh đạo tỉnh, chi phí thời gian và thiết chế pháp lý có sự cải thiện đáng kể (đặc biệt là gia nhập thị trường, đạt điểm số 8.70) thì các chỉ số về dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, đào tạo lao động, và chi phí không chính thức bị đánh giá thấp so với năm 2010.

Đặc biệt, chi phí không chính thức vẫn đang là yếu điểm đối với Nghệ An. Chỉ số này không những được cải thiện mà thậm chí còn bị đánh giá kém hơn so với năm 2010, điều đó có nghĩa là “bệnh lý” về các khoản chi phí không chính thức mà doanh nghiệp phải trả và các trở ngại do những chi phí không chính thức này gây ra đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, việc trả những khoản chi phí không chính thức để đem lại kết quả hay “dịch vụ” như mong đợi và các cán bộ Nhà nước sử dụng các quy định của địa phương để trục lợi vẫn không “thuyên giảm”.


Một khi vẫn còn những nhũng nhiễu của cán bộ công quyền, vẫn còn những khoản “lót tay” khi giải quyết những thủ tục cho doanh nghiệp, vẫn còn phí “bôi trơn” khi hoàn thành các hợp đồng, thỏa thuận..., thì Nghệ An vẫn khó có sự đột phá trong bảng xếp hạng PCI mà thực chất là cải thiện bức tranh về môi trường kinh doanh để hút vốn đầu tư, phát triển kinh tế. Bắt đúng “bệnh” để có kê “toa” chữa trị kịp thời, thiết nghĩ là việc làm cần thiết khi tỉnh đang có thiện chí nâng vị trí xếp hạng!.


Thu Huyền

Mới nhất

x
Nâng hạng và vấn đề chi phí không chính thức
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO